Trang chủ Bài nổi bật Hải Phòng: Lễ an vị long cốt ngôi Đại hùng Bảo điện...

Hải Phòng: Lễ an vị long cốt ngôi Đại hùng Bảo điện chùa Nhân Trai ( Phúc Linh tự)

347

Sáng nay, ngày 12/10/2019 (nhằm ngày 14/09 năm Kỷ Hợi), tại thôn Nhân Trai, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng đã diễn ra lễ An vị long cốt ngôi Đại hùng Bảo điện chùa Nhân Trai (Phúc Linh tự) sau 5 tháng khởi công xây dựng và động thổ xây dựng ngôi Tổ đường, nhà Mẫu, điện Vua nhân kỷ niệm ngày Bồ Tát Quán Thế Âm xuất gia 19/09 âm lịch.

Quang lâm chứng minh và tham dự  buổi lễ có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Từ thiện xã hội Trung ương GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng; Thượng tọa Thích Tục Bách – Ủy viên Thường trực BTS GHPGVN thành phố, Trưởng BTS Phật giáo quận Lê Chân; Thượng tọa Thích Quảng Minh – Trưởng BTS GHPGVN huyện Tiên Lãng; Đại đức Thích Tục Hạnh – Trưởng BTS GHPGVN huyện Kiến Thụy;, Đại đức Thích Tục Nhân – Trụ trì chùa Phúc Linh, Trưởng BTC Đại lễ; cùng chư Tôn đức Tăng Ni nội, ngoại thành của thành phố Hải Phòng.

Về phía khách mời chính quyền có sự hiện diện của ông Dương Ngọc Anh – Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hải Phòng; ông Đỗ Xuân Trịnh – Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kiến Thụy; ông: Nguyễn Văn Tuấn – Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy; ông Phạm Văn Định – Ủy viên Ban thường vụ, trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UB MTTQVN huyện Kiến Thụy; ông Nguyễn Duy Mùi – Chủ tịch UB MTTQVN xã Đại Hà; Đại diện quỹ Thiện Tâm tập đoàn Vingroup, cùng các cấp ủy Đảng thuộc HĐND, UBND, UB MTTQVN thôn Nhân Trai, đại diện các sở ban ngành, các nhà hảo tâm và đông đảo quý Phật tử, du khách thập phương, nhân dân địa phương về tham dự đại lễ.

Theo lịch sử ghi chép để lại thì chùa Nhân Trai có tên chữ là Nhâm Thọ Cung, tọa lạc trên bãi đất bồi của lưu vực sông Văn Úc, thuộc thôn Nhân Trai ( còn gọi là hương Cổ Trai), xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Vào cuối năm Tân Sửu 1541 niên hiệu Quảng Hòa, vua Mạc Phúc Hải đã cho trùng tu ngôi chùa này to đẹp hơn, chùa quay về hướng Đông Nam nhìn ra biển, đồng thời dựng tượng vua Mạc Thái Tổ cùng 4 tượng đứng chầu vua: Bên hữu đứng đầu là Mạc Đăng Doanh rồi đến Mạc Ngọc Di sắc phong Tú Hoa công chúa, hàng bên tả đứng đầu là Mạc Ngọc sắc phong là Trạng Hoa công chúa, thứ đến là Mạc Huệ sắc phong là Khánh Diêm công chúa. Bên cạnh đó còn có tượng của Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (là vợ của vua Mạc Thái Tổ).

Chư tôn đức chứng minh và các cấp chính quyền đặt nóc

Sau biến cố năm 1592, chùa đã bị phá nát, hiện chỉ còn: tượng đá xanh, 6 thành bậc đá đặt trước nền chùa cũ, gồm 2 thành bậc hình rồng và 4 thành bậc chạm mây xoắn. Thành bậc rồng dài 152cm, cao 65cm, bệ cao 45cm. Thành bậc chạm mây dài 138cm, cao 50cm (cả bệ). Đến năm 1841, chùa được tu sửa lại mang tên Phúc Linh tự niên hiệu Thiệu Trị thời Nguyễn.

Trải qua bao  biến thiên thăng trầm của thời gian và lịch sử, cũng như sự tàn phá của chiến tranh, đến nay các hạng mục công trình của chùa đã xuống cấp trầm trọng. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh của đồng bào Phật tử và nhân dân địa phương, được sự cho phép của các cấp chính quyền và các cấp Giáo hội, ngày 6/5/2019 ( nhằm ngày 2/04 năm Kỷ Hợi), Đại đức Thích Tục Nhân đã cùng chính quyền, các cấp Giáo hội, Phật tử và nhân dân địa phương tổ chức lễ khởi công động thổ xây dựng ngôi Đại hùng Bảo điện chùa Phúc Linh có diện tích hơn 200m2 trên tổng diện tích khuôn viên chùa khoảng 700m2.

Chùa được xây dựng  theo kiến trúc hình chữ Đinh, phía trước thờ Phật, phía sau thờ chư lịch đại Tổ sư,  Sau hơn 5 tháng thi công, đến nay công trình đã hoàn thiện xong phần mộc.  Hôm nay, nhân kỷ niệm ngày Bồ Tát Quán Thế Âm xuất gia, các cấp Giáo hội, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ an vị long cốt ngôi Đại Hùng Bảo Điện, đồng thời khởi công động thổ xây dựng ngôi Tổ đường, nhà Mẫu, điện Vua chùa Nhân Trai.

Hòa thượng Thích Quảng Tùng ban đạo từ

Ban đạo từ tại buổi lễ, HT. Thích Quảng Tùng đã chia sẻ về ý nghĩa, mục đích và công đức của việc xây chùa. Xây chùa mục đích chính là để cho các Phật tử có nơi tu học, tu tâm, dưỡng tính. Ngoài ra, xây chùa còn có mục đích giúp yên dân bởi dân gian ta vẫn thường quan niệm chùa là bùa làng. Mỗi làng mỗi xóm nên có một ngôi chùa thì ở đó nhân dân mới được ấm no, hạnh phúc. Hòa thượng chia sẻ thêm, đây là ngôi chùa rất linh thiêng, ngoài thờ Phật còn thờ các vị Vua nhà Mạc có công với Dân tộc, có công với Đất nước. Đồng thời, Hòa thượng mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp, hằng tâm, hằng sản của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các cơ quan ban ngành, đoàn thể , sớm đưa công trình đưa vào sử dụng, để bà con Phật tử, nhân dân địa phương có nơi lễ bái, tu học, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh và tán thán công đức của Đại đức Trụ trì, cũng như chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ trong thời gian vừa qua.

Trước khi kết thúc buổi lễ, chư Tôn đức Tăng Ni, chính quyền địa phương và nhân dân Phật tử đã cử hành nghi lễ niêm hương, bạch Phật, lễ chú nguyện an vị long cốt Ngôi đại hùng Bảo Điện và lễ  khởi công động thổ xây dựng ngôi Tổ đường, nhà Mẫu, điện Vua chùa Nhân Trai trong không khí hoan hỷ, ấm tình đạo vị.

Sau đây là hình ảnh ghi nhận:

Cung nghinh chư tôn đức quang lâm chứng minh đại lễ

Niệm Phật cầu gia bị

Chư tôn đức chứng minh

Đại biểu chính quyền thành phố và địa phương sở tại

MC điều hành buổi lễ

Chính quyền địa phương tặng hoa chúc mừng

Đại diện chính quyền địa phương phát biểu

Hòa thượng Thích Quảng Tùng ban đạo từ

Toàn cảnh đại lễ

Chư tôn đức và các cấp chính quyền niêm hương bạch Phật, chú nguyện an vị long cốt chùa Nhân Trai

Hòa thượng Thích Quảng Tùng sái tịnh long cốt

Động thổ xây dựng Tổ đường, nhà Mẫu và điện Vua chùa Nhân Trai

Thành Trung