Trang chủ Bài nổi bật Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN khảo sát kiến trúc các ngôi chùa...

Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN khảo sát kiến trúc các ngôi chùa tiêu biểu tỉnh Hải Dương

274

Theo lịch trình chuỗi nghiên cứu thực địa  “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng” một trong  4 đề án Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc và Di sản, ngày 19/12 (ngày 25/11 năm Nhâm Dần), Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục khảo sát  các ngôi chùa tiêu biểu ở tỉnh Hải Dương.

Theo đó, đoàn Ban Văn hóa Trung ương kết hợp với BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương  tiến hành khảo sát 6 ngôi chùa cổ  tiêu biểu thuộc vùng đất của xứ Đông xưa – nay thuộc địa danh tỉnh Hải Dương: chùa Giám, chùa Đông Ngọ, chùa Phong Hanh, chùa Thanh Mai, chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai, chùa Trăm gian.

Tại chùa Giám, TT Thích Thanh Lương bày tỏ mong muốn, Các cơ quan chức năng tạo điều kiện để giúp tôn tạo, trùng tu Khu di tích chùa Giám xứng tầm Di tích đặc biệt của quốc gia để địa danh lịch sử này phát triển đúng tầm vóc thời đại. Đó cũng là sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay và mai sau đối với đại danh y Thiền Sư Tuệ Tĩnh ….

Được biết,  ngày 20/12 (nhằm ngày 27/11), Ban Văn hóa Trung Ương GHPGVN tiếp tục khảo sát  tại Hải Phòng tại các ngôi chùa Tiêu biểu : Nam Hải, Chùa Dư Hàng, chùa Tháp Tường Long, chùa Long Hoa, chùa Trấn Dương, chùa Thiên Hương.

_______________________________________________________________________

Thông tin sơ nét về các ngôi chùa tiêu biểu tỉnh Hải Dương

 

* Chùa Giám (Nghiêm Quang tự)

Chùa thuộc xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng – là ngôi cổ tự gắn với thân thế đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, là công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia ngày 13/3/1974. Căn cứ vào tài liệu lịch sử và bộ dã sử của Ngô Vi Liễn thì chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đến thế kỷ XIV, Thiền sư Tuệ Tĩnh hưng công trùng tu. Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, chùa dựng xây theo kiểu nội công ngoại quốc kiến trúc thời Lê. Đây là chốn danh lam cổ tích của vùng đất bên hữu ngạn sông Thái Bình.

Cùng với các hiện vật kiến trúc còn lưu giữ, thì toà “Cửu Phẩm Liên Hoa” có vị trí đặc biệt của chùa Giám, là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo còn giữ nguyên nét tinh tế, phong cách riêng, là bước phát triển trong nghệ thuật điêu khắc gỗ thời kỳ đó. Toà Cửu Phẩm Liên Hoa được công nhận là bảo vật quốc gia. Năm 2017, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định công nhận chùa Giám là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

* Chùa Động Ngọ (còn có tên gọi là chùa Linh Ứng, chùa Cửu Phẩm)

Chùa thuộc thôn Cập Nhất, xã Tiên Tiến, huyện Thanh Hà. Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ X (triều Đinh), rồi thời Tiền Lê, đến Lý triều, Trần triều – vùng đất thời đó đã là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, nổi bật là dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngôi chùa xuống cấp, phải tu sửa lớn vào triều Mạc. Đến thế kỷ XVIII, Hoà thượng Chân Nguyên – Tăng cương trụ trì đã cho xây chùa khang trang, quy mô lớn, có toà cửu phẩm liên hoa và nhiều công trình phục vụ tôn giáo tồn tại đến cuối Triều Nguyễn.

Hòa thượng viện chủ Thích Thanh Đạt đã dành tâm huyết dựng xây ngôi chùa trở thành chốn già lam có tính văn hoá tâm linh và nghệ thuật cao.

Tương lai, chùa Động Ngọ sẽ là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của địa phương và của Phật giáo.

* Chùa Thanh Mai

Chùa do Thiền Sư Pháp Loa – Đệ nhị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử sáng lập. Ngôi cổ tự này được xây dựng năm 1329 trên sườn núi Thanh Mai ở độ cao khoảng 200 mét (còn gọi là núi Tam Ban – ba cấp núi nối liền nhau của ba tỉnh Bắc Giang – Hải Dương – Quảng Ninh thuộc vòng cung Đông Triều).

Chùa được xây dựng ở thời Trần, là một trong số ít đại danh lam thời đó. Thiền sư Pháp Loa (1284-1330) và người kế nhiệm là Thiền Sư Huyền Quang – Vị Tam Tổ Trúc lâm cũng đã mở mang hai khu chùa: Báo Ân (phủ Siêu Loại, nay là xã Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội) và chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh); Ngài còn dựng các am: Hồ Thiên, Chân Lạc, Yên Mã, Vĩnh Khiêm… trở thành một Trung tâm Thiền phái Trúc lâm ở xứ Đông và đồng bằng Bắc bộ.

* Chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn còn có tên gọi khác là Thiên Tư Phúc tự, tọa lạc ở núi Côn Sơn thuộc huyện Chí Linh.

Ngôi chùa là một trong ba trung tâm lớn thuộc thiền phái Trúc Lâm trước đây.

Chùa đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng năm 1994 và là một trong những di tích đặc biệt thuộc cụm di tích núi Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Chùa do sư Pháp Loa xây dựng từ năm Hưng Long thứ 12, tức năm 1304; đến năm Khai Hựu (1329) được mở rộng thành Côn Sơn Thiền Tự, do sư Huyền Quang làm trụ trì. Chùa được trùng tu mở rộng vào thời nhà Lê, có 83 gian, bao gồm nhiều công trình: Tam quan, lầu trống, điện, tả…

Theo Ban trị sự tỉnh cho biết, “Chùa được tu bổ trang nghiêm, trong đó có tòa Liên Hoa phía sau đã được khôi phục trên nền cổ đã khai quật. Chùa Côn Sơn cho đến bây giờ và mai sau vẫn in đậm nội lực chốn Tổ uy đức trang nghiêm, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử…”

 * Chùa Trăm Gian

Chùa tên tự là Vĩnh Khánh, còn được gọi là chùa An Ninh.

Sở dĩ có nhiều tên là vì mỗi người gọi theo một cách nhìn nhận khác nhau, gọi chùa Trăm Gian là vì quy mô kiến trúc chùa có cả trăm gian, còn gọi Chùa An Ninh là tên thường gọi theo tên làng.

Chùa tọa lạc tại thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đây là ngôi cổ tự linh thiêng ở xứ Đông, hiện do Đại đức Thích Tục Phong kế đăng trụ trì.

Năm 1691, được vua Lê Huy Tông cấp tiền xây dựng với quy mô 100 gian, sau này vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chùa được trùng tu nhiều lần. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, hiện nay, chùa chỉ còn lại khoảng 85 gian với các hạn mục lớn như tam quan, 7 gian tiền đường, 3 gian Tam Bảo, nhà Tứ Ân, nhà Tổ, nhà Cung, vườn Tháp, lầu thuỷ đình.

Trong thời gian chùa sẽ tiếp tục được trùng tu để khôi phục nguyên trạng trước kia. Các đời kế tục truyền đăng vẫn ra sức giữ gìn bảo vệ chốn linh thiên này để truyền lưu hậu thế, làm nơi sinh hoạt tâm linh, gởi gắm tâm tư nguyện vọng của bao thế hệ người dân làng nơi này nói riêng và con dân Đại Việt nói chung. Với những giá trị không thể thay thế đó chùa đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990.

BAN VĂN HÓA T.Ư