Trang chủ Nghiên cứu Địa vị người đàn bà trong kinh Phật, phần 2

Địa vị người đàn bà trong kinh Phật, phần 2

81

Lời nói này được dẫn từ ba bộ sưu tập kinh : 1. các bộ kinh mô tả việc bà dì của đức Phật thành lập ni đoàn ; 2. kinh Ekkottarayama (Tăng nhất a hàm, đã dẫn trên, thuật lại sự tích nàng công chúa Muni) ; 3. kinh Tứ phẩm pháp môn, thuộc Hán tạng.

Trong số học giả nghiên cứu vị thế của người đàn bà trong đạo Phật và chú trọng tới câu nói này của đức Phật, ta phải kể trước tiên hai nhà khảo cứu phái nữ, bà I.B. Horner tác giả cuốn Women in Primitive Buddhism ("Ðịa vị người đàn bà trong đạo Phật nguyên thủy", Routledge and Kegan, London), xuất bản từ năm 1930, và bà Diana Mary Paul, tác giả sách Women in Buddhism ("Ðịa vị người đàn bà trong đạo Phật", Lanscaster Miller, Berkeley, 1980) nối nghiệp công trình nghiên cứu của tác giả trước, năm mươi năm sau. Trường Ðại thừa Nhật bản có học giả Kajiyama Yuichi xuất bản tập khảo luận Women in Buddhism ("Eastern Buddhism Review", vol XV, #2) phân tích công trình nghiên cứu của Horner và Mary Paul đưa thêm một số nhận thức mới, dự vào dữ kiện khoa học. Cả ba tác giả đều dùng phương pháp nhận định thời điểm và xuất xứ khi một cuốn kinh Phật xuất hiện và được đem vào Ðại tạng, hầu có thể phân biệt mỗi chi tiết và sự kiện trong kinh phải được hiểu là chân hay giả.

Muốn hiểu rõ phương pháp các tác giả trên đã dùng, ta cần giản lược giải thích việc phân chia các trường phái trong đạo Phật là nguyên do gây ra số lượng khổng lồ kinh điển. Ðại đế Asoka (A dục) đưa đạo Phật lên mức cực thịnh. Khi ông mất, tăng già chia làm hai phái, Sthaviravada (Thượng tọa bộ) thiểu số gồm những người bảo thủ vàMahasamghika(Ðại chúng bộ), gồm đa số tỳ kheo, tì kheo ni và tín đồ. Trong các thế kỷ nối theo, từ mỗi phái sinh ra vô số trường phái mới. Mỗi trường phái dùng một số kinh điển họ cho là chính thống và áp dụng một số luật tu học thích hợp với hoàn cảnh riêng không còn thống nhất như cũ. Dưới thời đại đế Asoka, hoàng tử Mahinda đem đạo Phật sang Tích lan đem theo kinh và luật thuần túy thuộc Thượng tọa bộ Sthavirada, sau đổi tên là Theravada, tức là Phật giáo nguyên thủy ngày nay. Trường Ðại chúng bộ Mahasamghika còn lại ở Ấn độ tràn lên hướng bắc, qua miền trung bộ châu Á, theo con đường Lụa vào Trung hoa. Kinh điển nhà Phật sang Tàu được giữ trong bốn bộ sưu tập lớn, gọi là a hàm, viết bằng chữ phạn sanskrit, dịch sang hán văn, làm căn bản của giáo lý Bắc tông. Số kinh điển nhà Phật sang Tích lan được chuyển vào văn tự pali, gồm năm bộ sưu tập lớn, làm căn bản giáo lý Nam tông.

Học giả kinh Phật nói chung đã thỏa thuận trên một điểm căn bản để nhận định là nếu có một đoạn kinh, cuốn kinh, bộ kinh, hay một chi tiết trong kinh mô tả một sự kiện gì, mà ta tìm được đủ trong hai hệ thống, thì đoạn hoặc cuốn hoặc bộ kinh hay chi tiết sự kiện đó phải được xem là đã xảy ra hay được ghi chép vào kinh trước thời kỳ phân chia tông phái. Trái lại, chi tiết nào hay bộ kinh nào tìm được trong kinh pali mà không tìm thấy trong hán tạng a hàm, hoặc có trong hán tạng a hàm mà tìm không thấy trong hệ thống pali thì phải xem như đã được đem vào, ghép vào kinh điển sau thời phân chia tông phái. Nhờ chi tiết kỹ thuật này, mà học giả Phật giáo ấn định được tuổi và xuất xứ của một số kinh điển để phân biệt được giả chân.

Bây giờ hiểu rõ phương pháp phân tích trên, ta trở lại lời nói của đức Phật "đàn bà không thể đạt chánh quả vì bị ngũ chướng". Lời nói này được dẫn từ ba bộ sưu tập kinh. Sưu tập dẫn một gồm ba tập : tập Luật kinh Ngũ phần luật (Mahisakasa), tập Gotami Sutra, và tập Cồ đàm di ký quả kinh. Sưu tập dẫn hai rút trong Tăng nhất a hàm (Ekottaragama) ghi chép sự tích nàng công chúa Muni. Sưu tập dẫn ba gồm tập BahudhatuKasutta và tập Ngũ phẩm Pháp môn kinh.

Tất cả ba bộ kinh trong sưu tập một đều thuật lại sự tích hoàng hậu Gotami (dì và mẹ kế của đức Phật) thành lập ni đoàn, và vào đoạn cuối của ba bộ kinh, thấy ghép vào lời nói của đức Phật, cho là người phái nữ bị ngũ chướng trói buộc. Phần ghép này vào cuối sách chứng minh không phải ở trong kinh từ nguyên thủy. Các tác giả dẫn chứng là sự tích hoàng hậu Gotami thành lập ni đoàn cũng được ghi với mọi chi tiết phù hợp trong ba bộ kinh khác : kinh Anguttara Nikaya (Tăng chi bộ kinh), kinh Cullavaga, và bộ luật kinh Dharmaguptaka (hán tạng gọi là Tứ phần luật), nhưng trong ba bộ kinh sau hoàn toàn không nói tới điều ngũ chướng của người đàn bà.

Sưu tập hai được dẫn để chứng minh câu nói "đàn bà bị ngũ chướng" rút trong hán tạng Tăng nhất a hàm Ekottaragama. Ðoạn kinh này thuật lại sự tích nàng công chúa Muni. Sự tích nàng công chúa Muni cũng được thuật lại với mọi chi tiết không chút khác biệt trong bộ Hiền ngu kinh (bổn dịch của Max Muller : "Sutra of the Wise and Foolish"), và trong bộ kinh này hoàn toàn không nói tới điều ngũ chướng.

Sưu tập dẫn ba gồm kinh Bahudhatuka Sutra (hệ pali) và kinh Ngũ phẩm Pháp môn(hán tạng). Kinh pali so sánh những điều thiện và bất thiện giữa hai giới nam và nữ ; trong những điều bất thiện của nữ giới có ngũ chướng. Bên hán tạng, tương ứng với kinh Bahudhatuka có hai tập : Madhyamagama và tập Tứ phẩm Pháp môn, do thầy Pháp Hiển dịch 1500 năm sau niết bàn. Bổn dịch trên hoàn toàn không nói tới ngũ chướng, bổn dịch của thầy Pháp Hiển ghi mục ngũ chướng. Các học giả cân nhắc, kết luận đoạn chép ngũ chướng do đời sau thêm thắt vào.

Ngoài ba bộ sưu tập trên, giáo sư Kajiyama Yuichi còn dẫn một cuốn kinh thuộc hệ pali trong AnguttaraNikayanói tới ngũ chướng. Kinh này không có bổn tương đương trong hán tạng, nên không đủ yếu tố để so sánh.

Ngần đó, qua phương pháp phân tích so sánh, các tác giả trên kết luận là ý niệm ngũ chướng tìm được trong một số kinh sách, khi có trong tạng pali lại thiếu trong hán tạng, hoặc ngược lại, có trong hán tạng lại thiếu trong pali tạng, chứng minh được là ngũ chướng không phải là lời dạy của đức Phật vào thời nguyên thủy, mà chính do đời sau đem vào kinh.

***

Bây giờ, ta khảo sát một câu nói khác trong kinh, gán cho đức Phật bi quan với thân thế người nữ, cho là nếu không có ni đoàn, đạo Phật hưng thịnh được 1000 năm ; vì có ni đoàn, thời mạt pháp sẽ đến 500 năm sớm hơn. Câu nói này được thuật ở đoạn sau cuốn kinh nói về việc thành lập ni đoàn do bà Gotami đảm trách (kinh Cullavagga, trong đại tập Luật kinh Vinaya Pitaka). Ðem áp dụng phương pháp định tuổi kinh sách Phật, học giả Kajiyama Yuichi và giáo sư Nakamura (trong sách Indo Kodaishi, "Ấn độ cổ sự ký") dẫn chứng là các cuốn kinh nói về sự tích thành lập ni đoàn đều viết vào khoảng 500 năm sau niết bàn. Ðúc Phật, đại sư Nakamura dẫn, giác ngộ dưới cây bồ đề năm 423 trước tây nguyên. Năm năm sau, 418 trước tây nguyên ni đoàn được thành lập. Các cuốn kinh thuật lại việc thành lập ni đoàn được viết 500 năm sau, tức là vào khoảng cuối thế kỷ một tây nguyên, vào lúc trường phái nguyên thủy ở Ấn độ nhường bước cho trường phái Ðại thừa đang phát triển mạnh. Vì phát triển mạnh, trường phái Ðại thừa phải dựa vào sở hiếu cổ truyền của quần chúng trong xã hội Ấn độ lúc bấy giờ đề cao địa vị người nam trên tư thế người nữ. Bởi lẽ đó mà dư luận trọng nam kinh nữ được đem vào kinh. Các nhà học giả người Nhật đoan quyết đó là sự thật để giải thích câu nói trong kinh mà đức Phật không bao giờ nói.

***

Ở trên ta đã đề nghị phân tích quan niệm trọng nam khinh nữ của đức Phật qua hai mục : lời nói gán cho ngài và hành trì lúc hoằng pháp. Ta chứng minh rõ là lời nói khinh mạn nữ giới gán cho đức Phật hoàn toàn do người đời sau vô tình hay cố ý đem vào kinh. Bây giờ ta nhìn vào hành động của đức Phật, được xem là khinh nhẹ người nữ.

Ðức Phật chấp nhận cho bà Gotami thành lập ni đoàn với điều kiện người tỳ kheo ni (bikkhuni) phải tuân hành tám điều giới luật đặc biệt gọi là garudhamma (xem phần trên), ngoài những giới luật của người tỳ kheo trong tăng đoàn. Từ năm 1930, lúc tác phẩm của tỳ kheo ni I.B. Horner (về sau làm chủ tịch Hội The PaliTexte Society ở Luân đôn) ra đời, đi tiên phong trong vấn đề Nữ quyền Phật giáo, cho đến thập niên 80, rất nhiều công trình nghiên cứu yểm trợ lập trường của bà Horner đã được thành hình, và kết quả được công bố. Ta có thể tóm lược công trình nghiên cứu này vào ba nhóm : nhóm Ấn độ/Tích lan, nhóm Nhật bản và nhóm Tây phương.

***

Tiêu biểu cho nhóm Ấn độ/tích lan có giáo sư Rama Prasad Chaudhuri trong sách Position of Women asin Early Buddhism Monastisism("Vị thế người phụ nữ trong tăng đoàn nguyên thủy") viết trong khoảng cuối thập niên 30, và bà L.S. Dewaraja, giáo sư Ðại học Colombo trong tác phẩm The Position of Women in Buddhism ("Ðịa vị người đàn bà trong đạo Phật", BPS, Kandy, Ceylan) viết năm 1981. Lập luận của các tác giả Á đông, được tóm lược trong hai tác phẩm trên, tuy cứng rắn, nhưng vẫn đượm màu bảo thủ. Các tác giả cho rằng vào thời đức Phật, xã hội Ấn độ đang ở vào trạng thái bán khai, các nơi cư ngụ thiếu an ninh, đầy rẫy trộm cướp. Người xuất gia phải rời bỏ gia đình, sống vô gia cư trong rừng rú. Người nam tu sĩ có thể tự vệ chống bọn cướp, thú dữ, rắn rết…, nhưng người nữ tu thì hoàn toàn không. vả chăng ngay trong tăng đoàn nam giới, kỷ luật rất lỏng lẻo, vì làm thế nào để duy trì được kỷ luật trong hàng chục hàng trăm nghìn người tự động bỏ gia cư, sống với chén cơm bố thí, khi thiếu thố ăn lá cây vỏ cây, và không có một mảnh vải che thân. Vì vậy, mà đức Phật đã phải lập quy luật garudhamma, là một điều bất đắc dĩ, xét ra chính để bảo vệ người tỳ kheo ni. Các tác giả kết luận rằng người nữ tu phải hiểu đó là điều ràng buộc có ích lợi cho chính họ và cho đại cuộc, và không nên xem đó là một điểm kỳ thị của đức Phật. Nhưng, trên thực tế, khách quan nhìn kỹ, lấy đạo đức buộc người nữ nhìn cao tránh chấp nê thì dễ, mà chối bỏ được sự kiện kỳ thị quá rành rọt thì thật quá khó.

***

Trường Phật Ðại thừa Nhật bản, sung túc về phương tiện nhân sự và nhu dụng để khảo sát, đã đạt tới một lập luận dễ thuyết phục người học Phật hơn. Trước tiên có giáo sư E. Ocho, học giả đạo Phật lừng danh viết cuốn Phật giáo xử nữ giới "Ðạo Phật đối với phái nữ" xuất bản trước thế chiến hai, giải thích lập trường của đức Phật xem nhẹ người nữ bằng hai điểm. Thứ nhất, vì tăng đoàn nam giới được thành lập trước, đã thành công và đang phát triển mạnh, bắt buộc phải làm gương mẫu cho ni đoàn đến sau. Do đó, vì nhu cầu tổ chức và điều hành, phải buộc người tỳ kheo ni chịu một số thiệt thòi. Thứ hai, lý do Phật lập bổ quy luật cho người nữ tu khắt nghiệt hơn, là vì người nữ bẩm sinh dễ gần tội lỗi.

Mặc dù uyên bác giáo sư Ocho cũng đã dùng lập luận bảo thủ của nhóm Ấn độ/Tích lan đã nói ở trên. Ca hai điểm nêu lên đều bị người đồng môn nghi ngờ không đứng vững. Thứ nhất, đạo Phật ngày đó tại Ấn độ, lớn mạnh cùng một lượt với đạo Jain ; trong đạo Jain nam tu đoàn cùng với nữ tu đoàn cùng thành lập một lượt. Nữ tu đoàn lại phát triển gấp hai lần nam tu đoàn. Giáo chủ Mahavina, người sáng lập ra đạo Jain cũng không hề ban bố đạo luật nào khinh nhẹ người nữ, vậy mà trên thực tế, nữ tu đoàn vẫn lệ thuộc và bị đánh giá thấp hơn nam tu đoàn. Vậy, chắc chắn không phải vì nam tu đoàn thành lập trước mà người nam tu được giữ vị thế cao hơn người nữ tu. Thứ hai, người phụ nữ đi tu bẩm sinh không mang tội lỗi gì nhiều hơn người đàn ông. Nếu đọc kỹ kinh Ðại thừa, ta sẽ tìm được bao nhiêu chứng cớ buộc tội người nam tu sĩ vô hạnh, phá hoại thanh danh tăng đoàn. Trái lại, về phía nữ tu, hầu như không thấy người nữ xuất gia phạm tội. Quan điểm bảo thủ của giáo sư Ocho tức thời bị một vị đại sư khác Dharmananda Kosambi phủ nhận. Ông đi vào chiều sâu của vấn đề, đưa ra nhận định dứt khoát là tập quy luật tám điểm garudhamma không phải do đức Phật ban bố mà do các tu sĩ nam giới đời sau, muốn bảo vệ quyền lợi của riêng mình hay của tập đoàn nam tỳ kheo, hay vì nhu cầu đặc biệt do hoàn cảnh tạo nên, đã đặt ra, ghép vào kinh, trình bày như lời dạy của đức Phật. Ðại sư hỗ trợ lập luận của mình bằng nhiều bằng chứng. Ta thử nhìn một bằng chứng của đại sư để được thuyết phục. Trong kinh điển ghi rõ là đức Phật có sẵn một lề lối không di dịch để tạo ra các điều luật ghi vào luật kinh Vinaya. Ðó là ngài để cho đời sống tăng đoàn tự nhiên diễn tiến ; khi xảy ra một biến cố gì cần phải can thiệp, tronng các buổi họp vào đầu tháng và giữa tháng uposatha của tăng đoàn, vấn đề được đem ra thảo luận chung, lấy sự đồng ý tập thể, trình lên đức Phật quyết định tối hậu và ban bố thành luật. Trong kinh có kể chuyện ông Sariputta (Xá lợi phất), khi tăng đoàn mới thành lập, nhiều lần xin đức Phật ban bố dứt khoát một bổn luật kinh gồm đủ mọi điều cho việc điều hành đời sống tập thể được gọn gàng. Ðức Phật trả lời :"Xá lợi phất, ngươi nên nhẫn nại. Như Lai biết rõ lúc nào ban bố điều luật. Ngày nào chúng tăng không ai phạm lỗi mới, ta không thể đặt luật để ngăn chận điều ác chưa xảy ra".

Trường hợp bổn quy luật garudhamma khác hoàn toàn quy lệ thông thường đức Phật làm luật. Nữ tăng đoàn mới thành lập, chưa ai phạm lỗi gì, sao đã phải có những điều luật hạn chế ? Từ đó mà ta tin chắc là luật garudhamma không hề do đức Phật ban bố vào thời nguyên thủy. Ðòi sống tăng đoàn vì phát triển nên ngày ngày thêm phức tạp. Những người phụ trách tăng đoàn đến sau đức Phật thiếu hẳn uy tín của ngài, lại không có cái nhìn bao dung thâm hậu như ngài nên đã đem một số ràng buộc thiếu ý thức vào luật kinh, mà bổn garudhamma là ví dụ điển hình.

***

Nhóm nghiên cứu thứ ba phương Tây lại càng khe khắt hơn. Họ nhất quyết buộc tội các vị nam tu sĩ chính là tác giả mục điều luật hạn chế sinh hoạt hành trì của người nữ tu. Ðiển hình là hai vị học giả lừng danh trong đạo Phật, bà C.A.F. Rhys Davids và nữ tu I.B. Horner. Bà Rhys Davids phán đoán như dao chém vào gỗ :"Một trong những điều khó khăn nhất khi diễn dịch kinh pali chính là vì kinh có nhiều chỗ xuất xứ khác nhau, có nhiều chỗ sửa chữa, viết lại, nhìn qua thấy rõ ràng là đã bị thay đổi do các vị tỳ kheo đến sau. Ta phải nhận cho rõ những nơi thay đổi do người đời sau gây ra hầu có thể tìm cách điều chỉnh. Do đó, nhiều đoạn kinh thiên vị rõ ràng nam giới, thiên vị rõ ràng tăng đoàn (so với cư sĩ), thiên vị rõ ràng người đàn ông so sánh với người đàn bà, và các đoạn kinh này được cố tình trình bày như chính là lời đức Phật". (Trích trong bài tựa của bà Rhys Davids viết đầu cuốn sách Women under Primitive Buddhism, đã dẫn ở trên).

Nữ học giả I.B. Horner chứng minh bằng phương pháp phân tích là trong khoảng sinh thời đức Phật, việc phân biệt giữa nam tỳ kheo và tỳ kheo ni không bao giờ đặt ra, đàn bà cũng như đàn ông đều có thể trở thành A la hán. Sau khi đức Phật nhập diệt, đạo chia thành nhiều trường phái, thời kỳ gọi là Hinayana bắt đầu, sinh ra mối tin tưởng là người nữ không thể tu thành chánh quả. Vào khoảng đầu tây nguyên, trường Ðại thừa Mahayana hưng thịnh, lại có niềm tin mới là người nam và người nữ bình đẳng trong việc hành trì, vì tất cả yếu tố nam hay nữ đều là "không" (theo thuyết Bát nhã). Trường Ðại thừa lại làm phấn khởi niềm tin ở đức Phật A Di Ðà, hết sức thông cảm sự hèn yếu của người đàn bà, và dạy là tất cả người nữ chỉ niệm danh A Di Ðà là được tái sanh ở Tây phương cực lạc. Do đó, địa vị người đàn bà được tái tạo và vô cùng ưu đãi.

Lý luận đanh thép, dựa trên dữ kiện, buộc ta tin là các điều mục đặt ra các luật lệ khe khắt làm giảm giá trị người nữ tu không phải do đức Phật quyết định vào thời nguyên thủy.

Một điều khoản khác làm cho người đời sau trách cứ đức Phật thiếu công bằng với người nữ là việc đổi xác : người đàn bà tu đắc đạo, muốn thành Phật, phải đổi xác thành người đàn ông. – trên, ta đã thuật chuyện nàng Long Thi trong "Long Thi nữ kinh". Theo giáo sư Naresh Mantri trong tập On Women Attaining Buddhahood ("Luận về người đàn bà đắc đạo", Young East Review, 1962), sự tích người nữ đắc đạo phải biến xác được thuật lại trong nhiều bổn kinh Phật, ngoài bổn "Long Thi nữ kinh" : kinh Saddharmapundarika sutra ("Diệu Pháp Liên Hoa") kể chuyện nàng công chúa Nara phải hóa thân thành người nam để đắc đạo ; kinh Astarahasrika Prajnaparamita kể chuyện đức Phật biến xác cho nàng Gandadeva thành Phật. Nhiều sự tích khác về việc hóa thân thành Phật cũng được ghi trong các bộ kinh Hán tạng. Giáo sư Mantri cũng tóm lược trong bài dẫn trên các điểm người học Phật giải thích từ trước đến nay bào chữa lập trường bình đẳng nam nữ trong kinh Phật, mà ta có thể dẫn vài trường hợp.

Vào khoảng đầu kỷ nguyên tây lịch, trường phái Ðại thừa phát triển mạnh, có vô số nữ tín đồ tình nguyện xuất gia. Ngày đó, tôn giáo sống dưới chế độ quân chủ, và triều đình vua chúa sống hoàn toàn trong không khí đạo giáo. Bởi lẽ đó, người lãnh đạo tôn giáo phải tìm một lối thoát cho mối mâu thuẫn trong giáo lý. Một bên, phải làm cho người đàn bà tin Phật hiểu là họ được giải thoát ; một bên là không thay đổi được ý niệm ngũ chướng đã được đem vào kinh từ trước (người nữ không thể thành đại vương cadravartin, và thành bồ tát), và ý niệm này là căn bản của đời sống vua chúa trong nam quyền. Vậy, chỉ còn cách tạo ra ý niệm đổi xác, làm cho người đàn bà hóa ra đàn ông trước khi đạt chánh quả.

Cũng vào thời kỳ này, năm trăm năm sau niết bàn, trong trường phái đại thừa, dựng lên niềm tin mãnh liệt vào ý niệm tha lực của đức Phật A Di Ðà, bà Horner vừa nói ở trên. Cõi Cực lạc phương tây, nơi đức Phật A Di Ðà đang giáo hóa, được Phật Thích Ca tả trong kinh A Di Ðà chỉ có người đàn ông mà không có đàn bà. Vì sao ? Nguyên do lớn nhất của đau khổ là dục vọng (lust, passion, sexual desire). Muốn thực hiện cực lạc trong thế giới phương tây, phải tiêu diệt hoàn toàn dục vọng, không có đàn ông cũng như không có đàn bà. Cái ý niệm phân cách nam nữ bị đào thải hoàn toàn.

Cái ý niệm không dục vọng này được thể hiện rõ ràng trong kinh Bát nhã (sắc, không). Giáo sư Mantri dẫn đoạn kinh Vajracchekida Prajnaparamita dạy là "dù con người có đủ ba mươi hai tướng tốt cũng không thành Phật. Ðức Phật vô tướng, không nam không nữ".

Hiểu thấu đáo đoạn kinh này tức là hiểu đượcsự tái tạo địa vị người đàn bà trong đạo Phật, không bao giờ phải lệ thuộc vào một yếu tố phép lạ mầu nhiệm để đạt được giải thoát, mà tự mình thực hiện cái quyền làm người và thành Phật của chính mình.

*

Trong một bổn kinh Hán tạng, Vô cấu thi bồ tát ứng biền hội, Ngài Maudgalyayana (Mục Kiền Liên) hỏi nàng Vimadatta :"Qua bao nhiêu kiếp tu hành, sao nàng vẫn chưa hóa thân thành người nam để đạt chánh quả ?" Nàng trả lời :"Tôi nghe nói ông là vị đệ tử thần thông tuyệt đối của đức Phật, sao ông vẫn chưa hóa thân từ bỏ nam giới ?". Mục Kiền Liên không trả lời được. Nàng nói tiếp : "Phật thân không nam, không nữ, bất sanh, bát diệt".

Ngài Mục Kiền Liên còn nhầm, huống hồ chúng ta. Người đời sau đọc kinh mà không tìm hiểu kinh, nên gán cho đức Phật những lời nói ngài không hề nói và những hành động ngài không hề làm.