Trang chủ Tin tức BTS THPG Hà Nội đỉnh lễ, chúc tết Đức Đệ tam Pháp...

BTS THPG Hà Nội đỉnh lễ, chúc tết Đức Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, Đại lão HT. Thích Thanh Bích – Dưới ánh Từ quang

326

Là ngày kỵ tổ nên Chư Tăng đến dự lễ đủ các thành phần. Đặc biệt hơn cả là có phái đoàn của chư tôn đức trong Thường trực Ban trị sự thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội do TT. Thích Bảo Nghiêm – Trưởng ban Trị sự đỉnh lễ trước Đức Pháp Chủ và tổ sư dâng lời tác bạch:

Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Kính bái bạch đức Đệ Tam Pháp chủ TW GHPGVN, hôm nay ngày huý nhật tổ sư tại trụ xứ đây, đồng thời nhân dịp năm Mậu Tý sắp qua, năm Kỷ Sửu sắp tới, theo phong tục cổ truyền dân tộc đón mừng xuân mới, Phật giáo đón mừng ngày đản sinh của Đức Từ Thị – Di  Lặc cho nên huynh đệ chúng con trong Ban trị sự thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội vân tập về chốn tổ đình Viên Minh đây trước nhất là đỉnh lễ lịch đại tổ sư, thứ đến là đỉnh lễ Đức Pháp Chủ.

Chư Tăng BTS THPT Hà Nội đỉnh lễ Đức Pháp chủ

Chúng con kỳ nguyện mười phương Tam Bảo minh huân gia hộ Đức Pháp chủ sang năm mới thân tâm an lạc, thiểu bệnh thiểu não, phúc trí trang nghiêm làm bóng cây đại thụ cho toàn tín đồ Phật giáo Việt Nam được nương tựa trong đó có Tăng ni Phật giáo Hà Nội chúng con.

TT. Thích Bảo Nghiêm – Trưởng ban Trị sự dâng lời tác bạch

Chúng con ngưỡng cầu trên Hoà thượng từ bi nạp thụ cho chúng con được trượng thừa công đức. Nhân dịp xuân mới, chúng con khánh chúc tổ đình quang minh sảng khải, Phật sự viên thành, kính bái bạch Đức Pháp Chủ từ bi nạp thụ chứng minh cho chúng con được trượng thừa công đức”.

Đáp từ của Đức Pháp chủ:

Vâng, chúng tôi cũng thấy trong Khoá Hư Lục của vua Trần Thái Tông có nói: Thời tiết có Xuân, Hạ, Thu, Đông, con người có Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Chính vì những lý do đó, cho nên rằng đức Bản sư ra đời, chư tổ thừa kế cũng đem tôn chỉ ấy khai ngộ cho hàng xuất gia, tại gia. Thế mới biết rằng thời gian chuyển đổi là như vậy tất nhiên con người cũng không tránh khỏi quy luật đó. Thế thì từ trước đến nay, cái định luật ấy vẫn cứ tiếp diễn.

Đức Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đáp từ

Trong Đạo Phật nói rằng: Nhân thân nan đắc- thân người ta khó được, khó bởi vì rằng còn phải luân hồi trong sáu đạo cho nên Phật tổ ra đời dậy chúng ta tu hành để ra khỏi sáu ngả ác đạo ấy.

Cụ tổ kỵ ngày hôm nay là tổ khai sáng ngôi già lam đây. Thời sinh tiền, Tổ cũng đã thừa kế, làm những công việc hoằng pháp ở chốn tổ Bồ Đề như viết kinh, viết sách cho thợ khắc ván in kinh. Năm 1900 Tổ về xây dựng đạo tràng này. Tổ đã để lại bút tích trong các bản kinh cổ, những hoành phi câu đối… đó là những di sản về đạo pháp còn lại.

Hôm nay là ngày kỷ niệm ngài Vãng sinh chúng tôi sửa sang ngọn đèn nén hương cúng tổ. Không quản thời tiết rét mướt, các vị lại về đây kỷ niệm ngày quá vãng của Người lại mừng tuổi tôi với cả tấm lòng tha thiết tôi rất cảm động.

Đối trước tổ sư xin các vị đỉnh lễ lịch đại tổ sư tác đại chứng minh. Tôi chúc quý vị tinh tiến tu hành trong sự nghiệp của mình, lãnh đạo và thực hiện tốt những nghị quyết của Giáo hội đã đề ra để Phật giáo ngày càng hưng thịnh, nhân dân tín ngưỡng được nương nhờ công đức. Nam mô a di đà Phật”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tổ Khai sáng ra chùa Ráng – Viên Minh tự là tổ Nguyên Uẩn, xuất gia tu học tại chốn tổ Đa Bảo. Từng viết chữ để khắc ván cho chốn tổ Bồ Đề (Gia Lâm-Hà Nội) in ấn. Năm 1900, đáp ứng lời thỉnh cầu của nhân dân 2 thôn Quang Lãng và Mai Xá, tổ về chọn đất và xây dựng chùa này.

Năm 1903 Tổ cho xây toà Tam Bảo, tạc tượng Phật, hoành phi, câu đối cửa võng. Những bức đại tự trong chùa có di bút của tổ để lại. Đặc biệt, những bức cửa võng là do tổ sáng chế theo lời kinh Hoa Nghiêm.

Tổ cùng với các pháp lữ: Nguyên Loan, Nguyên Mỹ… lập ra “Viên Minh Pháp Hội” để khai tràng thuyết pháp, an cư tập trung, khắc ván in kinh… những bản gỗ in kinh như: Đại thừa Khởi Tín, Trúc Song Tuỳ bút, Phật tổ Tam Kinh… vẫn còn lưu trữ tại chùa.

Câu đối sau trong nhà tổ đã nói lên phần nào ý trên:
Tâm dĩ truyền tâm, Đa Bảo chi châu quang lãng
Đức nhi báo đức, Bồ Đề chi thụ viên minh
”.

Tạm dịch:
Lấy tâm truyền tâm, viên ngọc ở Đa Bảo sáng mãi.
Lấy Đức báo đức, đại thụ ở Bồ Đề viên minh
”.

Đến đời đức Pháp chủ là thế hệ thứ 3 tại chốn tổ Viên Minh này. Quả đúng là viên ngọc ở Đa Bảo lại toả sáng.

Ngày kỵ tổ, Đức Pháp Chủ y phục trang nghiêm đối trước tổ đường làm lễ cúng tổ, những áng văn về hành trạng tổ được thể hiện rõ về công hạnh của ngài. Chúng tôi thấy Đức Pháp Chủ rơm rớm nước mắt khi đọc những áng văn này.

Sau lễ cúng tổ, Tăng chúng quây quần bên Đức Pháp Chủ dùng cơm chay thân mật. Trong ngôi nhà Tổ bằng gỗ lim 5 gian, thầy trò ngồi đàm đạo thật gần gũi mà ấm áp, mộc mạc mà thanh cao.

Không gian chùa mát mẻ tĩnh lặng bởi cây cối quanh vườn, thầy trò bịn rịn chia tay ra về trong niềm xúc cảm vô biên.

Phái đoàn tạ từ trụ xứ chùa Ráng để đến địa điểm thứ 2: Chùa Hội Xá, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội để đỉnh lễ chúc tết Hoà Thượng Thích Thanh Bích-cây đại thụ của Phật giáo Việt nam.

Chư Tăng viếng thăm Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bích

Vẫn dáng người quen thuộc ấy, chúng tôi vào đỉnh lễ vấn an sức khoẻ hoà thượng. Sang năm mới đại lão Hoà thượng Thích Thanh Bích đã bước sang tuổi 97 nhưng Hoà thượng vẫn toả sáng bằng những đức tính đáng kính.

Hoà Thượng Thích Thanh Bích hiện là thành viên Hội đồng Chứng minh TW GHPGVN. Đang làm Trưởng Ban trị sự tỉnh hội Phật giáo Hà Tây, khi hợp nhất Phật giáo thủ đô, thấy rằng cần trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo giáo hội, Hoà Thượng đã làm Chứng minh Ban trị sự thành hội Phật giáo Hà Nội.

Ai cũng cảm nhận ở Hoà thượng là đức khiêm hạ, vị tha. Khi xưng hô với chú tiểu hay Hoà Thượng, Ngài cũng xưng là “Con”, cả đời ăn chay trường, sống đạm bạc mà đức hạnh Ngài càng toả rạng gần xa.

TT. Thích Bảo Nghiêm vấn an Đại lão HT. Thích Thanh Bích

ĐĐ. Thích Tiến Đạt – Phó Ban Trị sự kiêm Chánh thư ký THPG Hà Nội vấn an Đại lão HT. Thích Thanh Bích

Được thân thừa nhị vị đại lão Hoà Thượng vào trời đông cuối năm giá rét này, chúng tôi như được tiếp thêm năng lượng tu hành từ “Thân giáo” của Hoà Thượng. Chúng tôi lại nhớ đến câu kinh pháp cú: “Hương của người Đức Hạnh, Ngược gió khắp tung bay”.

Bài: Di Sơn, ảnh Minh Tri