Trang chủ Blog chùa GS.Lê Mạnh Thát chia sẻ về Pháp môn Tịnh độ tại Chùa...

GS.Lê Mạnh Thát chia sẻ về Pháp môn Tịnh độ tại Chùa Vạn Đức

1963

Chiều ngày 21/06/2020 (nhằm ngày 01/05 Canh Tý), Đạo tràng Vạn Đức được cung đón sự hiện diện của Thầy Thích Trí Siêu – Giáo sư Lê Mạnh Thát – Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN thăm và gặp gỡ chia sẻ Phật pháp đến chư Tăng và Phật tử Tổ đình Vạn Đức.

Giáo sư, tiến sĩ, sử gia, thiền sư Lê Mạnh Thát là người được biết nhiều bởi những công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử Việt Nam. Một số các phát hiện mới của ông về lịch sử Việt Nam gây chấn động giới nghiên cứu sử. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận ông là “Người viết sách về văn học và lịch sử Phật giáo nhiều nhất Việt Nam”. Là một nhà tu hành xuất gia từ bé, nhưng ông vẫn để tóc.

Giáo sư là nhà khoa học có nhiều bằng tiến sĩ, thông thạo hơn 15 ngôn ngữ, không những vậy, ông còn tiên phong là một người Việt Nam “nguyên chất” với tất cả lòng tự trọng tự hào về dân tộc mình, thể hiện một cách lạ lùng ngoạn mục ở tất cả các công trình khoa học của ông. Giáo sư Lê Mạnh Thát đã thực hiện một loạt các công trình nghiên cứu đồ sộ về lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo, về văn học, triết học… Riêng các công trình lịch sử văn học của ông được tập hợp thành Tổng tập văn học Phật giáo khoảng 50 tập.

Tại buổi gặp gỡ, Giáo sư đã có những chia sẻ thiết thực về lịch sử, nguồn gốc và pháp hành đối với Pháp môn Tịnh độ. Giáo sư khẳng định Pháp môn Tịnh độ là pháp dễ hành, so với Thiền là một không hai, Ngài đã đưa ra những luận điểm lịch sử chứng minh rằng pháp môn Tịnh độ đã có mặt tại Việt Nam rất sớm, tư tưởng Tịnh độ xuất hiện ở Việt Nam có thể trước cả Trung Hoa (Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam), minh chứng rằng đây là một pháp môn truyền thừa và được bắt nguồn từ Ấn Độ. Qua lời chia sẻ về những nghiên cứu của Ngài càng làm thêm tăng trưởng lòng tin của Đại chúng đối với pháp môn niệm Phật, một pháp môn tu mà Sư Ông Vạn Đức đã một đời nghiêm mật hành trì và xiển dương.


theo BAN VĂN HÓA – THÔNG TIN CHÙA VẠN ĐỨC