Trang chủ Tin tức Dự án thành lập bệnh viện Phật giáo Việt Nam tại Vũng...

Dự án thành lập bệnh viện Phật giáo Việt Nam tại Vũng Tàu

642

Vì sao Hòa thượng quyết định đề xuất Dự án thành lập Bệnh viện Phật giáo tại Đại Tòng Lâm?


 


– HT.Thích Quảng Hiển: Tôi xin nói rõ tên gọi là: “Bệnh viện Phật giáo Việt Nam Đại Tòng Lâm”. Tôi còn nhớ năm 1962, thầy tổ của chúng tôi là HT.Thích Thiện Hòa đã khai phá 100ha nơi này dự định biến thành Đại Tòng Lâm, một trung tâm Phật giáo cho toàn quốc. Ngài đã khai sơn vùng đất rừng rậm hoang hóa nơi này để tổ chức Phật học viện, thiền viện, tịnh viện, bệnh viện… Tuy nhiên, chí nguyện chưa thành thì ngài viên tịch. Năm 1993, Ban Trị sự thực hiện di huấn của ngài tiến hành xây dựng Trường Cao – Trung Phật học, rồi đến năm 2002 xây dựng lại ngôi chánh điện, trai đường, nhà khách, nhà Tăng… Song, còn chí nguyện thực hiện một Bệnh viện Phật giáo như lời dạy của HT.Thiện Hòa lúc còn sống thì đến nay chưa thực hiện được. Do đó, bây giờ tôi cho rằng cơ hội đã đến khi mà đã có Nghị quyết 5/2005 của Thủ tướng Chính phủ ngày 18-4-2005 cho phép xã hội hóa ngành y tế. Tôi đã làm hồ sơ về dự án hình thành Bệnh viện Phật giáo gửi các ngành, các cấp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như T.Ư GHPGVN. Sau khi thống nhất chủ trương, chúng tôi sẽ trình bản vẽ thiết kế và tiến hành xin phép xây dựng.


 


Về quy mô của Bệnh viện Phật giáo và nhân sự điều hành, Hòa thượng có thể nói rõ thêm?


 


– Chúng tôi dành hẳn 12ha trong khu Đại Tự bao gồm: 7ha xây dựng bệnh viện và 5ha xây khu điều dưỡng, khu biệt thự dành cho BGĐ và khu nhà ở cho CB-NV bệnh viện. Về quy mô trang bị, bệnh viện gồm có 200 giường với kinh phí trên 300 tỷ đồng được chia ra: 50 giường cho Tăng Ni miễn phí, 50 giường cho Phật tử, 50 giường cho người nghèo miễn phí và số còn lại có thể điều trị cộng đồng có nhu cầu. Khu vực điều trị các đối tượng trên được tách ra riêng biệt. Ngoài ra, trong khuôn viên bệnh viện còn có Vãng sanh đường để khi bệnh nhân qua đời có chư Tăng hộ niệm. Về tài chính xây dựng cũng như bệnh viện hoạt động đã có một số công ty trong nước và nước ngoài đăng ký hỗ trợ, tuy nhiên chúng tôi rất cần nguồn lực hỗ trợ của Giáo hội, của ân nhân, mạnh thường quân trong nước về lâu dài. Về trang thiết bị y tế hiện đại, TT.Quảng Tâm (Đài Loan) sẽ hỗ trợ cũng như tham gia với vai trò cố vấn ban đầu. Đây là bệnh viện Phật giáo Việt Nam đa khoa đầu tiên của Tăng Ni Phật giáo Việt Nam, chúng tôi rất mong Phật sự lớn này được nhiều ngành, nhiều giới trong cũng như ngoài Phật giáo quan tâm hỗ trợ.


 


Trước hết, Ban Giám đốc bệnh viện là những bác sĩ chuyên khoa đang làm việc tại các bệnh viện lớn ở TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu giàu tâm đạo sẽ đảm trách điều hành hoạt động chuyên môn. Riêng về đội ngũ y tá, y sĩ, tháng 9-2006 này, tôi sẽ gởi 60 vị Ni đi học Trường Trung cấp Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu để sau này về phục vụ trong bệnh viện. Về phía chư Tăng, tôi và HT. Huyền Diệu (Ấn Độ) đã thống nhất chọn khoảng 10-15 vị Tăng đưa sang Ấn Độ đào tạo cấp đại học Phật giáo, trong đó có ngành đào tạo tiến sĩ y khoa, để trong tương lai về đảm trách những vị trí chuyên môn trong đội ngũ bác sĩ của bệnh viện.


 


Tôi sang Thái Lan tham quan bệnh viện Phật giáo lớn nhất của họ và thấy việc tổ chức bệnh viện có quy mô và khoa học. Tôi nghĩ Phật giáo Việt Nam chúng ta làm được và sẽ làm rất tốt trong việc điều trị sức khỏe cho Tăng Ni như các bệnh viện bên ngoài.


 

Trân trọng cảm ơn Hòa thượng.