Trang chủ Tin tức BP. TT Chân Quang giảng tại chùa Chưởng Phước

BP. TT Chân Quang giảng tại chùa Chưởng Phước

77

Đến tham dự buổi nói chuyện của TT. Chân Quang còn có chính quyền địa phương.

Bình Phước là một tỉnh Phật giáo chưa phát triển nhiều. Hiện nay, trên toàn tỉnh có rất ít Tăng Ni cũng như cơ sở Tự viện. Đặc biệt nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên số người hiểu đạo chưa nhiều. Trước thực trạng như vậy, Đại đức Chơn Lý lo lắng, luôn tâm nguyện làm thế nào để Phật PG nơi đây được phát triển? Thế là Đại đức hay thỉnh cầu các vị Tôn túc về tỉnh nhà để thuyết Pháp gieo duyên cũng như tổ chức khóa tu Bát Quan Trai với ý nghĩa vừa độ sinh, vừa xiển dương chánh Pháp và buổi thuyết Pháp hôm nay cũng trên tinh thần như vậy.
 
Để tăng phần ấm áp và đạo vị, trước khi bắt đầu buổi thuyết Pháp, các ca sĩ nghiệp dư đã góp vui với phần trình diễn của mình qua những ca khúc do TT. Chân Quang sáng tác
 
Đúng 9 giờ, Ban nghi lễ cung thỉnh TT.Chân Quang quan lâm Pháp tòa. Sau phần nghi thức, Thượng tọa bắt đầu bài nói chuyện chủ đề MÁI CHÙA YÊU THƯƠNG. Sự hiện diện của Thượng tọa dường như bao trùm cả hội chúng. Thính chúng dành cho Người sự kính trọng vô ngần
 
Vào đề, vì buổi nói chuyện hôm nay trùng hợp với ngày lễ 1/05, nhân đây Thượng tọa nói một chút về cảm xúc của mình đối với sự kiện lịch sử của ngày 30/04. Sau đó, Thượng tọa mở rộng bài nói chuyện qua những khía cạnh “Vai trò của Nhà nước lãnh đạo như thế nào là thành công; muốn Phật giáo phát triển thì từng chùa phải thật sự là điểm đến tâm linh tu học trong lòng mọi người; đề cao vai trò của người trụ trì; nhắc nhở vai trò của người Phật tử trong việc xây dựng chùa”.
 
Thượng tọa giải thích: Chùa là tổ ấm, là mái nhà, là quê hương tâm linh của ta. Có một nơi cũng là tổ ấm, cũng là mái nhà, cũng là quê hương nhưng ít ai muốn đến đó là UBND xã, bởi vì người dân không nhận được tình yêu thương mà chỉ nhận sự cư xử theo nguyên tắc của luật pháp, rất khô khan, lạnh lùng, ít có tình yêu thương nên ta không thích tới. “Con người ai cũng cần được yêu thương”, đến ngày nào Cán bộ cấp xã hiểu rằng: khi tiếp xúc với dân, mình mang trên vai trách nhiệm của cả một Chính phủ (1 người đại diện cho cả Chính phủ), khi hiểu như vậy họ mới làm Cán bộ xã tốt. Qua đây, Thượng tọa muốn nhắn nhủ Nhà nước có hướng xây dựng mỗi Ủy ban là mỗi mái nhà của dân là nhà Nước thành công.
 
Cũng vậy, muốn Phật giáo hưng thịnh thì từng chùa phải tập hợp được nhiều quần chúng phật tử về chùa tu học. Mà muốn chùa hưng thịnh, sung túc thì trách nhiệm đầu tiên là Thầy Trụ trì.
 
Thầy Trụ trì phải sáng ngời đạo hạnh để Phật tử có tín tâm và Thầy cần có ý niệm mong Phật tử đến chùa đông. Đây là thử thách đối với Giáo hội “Làm sao cho số đông các Thầy Trụ trì được sáng ngời đạo hạnh”. Thượng tọa kêu gọi sự nỗ lực của các bậc Tôn túc đi trước, sự nỗ lực của Giáo hội và các trường Phật học bằng tấm lòng thiết tha của mình “Các bậc Tôn túc đi trước phải dạy đệ tử mình như thế nào, Giáo hội, các trường Phật học phải dạy cho Tăng Ni sinh như thế nào thì sau này mới có những lớp Tăng Ni sinh đi khắp nơi Trụ trì mà ai nấy cũng sáng ngời đạo hạnh để thu hút rất nhiều quần chúng tín đồ”.
 
Kế đến, bằng kinh nghiệm hoằng Pháp của mình, Thượng tọa muốn chia xẻ hết nên trình bày rất chi tiết về các kỷ năng của một người Trụ trì năng động và Phật tử phải biết các kỷ năng Hoằng Pháp như thế nào để phụ giúp Thầy mình độ sinh.
 
Thượng tọa nhấn mạnh, “Muốn chùa hưng thịnh, sung túc thì trách nhiệm đầu tiên là Thầy Trụ trì, kế đến là Phật tử. Vì vậy Phật tử phải nối tiếp hạnh nguyện của Thầy mình làm sao đưa nhiều người về chùa.
 
         Vai trò của Phật tử, đó là:
 
1/ Phật tử tiếp người đến chùa chu đáo để họ không bỏ chùa.
2/ Ta đi đến những gia đình gần chùa để đưa họ về chùa.
3/ Ta đi trên vạn nẽo đường đời, gặp bất cứ ai chưa biết đến Phật pháp thì giúp họ biết Phật pháp để đưa họ về chùa.
 
Và bài học đầu tiên khi người Phật tử đến chùa là “Vâng lời”. Thượng tọa nhắc nhở Phật tử phải nằm lòng tâm niệm này.
 
Đối với Thầy Trụ trì, khi Phật tử đến chùa đông, ta nên tổ chức thành đạo tràng tu học nghiêm túc, nề nếp, kỷ luật và phân thành 2 lớp: một lớp lớn tuổi đi sâu vào tâm linh, lớp trẻ tuổi hơn phải năng động, rèn luyện cực khổ để gánh vác cho cuộc đời (tức là vừa gánh vác cho đạo, vừa gánh vác cho đời).
 
Thượng tọa trích dẫn nhiều ví dụ và giảng giải một cách cặn kẽ, dễ hiểu. Ngoài ra, xen giữa buổi nói chuyện bằng những câu chuyện kể vừa mang tính giáo dục, vừa có tính hài làm các bạn trẻ có mặt đều rất thích thú lắng nghe.
chia sẻ những hiểu biết của mình về đạo Phật thích hợp với nhiều tầng lớp, nhiều tâm tình khác nhau trong đời sống xã hội. giúp càng nhiều người tin hiểu Phật pháp, tin hiểu nhân quả và thực hành thiền định. Luôn hướng con người đến chân – thiện – mĩ.