Trang chủ Văn hóa Viết kinh bằng chữ Khmer cổ trên lá

Viết kinh bằng chữ Khmer cổ trên lá

Chau Ty, 77 tuổi, sãi cả chùa Soài So, huyện Tri Tôn - đệ tử truyền thừa thứ 9, được xem là người cuối cùng biết viết kinh bằng chữ Khmer cổ trên lá ở An Giang.

125

Theo các nhà nghiên cứu, hơn thế kỷ trước trong điều kiện in ấn còn khó khăn sãi cả chùa Xvayton (thị trấn Tri Tôn) đã khởi xướng chép lại kinh Phật trên lá, từ ý tưởng người Ấn Độ xa xưa viết kinh trên lá bối. Hiện các chùa Khmer ở An Giang còn lưu giữ gần 1.000 quyển kinh lá (kinh lá buông), có giá trị to lớn về tinh thần và đặc biệt quý hiếm.

Sãi cả Chau Ty kể ngày nhỏ gia đình nghèo không đi học. Khi vô chùa tu tập, ông được học chữ Khmer cổ và tập viết kinh trên lá buông. Loại chữ này nhiều nét hơn chữ Khmer hiện nay, không phổ biến ngoài phum sóc (khu vực dân cư), chuyên dùng chép kinh, được ví là chữ viết “biệt truyền” vì chỉ người xuất gia, học chép kinh mới đọc và hiểu được.

Bản tính ham học hỏi, yêu thích kinh kệ và sáng dạ, ông Chau Ty được sãi cả chùa Xvayton nhận làm đệ tử truyền thừa. “Viết kinh trên lá không quá khó, học ba hôm sẽ hiểu, nhưng để thực hành cần chuyên chú, tâm không tạp niệm, chỉ cần sai một chữ, phải bỏ cả phiến lá kinh”, ông cho biết và nói thêm kỹ thuật viết kinh cần sự tỉ mỉ, kỳ công từ lựa chọn nguyên liệu, viết, bôi mực, đóng tập.

Mở ngăn tủ chứa kinh, sãi cả Chau Ty cẩn thận mang ra một quyển, gói tỉ mỉ trong mảnh vải đã sờn cũ, rách vài chỗ song tập kinh vẫn còn sáng bóng, chữ hiện rõ, các nét viết đều tăm tắp. Hơn 20 lá kinh, được xâu lại với nhau thành quyển.

“Quyển này được chép khoảng năm 1974, bằng cây viết đến nay đã thay kim (ngòi viết) không biết bao nhiều lần”, sãi cả Chau Ty vừa nói vừa cầm cây bút gỗ to bằng ngón tay cái, dài khoảng 30 cm, đã dùng gần nửa thế kỷ.

“Mất khoảng một tuần để hoàn thành quyển kinh. Những hôm nào nắng nhiều, viết được 4-5 giờ vào lúc trời sáng tỏ nhất”, sãi cả nói và mô phỏng một lượt cách viết. Tay trái ông cầm lá buông được cố định trên nẹp gỗ, tay phải cầm bút, đầu bút tì vào ngón cái của tay trái. Người viết di chuyển nhịp nhàng giữa ngón cái và tay cầm bút để nét viết cùng độ sâu, thẳng hàng (còn gọi là kỹ thuật khắc chìm). Mỗi phiến lá khắc 4-5 dòng, mỗi dòng 25-30 chữ.

Chữ trên kinh là chữ Pali (phương ngữ Ấn Độ dùng soạn kinh) kết hợp chữ Khmer cổ, đặc biệt khó viết. Nội dung chủ yếu là kinh Phật, văn học, tục ngữ, thiên văn, y học, lịch pháp… Khi hoàn thành một quyển, các phiến lá được đánh số, đóng thành tập.

Bìa tập kinh khắc bằng chữ Pali và Khmer cổ theo một trật tự nhất định. Tên quyển kinh ở hàng trên cùng, hàng kế tiếp là thông tin về thời gian ra đời (theo Phật lịch) đều bằng chữ Pali. Dòng cuối bằng chữ Khmer cổ, thể hiện ý nghĩa, nội dung kinh, được thuyết pháp trong những dịp nào.

Lá buông dùng chép kinh tương tự lá thốt nốt song dày hơn, gồm ba lớp như ván ép. Các sư sãi bọc kín những lá đạt tiêu chuẩn từ lúc mới nhú khỏi thân, tránh côn trùng cắn, giữ màu trắng mới. Phiến lá kích thước 60 x 6 cm được phơi khô, bào phẳng bề mặt, ngâm chất bảo quản tự nhiên. Các công đoạn mất khoảng một tháng.

Bút viết và mực viết theo quan niệm của người Khmer đều có linh hồn trước khi khai bút phải thực hiện nghi thức xin phép. Mực thường làm bằng than nghiền nhuyễn trộn cùng dầu bóng. Khi quét lên phiến lá đã khắc chữ sẽ nổi lên màu chữ óng ánh.

Người chép kinh đòi hỏi am tường chữ viết, nội dung kinh cùng sự tính kiên nhẫn, học và rèn chữ trong thời gian dài nên rất ít sư sãi nắm rõ kỹ thuật. Hiện sãi cả Chau Ty chưa tìm được đệ tử truyền thừa chính thức. Dù không còn chép kinh, sãi cả Chau Ty vẫn gìn giữ bộ dụng cụ cẩn thận. Lâu ngày ông lại mang chúng ra ngắm nghía, lau chùi.

Sở Nội vụ An Giang thống kê có hơn 179 bộ kinh lá buông gồm 924 quyển, lưu trữ ở các chùa Khmer thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Riêng chùa Xvayton được xác lập kỷ lục chùa lưu giữ nhiều bộ kinh lá nhất Việt Nam.

Theo Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh An Giang, kinh lá buông là khối tài sản phi vật thể vô giá, nơi chứa những ký ức của quá khứ, là trái tim, khối óc của các bậc tiền nhân để lại cho thế hệ kế tục. Mỗi bản kinh chứa đựng những triết lý sống, thế giới quan, vũ trụ quan, nhân sinh quan của tộc người Khmer qua thời gian.

Năm 2017, tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.