Trang chủ Tin tức BRVT: Gần 1 vạn người dự Phật đản tại chùa Phật Quang

BRVT: Gần 1 vạn người dự Phật đản tại chùa Phật Quang

133

Chương trình đại lễ Phật đản tại Thiền tôn Phật Quang diễn ra nhiều họat động rất ý nghĩa từ ngày 14 – 15/04 (al) bao gồm một chương trình mang tính truyền thống văn hoá đặc thù của Phật Giáo như: Tụng kinh cầu an, cầu siêu, lễ Phật, ngồi Thiền, lễ quy y, thuyết giảng, tọa đàm, văn nghệ…

Đúng 8h00 sáng ngày 14/04, tại Chánh điện, khóa lễ tụng kinh Cầu an diễn ra thật trang nghiêm với sự tham dự của đông đảo Phật tử. Tiếp theo là khóa lễ cầu siêu và nghi thức tác lễ Quy y cho hơn 300 người. Đặc biệt lễ Quy y lần này có vợ chồng anh hùng quân đội – Thiếu tướng Lê Mã Lương và vợ chồng ông Kim Quốc Hoa – TBT Báo Người Cao Tuổi. Sau khi chính thức trở thành Phật tử, anh hùng Lê Mã Lương có Pháp danh là nghiêm Phúc; chị Lê Thị Bích Đào pháp danh là Đoan Hạnh; anh Kim Quốc Hoa pháp danh là Nghiêm Văn, chị Chiến Pháp danh là Đoan Hóa.
 
Sau lễ Quy y, lúc 14h00 cùng ngày, tại lễ đài trước sân Chánh điện có chương trình tọa đàm chủ đề DÂN TỘC NGOAN CƯỜNG. Người dẫn chương trình là anh Kim Quốc Hoa và người tham gia tọa đàm là Thiếu tướng Lê Mã Lương.
 
Chứng minh và tham dự buổi tọa đàm có: HT Thích Giác Cầu; Chư tôn đức Tăng Ni các nơi về và hơn 6000 tham dự viên là Phật tử. Ngoài ra còn có đại diện Chính quyền MTTQVN địa phương, các nhà Văn, nhà Thơ, nhà Báo đồng tham dự.
 
Sau khi TT.Thích Chân Quang khai mạc giới thiệu về Thiếu tướng Lê Mã Lương – một “huyền thoại sống” của lịch sử nước nhà thì anh Kim Quốc Hoa đặt những câu hỏi xoay quanh về cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – Thiếu tướng Lê Mã Lương.
 
Qua những lời chia sẽ rất chân thành mà anh hùng Lê Mã Lương kể lại trong giờ phút này về thời thơ ấu, về những trận đánh, những chiến dịch đã tham gia… khiến hàng nghìn thính giả hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc ta, của quân đội ta và nhận định đây là một tấm gương vô cùng dũng cảm với lòng yêu nước, yêu quê hương sâu sắc trong những năm qua. Đã một thời, câu nói “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” của anh LML trở thành khẩu hiệu, thành lý tưởng sống của cả một thế hệ thanh niên. Chính vì thế anh được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lúc 21 tuổi, trở thành sĩ quan trung cấp lúc 22 tuổi, trở thành cán bộ trung đoàn năm 24 tuổi và năm 25 tuổi anh là một người anh hùng tham gia kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Lúc anh được phong anh hùng 21 tuổi thì trên mình anh đã có 27 vết thương, anh chỉ còn một mắt cho đến ngày nay nhưng tâm hồn và ánh mắt của anh vẫn sáng ngời.
 
Khi được hỏi: Là người từng tham gia hàng chục chiến dịch, hàng trăm trận đánh, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trận đánh nào để lại nhiều ấn tượng với anh nhất?.
 
– Lê Mã Lương không nhớ đã đánh bao nhiêu trận trong đời lính của mình, từ Ðường 9 – Nam Lào rồi Ðà Nẵng, Phan Thiết, Phan Rang, đến Xuân Lộc, Biên Hòa, Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh… nhưng ký ức những năm tháng trên chiến trường Ðường 9 – Khe Sanh của bốn mươi năm trước thì không thể nào quên được. Tháng 4/1975, thực hiện chỉ thị của cấp trên, chúng tôi bước vào trận đánh căn cứ Nước Trong.
 
Được biết, trong bốn mươi năm qua, tấm gương chiến đấu ngoan cường bất khuất của anh Lê Mã Lương đã được nhà văn, nhà thơ, sáng tác nên nhiều tác phẩm nổi tiếng trong đó có Bài Ca Ra Trận và nhiều bài ca khác. Trong bài thơ gửi miền Nam của Tố Hữu có câu: “Đẹp biết mấy bài ca ra trận – Mỗi chàng trai, một Lê Mã Lương”. Hoặc cuốn truyện "Khi có một mặt trời" của nhà văn Hồ Phương viết về Lê Mã Lương và bộ phim "Tiền Tuyến Gọi", nhân vật chính là người thương binh Lê Mã Lương.
 
Trong buổi tọa đàm, người dẫn chương trình cũng hỏi qua mối tình đậm chất thơ của anh hùng Lê Mã Lương và cô giáo Hà Nội Lê Thị Bích Đào.
 
Buổi nói chuyện kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, cùng với phần hỏi – đáp, còn có các tiết mục văn nghệ do ca sĩ Doãn Minh, Thu Trang biểu diễn làm không khí thêm vui tươi và sinh động.
 
Mặc dù nội dung hỏi đáp đầy tính lịch sử nhưng không khí buổi tọa đàm hết sức nhẹ nhàng, cảm động, thỉnh thoảng những tràng pháo tay vang lên. Tuy nhiên, nhân tố đóng góp tích cực vào sự thành công của buổi nói chuyện chính là những nhận xét đúng lúc, bổ sung giải thích thêm về nhân vật anh hùng Lê Mã Lương của anh Kim Quốc Hoa. 
 
Qua câu chuyện của anh hùng Lê Mã Lương, anh Kim Quốc Hoa nhận định: Ngày nay chúng ta có được cuộc sống an bình, được tự do tín ngưỡng, được sum hợp đầm ấm trong ngày lễ Phật đản như thế này chính là nhờ công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ, của quân đội và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
 
Chúng ta mãi mãi biết ơn sự cống hiến vĩ đại của những người con bất khuất đó mà anh hùng Lê Mã Lương là một biểu tượng. Từ đây, chúng ta hiểu vì sao một dân tộc nhỏ, một đất nước nhỏ, một quốc gia nghèo nhất thế giới lúc bấy giờ lại đánh bại một đế quốc giàu nhất thế giới, có quân đội mạnh nhất thế giới, bom đạn, máy bay tàu chiến khổng lồ nhất thế giới. Phải chăng đó là sức mạnh tinh thần, là ý chí kiên cường bất khuất của một dân tộc không cam chịu làm nô lệ, không chịu mất gốc.
 
Nhân dịp này, chúng ta gửi thông điệp đến nhân loại yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới rằng “Dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình, hoàn toàn không muốn chiến tranh nhưng chúng ta cũng luôn luôn cảnh giác sẳng sàng chiến đấu hy sinh, đập tan mọi âm mưu xâm lược để có được độc lập tự do, hòa bình hạnh phúc, có cơm ăn áo mặc, học hành để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, dân giàu nước mạnh, công bằng, xã hội văn minh. Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống nghìn năm văn hiến. Chúng ta cũng phản đối và chống lại mọi biểu hiện của chiến tranh nhất là việc khủng bố cực đoan, bạo loạn như vừa diễn ra ở một số quốc gia trên thế giới.
 
Trước khi kết thúc, TT. Chân Quang phát biểu trước thính chúng “Ngày nay đất nước được hòa bình độc lập, chúng ta đươc bình yên để tham dự đại lễ Phật đản như thế này. Có thể mọi người không hình dung hết được cái nổi khổ của chiến tranh, cái sự mất mác thiệt thòi trong chiến tranh của thế hệ đi trước ta.
 
Trong giây phút chúng ta hướng về Đức Phật, chúng ta cũng hoài niệm lại một chút tình tự dân tộc, tình yêu quê hương đất nước trong giai đoạn thăng trầm của Tổ quốc. Qua câu chuyện của anh hùng Lê Mã Lương để chúng ta hiểu hơn những điều gì, quý giá hơn những điều gì có được hôm nay”; đồng thời Thượng tọa gửi lời cám ơn đến Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử, các vị khách quý đã góp mặt cho sự thành công của buổi tọa đàm.
 
Đến 18giờ 30, BTC hướng dẫn cho toàn thể phật tử toạ Thiền 30 phút.
 
Tiếp theo là thời thuyết pháp của TT Thích Chân Quang về đề tài PHƯỚC BẤT KHẢ HƯỞNG TẬN. Theo Thượng tọa,nếu giải mã được câu nói này, chúng ta sẽ tránh nhiều lầm lỗi và trong cuộc đời của mình cũng như bước đường tu tập chắc hẳn sẽ đỡ chướng ngại hơn.
 
Bằng những ví dụ cụ thể, Thượng tọa nhận định “Phước là cái gì không biết mà nó tạo nên cuộc đời của ta”. Đó là lý do tại sao người này giàu, người kia nghèo, cũng bởi do người có phước nhiều hay phước ít mà thôi.
 
 Thượng tọa chỉ cái chìa khóa để biết phước ta còn đến đâu mà dừng lại không hưởng hết; đồng thời chỉ dấu hiệu khi nào phước ta còn nhiều, khi nào phước sắp hết để có cách giữ gìn và thoát ra thì đời ta được an ổn. (những dấu hiệu báo trong tâm linh của ta là khởi lên niềm tự hào. Ta được ưu điểm gì mà khởi tâm kiêu mạn, tự hào thì biết phước sắp hết).
 
Thượng tọa cũng giải thích khi nào mình hưởng quá cái phước của mình? Rồi trường hợp thế nào là ta cố tình hay vô tình hưởng quá cái phước của mình? Thượng tọa cũng đặt vấn đề “Cái gì tạo thành cái phước cho cả một dân tộc, một quốc gia”.
 
Tuy nhiên, ta không hưởng hết cái phước của mình nhưng cũng đừng sợ tổn phước khi mà trong đời đối xử qua lại với nhau bằng sự tử tế, đó là hạnh phúc. Chúng ta cẩn thận khi tiền bạc, danh dự, lời khen, quyền chức đến với mình, ta dùng những điều đó đề làm điều tốt, có lợi cho cuộc đời chứ không hưởng thụ riêng.
 
Khi làm được điều gì tốt nên hồi hướng tất cả về Vô thượng bồ đề vì ta biết rằng giỏi gì giỏi, phước gì phước rồi cũng phải luân hồi, thật đắng cay, mệt nhọc. Vì vậy nơi bến bờ yên ổn nhất cho ta dừng chân mãi mãi, chính là sự Giác ngộ giải thoát. Muốn như vậy ta phải dùng tất cả phước mình có vào tu tập tâm linh Thiền định mỗi ngày.
 
Qua bài học này Thượng tọa muốn nhắc nhỡ mọi người đừng bao giờ hưởng quá cái phước của mình, phải biết lui lại, biết khiêm tốn, lúc nào cũng thích phục vụ cho người thì như vậy ta giữ được cái phước mình lâu hơn.
 
Sau thời thuyết pháp là chương trình văn nghệ chào mừng ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL. 2555 với chủ đề “VUI HÁT BÊN NHAU” do các ca sĩ Thu Trang, Đại Dương, các ca sĩ nghiệp dư đến từ 16 đạo tràng trong hệ thống Tổng Đạo Tràng Phật Quang cùng với Đoàn Thanh Niên PQ miền Nam và Đoàn Thanh Niên PQ miền Bắc biểu diễn.
Nội dung sâu sắc, hình thức vui tươi phong phú, âm nhạc hoành tráng đã thu hút thính giả say sưa thưởng thức cho đến phút cuối cùng với một chương trình tổng hợp có cả đơn ca, hợp ca, múa, ảo thuật, biểu diễn võ thuật…
Bầu trời đêm nay thật sáng, vạn vật chuẩn bị đón ngày mới.
 
Một ngày thật ý nghĩa cách đây hơn 2500 năm và cả bây giờ cũng như mãi về sau.
 
Đúng 4h30 phút sáng hôm sau (15/04), toàn thể Phật tử ngồi Thiền, tập khí công, ăn sáng và chuẩn bị trang nghiêm đạo tràng để đúng 8h00 bắt đầu chính thức nghi lễ Phật đản.
 
Bước vào chương trình Đại lễ Phật đản, toàn thể Tăng Ni, Phật tử trang nghiêm lắng nghe TT.Thích Giác Minh đọc thông điệp của Đức Pháp Chủ gửi Tăng Ni, Phật tử nhân Đại lễ Phật đản. Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã kêu gọi Tăng Ni, Phật tử hiểu rõ bản chất của giáo lý Phật đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối liên hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường và Trái đất.
 
Tiếp theo là thời Pháp thoại, Thượng tọa Chân Quang nói về CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT. Phân tích về nhân cách, trí tuệ, sự vĩ đại của Phật khiến cho người nghe càng hiểu Phật chừng nào thì lòng yêu kính của họ đối với Người càng không có biên giới. Thượng tọa cho rằng ”Hạnh phúc thay! người nào có thể thắp lên trong trái tim mình một ngọn lửa kính yêu Đức Phật sáng chói, lớn lao và vĩnh viễn thì người đó không bao lâu sẽ bước vào dòng Thánh”. Kế đến, Thượng tọa giải thích vì sao Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày sinh của Đức Phật 15/4 (al) là ngày Văn hóa và Tôn giáo của thế giới? Và kết luận “May mắn thay chúng ta là người của chính Tôn giáo đó”.
 
Sau cùng là nghi thức tụng bài Sám Khánh Đản và nghi thức dâng hoa vừa xong là đã khép lại chương trình Đại lễ Phật đản. Sau khi mỗi người dâng một cành hoa lên cúng dường Đức Phật kèm với lời ước nguyện, ai nấy ra về đều hiện rõ nét hân hoan vui mừng, đạo tâm tăng trưởng. Một Phật tử mới quy y (anh Kim Quốc Hoa) nhận xét khi gửi tin nhắn cho Thượng tọa Chân Quang “Kính Thầy, thật là kỳ diệu về ngày Đại lễ Phật Đản tại Thiền tôn Phật Quang. Chùa chỉ có một tượng Phật, Phật tử cả Nước đổ về như ngày hội đền Hùng hay chùa Hương vậy. Điều đặc biệt là chùa không thờ cúng vàng mã, khách đủ các tầng lớp, lứa tuổi, thành phần nhưng ai ai cũng thể hiện rất văn hóa”.
 
Có thể chia sẽ, sự thành công của Thiền tôn Phật Quang về tổ chức LỄ HỘI, thu hút được Phật tử về chùa tham dự đông đảo là phụ thuộc vào các yếu tố: nhiều sinh hoạt phong phú, nghi thức hiện đại, văn nghệ vui tươi, âm nhạc hoành tráng, giao lưu nhân vật thú vị, thuyết giảng gần gủi dễ hiểu, Phật tử phục vụ lẫn nhau ân cần ấm áp, trật tự nề nếp. Chính vì vậy người ở lại nằm đầy tràn dưới đất ngủ qua đêm, sống nơi rừng núi thiếu thiện nghi mà Phật tử vẫn thích.
 
Mỗi kỳ lễ lớn là mọi người có dịp gặp nhau. Hơn 14 ngàn người về đây, cùng ăn, cùng uống, ở với nhau, sống trong không khí thiêng liêng đầy đạo vị như thế này, góp phần làm nên đại lễ Phật đản trang nghiêm long trọng. Đó là mọi người có cùng đạo tâm hướng về sự Giác ngộ giải thoát, mọi người cùng hiểu cả rừng NGƯỜI đây đều là con của Phật nên yêu thương nhau…
 
Dưới đây là hình ảnh được ghi nhận về Đại lễ Phật đản diễn ra tại Thiền Tôn Phật Quang: