Trang chủ Tin tức GS. Noel Jones “Đại lễ Phật Đản đầu tiên trong đời tại...

GS. Noel Jones “Đại lễ Phật Đản đầu tiên trong đời tại chùa Hưng Khánh”

155

Nhận lời mời của hai học trò cũ, em Nguyễn Tiến Dũng và em Thảo Dương , tôi đã tới chùa Hưng Khánh, ngôi chùa nằm cách Hà Nội 70km, để lần đầu tiên trong đời có cơ hội được tham dự Phật Đản, một dịp lễ hội rất quan trọng của đạo Phật. Sau một quãng đường xe bus để đến được thị xã Tế Tiêu, tôi và Thảo đi bộ 2km men theo con sông Đáy. Trên đường đi, tôi đã được chiêm ngưỡng những bức ảnh của tôi và hai em học sinh cùng những người bạn khác mà tôi đã có cơ hội được gặp ngay sau đó tại chùa.

Chúng tôi được đón tiếp nồng nhiệt bởi các Thiện nguyện viên trong màu áo nâu giản dị. Sau khi được các bạn hướng dẫn tới phòng nghỉ, chúng tôi sửa soạn lại đồ đạc và cùng hòa vào không khí vui tươi háo hức của các bạn thiện sinh vừa mới tới. Một nhóm những em thiếu nhi độ tuổi từ 10 đến 11 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của tôi. Các Thiện sinh nữ trong Ban chủ nhiệm rất vui vẻ mời tôi hát cùng các em nhỏ. Tuy rằng tôi từ chối tham gia đồng ca nhưng sau đó tôi đã thành một thành viên của đội nhảy. Tôi đã thử múa một phần điệu nhảy truyền thống của người Ai-len. Các em nhỏ rất thích điệu nhảy này và tôi được yêu cầu thực hiện lại để người quay phim ghi hình. Đột nhiên, tôi rủ một thiện sinh nam cùng trình diễn một phần điệu nhảy ngựa của Psy. Mặc dù tôi nghĩ rằng mình nhảy thật xấu, các em thiếu nhi vẫn ồ lên thích thú. Cuối cùng, màn nhảy này đã được tôi, các em nhỏ và cả Thảo đồng diễn trên sân khấu văn nghệ.

Tôi được các bạn Thiện nguyện viên hỏi rất nhiều về những cảm nhận của tôi về đất nước Việt Nam cũng như công việc hiện tại. Họ rất thích thú khi biết rằng tôi không phải là một du khách nước ngoài mà lại chính là một giáo sư đến Việt Nam để dạy bộ môn Quản lý doanh nghiệp tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, rất yêu mến đất nước và con người nơi đây.

Sau bữa ăn trong chính niệm, tôi và Thảo đã được dẫn đi tham quan chùa Hưng Khánh và các khu lân cận. Thực sư ngạc nhiên khi một ngôi chùa rộng như chùa Hưng Khánh lại vẫn bảo tồn được vẻ uy nghiêm và sự sạch sẽ. Các cụ già phụ trách bếp ăn thật khéo tay và tôi còn được các bà chắp tay chào nữa. Đây cũng chính là cách mà tôi được các bạn Thiện nguyện viên đón chào cùng nụ cười rạng rỡ trên môi. Tôi đã được trải qua một buổi tối văn nghệ thực sự khó quên với những tiếng hát và điệu múa cất lên mặc cho cơn mưa bất ngờ trút xuống. Đặc biệt hơn nữa, các bạn vẫn nhiệt tình biểu diễn tất cả các tiết mục khi bị mất điện. Sinh viên Việt Nam thật tuyệt vời!

Tôi thực sự khâm phục các em sinh viên, học sinh còn rất trẻ đã chọn trải nghiệm những ngày cuối tuần tại một ngôi chùa Phật giáo. Ngọn lửa tuổi trẻ của các bạn đã bùng cháy trong những câu hát, lời ca trong quá trình tập luyện và cả trong đêm văn nghệ. Thật là đáng kì vọng ở một đất nước Việt Nam với những thế hệ tương lai đầy nhiệt huyết như các bạn.

Tôi và Thảo đã cùng ra bờ sông để hòa chung không khí một đêm hội hoa đăng lung linh và mỹ lệ. Cảm giác khi tự tay mình thắp lên ngọn nến, thả ngọn đèn hoa đăng ẩn trong mình những điều ước nguyện trên dòng sông thật sự rất khó tả. Người dân Thái lan cũng có một lễ hội tương tự tên là Loikrathong diễn ra vào tháng 11 hàng năm. Với họ, ánh nến tượng trưng cho hào quang của Đức Phật, trong khi những krathong (bông hoa đăng trong tiếng Thái) trôi theo dòng nước như mang hết tất cả những tạp niệm, đau đớn, muộn phiền đi mất. Mặc dù vậy, tôi vẫn thích phong tục thả hoa đăng này của Việt Nam các bạn hơn.

Khi trở về phòng nghỉ, chúng tôi đã thức suốt đêm trò chuyện cùng Dũng và được cậu giới thiệu trước về các hoạt động sáng hôm sau. Tôi đã quen với việc thức trắng đêm, vì vậy, lúc 3h30’ sang, khi tiếng kẻng vang lên, tôi lập tức đi vệ sinh cá nhân và thay đồ. Đêm hôm trước, tôi đã được một Thiện sinh thắt lá cờ Phật giáo quang cổ tay. Dù không hiểu lắm, tôi vẫn vô cùng trân trọng cử chỉ lịch thiệp này của cậu. Sáng hôm sau, cậu vẫn cẩn thận xem lại vị trí của lá cờ trên cổ tay tôi . Đương nhiên là nó vẫn ở đó. Tôi đã giữ rất cẩn thận mà.

Tôi gặp lại Thảo và Dũng lúc 4h sáng. Chúng tôi được phát mỗi người một lá cờ và tôi còn được một bạn thắt một dải ruy băng quanh trán. Tuy không biết tên Thiện sinh đó nhưng tôi rất cảm động trước sự thanh lịch và lòng mến khách của mọi người. Thật là vui khi được thấy các bạn trẻ trong màu áo đỏ có in dòng chữ ‘’Thiện sinh Hương Sen Đại Bi’’ cùng nhau tái hiện lại màn nhảy flashmob đêm hôm trước và tất cả các bạn khác cũng hòa mình vào điệu nhảy chung vui. Sư chuẩn bị cho các nghi thức rước quang làng rất cẩn thận và mất nhiều thời gian. Đến 4h30, một nhóm sinh viên cầm những lá phướn to và dài bắt đầu diễu hành quanh làng trong hai tiếng rưỡi đồng hồ. Mọi người dân trong làng, từ già tới trẻ đều đã sắp lễ trước cửa nhà và kính cẩn vái lạy mỗi khi đoàn rước đi qua. Thật sự là một cảnh tượng khó quên.

Một đoàn các em trai nhỏ, dễ thương và đầy sức sống đã tò mò đi theo tôi và Thảo hỏi chuyện suốt cả quãng đường. Thảo đã rất tốt bụng và kiên nhẫn làm cầu nối cho tôi và các em nhỏ. Một cậu bé với chiếc áo có dòng chữ ‘’I love Vietnam’’ đi theo giúp tôi rất nhiều. Nhờ có bàn tay cậu bé đỡ sau lưng mà tôi không hề bị trượt ngã trên những đoạn đường gập ghềnh nhỏ hẹp. Em còn sợ rằng tôi quá mệt do quãng đường dài nên đã đấm lưng và định bóp vai cho tôi nhưng cuối cùng đành thất nói với Thảo rằng em quá thấp để với tới vai của tôi. Chúng tôi hát suốt cả quãng đường với giai điêu “halohalohalo, oleoleole’’ vô cùng vui tai. Hai thiện nguyện viên nữ chúng tôi gặp đêm hôm trước đi theo và trông chừng các em nhỏ. Hai người có vẻ không nói được tiếng Anh nhưng đã đi theo và lo cho chúng tôi suốt quãng đường dài. Đi cùng chúng tôi còn có những sinh viên từ các trường đại học khắp thành phố Hà Nội đã từng tham dự các khóa tu trước tại chùa. Các bạn ấy còn rất háo hức muốn luyện tập khả năng nói tiếng Anh và tôi rất vinh dự được làm người hướng dẫn của những thiện nguyện viên nhiệt tình này.

Tôi trở về chùa cùng mọi người, ngủ một giấc lấy lại sức, sau đó cùng tham gia trò chuyện với tất cả các sinh viên có mặt tại chùa. Tôi còn được tham gia nghe giảng và tụng kinh Phật nữa. Tôi và Thảo lại cùng các em thiện nguyện viên hàn huyên và đi dạo sau bữa trưa ngon miệng. Tôi còn được thưởng thức hoa quả ướp lạnh và món chè đậu xanh tuyệt hảo. Đột nhiên, tôi phát hiện ra một nhóm thiện sinh đang ngồi quây lại thành vòng tròn. Hóa ra các bạn đang chúc mừng sinh nhật cho một bạn gái trong nhóm. Tôi đã hát chúc mừng sinh nhật cô ấy và tặng cô ba tiêu chí sống khỏe của tôi: “một, ăn ngon mỗi ngày; hai, ngủ ngon mỗi ngày; ba, sống khỏe mỗi ngày”. Tôi tham gia chơi trò chơi và bị thua một lần với hình phạt thật sự buồn cười đến mức thật mừng là không có ai chụp lại bộ dạng tức cười của tôi lúc đó.

Kết thúc buổi trò chuyện vui vẻ, tôi tham dự buổi tụng kinh cùng các thiện nguyện viên với sự chủ trì của Đại đức Thích Minh Đồng. Thật khó để tập trung vì mọi người đều nói tiếng Việt. Tôi chỉ dám bắt chước và thầm thán phục họ. Mong rằng Phật tổ sẽ hiểu cho hoàn cảnh của tôi và Ngài sẽ không phiền lòng khi tôi không thể tụng kinh trôi chảy được như mọi người ^_^

Kỉ niệm vô giá nhất của tôi chính là được tham dự lễ Tắm Phật và thành công trong việc đồng thanh niệm “Nam mô A Di Đà Phật” cùng mọi người. Tôi vô cùng trân trọng món quà của Đại Đức Thích Minh Đồng, cuốn sách ngài tặng chính là thứ vô cùng giá trị. Còn gì vinh dự hơn khi được các bạn Thiện sinh trong ban tổ chức chụp cho tôi những bức ảnh cùng Đại Đức trước khi lên xe trở về Hà Nội để hoàn thành công việc cho buổi dạy học hôm sau. Mọi việc đều rất ổn.

Hai ngày ở chùa Hưng Khánh dự đại lễ Phật Đản quả là khó quên với sự bất ngờ trước việc hàng trăm bạn trẻ cùng nhau thành kính mừng ngày Đức Phật đản sinh, cùng đêm văn nghệ, hội hoa đăng, lễ diễu hành, buổi tụng kinh và lễ Tắm Phật, được sự chúc phúc cùng món quà quý báu từ Đại Đức Thích Minh Đồng. Mặc dù là người nước ngoài duy nhất, với độ tuổi xấp xỉ các già trong làng, tôi vẫn được các em nhỏ, các cụ già, thanh niên trong làng và các bạn Thiện sinh tiếp đón nồng nhiệt, đặc biệt là các già phụ trách hậu cần, Tôi thực sự đã được sống ở ngôi nhà thứ hai trên thế giới này.

Cảm ơn các bạn vì Đại lễ Phật Đản rất tuyệt vời, cực kỳ tuyệt vời và vô cùng khó quên.