Trang chủ Tuổi trẻ Hoằng pháp và tuổi trẻ

Hoằng pháp và tuổi trẻ

65

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!


Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni, các vị đại biểu, đặc biệt là các bạn thanh niên đang có mặt trong buổi toạ đàm ngày hôm nay.


Tôi xin được phép mở đầu bài viết của mình về đoạn trích mà có lẽ chính điều này đã khiến tôi chọn chủ đề “ Hoằng Pháp và tuổi trẻ” cho buổi toạ đàm ngày hôm nay :”Đã từ rất lâu rồi Tôi nghiên cứu, tìm hiểu Phật Pháp, học rồi kiểm chứng một mình. Tôi luôn khao khát tìm kiếm một ai đó, một người nào đó đồng trang lứa để có thể chia sẻ cùng trao đổi giúp đỡ nhau trên bước đường học phật. Có những lúc Tôi nghĩ chẳng nhẽ Phật Pháp không thể dành cho tuổi trẻ, hoặc giả tuổi trẻ không quan tâm đến Phật Pháp….” Đó là lời tâm sự rất chân thành của một thành viên mà chúng tôi đã đọc được trên Diễn đàn Phật tử Việt Nam, xin cảm ơn bạn và những suy nghĩ chân thực của bạn đã nói lên phần nào những trăn trở của  hầu hết những thanh niên phật tử hiện nay.


Hiện nay, có một số nhận định cho rằng:  Tuổi trẻ đến với Đạo Phật rất ít, dường như giới trẻ chưa có điều kiện tiếp cận với Phật giáo? Và tôi cho rằng không hẳn như vậy, tuổi trẻ ngày nay biết đến đạo phật ngày càng nhiều, và trong số họ những người hiểu về Phật pháp cũng không phải là ít. Bằng chứng là tại những cuộc thi giáo lý đạo Phật và hội nghị Huynh trưởng toàn quốc vừa diễn ra số người trẻ tuổi cũng chiếm tỉ lệ cao, đặc biệt những người đạt giải tại cuộc thi giáo lý đạo phật tại Thành hội phật giáo Hồ chí minh là những bạn còn rất trẻ.


 


Mặc dù chưa có một công trình nghiên cứu nào về tình hình sinh họat của Thanh Niên phật tử trẻ ở Việt Nam, nhưng tôi có thể nói rằng, giới trẻ đến với những chùa ngày một tăng. Nếu bạn thử một lần ghé thăm ngôi chùa vào các ngày mùng một hay ngày rằm – và đặc biệt những kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học. Số lượng những bạn trẻ đến chùa rất nhiều. Hay vào những dịp nghỉ lễ, những ngôi chùa nổi tiếng cũng là 1 trong sự lựa chọn của các bạn trẻ. Nhưng đó chỉ là sự tăng về số lượng, vậy còn “ chất lượng” –  tôi xin được dùng từ “chất lượng” ở đây để đặt ra câu hỏi liệu trong rất nhiều các bạn trẻ đó, có bao nhiêu người hiểu về Đạo Phật, hiểu về đạo lý “Từ Bi Hỷ Xả”


Có lẽ ai cũng biết rằng các bạn trẻ đó, họ đến chùa và họ đang gửi niềm hy vọng vào Đức Phật- họ mong muốn Đức Phật phủ hộ độ trì cho họ được thi đỗ đai học, được gặp điều lành… Vâng, đó là những điều mà những bạn trẻ ban đầu khi đến với những ngôi chùa thường gửi gắm về những điều tâm linh, và bản thân tôi cũng vậy.


Nhưng chắc hẳn các bạn ngồi đây đều biết rằng Đức Phật không chỉ dành cho bạn một ước mơ, một điều lành trong một lúc nào đó mà Đức Phật ban tặng cho tất cả chúng ta một cuộc sống an lạc, một tinh thần khoẻ mạnh và một phương pháp thực tập phù hợp với hoàn cảnh bản thân.


Vậy làm thế nào để các bạn trẻ được biết và hiểu về Đạo Phật một cách đúng đắn nhất ?


 


 Chúng tôi thiết nghĩ cần có 1 số yêu cầu sau:


1. Vấn đề về con người:


1.1. Tăng Ni : Con người tôi muốn nhắc đến ở đây trước hết chính là Chư Tôn đức Tăng Ni – những người đại diện cho Đức Phật (đặc biệt những Tăng Ni sinh trẻ) – Tôi cũng biết hiện nay cũng đã có rất nhiều những Tăng Ni sinh trẻ tuổi đi du học ở các nước trên thế giới. Có thể nói đây chính là những người mang đến những làn gió mới cho Phật giáo Việt nam và giúp cho công tác Hoằng Pháp ngày càng phát triển.


Được biết, có rất nhiều bạn trẻ đến chùa và cũng có ý nguyện tìm hiểu về lịch sử của ngôi chùa, về ý nghĩa các tượng Phật…Vậy người có thể lúc này giúp đỡ các bạn trẻ một cách thiết thực nhất đó chính là những vị Tăng, Ni tại ngôi chùa đó. Với sự hiểu về Phật giáo cùng với nụ cười thân thiện, sự cởi mở sẽ làm người ta an bình hơn, thay vì phải những từ quá “ cao siêu”, trích dẫn những kinh điển mà bản thân những vị Tăng Ni nhiều khi đọc còn thấy khó hiểu để đem ra hướng dẫn. Thiết nghĩ, khi đó quý Thầy, Cô đang chỉ cho bạn trẻ những bước đi đầu tiên đến với Phật giáo.


1.2 Thanh niên Phật tử : Và không thể không nhắc đến những con người với sự nhiệt tình, hăng say, có hiểu biết và tinh thần mộ đạo – những thanh niên Phật tử – sẽ chính là những hạt nhân trong công cuộc Hoằng Pháp với tuổi trẻ. Có bạn hỏi tôi, vậy những người trẻ tuổi sẽ làm những gì cho phật pháp?


Câu trả lời mà tôi muốn nói với bạn là trước hết bạn hãy sống thật tốt như đúng tinh thần giáo lý Phật đà. Tôi không dám nói là bạn phải tốt mọi mặt, vì bản thân tôi cũng có những khuyết điểm, lỗi lầm. Nhưng quan trọng hơn là bạn biết nhận ra điều sai trái, và khắc phục lỗi lầm. Còn với những người xung quanh – những bạn trẻ cùng trang lứa thì theo tôi bạn có thể làm rất nhiều việc. Chẳng hạn: Bạn thấy 1 ngưòi bạn có những hành động chưa tốt, vậy bạn có thể dùng Luật Nhân – Quả, Thuyết Luân hồi.. để giảng giải cho họ, từ đó họ không làm điều xấu nữa. Hay chỉ đơn giản, nhân dịp nào đó, chẳng hạn lễ Vu Lan Báo Hiếu, bạn có thể tặng các bạn của mình những tập sách nói về đại hiếu Mục Kiền Liên, những băng đĩa ca nhạc về Phật giáo,…hoặc nhân chuyến picnic đến ngôi chùa bạn có thể giới thiệu cho bạn mình về cuốn sách hay điã  “đường xưa mây trắng” của Thiền sư Nhất Hạnh, Nói với tuổi 20, trái tim hiểu biết…Tôi nghĩ rằng những món quà như thế sẽ có ý nghĩa rất nhiều.


2. Phương tiện trong công cuộc Hoằng pháp:  Chúng tôi khẳng định lại rằng con người đóng vai trò chủ lực trong công tác Hoằng pháp. Từ đó mới là chủ thể sáng tạo, đổi mới phương tiện nhằm Hoằng dương Phật pháp.


Đối tượng trong bài tham luận của tôi là những người trẻ tuổi – những chủ nhân của tương lai – những ngưòi có tri thức của thời đại, tràn trề nhiệt huyết và đặc biệt họ đang sống trong 1 môi trường với tốc độ hoá ngày càng tăng. Con người, đặc biệt là thanh niên trẻ cũng đang ngày càng bị quấn theo dòng chảy của nhịp sống thời hiện đại. Vậy phải có 1 phương pháp thực tập sao cho phù hợp, ngoài việc chỉ giảng những lý thuyết Phật Pháp, đòi hỏi người hướng đạo cần chỉ cho giới trẻ những lợi ích mà Đạo Phật sẽ mang lại. Bản thân tôi nhận thấy ngày càng nhiều bạn trẻ đến với Thiền – không chỉ ở Việt Nam mà còn ở trên Thế giới. Thiền tập không chỉ giúp chúng ta có những giây phút tìm lại chính mình mà còn cho chúng ta nhìn lại và suy xét các mối quan hệ xung quanh, để từ đó có một cuộc sống an lành, và hướng thiện.


– Tuổi trẻ hiện nay là những người mang trong mình tri thức, lý tưởng sống cao đẹp, tận dụng được sự tiến bộ của khoa học công nghệ, thì việc Hoằng Pháp cũng cần phải tiến theo đáp ứng được. Đó không chỉ còn là sách báo, mà còn là băng đĩa, đặc biệt là Internet. Hôm nay chúng ta ngồi đây, cùng toạ đàm, vì chúng ta đều biết đến trang web phattuvn.org. Trong số đó có nhiều bạn trẻ đang là thành viên tích cực của diễn đàn phật tử việt nam. Bằng Internet thì dù có cách xa nhau về mặt địa lý, nhưng họ có thể trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm tu tập, và cả những giúp đỡ về mặt tinh thần…Tôi vẫn thường nói với bạn tôi rằng, diễn đàn đang làm nhiệm vụ “ Hoằng Pháp online”.


– Phương tiện cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến trong công tác Hoằng pháp là vai trò của văn nghệ. Với tuổi trẻ thì văn nghệ đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần. Vì vậy làm sao để có những bái hát, bài thơ,… với ca từ, dễ hiểu, dễ nhớ, đi vào lòng người thì càng làm cho công tác Hoằng Pháp đến gần với bạn trẻ. Sự thành công của chương trình văn nghệ “ vầng trăng mẹ” được tổ chức vào lễ Vu lan Phật lịch 2550 do thành hội phật giáo thành phố HCM tổ chức, hay chương trình radio Chuyển Pháp Luân được phát sóng thử nghiệm hàng tháng trên room Chuyển Pháp Luân là những mô hình cần nhân rộng.


Trên đây là những suy nghĩ của bản thân về công tác Hoằng Pháp với tuổi trẻ. Xin được khép lại bài viết về quan điểm Hoằng Pháp . Hoằng pháp nghĩa là “mở rộng ra làm cho giáo pháp của Phật được lan tỏa khắp nơi, hay nói cách khác, đem giáo lý của Ðức Phật đến với mọi người, đến với giới trẻ muốn tìm hiểu và ứng dụng lời Phật dạy để có một đời sống an lạc giải thoát giác ngộ. Hoằng pháp không có nghĩa chỉ là những buổi thuyết pháp trên pháp toà mà nó phải được thể hiện trong mọi sinh hoạt của con người qua nhiều phương tiện khác nhau : ngôn ngữ diễn đạt qua văn hoá nghệ thuật, in ấn kinh điển …. Làm sao cho giáo lý Ðức Phật đi vào đời sống của con người, biến thành chất liệu sống như con người cần không khí để thở; có như thế mới thực sự là một nền giáo lý có ích, thiết thực góp phần đưa con người thoát khỏi mọi khổ đau.”


 


Chúc buổi toạ đàm của chúng ta thành công tốt đẹp !


Chân thành cảm ơn!!!