Trang chủ Tin tức Bến Tre :TT. Chân Quang giảng Pháp tại chùa Hội Tôn

Bến Tre :TT. Chân Quang giảng Pháp tại chùa Hội Tôn

98

Chư tôn đức Tăng Ni các vùng lân cận cũng đến tham dự. Về phía chính quyền có sự hiện diện của ông Cao Tôn Bảo – đại diện UBND xã Quới Sơn.

Được biết, chùa Hội Tôn là ngôi chùa cổ, chùa thành lập năm 1740. Hiện tại, ĐĐ. Thích Minh Hải – Ủy viên Ban Hướng Dẫn Phật tử tỉnh Bến Tre đương nhiệm Trụ trì. Đến thời điểm của ĐĐ. Thích Minh Hải là đã trãi qua 18 đời Trụ trì. Năm 2009, Đại đức khởi công trùng tu chùa, tính đến nay hơn 2 năm, công trình xây dựng mới hoàn thành ngôi Chánh điện, nhà Tổ, nhà ăn. Các hạng mục phụ còn đang tiếp tục xây dựng.

Về mặt kiến trúc, ngôi Chánh điện chùa Hội Tôn xây trên một tòa sen với diện tích 700m2, dưới chân có cái hồ chứa nước mang tên là THIÊN PHÚC, dùng thả hoa đăng mỗi dịp lễ lớn. Nhà Tổ cũng đặt trên bông sen, nối liền với Chánh điện bằng cây cầu có tên là cầu Phật Tổ. Cây cầu này cũng gắn kết 7 đóa hoa sen. Ngoài ra còn 9 trụ cột được trang trí hình rồng bao quanh, trên mỗi trụ đặt một vị Bồ tát đứng phía trên. Riêng Chánh điện có đặt tượng mười vị đại đệ tử của Đức Phật thật trang nghiêm.

Nói chung, đây là ngôi chùa về mặt mỹ thuật khá thu hút và có được thành quả đó là xuất phát từ tấm lòng, sự nhiệt tâm, ý chí của vị Thầy Trụ trì trẻ muốn xiển dương Phật pháp nơi vùng quê hẻo lánh.

Trên tinh thần đó, trong không khí tưng bừng mừng lễ Phật đản, Đại đức đã thỉnh cầu TT. Chân Quang về quê viếng chùa và giúp cho Phật tử có thêm niềm vui tu học trong chánh pháp. Và đề tài Thượng tọa Chân Quang nói chuyện hôm nay là THƯỜNG BẤT KHINH để người nghe hiểu và ứng dụng được trong cuộc sống của mình về cái hạnh kính trọng mọi người để làm cái nhân thành Phật như Ngài Thường Bất Khinh.

Đồng thời qua cái hạnh của Ngài Thường Bất Khinh, Thượng tọa muốn nhắc nhỡ cho người tu chiếc chìa khóa để đắc đạo, chìa khóa để Phật pháp được hưng thịnh mai sau, chìa khóa để xây dựng một đất nước hùng mạnh, giàu có, thịnh vượng trong tương lai và cũng nói đến bức tranh, bản chất của một xã hội hạnh phúc trong đó NGƯỜI BIẾT KÍNH TRỌNG NGƯỜI. Đặc biệt Thượng tọa muốn nhắc nhỡ Phật tử bổn phận dạy cho trẻ biết kính trọng tất cả mọi người để tương lai của trẻ được thành công hơn.

Mở đầu đề tài, Thượng tọa giới thiệu về Bồ tát Thường Bất Khinh, tiếp theo là phân tích, mổ xẽ vấn đề tại sao Ngài thốt lên câu nói đó nhằm tạo niềm tin thật sự cho mọi người sẽ tu theo hạnh của Ngài.
Để lý giải sự nhiệt tình và câu nói kỳ lạ của Ngài. Thượng tọa dẫn chứng bằng các ví dụ trong đời thường tuy mang tính trừu tượng nhưng thật dễ hiểu, người nghe chấp nhận được và có con đường để thực hành. Đây là mấu chốt thành công của TT. Chân Quang khi nói Pháp, tức là gợi mở con đường khiến người nghe thực hành được và họ thật sự được lợi ích.
Nói về công hạnh của Ngài Thường Bất khinh, Thượng tọa phân tích sự khác nhau giữa người chứng ngộ và người chưa đạt được sự chứng ngộ. Nhờ vậy mọi người đã hiểu tại sao Ngài Thường Bất Khinh cả một đời nhiệt tình kỳ lạ, gặp ai Ngài cũng gieo rắc cái niềm tin cao thượng “Mọi người cũng sẽ thành Phật”. Cũng bởi, Ngài thấy rõ nơi ngài có con đường để đắc đạo, để thành Phật và Ngài nhìn thấy chúng sinh ai cũng như vậy nên khởi lòng kính trọng mọi người. Đó là cái đạo đức của bậc Thánh ở Sơ quả Tu Đà Hoàn. Chính cái lòng kính trọng này đã nuôi dưỡng mãi, đưa đẩy mãi cho đến cái ngày Ngài chứng được đạo quả viên mãn là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Thượng tọa đúc kết: Ta thấy từ nơi cái ngộ đạo mà Ngài phát sinh cái đạo đức kính trọng mọi người. Bây giờ ta chưa ngộ đạo như Ngài nhưng ta khôn ngoan bắt chước cái hạnh của Ngài là “KÍNH TRỌNG TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. Đó là ta đã gieo cái nhân làm Thánh. Tuy nhiên để tu cái hạnh PHỔ KỈNH ta phải tìm được lý do vì đó để ta kính trọng mọi người. Ta chưa có trí tuệ như bậc Thánh Thường Bất Khinh nhưng từ bây giờ ta phải mở trí tuệ cho mình để nhìn mọi người thấy có điểm nào đó đáng quý, đáng tôn trọng. Đây là con đường để làm Phật nếu ta quyết tu mà đó là con đường được cái phước vô lượng ở cõi người, cõi trời nếu ta chưa đắc đạo.
Thượng tọa liên hệ đến việc giáo dục lớp trẻ, chỉ điểm chìa khóa để cha mẹ dạy con thành người, đó là SỰ KÍNH TRỌNG. Thượng tọa nhắc nhở: khi chính ta tu cái hạnh kính trọng sẽ thành công, ta có phước ở đời này và những đời sau thì con cháu ta cũng vậy, muốn con mình lớn lên thành công thì từ lúc nhỏ hãy dạy các em làm sao biết kính trọng mọi người cả trước mặt và sau lưng. Ta phải kiểm soát, dạy dỗ điều này cho con cháu mình.
 
Thượng tọa phân tích vì sao hiện nay nền kinh tế nước Mỹ, các nước Châu âu bị sụp đỗ và kéo theo cả thế giới trong đó có nước Việt Nam ta. Và liệu Việt Nam có thể  thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng của Âu mỹ đó hay không là do Nhà nước. Nếu Nhà nước ta có chính sách giáo dục triệt để từ nhà trường cho tới gia đình là buộc trẻ không được HỔN LÁO – BẤT KÍNH với cha mẹ thì Nước ta sẽ thoát khỏi quỷ đạo của Âu châu và Mỹ châu.
 
Ta sẽ đứng lên xây dựng được đất nước mình hùng mạnh. Còn các nước Âu châu và Mỹ châu nếu không kịp thời chấn chỉnh cái văn hóa, tập quán, đạo đức của họ, cứ để cho trẻ em nói kiểu sốc óc đối với cha mẹ thì cứ tin rằng sau này Âu châu và Mỹ châu sẽ suy tàn, nghèo đói. Đó  là con đường trước mắt và là điều chắc chắn theo luật nhân quả. Hiện nay, họ đã trả quả rồi mà không biết tại sao mình sụp đỗ tài chánh? Chỉ vì luật pháp của họ bảo kê cho trẻ em (cho phép trẻ em hỗn láo với cha mẹ).
Sự hưng thịnh hay suy tàn của đất nước ta nó lệ thuộc vào đạo đức lớp trẻ từ bây giờ, đó là “Làm sao dạy trẻ kính trọng được tất cả mọi người”. Chìa khóa xây dựng đất nước ta trong tương lai là đây.
Phật pháp cũng vậy, Phật pháp hưng thịnh khi có nhiều người tu hành đắc đạo. Nhưng làm sao để trong đạo Phật được đông người tu chứng? đó là, tu cái hạnh Thường Bất Khinh. Khi những vị xuất gia từ thưở ban đầu đã biết kính trọng mọi người, biết khiêm hạ, thúc liễm giới hạnh, giũ gìn bản ngã của mình thì đó là những người sẽ đắc đạo trong tương lai. Ngược lại người đến với đạo mà kiêu mạn, khinh người thì sẽ không đắc đạo nữa.
 
Ta cũng mong mỏi cái hạnh phúc cho toàn xã hội. Khi nào một xã hội được hạnh phúc? Khi NGƯỜI BIẾT KÍNH TRỌNG NGƯỜI thì đó là một xã hội hạnh phúc chứ không phải giàu vật chất mà có được hạnh phúc.
Buổi nói chuyện đến đây kết thúc trong khung cảnh trang nghiêm, đầm ấm của những người con Phật, đang hướng về ngày Đản sinh của Đức Từ phụ với niềm kính tin và an lạc.