Trang chủ Bài nổi bật Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX sẽ có hơn...

Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX sẽ có hơn 1.000 đại biểu về Thủ đô Hà Nội tham dự

363

Chiều 23/11, tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội, Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì họp báo.

Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra trong hai ngày 28 và 29-11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt – Xô, với sự tham dự của 1.091 đại biểu, với chủ đề “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX là một sự kiện quan trọng được tiến hành theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đại hội IX Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiệm vụ cử hành nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ và Hội đồng Chứng minh; suy cử Chủ tịch và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027; nghi thức tấn phong Giáo phẩm tại Đại hội; thực hiện nghi thức tuyên dương khen thưởng của Giáo hội và Nhà nước trao tặng các tập thể ban, viện Trung ương, Ban Trị sự và cá nhân Chư tôn đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử thành viên Giáo hội.

Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội kỳ này là tiến hành tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và một số Phật sự quan trọng khác.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ tập trung thảo luận và quyết tâm thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm của toàn thể Tăng Ni, Phật tử ở trong và ngoài nước, thực hiện 12 mục tiêu, chương trình tổng quát mà Đại hội IX hướng tới như: Nâng cao kỷ cương, giới luật, gắn liền trách nhiệm trong mọi hoạt động Phật sự của Tăng Ni, Phật tử là trên hết, trước hết; nâng cao năng lực quản trị hành chính và điều hành hoạt động của Phật sự của Giáo hội; Tăng ni, Phật tử không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà, bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế; Tăng cường công tác pháp chế, giám sát, kiểm soát các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội; Quản lý chặt chẽ sinh hoạt tự viện, sinh hoạt của Tăng Ni theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước…

N.T tổng hợp