Sáng ngày 12/03/2023 (nhằm 21/2/ Quý Mão), tại chùa Quán Sứ – Hà Nội Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; Thượng tọa Thích Thanh Tuấn – Phó Tổng thư ký – Chánh văn phòng TƯ GHPGVN; Đại đức Thích Nguyên Chính – Ủy viên thư ký HĐTS; Thượng tọa Thích Minh Tuân – Phó thư ký – Chánh văn phòng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Lai Châu – Trụ trì Thiền viện Di Đà – Hà Nội cùng Chư Tôn đức Tăng chứng minh và gia trì cho lễ Hằng thuận của đôi bạn Nguyễn Tiến Chiến pháp danh Phúc Thắng, và Phạm Hồng Ngọc.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cùng Chư Tăng quang lâm Đại hùng Bảo điện niêm hương bạch Phật cầu gia hộ, Gia đình hai họ cùng lễ Phật .
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu có đôi lời nhắc nhở với đôi ban trẻ về đạo nghĩa vợ chồng theo lời Phật dạy: “Hằng là mãi mãi; Thuận là hòa hợp; Hằng thuận nghĩa là nghệ thuật sống hoà hợp rất cần trong cuộc sống hôn nhân; một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời của người Phật tử tại gia. Hôm nay, đầy đủ duyên lành hai con được làm lễ hằng thuận tại ngôi Tam bảo và được sự chứng minh của Chư Tăng, quan viên hai họ. Để có được đời sống hôn nhân tốt đẹp, các con phải luôn trân quý từng giây phút sống bên nhau, biết quan tâm, lắng nghe, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, cùng nhau sửa chữa những lỗi lầm và hoàn thiện bản thân, xứng đáng là “Dâu hiền, rể thảo”. Đồng thời mỗi người cần giữ gìn, làm tròn bổn phận, trách nhiệm của vợ và chồng. Nếu các con khéo léo ứng dụng những lời đức Phật dạy vào đời sống gia đình thì chắc chắn sẽ có được hạnh phúc, an vui mãi mãi.
Hòa thượng còn nhắc đến ý nghĩa chiếc nhẫn cưới trong ngày trọng đại. “Vàng là kim loại quý, bền bỉ không bị nhạt màu theo thời gian, hãy gìn giữ lòng chung thủy sắc son. Cặp nhẫn, hai vòng tròn đồng tâm biểu trưng cho sự “đồng vợ đồng chồng” trong mọi việc như báo hiếu cho Tứ thân phụ mẫu, chăm sóc con cái, công ăn việc làm,…Lát nữa đây các con trao nhau nhẫn cưới thì phải tự nhắc nhở nhau mỗi khi “cơm không lành canh không ngọt” rằng ”Chồng giận thì vợ bớt lời cơm sôi nhỏ lửa cả đời nào khê”. Đó là bí quyết gìn giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình.
Dưới sự chứng minh của Chư Tôn đức Tăng, cùng sự có mặt của họ hàng hai bên, đôi tân lang và tân nương đã thực hiện những nghi lễ truyền thống như lễ bái Tam bảo, lễ bái cha mẹ hai bên, trao nhẫn cưới cho nhau và cùng phát nguyện trọn đời chung sống theo những nguyên tắc đạo đức mà đức Phật đã dạy.
Tại buổi lễ Thân mẫu tân Lang Phật tử Diệu Thanh – lê Thị Ngọc Thúy xúc động chia sẻ đôi điều với cô dâu trước khi về nhà chồng.
Lễ Hằng Thuận chính là dịp để tân lang và tân nương lắng nghe chư Tôn đức truyền đạt những lời Phật dạy về đạo: làm vợ, làm chồng, làm dâu, làm rể và làm cha mẹ trong tương lai. Việc tổ chức lễ cưới tại chùa là tạo điều kiện cho đôi vợ chồng quay về nương tựa Tam bảo cũng như sự gia hộ của chư Tôn thiền đức.
Buổi lễ kết thúc trong không khí trang nghiêm, đầy niềm hỷ lạc.
Xin giới thiệu môt số hình ảnh ghi nhận được của buổi lễ
Phúc Thịnh – Thiện Tâm