Trang chủ Bài nổi bật Chuyện con của liệt sĩ đảo trưởng đảo Gạc Ma

Chuyện con của liệt sĩ đảo trưởng đảo Gạc Ma

166

Trong lễ tưởng niệm và cầu siêu cho 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân hy sinh anh dũng khi bảo vệ đảo Gạc Ma được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiến hành tại Chùa đảo Sinh Tồn ngày 28/6/2022, tôi được lãnh đạo đoàn công tác chỉ một sĩ quan hải quân trẻ đứng ở hàng đầu, ngay gần Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cho biết: Đó con một liệt sĩ Gạc Ma.

Những ngày sau đó trên con tàu Hải quân HQ571, tôi tiếp cận gần hơn thì được biết đó là thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân – Trợ lý tác chiến Vùng 4 Hải quân. Xuân là con của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong – một sĩ quan của Lữ đoàn 146 Hải quân đã được cơ cấu làm khung đảo trưởng đảo Gạc Ma và hy sinh cùng đồng đội khi chiến đấu anh dũng để bảo vệ chủ quyền của đất nước trong trận chiến không cân sức ngày 14/3/1988.

Trong một lần dự giao lưu trực tuyến tại báo Tiền Phong năm 2016, nhân kỷ niệm trận chiến Gạc Ma, cựu chiến binh Bùi Hữu Thảo – trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma đã nhắc đến tên thượng úy Phong khi kể lại câu chuyện vòng tròn bất tử: “Rạng sáng 14/3, một số chiến sĩ công binh rời tàu HQ 604, dùng thuyền nhỏ vào Gạc Ma để xem xét việc xây dựng trên đảo. Các anh đã đào một hố để dựng cột cờ, sau đó trở lại tàu. Khoảng 5 giờ sáng, anh Nguyễn Mậu Phong (trung đội trưởng), anh Trần Văn Phương (trung đội phó) lệnh cho tôi là tiểu đội trưởng cử thêm hai đồng chí nữa trong tiểu đội để cùng lên đảo kiểm tra và cắm cờ. Chúng tôi gồm 5 người xuống xuồng vào đảo”. Như vậy thượng úy Phong là chỉ huy của anh hùng Trần Văn Phương.

Xuân người dong dỏng cao, thư sinh, đeo kính trông như lính cậu, nhưng ấn tượng đó của tôi là nhầm vì Xuân mới được giao nhiệm vụ trợ lý tác chiến được ít lâu, còn trước đó anh là thuyền trưởng một tàu hải quân của Vùng 4. Anh kể mỗi lần tàu anh đi qua gần vùng biển Gạc Ma nơi bố anh và đồng đội hi sinh, anh lại cùng anh em tổ chức thả vòng hoa để tưởng niệm bố và các chú, các bác. Mà không chỉ tàu của Xuân, các tàu của ta đi ngang qua đó đều làm việc xúc động đó cả.

Xuân mở máy điện thoại cho tôi xem ảnh của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong. Đó là tấm ảnh đen trắng chụp khoảng đầu năm 1988, 2 tháng sau đó thì ông hy sinh. Ảnh chụp góc nghiêng nửa người một người đàn ông trẻ tuổi, đẹp trai, mặc thường phục, nét mặt cương nghị với những đường nét khá sắc, có thể đoán cũng cao dong dỏng như Xuân, con trai của ông. Tôi nhìn ảnh ông rồi lại nhìn Xuân và thầm nghĩ, ở nơi ấy, chắc liệt sĩ thượng úy Nguyễn Mậu Phong hài lòng với con trai Nguyễn Tiến Xuân, 35 tuổi, thiếu tá, trợ lý tác chiến Vùng 4 Hải quân Việt Nam.

Khi hy sinh, bố của Xuân, thượng úy Nguyễn Mậu Phong mới 29 tuổi. Còn Xuân lúc đó mới 3 tháng. Mẹ Xuân rất vất vả nuôi Xuân và con trai lớn ở quê huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Nhà nghèo nên từ lớp 8, Xuân phải đi làm thêm. Xuân nói từ bé hai anh em được nghe bà, mẹ và các dì kể nhiều chuyện về bố mình, về cuộc chiến đấu cuối cùng của ông và đồng đội. Nhưng chi tiết nhất, chính xác nhất câu chuyện về ông, anh biết được thông qua mạng Win Win Việt Nam.

Nguyễn Tiến Xuân cùng đồng đội thả hoa và lễ tưởng niệm cha mình cùng các bác các chú khi là thuyền trưởng một lần qua gần Gạc Ma. Ảnh do thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân cung cấp

Niềm tự hào về người cha khiến hai anh em Xuân đều tình nguyện gia nhập Hải quân. Anh của Xuân là Nguyễn Mậu Trường cũng là chiến sĩ Trường Sa, từng đóng quân ở đảo Nam Yết. Điều đặc biệt là trước khi hy sinh, bố của Trường và Xuân cũng từng đóng giữ đảo Nam Yết. Hiện anh Trường hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đã ra quân.

Còn Xuân thi vào Học viện Hải quân và cuộc đời anh cho đến nay vẫn gắn với vùng biển và quần đảo Trường Sa, nơi bố anh hòa vào nước biển và trở thành một phần của biển đảo quê hương. Xuân kể anh nung nấu tiếp bước của cha trở thành chiến sĩ Hải quân từ bé. Nhưng những người thân trong gia đình cũng có người lo lắng, khuyên ngăn vì nghĩ “bố của cháu đã hy sinh rồi, nay cháu cũng đi vào nơi sóng gió, hiểm nguy đó nhỡ có mệnh hệ gì”. Bởi vậy Xuân đã lẳng lặng nộp đơn thi vào Học viện Hải quân, gần như không cho ai biết.

Một điều linh ứng lạ kỳ khi các nhà sư làm lễ cầu siêu cho các liệt sĩ Gạc Ma trong chùa Sinh Tồn thì bên ngoài trời đổ mưa như trút nước. Khi lễ vừa xong thì cơn mưa cũng tạnh. Anh Nguyễn Văn Trường – Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường (đơn vị được cấp phép và phát tâm tôn tạo lại 9 ngôi chùa ở Trường Sa), phó trưởng đoàn công tác đi Trường Sa lần này cứ nức lên về điều kỳ lạ này, xuýt xoa tiếc là không có ai quay lại được cảnh cơn mưa linh nghiệm ấy.

Sau lễ, tôi nhìn thấy Xuân cùng Thượng toạ Thích Minh Quang – Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chánh Văn phòng 1 của Giáo hội đứng cạnh tấm bia trong chùa khắc tên 64 liệt sĩ Gạc Ma, trong đó dòng tên bố anh “Nguyễn Mậu Phong 1959 Quảng Bình” được khắc ở cột 2, dòng thứ 3. Hình ở các đảo, các ngôi chùa tôi đến ở Trường Sa đều có tấm bia khắc tên những người lính đó cả. Rồi Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu trụ trì hai ngôi chùa lớn là Bái Đính và Tam Chúc ra trò chuyện, động viên Xuân. Hòa thượng nói: Bố của cháu hy sinh nhưng đất nước và nhân dân sẽ mãi ghi nhớ công lao của ông và đồng đội. Cháu cố gắng noi gương và tiếp bước của cha mình. Rồi những người xung quanh đều bị bất ngờ khi ông tiếp: “Mọi người chứng kiến nhé, đây là cuộc gặp của hai con liệt sĩ. Chúng tôi đều là con liệt sĩ cả đấy. Bố tôi hy sinh trong chiến dịch ở Yên Mô, Ninh Bình trong kháng chiến chống Pháp”.

Liệt sĩ Thượng úy Nguyễn Mậu Phong

Tôi đứng ngắm hai con người một già một trẻ, một trong chiếc áo cà sa màu vàng nghệ sậm, một trong quân phục hải quân, đều có người cha là liệt sĩ và giờ đang ở đây, trên mảnh đất hải đảo tiền đồn của Tổ quốc ở Trường Sa này để làm những việc nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc, lòng thấy thật xúc động.

Trên tàu HQ 571 chở chúng tôi trong hải trình Trường Sa lần này, tôi tìm đến phòng của Xuân hỏi chuyện về cuộc sống, gia đình anh. Vợ Xuân làm việc tại Sở Giáo dục tỉnh Khánh Hòa, hai người đã có một con gái gần 2 tuổi và đang chuẩn bị đón cháu thứ hai. Anh đã làm được nhà (có một phần hỗ trợ của chính sách). Trong câu chuyện, tôi có hỏi anh về cảm xúc khi được dự lễ trang trọng cầu siêu cho bố mình và đồng đội do chính vị hòa thượng đạo cao đức trọng, đương kim Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì với sự tham gia của 40 nhà sư và nhiều đại biểu quan trọng cùng các cư sĩ, tín đồ khác, Xuân nói: “Rất xúc động anh ạ. Cảm thấy bố mình cùng các bác, các chú được siêu thoát, yên bình”.

Theo TIỀN PHONG