Trang chủ Tin tức Chuyện chưa nhiều người biết về lễ hoàn táng vua Lê Dụ...

Chuyện chưa nhiều người biết về lễ hoàn táng vua Lê Dụ Tông

65

Lễ hoàn táng di hài vua Lê Dụ Tông do Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) long trọng tổ chức hôm qua, tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân.

Đúng 11h, lễ hoàn táng vua Lê kết thúc. Sau đó là lễ di rước linh vị vua Lê từ làng Bái Trạch về Thái Miếu nhà Lê (phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá) để làm lễ hoàn vị.

 

Đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về địa điểm hoàn táng.

Nghi thức hoàn táng một vị vua

Để có một buổi đưa rước long trọng thi hài vua từ Hà Nội về Thanh Hoá, ban tổ chức đã phải cầu kỳ thiết kế, bố trí từ những chi tiết nhỏ nhất. Xe chở linh vị và đồ tế (còn gọi là Long xa) có kiệu, hương án đề bày bài vị và đồ lễ. Trên xe còn có Minh tinh làm bằng vải lụa, bên thùng xe có 8 cờ phướn, phía trước có 2 lọng, phía sau có 2 tàn để che linh vị và đồ lễ. Xung quanh xe có trang trí vải vàng, vẽ hình rồng

Sau khi làm lễ tiễn tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đoàn gồm đại diện Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Thanh Hoá, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng họ Lê (Việt Nam) đã đi theo hướng đường Láng – Hoà Lạc – đường Hồ Chí Minh về Lam Kinh (huyện Thọ Xuân). Sau khi làm lễ cáo yết tại đây, đoàn đưa thi hài vua Lê về láng Bái Trạch để tổ chức lễ hoàn táng.

Đội hành lễ gồm 50 người do ông Lê Văn Tam, chủ tịch Hội đồng họ Lê (Việt Nam) làm chủ lễ. Toàn bộ 50 bộ trang phục áo lễ tang (áo the đen, quần trắng, quấn khăn sếp theo đúng truyền thống phong kiến) được nhà sư Thích Thiện Đức Lê Viết Chưng trụ trì chùa Linh Sơn Thượng (TX Sầm Sơn) cung tiến.

Theo ông Lê Xuân Kỳ, Phó chủ tịch Hội đồng họ Lê (Thanh Hoá), vua được mặc ba bộ quần áo bên trong, bên ngoài là ba bộ hoàng bào. Các bộ hoàng bào được nghệ nhân ở Thừa Thiên – Huế tỉ mẩn làm bằng tay trong thời gian dài.

Phát biểu tại buổi hoàn táng vua Lê Dụ Tông, ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL (Trưởng ban tổ chức) cho biết, trong suốt những năm lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, thi hài vua Lê Dụ Tông đã được bảo quản trong điều kiện tốt nhất. Đến nay đây vẫn là thi hài duy nhất của các bậc vua chúa phong kiến Việt Nam được phát lộ, góp phần giúp các nhà khoa học có thêm nhiều thông tin lịch sử về cách ướp xác, phong tục thời phong kiến…

 

Bà Kính thắp hương "hầu chuyện" vua Lê.

Tết chưa có nhà… vẫn vui

Hơn 1 tháng trước, sau rất nhiều cuộc bàn thảo, cuối cùng địa điểm phát lộ di hài vua trước đây được lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá phê duyệt. Hàng loạt các công việc gấp rút tiến hành để tổ chức lễ hoàn táng vua trước Tết Canh Dần 2010.

Phó chủ tịch UBND xã Xuân Giang Đỗ Viết Hùng cho biết, khi có quyết định hoàn táng tại làng Bái Trạch, các đơn vị chức năng được người dân địa phương hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện. 37 hộ dân sẵn sàng hiến đất, phá dỡ tường rào, nhà cửa, vườn tược để làm đường vào khu vực hoàn táng. Công việc quá gấp gáp, người dân trong xã Xuân Giang đã "xắn tay" giúp chính quyền phá dỡ nhà cửa, giải phóng mặt bằng. Chỉ trong một thời gian ngắn, 5 gia đình sống quanh khu vực huyệt mộ được di dời.

Các gia đình này sẽ được chính quyền địa phương bố trí đất và đền bù tiền để xây dựng nhà cách khu di tích không xa. Tuy nhiên, Tết cận kề nên chắc chắn họ chưa kịp có nhà để đón Xuân. Những gia đình không có chỗ ở nhờ được UBND xã Xuân Giang dựng những ngôi nhà tạm bằng bạt. Hàng loạt bất tiện trong sinh hoạt gia đình nảy sinh nhưng không ai ca thán. "Mấy hôm rồi trời mưa nước ngập chân giường. Giữa đêm tôi phải bế con sang nhà hàng xóm xin ngủ nhờ. Nhưng vợ chồng vẫn bảo nhau cố gắng vì lợi ích chung", anh Tuấn (một trong những người sẽ đón Tết… không nhà), nói.

Gia đình bà Đỗ Thị Nhuận (72 tuổi) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Bốn ngày trước khi diễn ra lễ hoàn táng, gia đình bà mới nhận "chỉ thị" di dời gấp để lấy không gian cho buổi lễ. Trâu bò, lợn gà phải kéo đi gửi hàng xóm; đàn chó đành sống tạm trong cùng ngôi nhà bạt để trông coi tài sản. "Hôm rồi mưa to, dột xuống ướt bao nhiêu đồ đạc trong nhà mà chưa biết khi nào nắng ráo lên mới hong khô được. Tết này, tuy không có nhà như các gia đình khác nhưng chúng tôi vẫn vui vì vua đã được đưa về. Ngày rằm, ngày lễ dân làng Bái Trạch sẽ tới thắp hương, cầu nguyện cho con cháu có sức khoẻ, học hành giỏi giang, làm ăn phát tài", bà Nhuận nói.

 

Cuốn sách kỷ lục

Theo nguyện vọng của Hội đồng họ Lê (Việt Nam), ông Lê Xuân Kỳ, Phó chủ tịch Hội đồng họ Lê (Thanh Hoá), kiêm Phó chủ tịch Hội sử học Thanh Hoá đã gấp rút hoàn thành cuốn sách Lê Dụ Tông hoà Hoàng Đế. Điều đặc biệt là cuốn sách được hoàn thành và phê duyệt, in ấn trong vòng chưa đầy 10 ngày. "Thông tin lịch sử về vua Lê Dụ Tông đã có tất cả trong đầu nên tôi cặm cụi viết một mạch là xong gần 100 trang", ông Kỳ nhớ lại. Theo ông Kỳ, cuốn sách sẽ đính chính những thông tin chưa chính xác bấy lâu nay về vua Lê.

"Hầu chuyện" vua Lê

Ông Trương Tấn Lưỡng (70 tuổi), người đã có mặt ngày đưa thi hài vua dời làng Bái Trạch (năm 1964) cho biết: nghi lễ đưa rước vua từ Hà Nội về Thanh Hoá có khác nhiều, nhưng vẫn linh thiêng như thuở nào.

Mảnh đất gia đình vợ chồng bà Đỗ Thị Kính (76 tuổi) sinh sống chính là nơi phát lộ di hài vua Lê Dụ Tông năm 1958. Sau khi thi hài vua được đưa ra Hà Nội lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, vợ chồng bà Kính vẫn thường xuyên hương khói tại khu vực phát lộ di hài mỗi ngày rằm, ngày lễ. Nhiều ngày trước khi diễn ra buổi lễ hoàn táng, bà Kính đã lập một bàn thờ cạnh nơi sẽ hành lễ để thắp hương "hầu chuyện vua", bày tỏ sự xúc động về ước mong bấy lâu nay của người dân làng Bái Trạch đã thành hiện thực.