Trang chủ Tin tức Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trọng thể Đại lễ...

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trọng thể Đại lễ Phật đản Phật lịch 2550

103

Tới dự lễ có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Ngô Yên Thi và đại diện các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và Hà Nội.


Hoà thượng Thích Thanh Chỉnh – Phó Chủ tịch Hội đồng Chứng minh, Hoà thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Phật Đản tại Hà Nội và hàng nghìn tăng ni, phật tử đã tới dự và cử hành đại lễ.


Sau lễ rước xe hoa của bà con Phật tử các quận huyện thuộc Ban trị sự thành hội Phật giáo Hà Nội, thay mặt GHPGVN, Hoà thượng Thích Thanh Tứ đã đọc diễn văn Đại lễ nêu rõ, năm nay kỷ niệm Phật Đản Phật lịch 2550 đúng vào năm đầu tiên Liên hợp quốc chính thức công nhận Lễ Phật đản là Lễ hội tôn giáo của thế giới và cũng là năm thứ 25 Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. GHPGVN gửi tới tăng ni, phật tử lời chúc an khang, tinh tấn trong Phật pháp, viên thành trong các Phật sự vì đạo, vì đời; mong đất nước thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, thế giới hòa bình, an lạc.


Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan khẳng định: Từ khi du nhập vào Việt Nam 2000 năm trước, giáo lý của đức Phật đã bắt gặp đạo đức truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, vì vậy đã được trân trọng đón tiếp hoà đồng với nền văn hoá dân tộc. Ngày nay, Phật giáo Việt Nam làm được nhiều việc ích đời lợi đạo, cứu khổ độ sinh, vận động tăng ni, Phật tử cả nước thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, làm từ thiện xã hội.


Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ mong các vị chư tôn, tăng ni cùng bà con, Phật tử tiếp tục theo đuổi mục tiêu: Hoằng dương Phật Pháp, lợi lạc quần sinh và truyền thống “Hộ quốc an dân”, thực hiện lời Đức Phật dạy “Phật pháp bất li thế gian pháp”, kiên trì phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, không ngừng nỗ lực tu dưỡng trí tuệ và đạo đức ra sức thực hành nghĩa vụ công dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo; vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.


Cũng trong sáng nay, tại chùa Quán Sứ, đông đảo tăng ni, phật tử đã tới chùa trong ngày Đại lễ Phật Đản, Phật lịch 2550.


Cũng như mọi kỳ rằm, mùng một – chùa Quán Sứ luôn đông đúc người tới lễ Phật. Nhưng hôm nay, lại còn đặc biệt hơn, bởi mỗi người tới đây dù là những tín đồ lâu năm, hay đơn giản chỉ là những người mới theo đạo Phật; cũng đều biết rằng: ngày rằm này chính là ngày Đại lễ Phật Đản.


Rời chùa Quán Sứ, đến với không gian thoáng đãng của Hồ Tây, nơi có ngôi chùa Trấn Quốc – một trong “Tứ trấn Thăng Long”. Hàng chục tấm băng rôn đỏ rực phấp phới bay trong gió, với những lời ngợi ca ngày Đại lễ Phật Đản, lời chào đón những tăng ni Phật tử về đây hội họp nhân ngày lễ Phật Đản. Ngay cạnh đài hoa cúc vàng rực mà nhà chùa dựng lên chào mừng ngày Phật Đản, một đoàn khách Trung Quốc đang say sưa nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử ngôi chùa…


Tại Hà Tây, một địa phương có rất nhiều chùa chiền, sáng nay, hàng nghìn tăng ni, phật tử và nhân dân Hà Tây và những vùng phụ cận đã có mặt tại Trung tâm văn hoá thông tin tỉnh Hà Tây dự đại lễ Phật đản. Hội trường trung tâm chật kín người, nhiều phật tử đứng tràn phía ngoài nhưng trong trật tự, hướng vào sân khấu chính cử hành đại lễ. Dự đại lễ, các phật tử đã nghe thông điệp Phật Đản, nghe diễn văn đại lễ Phật Đản phật lịch 2550 của Hoà thượng chủ tịch hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, cúng dàng Phật Đản, diễu hành xe hoa, thả chim bồ câu phóng sinh cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc.


Chào mừng đại lễ, tối qua 11-5, khoảng 5.000 tăng ni, phật tử cùng nhân dân địa phương đã tham gia diễu hành với 150 xe trang hoàng lộng lẫy; thả hoa đăng trên sông Nhuệ, thả đèn trời và xem chương trình ca nhạc tại trung tâm văn hoá thông tin Hà Tây. Đại đức Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương, phát biểu tại lễ Phật Đản tổ chức ở Hà Tây đã nêu rõ: “Nhân ngày Phật Đản, chúng ta thành tâm tưởng nhớ Đức Phật, Đấng Từ Phụ đã thương yêu chúng ta thân thiết. Ngài dạy: “Ta thương các vị như cha mẹ thương con. Ta làm Phật ở thế gian này để đối trị cái xấu ác loại trừ cái khổ sinh tử, khiến mọi người được năm đức, đạt đến sự an ổn vô vi”.


Sáng nay, tại chùa Từ Đàm – Huế, Thừa Thiên-Huế, sau lễ rước đức Phật từ chùa Diệu Đế về chùa Từ Đàm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức trọng thể Đại lễ Phật Đản, với sự tham gia của hàng nghìn tăng ni, Phật tử thành phố Huế và các địa bàn lân cận, trong không khí trang nghiêm và cờ hoa lộng lẫy.


Kết thúc các nghi thức cúng dường theo nghi lễ của Phật giáo là buổi diễu hành của 41 xe hoa trên các đường phố của thành phố Huế, đón mừng ngày Phật đản. Chiều tối nay, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổ chức thả đèn hoa đăng trên sông Hương. Tại các chùa lớn sẽ tổ chức đêm văn nghệ chào mừng ngày Đản sinh…


Tại TP Hồ Chí Minh, ngay từ sáng sớm Tổ đình Vĩnh Nghiêm đã chật kín bà con phật tử từ các nơi tụ về đón mừng Phật Đản. Lễ đài tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm được trang trí đẹp và hết sức trang trọng. Ngay trước sân chùa là một chiếc lồng đèn lớn với tên gọi “Sen trong ngọc” thiết kế theo hình hoa sen nở. Chiếc lồng đèn này có chiều cao 3m, đường kính 2,6m, nặng hơn 100kg, được xem là lớn nhất từ trước đến nay và đã được xác lập vào kỷ lục Guiness Việt Nam.


Không khí Đại lễ đã bắt đầu tưng bừng từ nhiều hôm qua, và đặc biệt bắt đầu từ lễ diễu hành của hơn 60 xe hoa ở khắp các ngả đường TP Hồ Chí Minh. Tại một số tuyến đường lớn trong thành phố như Lạc Long Quân – quận 1, lồng đèn, cờ, hoa được trang trí rợp trời. Toàn thành phố, ở 23 quận, huyện, các chư tăng, Phật tử đã tổ chức dựng 30 lễ đài lớn, chào mừng Phật Đản.



































Một số hình ảnh về lễ Phật đản tổ chức tại
Học viện Phật giáo (Sóc Sơn) sáng nay, 12-5.  Ảnh : TUẤN ANH.