Chùa Sensoji, còn được biết đến là Asakusa Kannon Temple, đặt tại khu vực Asakusa, Taito-ku của thủ đô Tokyo. Chùa được xây dựng vào năm 628 sau Công Nguyên theo lối kiến trúc đặc trưng từ thời đại Edo của Nhật Bản. Ngôi chùa từng được tu sửa gần 20 lần trong gần 1.400 năm tồn tại.

Travel blogger Lê Viết Vinh, 37 tuổi, TP HCM, tới thăm chùa vào 26/1. Dù không phải ngày lễ, anh Vinh cho biết vẫn có rất đông người dân và du khách đến chùa chiêm bái.

Xuống trạm tàu Asakusa, đi bộ khoảng 5 phút, nam du khách nhận ra cổng Kaminarimon (Cổng Sấm) của chùa ở mặt đường lớn. Cổng Sấm là biểu tượng nổi tiếng của chùa với chiếc đèn lồng màu đỏ cao gần 4 m, nặng gần 700 kg, trên thân viết dòng chữ “Kaminarimon”, hai bên là tượng của Thần Sấm và Thần Gió (ảnh).

Bước qua chiếc đèn lồng khổng lồ là con đường mua sắm Nakamise dài 250 m với khoảng 90 gian hàng bày bán đồ lưu niệm truyền thống, các món ăn đường phố, tấp nập người qua lại. Đi hết con đường là Hozomon – cổng dẫn vào khuôn viên chính điện.

Trước khi vào chính điện lễ bái, anh Vinh quan sát thấy người Nhật thường xin xăm omikuji (xin quẻ) để xem vận mệnh của bản thân cùng gia đình trong tương lai. Họ lắc chiếc hộp đựng những thanh tre có đánh số đến khi một thanh rơi ra rồi dựa trên số thẻ để tra cứu thông tin quẻ xăm. Khi nhận quẻ xăm “không tốt”, họ treo lại quẻ lên dây treo kế bên, nhờ thần linh nâng đỡ để vượt qua những khó khăn đó.

Trước khi bước vào chính điện, khách đến chùa sẽ thực hiện nghi thức “thanh tẩy” bản thân. Người dân, du khách đốt một bó nhang, cắm vào lư hương to đặt ở giữa lối vào và dùng tay xua những làn khói bám quanh cơ thể.

Sau khi “thanh tẩy” bằng khói nhang, du khách bước qua bậc để đến Điện Quan Âm (ảnh), nơi đặt bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được các ngư dân tìm thấy trên sông Sumida từ gần 1.400 năm trước, theo truyền thuyết.

Ở Việt Nam, chính điện là nơi đặt và thờ phụng nhiều bức tượng Phật lớn để các tín đồ đều có thể nhìn thấy và chiêm bái. Nhưng ở chùa Sensoji, chính điện không có bức tượng nào vì tượng Phật Quan Âm đã được che chắn kỹ để du khách không nhìn thấy, anh Vinh cho biết.

Những người đến lễ bái đứng ở khu vực bên ngoài (ảnh), thảy đồng xu vào chiếc thùng lớn phía trước, chắp tay lại vỗ 3 lần trước khi cầu nguyện, anh Vinh cho biết.

Sau khi bày tỏ lòng thành kính với Phật Quan Thế Âm, du khách có thể tham quan không gian còn lại của chùa, ghé lại phố Nakamise để mua sắm các món quà lưu niệm, vật dụng cầu may, xem đầu bếp chế biến và thưởng thức các món ăn đường phố đặc trưng của Nhật Bản như bánh đậu (ảnh).

Trên đường trở lại trạm tàu Asakusa, du khách có thể trải nghiệm tham quan thành phố Asakusa theo cách truyền thống là ngồi xe kéo. Đây là loại phương tiện di chuyển phổ biến vào những thế kỷ trước của Nhật Bản.

Du khách cũng có thể đi dạo dọc theo sông Sumida đến tháp Tokyo Skytree, một trong những địa danh nổi bật nhất của Tokyo với tầm nhìn toàn cảnh từ trên đỉnh tháp. Một trải nghiệm khác cho du khách là đặt tour du thuyền ngắm cảnh trên sông Sumida.

Đến chùa Sensoji, nhiều người dân Nhật Bản chọn mặc kimono truyền thống khiến khung cảnh thêm phần trang trọng và cổ kính. Du khách có thể mặc trang phục thường ngày, song vì đây là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, trang phục cần gọn gàng, kín đáo.

Thời tiết mùa xuân ở Tokyo khá đẹp, nhiệt độ trong khoảng 1-10 độ C, thích hợp để vãn cảnh chùa và cầu bình an, may mắn cho năm mới.

Chùa Sensoji nằm cách trung tâm Tokyo khoảng 20 phút đi tàu, giá vé người lớn 220 yên (khoảng 37.000 đồng). Với bề dày lịch sử, sự linh thiêng và vẻ đẹp cổ kính, chùa Sensoji là điểm đến tâm linh cho những du khách đến xứ sở hoa anh đào dịp năm mới.

 

Quỳnh Mai

Ảnh: Vinh Gấu