Trang chủ Nghiên cứu Dụ lừa ba chân

Dụ lừa ba chân

448

Dụ lừa ba chân –
Lư nhi tam cước
(Xuất Khóa Hư Lục)


“Tứ Sơn liễu bích vạn thanh tùng
Ngộ liễu đô vô vạn vật không
Hỷ đắc lư nhi tam cước tại
Mịch Kỵ đả xấn thướng cao phong”.


Tạm dịch:


“Bốn bề vây bủa núi cùng thông
Đã rõ nhân gian vạn vật không
Đẳng, Diệu, Viên minh, ngôi cứu kính
Lừa ba chân giúp tới thành công”.


Dụ này ngụ cả Đạo, Đời, Sự, Lý.


Đời đã có truyện: Người ta đem con ngựa đực giao phối với con lừa cái, sinh ra con la (lạc đà cùng họ đã bị lai tạp thì không đẻ được nữa (vô sinh).


Nội điển dụ Vô minh tham ái là cha mẹ, nghiệp thức thân trung ấm là tinh và khí (nhu cầu sự sống) của “tình thế gian” (động vật). Người tam thừa nhờ ba quán Không, Giả, Trung làm phương tiện tu hành chuyển được Vô minh thành Viên minh “Cứu Kính giác”, ngôi Phật vô thượng chính biến giác.


Tổ Vĩnh Gia dạy: Tính thật Vô minh là tính Phật, thân huyễn (ảo) hóa từ không sinh là pháp thân, vì quán thấy các pháp ở thế gian, vạn pháp từ tâm linh đến vật thể không có pháp nào riêng, đơn vị độc lập nên gọi là “Không tính”; đều gá hợp nhau mà có sự, có tưởng, có tên gọi nên gọi là “không quán”. Vậy hợp là duyên sinh, ly là duyên diệt, không lại hoàn không nên gọi là “không quán”. Nên các pháp (Tâm pháp, Sắc pháp) đều từ duyên sinh (chúng duyên sinh).


Tổ Dương Kỳ đáp khách hỏi: Thế nào là Phật? Đáp: Lừa ba chân chạy tung tăng (tức ba kiếp A tăng kỳ tam cước lư tử lộng đề hành) chuyển phàm thành thánh.


Nghĩa là người tam thừa tu hành dùng những phương tiện tự lợi, lợi tha, trí bát nhã quán chiếu mà “đoạn hoặc chứng chân”, phá hoặc nghiệp phiền não như kiến tư, trần sa, vô minh, mà chứng chân lý đạo quả. Từng cấp bậc hiền thánh – Phật, dụng những phương tiện thực hành là cha, trí bát nhã quán chiếu là mẹ, bồ đề thánh thai là Phật tử.


Kinh Lăng già (Hán bộ quyển 2) Phật nêu lên ba tướng thánh trí cho hàng Bồ tát thừa quán tưởng mà thực hành tiến tu.


1. Tướng Vô sở hữu (tức Không quán), các pháp duyên sinh không có pháp nào đơn độc. Bồ tát ngôi thứ bẩy trong thập địa, nếu ham vui chính thụ ở trong định này, hưởng phần tư lợi, không gây công hành lợi tha thì Phật bảo là hạng trí tuệ lừa què, Phật lại khuyên xuất định mà tiến tu, nếu cứ an trụ trong định này thì cũng như Thanh văn tiểu thừa tiêu cực, ích kỷ, hẹp hòi. Hạt giống đã cháy mầm chột.


2. Tướng Thánh trí được sinh ra từ tự giác, tự nguyện trang nghiêm Phật độ thành tựu chúng sinh, như chư Phật trước đã tu nhờ phép Giả quán, coi các pháp đều là chân thường, không phải hư huyễn nên loài nào, nơi nào cũng phải được tế độ, không bỏ được sự nghiêp độ sinh.


Trong kinh Pháp Hoa Phật dạy: Ta vốn lập thệ nguyện khiến cho tất cả chúng sinh đều được như ta không kém. Như thế thì biết nhân địa của Bồ tát tu hành cộng với trí Bát nhã mà thành Thánh thai Bồ đề chủng tử nối, noi sự nghiệp của Phật khiến dòng dõi được thịnh truyền không mất, thế là từ Bồ tát lên ngôi thứ tám của hàng thập địa là Đẳng giác, là ngôi Pháp vân có nghĩa là vận mây mưa giáo pháp khiến cho thượng simh mọi loài thấp, cao, lớn, nhỏ đều được thấm nhuần mà sinh trưởng.


3. Tu tướng Phật trí Cứu Kính: Tâm vốn thanh thản không hề mơ tưởng đến chứng đắc mức nào, với những pháp “Chính thụ” như huyễn. Ý nói quán chiếu thấu suốt ba cõi Không như nhau, không khác nhau, hướng tới trí Phật rốt ráo cao vô thượng, viên dung vô ngại, đã đoạn hết vi tế vô minh, mà thông qua ngôi Đẳng giác, Diệu giác, tới ngôi Viên giác, Cứu Kính mãn giác.


Tóm lại: Người tam thừa tu hành theo những phương tiện tự lợi, lợi tha, thông qua ba pháp quán các pháp thế gian, đều do duyên sinh, vô ngã, vì tập nhiều duyên mà có khổ quả, sinh, già, ốm, chết.


– Thế là đoạn phiền não Kiến, Tư, mê Sự, mê Lý, chứng được trí đạo chủng, thành được đức giải thoát, tự lợi do phép không quán thứ nhất.


– Nhờ phép Giả quán, nhờ thực hành Lợi tha mà phá tan hết những phiền não như cát bụi và thô tướng vô minh chứng được trí nhất thiết thành được đức bát nhã với những phương tiện cho vui, cứu khổ, thành trưởng dưỡng Thánh thai Bồ đề chủng tử.


– Phép quán Trung đạo, quán tất cả các pháp với tâm bình đẳng ở cả 3 cõi Không như nhau, không khác nhau dù phép đúng hay sai đều không chấp thủ nhất hướng lên trí Phật, được phép chính định như huyễn, chứng nhất thiết chủng trí, thành đức Pháp thân.


Thế là “ba quán phá ba hoặc, chứng ba trí thành ba đức”.


Hẳn các Vua nhà Trần dụng phương tiện tu hành ba phép quán này mà thành tựu được công đức phá giặc phiền não, độ chúng sinh, củng cố và xây dựng Tổ quốc thành thành trì Chính giác, ảnh hưởng rõ nét Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi của Phật Thích ca mà lập nên dòng thiền Yên tử Việt Nam.


Sa môn Thích Phổ Tuệ