Trang chủ Bài nổi bật Hà Nội: Tái hiện hình ảnh chùa Diên Hựu bằng công nghệ...

Hà Nội: Tái hiện hình ảnh chùa Diên Hựu bằng công nghệ thực tế ảo

1445

Dựa trên phế tích cột đá chùa Dạm và văn bia Sùng Thiện Diên Linh khắc năm 1121, nhóm SEN Heritage thử đưa ra một phương án tái lập kiến trúc hoa sen một cột sáu cạnh đời Lý (độc trụ lục giác liên hoa lâu – Việt sử lược) tại chùa Diên Hựu – chùa Một Cột.

Người xem có thể “bước vào lịch sử, bước đi trong lịch sử”

Chùa Một Cột – Diên Hựu là một biểu tượng của văn hóa Thăng Long nghìn năm văn vật. Nhưng kiến trúc hiện tại mới được phục dựng từ năm 1955, kế thừa phong cách thời Nguyễn. Vì thế, dự án này muốn hướng đến tái lập mặt bằng thời Lý, kiến trúc thời Lý, phong cách mỹ thuật thời Lý từ các hiện vật khảo cổ và bi ký, nhằm truyền tải những tinh hoa văn hóa Đại Việt đến xã hội ngày nay.

Dự án do nhóm các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, họa sĩ và các bạn trẻ yêu thích văn hóa cổ truyền Việt Nam thành lập. Các thành viên gồm TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VASS), nhà thiết kế Trần Thanh Tùng (CEO Circle Group, Hội quán Di sản), Kiến trúc sư Đinh Anh Tuấn (CEO VNi, Holomia) và các thành viên khác như Duy Nguyễn, Hiệu Sicula, Lê Minh Quân, Phạm Minh Tùng, Nguyễn Huy…

Nếu như, chùa Diên Hựu là mô phỏng một tiểu vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo với tháp Một Cột- tháp hoa sen nằm ở trung tâm của mandala đồng tâm đa chiều; thì các sản phẩm công nghệ VR là một nỗ lực hiện thực hóa, hình ảnh hóa cấu trúc bình đồ và nghệ thuật kiến trúc thời Lý để người xem có thể “bước vào lịch sử, bước đi trong lịch sử”.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, mặc dù đây chỉ là “thực tế ảo” nhưng các thức kiến trúc và tỷ lệ kiến trúc đã được xử lý dựa trên số liệu cụ thể, nhằm hướng đến các phương án tái lập và phục vụ công tác truyền bá, giảng dạy, bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa của văn hóa Đại Việt thời Lý đến với xã hội ngày nay.

Tái hiện hình ảnh chùa Diên Hựu bằng công nghệ thực tế ảo ảnh 2
Toàn cảnh chùa Một Cột qua phương án tái lập

Áp dụng công nghệ thực tế ảo

Theo đó, từ trước tới nay, mọi người thường chỉ biết nhiều đến kiến trúc thời Trần, Lê và Nguyễn. Dấu tích kiến trúc thời Lý hiện không còn gì ngoài những đống phế tích đổ nát chôn vùi trong lòng đất. Những cuộc khai quật gần đây như Hoàng thành Thăng Long, chùa Phật Tích… đã hé mở ra cánh cửa để chúng ta có cơ hội bước vào một quá khứ huy hoàng, vàng son lộng lẫy của văn hóa Việt Nam thời Lý. Từ những cuộc khai quật kể trên, mảnh vụn quá khứ đã được lắp ghép, tái lập cùng với những sử liệu trong bi ký, trong Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư… đặc biệt là tư liệu cột đá chùa Dạm và văn bia Sùng Thiện Diên Linh – 2 bảo vật quốc gia thời Lý.

Năm 2013, Tiến sĩ Trần Trọng Dương đã xuất bản công trình “Kiến trúc một cột thời Lý” (NXB Hồng Đức), trong đó nhà nghiên cứu này cho rằng chùa Một Cột thực chất là Liên Hoa Đài – một tháp hoa sen biểu tượng cho núi Tu Di. Tháp này nằm ở trung tâm của chùa Diên Hựu, nằm giữa một bình đồ đồng tâm, đa tầng gồm 2 ao Linh Chiêu, Bích Trì, 1 vòng hoàn lang, 5 cầu gỗ (phi kiều), 4 sân diễn xướng Tứ Thiên Vương và hàng lang giải vũ. Đó là một bình đồ tiêu chuẩn của một Mandala theo thế giới quan Phật giáo…

Tái hiện hình ảnh chùa Diên Hựu bằng công nghệ thực tế ảo ảnh 3

Dựa trên các yếu tố nghiên cứu, khảo cổ, văn bia cùng mối tương quan trong cùng giai đoạn lịch sử, kiến trúc, tôn giáo của các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á, nhóm những người trẻ, đam mê mỹ thuật thời Lý đã thành lập, cùng nhau nghiên cứu, áp dụng công nghệ thực tế ảo, thử đưa ra một phương án tái lập kiến trúc hoa sen một cột sáu cạnh đời Lý (độc trụ lục giác liên hoa lâu – Việt sử lược) tại chùa Diên Hựu – chùa Một Cột.

Sau tròn 3 năm cộng tác, SEN đưa sản phẩm VR3D Diên Hựu hoàn thành ra mắt công chúng. Các thành viên của SEN Heritage bày tỏ mong muốn một ngày nào đó có thể cất những bước đi trong ngôi chùa Diên Hựu lịch sử. Người Việt Nam của thế kỷ 21 có thể “bước vào lịch sử”, có thể đi dạo trong không gian lộng lẫy của nghệ thuật Phật giáo cung đình, có thể “đưa tay chạm vào hiện vật ngàn năm”, để hiểu bàn tay tài hoa của cha ông thể hiện qua từng nét chạm nét khắc trên từng đường nét kiến trúc.

Trẻ em, học sinh, sinh viên có thể “đeo kính” để tung tăng gót sen, dạo chơi, vui đùa trong không gian linh thiêng và hào hoa của Diên Hựu gần tròn nghìn tuổi. Và không xa nữa, nếu có thể, từ “công trình thực tế ảo” này chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng phỏng dựng lại chùa tháp Diên Hựu của nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao thời Lý – nơi lắng đọng những giá trị cốt lõi ngàn đời dân tộc người Việt Nam

VR3D chùa Diên Hựu – Một Cột thời Lý là sản phẩm đầu tiên của nhóm trong chương trình tái lập (reconstruct) các di sản kiến trúc – mỹ thuật thời Lý Trần như: Đài đèn Quảng Chiếu, chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, tháp Báo Thiên, chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, An Nam tứ đại khí… và nhiều di sản văn hóa khác.


AN NINH THỦ ĐỘ