Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Đại Niệm Xứ (Quán sát thọ trong thọ, Phần 6)

Đại Niệm Xứ (Quán sát thọ trong thọ, Phần 6)

104

 

Quán sát thọ trong thọ 

Chúng ta có nhiều loại cảm thọ: Lac thọ, khổ thọ và vô ký thọ. Cảm thọ ở đây phải được hiểu là cảm thọ về tâm. Khi bạn đau và bạn cảm thấy đau, và tâm cảm thọ này, tiếng Pali gọi là vedana. Mỗi khi nói đến vedana, bạn phải hiểu đó là lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ.
 
Đức Phật dạy: Và này các tỳ khưu, thỳ khưu quán sát thọ trong thọ như thế nào? Ở đây này các tỳ khưu, khi có lạc thọ, tỳ khưu biết “Tôi có lạc thọ”. Khi có khổ thọ, tỳ khưu biết “Tôi có khổ thọ”. Khi có vô ký thọ (cảm thọ không khổ, không lạc), tỳ khưu biết “Tôi có vô ký thọ”. Khi có thế tục lạc thọ, tỳ khưu biết “Tôi có thế tục lạc thọ”. Khi có thế tục khổ thọ, tỳ khưu biết “Tôi có thế tục khổ thọ”.  Khi có phi thế tục lạc thọ, tỳ khưu biết “Tôi có phi thế tục lạc thọ”. Khi có phi thế tục khổ thọ, tỳ khưu biết “Tôi có phi thế tục khổ thọ”. Khi có thế tục vô ký thọ, tỳ khưu biết “Tôi có thế tục vô ký thọ”. Khi có phi thế tục vô ký thọ, tỳ khưu biết “Tôi có phi thế tục vô ký thọ”.
 
Bất kỳ cảm thọ nào khởi sanh, thiền sinh cũng đều phải ghi nhận và quán sát. Đó là lời dạy của Đức Phật về việc quán sát cảm thọ. Khi bạn có cảm giác đau nhức hay tê cứng trên cơ thể thì bạn phải chú tâm vào nơi có sự đau hay tê cứng này bằng cách niệm thầm : đau, đau, đau hay tê, tê, tê. Khi bạn có cảm giác tốt, cảm giác vui, bạn niệm: vui, vui, vui hay tốt, tốt, tốt. Thiền sinh khó biết được cảm thọ vô ký. 
 
Cảm thọ mà thiền sinh biết được khác với cảm thọ mà một người không hành thiền biết. Mặc dù khi có cảm thọ tốt thì bạn biết rằng bạn đang có cảm thọ tốt, và khi có cảm thọ xấu thì bạn biết rằng bạn đang có cảm thọ xấu. Nhưng như thế không hẳn là thiền Minh Sát. Thiền sinh hành thiền Minh Sát thấy hay quán sát cảm giác chỉ là cảm giác thôi, không phải cảm giác của một người, không phải cảm giác trường cửu bất biến. Giống như khi hành thiền quán sát sự đi, phải ghi nhận đi, đi, đi; ở đây khi có cảm giác, thiền sinh phải ghi nhận cảm giác, cảm giác, cảm giác. Sự hiểu biết của thiền sinh hoàn toàn khác biệt với sự hiểu biết của người không hành thiền. Tâm của người không hành thiền không thể tách rời khỏi khái niệm về một chúng sanh hay ý niệm về tự ngã; bởi vậy sự hiểu biết của họ không phải là thiền Minh Sát. Trong khi đó tâm của thiền sinh có thể thấy rằng chỉ có cảm giác mà thôi. Chỉ có cảm giác vui hay cảm giác không vui mà không có ai cảm giác cả. Không thể nói rằng cảm giác này là của ai hay của bất cứ chúng sanh nào. Thiền sinh cũng biết rằng cảm giác này không tồn tại lâu dài.
 
Khi bạn có cảm giác đau và ghi nhận đau, đau, đau thì bạn cần phải ghi nhận từ 10 đến 15 phút. Có thế thì bạn mới thấy rằng cái đau này không có gì hằng cửu. Không phải chỉ có một khối đau. Một cái đau này đến rồi đi; lại một cái đau khác đến rồi đi. Bạn thấy sự đau không phải là một cái gì liên tục mà sự đau biến đổi không ngừng. Khi bạn đã nhìn thủng sự liên tục, nghĩa là bạn thấy không gì có sự liên tục cả tức là bạn đã thấy đặc tính vô thường của sự vật. Sở dĩ bạn không thấy được sự vô thường vì ảo tưởng của sự liên tục đã che dấu đặc tánh vô thường. Khi bị ảo tưởng về sự liên tục chi phối thì bạn sẽ dính mắc vào quan niệm trường cửu và bền vững của sự vật, cho rằng sự vật trường cửu và vững bền. Khi ý niệm về sự liên tục loại bỏ thì bạn sẽ thấy rằng sự vật hiện ra rồi biến mất, sinh diệt không ngừng.
 
Bạn có lạc thọ dính liền với sự vật mà bạn gần gũi hay tiếp cận trong cuộc sống: hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, tư tưởng và những gì mà bạn nghĩ rằng chúng là sở hữu của bạn như vợ chồng, con cái… Lạc thọ tùy thuộc vào các sự vật thế tục nên được gọi là “thế tục lạc thọ”. Khi có loại lạc thọ này,bạn phải ý thức và ghi nhận: vui, vui,vui hay tốt, tốt, tốt.
 
Đôi khi bạn có khổ thọ: như bạn cảm thấy buồn, xuống tinh thần; khi bị mất mát, xa lìa những vật sở hữu hay đồ đạc có giá trị, bạn cảm thấy tiếc nuối, buồn bực hay nóng giận. Đó là những khổ thọ thuộc về thế tục.   Điều này cũng có thể xảy ra cho thiền sinh khi thiền nghĩ đến những gì không tốt đẹp đang xảy ra cho mình. Khi những cảm thọ như thế xảy ra, thiền sinh phải chánh niệm và ghi nhận: tiếc nuối, tiếc nuối, tiếc nuối hay buồn, buồn, buồn hoặc giận, giận, giận.
 
Vô ký thọ là cảm giác không vui, không khổ. Đôi khi đang hành thiền, thiền sinh tiếp xúc các đối tượng giác quan với tâm không vui, không khổ và cũng không thể vứt bỏ đối tượng đó. Đó là cảm thọ vô ký đi kèm với tham ái khởi sinh trong thiền sinh. Đó là cảm thọ vô ký đi kèm với tham ái khởi sinh trong thiền sinh. Cảm thọ như thế gọi là “thế tục vô ký thọ”  cũng còn gọi là tâm xả tùy thuộc vào sự vật thế tục, hay tâm xả đi kèm với si mê. Tiếng Pali gọi cảm thọ này là anaupekkha, có nghĩa là “bất tri xả” (xả do không biết)
 
Bạn cũng có thể có “phi thế tục lạc thọ, phi thế tục khổ thọ và phi thế tục vô ký thọ”. Đó là những cảm thọ khởi sinh trong lúc bạn đang hành thiền.
 
Thế nào là “phi thế tục lạc thọ”? Khi hành thiền, bạn có thể có tâm định tốt hay thấy được sự sanh diệt của sự vật, bạn bèn có cảm giác vui vẻ,thích thú. Bạn cảm thấy thật hạnh phúc đến nỗi bạn muốn đứng dậy nói cho mọi người biết rằng bạn có cảm giác thích thú như vậy. Bạn khó có thể chế ngự những cảm giác này. Cảm giác như vậy có thể đến với thiền sinh, đặc biệt là thiền sinh đạt đến tầng mức có thể thấy rõ rang sự sanh diệt của các hiện tượng. Thiền sinh không nên có các cảm thọ đi kèm với tham ái. Thiền sinh phải ý thức và chánh niệm trước cảm thọ này. Nếu dính mắc vào cảm thọ này thì thiền sinh sẽ đứng mãi ở đây mà không tiến bộ thêm được nữa.
 
Thế nào là “phi thế tục khổ thọ”? Đôi khi thiền sinh không thể hành thiền tốt đẹp theo ý muốn. Mặc dù đã cố gắng, nhưng tâm thiền sinh không thể nằm yên trên đề mục được. Lúc bấy giờ, thiền sinh cảm thấy chán nản hay thất vọng. Đó là khổ thọ phi thế tục. Đôi khi thiền sinh đạt tới một tầng thiền nào đó rồi lại rơi xuống nên có cảm giác buồn bã hay tiếc nuối. Khi có các cảm giác này, thiền sinh phải ghi nhận: buồn, buồn,buồn hay tiếc nuối, tiếc nuối, tiếc nuối và chế ngự nó.
 
Câu chuyện về trưởng lão rất thông thái kinh điển. Thầy dạy 18 nhóm học trò. Có đến 30.000 ngàn tỳ khưu thực hành theo lời dạy của trưởng lão mà đắc quả Alahán. Một trong những người học trò của thầy, một hôm, ôn lại những đặc tính quý báu của mình rồi nghĩ đến thầy và tìm hiểu xem thầy mình đã giác ngộ chưa. Thấy thầy vẫn còn là người thế tục nên người học trò đến gặp thầy để giúp đỡ. Thấy người học trò đến, vị thầy hỏi:
 
          Sư đến có việc gì? 
 
Người học trò đáp:
 
          Con muốn nghe thầy thuyết pháp.
          Thầy không có thì giờ, thầy rất bận.
          Con chỉ hỏi pháp khi thầy vào làng khất thực.
          Không, sẽ có nhiều người cùng đến hỏi thầy vào lúc ấy nên thầy không trả lời được đâu.
 
Người học trò tiếp tục xin thầy cho mình vào những giờ khác nhưng những lời đề nghị của trò đều bị thầy từ chối vì lý do bận việc, cuối cùng người học trò nói với thầy:
 
          Bạch thầy,bộ thầy không có một chút thì giờ dù chỉ vài phút thôi sao? Nếu thầy không có chút thì giờ nào thì có lẽ thầy cũng sẽ không có đủ thì giờ để chết nữa. Thầy luôn luôn bận rộn. Thầy chẳng khác nào chỗ tựa lưng của chiếc ghế. Thầy chỉ để cho người khác dựa lưng vào thầy mà thầy không dựa lưng được chính mình.
 
Nói xong, người học trò bỏ đi. Vị thầy cảm thấy tâm rung động và quyết định hành thiền. Thầy nghĩ rằng mình có thể trở thành một vị Alahán trong vài ba ngày. Nghĩ vậy, nhưng thầy không hề nói cho ai biết. Thế nhưng mấy ngày trôi qua, thầy vẫn chưa đạt đạo quả Alahán. Thầy để hết kỳ hạ để hành thiền, nhưng cho đến cuối hạ thầy vẫn chưa đạt được gì cả. Thầy cảm thấy buồn khổ nên thầy khóc mãi. Thầy tiếp tục hành thiền trong 29 năm nữa, nhưng đến cuối hạ thứ 30 thầy vẫn chưa thấy được chân lý. Thầy rất buồn khổ và khóc lớn. Lúc bấy giờ một vị địa tiên đến gần thầy rồi cũng khóc lớn. Thấy vị địa tiên khóc, thầy bèn hỏi:
 
          Ông là ai?
          Tôi là một địa tiên.
          Tại sao ông khóc?
          Thấy thầy khóc nên tôi nghĩ rằng chỉ cần khóc thôi thì tôi cũng đạt được một hoặc hai quả thánh.
 
Thầy tỳ khưu nghe thế buồn khổ hết sức và tự nhủ: “Bây giờ ngay cả địa tiên cũng chế diễu ta. Vậy thì ta không nên buồn khổ hay thất vọng quá!” Thế là vị trưởng lão vất bỏ mọi thất vọng, buồn rầu. Vị trưởng lão tích cực hành thiền với tâm thanh thản, thoải mái nên chẳng bao lâu sau đắc quả Alahán. Mặc dầu vị trưởng lão này thuộc lòng Tam Tạng kinh điển, nhưng thầy phải bỏ ra 30 năm để giác ngộ đạo quả Alahán. Sự thất vọng, buồn khổ của thầy là “phi thế tục khổ thọ”. Phi thế tục khổ thọ này phát sinh trong vị trưởng lão đang hành thiền nên là một trở ngại trong sự giác ngộ đạo quả của thầy.
 
Thế nào là “phi thế tục vô ký thọ”? Đó là vô ký thọ trong khi hành thiền, còn được gọi là “phi thế tục xả thọ”, xuất hiện khi thiền sinh đạt được các tuệ giác cao hơn trong thiền Minh Sát và có được cảm giác xả thọ. Lúc bấy giờ thiền sinh không cần phải nổ lực tinh tấn mà vẫn quán sát đề mục một cách tốt đẹp. Tinh tấn đến với thiền sinh một cách tự nhiên nên thiền sinh có cảm giác không vui, không khổ. Cảm giác này được gọi là “phi thế tục vô ký thọ” hay “phi thế tục xả thọ”. Khi “phi thế tục xả thọ” khởi sinh thì bạn phải chánh niệm và ghi nhận xả thọ, xả thọ, xả thọ. Bằng cách này, thiền sinh sẽ ý thức được sự sanh diệt của mọi cảm thọ phát sinh. Tiếp theo đó, thiền sinh sẽ đạt được các tuệ giác cao hơn cho đến khi hoàn toàn giác ngộ.
 
Thiền sinh phải cố gắng ghi nhận mọi cảm thọ. Khi thiền sinh ghi nhận các cảm thọ phát sinh, thiền sinh sẽ thấy được sự sinh diệt của các cảm thọ này. Thiền sinh cũng đồng thời thấy được rằng bởi vì có sự đau nên mới có sảm giác đau. Bởi vì có sự thích thú, thoải mái nên mới có cảm giác thích thú, thoải mái v.v… như thế là thiền sinh đã nhận thức được “sự sinh khởi của cảm giác”, “sự diệt tận của cảm giác” hay nhận thức được cả hai “sự sinh khởi của cảm giác”“sự diệt tận của cảm giác”. Thiền sinh có thể “quán sát bên trong” trên cảm thọ của chính mình và quán sát bên ngoài trên cảm thọ của người khác”. Đó là phương pháp chánh niệm các cảm thọ trong lúc đang hành thiền bằng nhiều cách ý thức và chánh niệm các cảm thọ. Một khi đã thấy được sự sanh diệt của các cảm thọ, thiền sinh sẽ không còn tham luyến, dính mắc vào các cảm thọ nữa. Khi không còn tham luyến, dính mắc ,thiền sinh sẽ giác ngộ chân lý.
 
Quán Sát Tâm Trong Tâm
 
Tâm mà chúng ta muốn nói đến đây là Tâm Vương, một phần của tâm. Theo lời dạy của Ðức Phật thì tâm có hai phần là tâm vương và tâm sở. "Tâm vương" nhận thức đối tượng, nó chỉ là một sự nhận thức đơn thuần. "Tâm sở" đã nhuộm màu tâm vương. Các tâm sở khởi sinh cùng lúc với tâm vương và làm biến đổi tâm vương. Tham là một tâm sở. Sân là một tâm sở. Si là một tâm sở. Tín là một tâm sở. Huệ là một tâm sở. Khi những tâm sở khởi sinh thì chúng đồng khởi sinh với một vài loại tâm vương nào đó. Mặc dầu tâm vương được nhấn mạnh trong chương này, nhưng ta không thể tách rời tâm vương và tâm sở được. Khi bạn quán sát tâm vương thì bạn cũng đồng thời quán sát tâm sở. Khi tâm bạn có sự nóng giận, bạn ghi nhận: "giận, giận giận" thì bạn đã quán sát tâm vương này. "Giận" có nghĩa là tâm bạn giận hay tôi có tâm vương đi kèm với giận. Bởi vậy khi bạn ghi nhận: "giận, giận giận" thì bạn đã thực hành quán sát tâm vương.
 
Những tâm vương khác cũng cần được ghi nhận nữa. Trong Kinh Ðại Niệm Xứ có nói đến nhiều loại tâm vương đi kèm với tham, không đi kèm với tham, đi kèm với sân, không đi kèm với sân, đi kèm với si, không đi kèm với si. 
 
— "Tâm co rút" là một loại tâm xuất hiện khi bạn bị dã dượi buồn ngủ chế ngự. Trong lúc hành thiền mà bạn bị buồn ngủ là lúc ấy tâm bạn bị co rút. 
 
— "Tâm tán loạn" liên quan đến một loại tâm khi bị bất an chi phối. "Tâm trở nên lớn" hay "tâm đại hành" có nghĩa là "tâm thiền". "Tâm không trở nên lớn" hay "tâm bất đại" là những tâm liên quan đến dục giới. 
 
"Tâm bị vượt trội" là tâm vương thuộc dục giới và sắc giới. "Tâm không bị vượt trội" là tâm thuộc vô sắc giới. 
 
"Tâm định" là tâm cận định hay nhập định. "Tâm không định" là tâm tán loạn và không tập trung.
 
"Tâm giải thoát" là tâm thoát khỏi phiền não trong sát na hay trong khoảng thời gian ngắn; đó là tâm minh sát hay tâm thiền. "Tâm không giải thoát" là tâm không thoát khỏi phiền não. 
 
Muốn hiểu tất cả các loại tâm vương, bạn cần phải biết Vi Diệu Pháp (Abhidhamma, A tỳ đàm). Tuy nhiên, không cần phải biết tất cả các loại tâm vương theo đúng tên của chúng, mỗi khi có tâm nào hiện khởi bạn chỉ cần ghi nhận là đủ, chẳng hạn lúc bạn buồn ngủ bạn phải ý thức rằng bạn đang buồn ngủ và ghi nhận rằng: "buồn ngủ, buồn ngủ, buồn ngủ". Khi phóng tâm, bạn ghi nhận: "phóng tâm, phóng tâm, phóng tâm". 
 
Cần phải ghi nhận kịp thời những loại tâm này mỗi khi chúng khởi sinh trong tâm bạn. Trong khi quán sát tâm thì tâm này là đề mục của tâm kia. Hai tâm không thể khởi sinh cùng một lúc. "Tâm làm đối tượng thiền" khởi sinh sớm hơn "tâm ghi nhận" một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng bạn có thể gọi nó đang ở trong hiện tại bởi vì chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn khi bạn quán sát tâm. Khi có nhiều loại tâm khác nhau khởi sinh và biến mất, bạn phải ghi nhận ngay những tâm riêng biệt này mỗi khi chúng hiện diện trong bạn.
 
Khi quát sát tâm theo cách này thì bạn sẽ thấy rằng chỉ có tâm mà thôi, chẳng có người hay chúng sanh nào điều khiển hay làm tác nhân cả. Bạn cũng sẽ nhận ra rằng bởi vì chúng sinh và diệt trong từng sát na nên chúng là vô thường. Một khi bạn đã thấy chúng là vô thường thì bạn không còn dính mắc hay chấp giữ chúng do tham ái hay tà kiến của bạn. Nghĩa là bạn không còn tham ái và tà kiến để bám víu vào chúng. Khi không còn tham ái thì nghiệp (kamma) không thể hình thành và bạn có thể giải thoát mọi đau khổ.
 
Ðến đây chấm dứt phần quán sát tâm.
 
Theo: Đại Niệm Xứ
Tác giả: Thiền sư U Silananda
Nguồn: Thư viện Hoa sen
 
Mời bạn đọc đón xem: Quán sát Pháp trong Pháp (Niệm Pháp), Phần 6