Trang chủ Tin tức Hải Dương: Khai hội chùa Côn Sơn

Hải Dương: Khai hội chùa Côn Sơn

84

Chứng minh tham dự lễ có Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch Thường trực HĐTS trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hoà thượng Thích Quảng Tùng – phó chủ tịch HĐTS, TT Thích Thanh Vân – trưởng BTS tỉnh hội Phật giáo Hải Dương cùng chư tôn đức BTS tỉnh hội Phật giáo tỉnh Hải Dương, Thị xã Chí Linh.

Đại diện Khách mời trung ương có Bà Đặng Thị Bích Liên – thứ trưởng Bộ Văn Hoá Thể thao du lịch cùng lãnh đạo các Bộ Ban ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng…. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương có ông Nguyễn Mạnh Hiển – Chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân tỉnh, cùng các vị đại diện Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ các sở Ban ngành tỉnh Hải Dương cùng đông đảo Tăng Ni Phật tử và du khách đã về dự hội.

Với tầm quan trọng là sự kiện văn hoá đầu tiên của tỉnh Hải Dương nằm trọng nhiều sự kiện văn hoá có quy mô lớn, đậm đà bản sắc văn hoá xứ Đông, góp phần làm sang thêm những tinh hoa của nền văn minh sông Hồng đồng thời thiết thực hưởng ứng chương trình Năm du lịch quốc gia Đồng Bằng Sông Hồng – Hải Phòng nên Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2013 được UBND tỉnh Hải Dương, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức với nhiều nội dung về phần lễ và phần hội.

Đồng thời phối hợp với BTS tỉnh hội Phật giáo Hải Dương tiếp tục tìm hiểu sưu tầm, khôi phục, dàn dựng theo hướng chuẩn mực các nghi lễ như: Lễ rước nước, Lễ mộc dục, lễ Mông Sơn thí thực và lễ tế trời đất cầu Quốc thái dân an trên núi Ngũ Nhạc. Các nghi thức lễ này do BTS PG Hải Dương đảm trách. Lễ hội được tổ chức chính thức từ ngày 16 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch

Trong buổi lễ sáng nay, sau phần Diễn văn Khai mạc lễ hội của ông Nguyễn Văn Quế – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Thượng toạ Thích Thanh Vân – Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội – Phó Ban tổ chức lễ hội đã thành kính cung tuyên Văn tưởng niệm Đệ Tam thánh Tổ Huyền Quang Tôn Giả. Văn tưởng niệm có đoạn viết

“Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, Nhất, Nhị tổ ấn tâm truyền kệ, Tổ đệ Tam, nối dõi Tông phong. Yên Tử, Thanh Mai, Côn Sơn Thánh tích, gắng làm cho Tổ ấn rạng ngời, đèn Thiền tỏ rạng. Công đức tu trì Phật pháp của Tổ sư, với những di sản văn hóa muôn đời cho nhân thế, là Ngọc tiên tập, chư Phẩm kinh, công văn tạp, phổ tuệ Ngữ lục và biết bao bài phú tuyệt thi v.v…Khai tràng thuyết pháp, Đại Phật tuyên dương, Mông Sơn Chẩn tế, Chúc  thánh vạn an, quốc tộ hưng long, xiển dương chính giáo, tạo lập già lam, Cảnh Côn Sơn Tư Phúc uy nghi, Điện quan âm đài vàng tráng lệ, toà cửu phấm liên hoa đã đi vào lịch sử….”

Cũng trong văn tưởng niệm, TT Thích Thanh Vân khẳng định: “….Dù thời gian có qua đi, không gian có biến đổi, gần 700 năm qua, công đức và đạo nghiệp của Tổ sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp Hộ quốc an Dân,tự tôn dân tộc, đoàn kết hòa hợp toàn dân, phát huy Đạo Pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau.

……Hôm nay, nhân lễ Kỷ niệm 679 năm ngày Tôn Giả Nhập Niết Bàn, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tỉnh Hải Dương, nhân dân cả nước, con cháu Tiên rồng, xin đốt nén Tâm hương ngũ phần, dâng lời tưởng niệm chân thành, Tâm cảm ý giao, một lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ Lịch đại Tổ Sư, phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm vang danh chốn Tổ Côn Sơn huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở, sánh vai cùng Yên Tử kinh đô.

Đồng thành kính nguyện thực hành: Giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các Tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm “Đạo pháp dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng nhờ ngoại lực để phát huy Đạo giáo và đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ”…..