Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Hỏi & đáp : Thầy thế độ & đệ tử

Hỏi & đáp : Thầy thế độ & đệ tử

1695

Hỏi : Trong quá trình khảo sát, kết quả nghiên cứu năm 2011 của đề tài “Tính thích ứng của Tăng Ni sinh trong đời sống tu hành ở đô thị” cho thấy, sự kết nối giữa Thầy thế độ với để tử là mối quan hệ vô cùng quan trọng trong môi trường giáo dục Phật giáo, song hiện nay mối quan hệ này đã có những thay đổi đáng kể, một số Tăng ni sinh vừa xuất gia đã sớm rời thầy. Kính xin Hoà thượng cho chúng con một vài suy nghĩ gì về vấn đề này?

Hoà Thượng Thích Minh Thông: Một số chư tôn đức tâm sự với tôi, hiện nay mối quan hệ giữa thầy thế độ và đệ tử ở một số chùa không còn mật thiết giống như xưa.
Theo xu hướng phát triển xã hội, việc Tăng Ni mới xuất gia chưa bao lâu rồi bỏ thầy tổ cầu học phương xa (không được sự cho phép Thầy tổ) diễn ra ngày càng nhiều. Nguyên nhân xuất phát từ những nội kết trong mối quan hệ thầy trò. Đôi khi thầy thế độ quá cố chấp vào cái cũ của đời sống trước kia, không chịu mở lòng cập nhật cái mới của thời đại khiến cho người đệ tử bị bó buột, nghẹt thở, tù túng rồi bỏ đi; Một nguyên nhân khác lại có một số thầy thế độ không đủ khả năng giáo hoá đệ tử, độ quá nhiều người cùng lúc, trình độ hạn chế, thiếu tư cách làm thầy khiến người đệ tử không phục, xem thường, phá vỡ nếp sống truyền thống tốt đẹp hiếu đạo nơi chốn thiền môn.
Trong luật Phật day, Tỳ kheo 10 tuổi hạ mới được làm thầy, tuy nhiên bây giờ ở các chùa có một số thầy thế độ tuổi đời khá trẻ, tuổi đạo còn quá ít nhưng lại cạo tóc xuất gia cho đệ tử, khi bản thân họ chưa hoàn thiện hết các oai nghi Tỳ kheo cũng như tư cách làm Thầy.
Chuyện này cũng đã xãy ra vào thời đức Phật rồi. Một hôm Tỳ kheo Hoà Tiên đến đỉnh lễ phật và dắt theo đệ tử của mình.
– Phật biết liền bảo: Vị này là ai mà đỉnh lễ Thầy vậy, Tỳ kheo Hoà Tiên?
– Tỳ kheo Hòa Tiên đáp: Dạ đệ tử của con.
– Đức Phật hỏi Tỳ kheo Hòa Tiên: Thầy được mấy tuổi hạ rồi ?
– Hòa Tiên thưa: Con được hai tuổi hạ rồi.
– Phật nhìn người đệ tử Tỳ kheo Hoà Tiên lại hỏi tiếp: Đệ tử Thầy mấy tuổi hạ rồi?
– Dạ đệ tử con một tuổi hạ, Hoà Tiên đáp.
– Phật liền dạy: Thầy chưa dứt sữa thì làm gì có khả năng nuôi ai? Thầy chỉ mới có hai tuổi hạ, thì trong thời gian này nên hầu thầy trao dồi oai nghi phẩm hạnh, vội vã gì mà độ đệ tử sớm. Bây giờ, Thầy giống như trẻ nhỏ vẫn còn bú, phải nương Thầy thế độ, sau 5 tuổi hạ mới được lìa thầy.
Theo đó Phật chế, hàng Tỳ-kheo phải đủ mười tuổi hạ mới được nhận đệ tử thế độ, đây là quy định căn bản không thể sửa đổi. Còn đối với người đệ tử thì chưa được năm tuổi hạ “không lìa thầy dù là một đêm”.
Thời đại bây giờ, đệ từ xuất gia xong ở học với thầy thế độ không nhiều, mà phải đến các trường Phật Học, nên việc thầy gần gủi và hướng dẫn cho đệ tử chẳng được bao nhiêu.
Đức Phật cho phép, Tỳ kheo mười tuổi hạ một năm chỉ nhận một người đệ tử không được nhận hai người. Nếu có một vị đệ tử thọ Tỳ-kheo xong thì sang năm mới nhận một người nữa (mỗi năm nhận một người).
Trong luật Phật dạy, ngoài quy định đủ mười tuổi hạ ra, để trở thành người Thầy thế độ cần hội đủ 5 yếu tố: (1) Phải thông kinh luật; (2) Phải giữ giới; (3) Phải học rộng về nội điển và biết cả kiến thức thế gian pháp; (4) Phải có tâm lý để mà giải tỏa những gút mắc của người đệ tử; (5) Phải có trí tuệ, có tu chứ không phải dốt nát,
Có thể nói rằng, làm thầy thế độ khó lắm chứ không phải dễ đâu, vì không phải ai cũng có thể đạt được tiêu chuẩn đó. Điều căn bản tối thiểu phải có đủ 10 tuổi hạ là nền tảng trước tiên của ngườiThầy, sau đó mới đến những yếu tố khác. Nếu không đủ các điều kiện trên, người thầy sẽ dễ thiếu sót về trong oai nghi, cũng như tư cách làm thầy. Ngoài ra, làm thầy mà nôi dung kinh điển, giới luật không nắm rõ, thì làm sao dạy dỗ cho đệ tử. Trong luật Phật dạy: Nếu Tỳ kheo không tinh thông kinh luật thì suốt đời không được làm thầy, phải tinh tấn đến những vị Tỳ kheo nhỏ tuổi có kiến thức sâu rộng để tham học.
Tôi nghĩ rằng, nếu người Thầy thế độ không đủ năng lực và trí tuệ hướng dẫn cho đệ tử mình, thì cũng có thể gửi người đệ tử mình vào nhập chúng các trường Phật học hoặc tìm vị thầy y chỉ cầu pháp tu học.
Ngày nay, trường Phật học đã được mở ra nhiều nơi trong nước lẫn ngoài nước, người đệ tử có thể xin thầy tổ cho phép đến đó cầu học. Vì vậy, các quy định thời gian thế độ đệ tử theo đó mà linh hoạt áp dụng.
Điều mà tôi trăn trở nhất là sự yếu kém, cục bộ và kém trình độ của một bộ phận các Thầy thế độ sẽ dẫn đến những nội kết, bất hoà trong mối quan hệ thầy trò, hệ quả cuối cùng là học trò phải bỏ thầy ra đi. Hơn nữa, có không ít đệ tử khi phát hiện ông thầy dốt nát, không đủ khả năng hướng đạo rồi sinh tâm ngã mạn, có vị sau khi cầu học các trường Phật học xong về chùa ra oai dạy lại thầy mình. Hiện nay việc giáo dục chăm sóc hời hợt của của thầy thế độ đối với đệ tử làm cho khoảng cách trong mối quan hệ thầy trò càng ngày càng xa, có vị sau khi học xong ở các trường Phật học không muốn quay lại chùa thầy tổ để phụng sự.
Ở đây,riêng đối với bổn phận người đệ tử, nếu không tuân thủ theo khuôn mẫu, quy định của giới luật thiền môn, tự ý bỏ thầy ra đi mà không có một lý do chính đáng, không sự có cho phép của Thầy tổ thì dù có giải thích biện mình thế nào đi chăng nữa cũng được xem là có lỗi.

(Thái Hòa ghi – 06/2011)