Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử Hưng Hoà Cổ Tự và trại Hạnh Bà Rịa Vũng Tàu năm...

Hưng Hoà Cổ Tự và trại Hạnh Bà Rịa Vũng Tàu năm 2013

546
Quốc lộ 55 khởi đầu từ ngã ba 46 tỉnh Bình Thuận (gọi là ngã ba 46 vì nó cách thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận 46km) chạy dọc gần 20km theo trục Tây – Nam xuống đến ngã tư Quân Cảnh thị trấn LaGi, sau đó con lộ chuyển mình băng qua 32km theo trục Bắc Nam song song theo bờ biển đến xã Bình Châu huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Đến đây, con lộ như ngập ngừng, như lưu luyến mở ra các ngã rẽ lang thang khắp suối nước nóng Bình Châu – một điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khá nổi tiếng của miền Đông Nam Bộ – rồi vươn mình băng qua khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu để thoát khỏi Xuyên Mộc.

Trước khi hoàn thành 44km cuối cùng để kết thúc tại thành phố Bà Rịa, con lộ băng ngang qua chùa Hưng Hoà tại thị trấn Đất Đỏ. Ngôi Cổ Tự gần 200 năm tuổi mà chúng tôi chọn làm điểm Trại cho Trại Hạnh ngành Nữ tỉnh nhân ngày vía đức Bồ tát Quán Thế Âm trong tháng 9 sắp tới.
 
Đất Đỏ – Bà Rịa Vũng Tàu: vùng đất được nhiều người biết đến trong gần 200 năm lịch sử đất nước gần đây. Có lẽ do vị trí đắc địa của nó khi ép mình sát cạnh Xuân Lộc – Đồng Nai chiến trường của những năm 1975 sôi động, hoặc nơi có cửa biển Lộc An tiếp nhận những Đoàn tàu Không số nên Đất Đỏ hơn 40 năm qua mới kịp hồi phục những vết thương trên mình. Ít hố bom như miền Trung bão lửa, nhưng Đất Đỏ như cô gái hứng chịu nhiều vết đạn trên thân thể của mình. Và cũng vì vậy kể từ khi thành lập năm 1836 đến giữa năm 1975 ngôi Cổ Tự Hưng Hoà bị tàn phá khá nặng nề.
 
Tọa lạc khu phố Phước Sơn, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Hưng Hòa Cổ Tự được dân làng hiến cúng đất và khởi công xây dựng từ năm 1836. Ban đầu chùa chỉ là một thảo am nhỏ không có bóng dáng của màu Huỳnh Y, chỉ có những cụ ông, cụ bà hằng ngày quét dọn, hương khói thờ phụng như muôn vàn các ngôi chùa quê hay nhà thờ tổ.

Đến với Phật giáo thưở ban sơ chỉ vì tín ngưỡng như tấm lòng của người dân Việt Nam khi cảm nhận được sự hội tụ với truyền thống tâm linh. Lâu dần sự tín ngưỡng chuyển dần sang sự thông hiểu qua những lần nghe Pháp, lễ bái…. Cách khu vực Đại Tòng Lâm chưa đầy 50km, nhưng nơi đây vào thời gian trước không khác gì một ốc đảo.

Đầu năm 1997, thời gian ghi dấu lên chùa bằng muôn vàn lỗ mọt và nhất là mối (Hình như nền đất đỏ bazan thích hợp cho mối hay sao mà chúng tôi thấy nơi nào cũng có những ụ mối…). Thế là người dân nơi đây bàn định, gom góp từ những đồng tiền còm cỏi sửa sang nhẹ lại ngôi chánh điện để mỗi đêm trong mùa mưa bão ngồi với nhau mà tận hưởng hạnh phúc khi nước mưa không nhỏ giọt xuống Bửu Điện.
 
Tháng 7 năm 1997, ngôi chùa bừng lên sức sống. Sau bao năm gián đoạn, Khoá Giảng Sư Thiện Hoa I kết thúc ghi dấu sự hồi sinh của những Đoàn “Sứ Giả Như Lai” nơi vùng Tòng Lâm này. Những cụ ông lụm khụm khăn đóng áo dài, những cụ bà móm mém trong bộ áo tràng đón chuyến xe Renaul được cải tiến chạy bằng than lên “chùa Tỉnh Hội”. Được sự trợ duyên của Thượng toạ Thích Minh Quang, đoàn đảnh lễ Hoà thượng Trưởng Ban Hoằng pháp và trong số những Giảng sư vừa hoàn thành chương trình đó có Sư cô Thích Nữ Chúc Phương được giao nhiệm vụ về hoằng hoá nơi vùng đất gian khổ này. Nhiệm vụ ban đầu mà Ban Trị sự giao cho Sư cô chỉ là “quản tự” và bước đầu làm cho bà con nơi đây hiểu về “Phật Pháp”.
 
Khi đã “Cát ái ly gia”, các vị Trưởng tử Như Lai luôn tâm niệm không những “Tự giác” mà còn phải “Giác tha”. Từ 1997 trong giai đoạn muôn vàn khó khăn do dấu ấn một thời để lại, khó khăn do kinh tế, do chùa nghèo thì ít, mà khó khăn trong chuyển biến tâm tư con người thì nhiều. Làm sao để bà con nơi vùng đất mới này hoà hợp được tư tưởng mang nặng dấu ấn Khổng giáo với Phật giáo, hiểu được Phật chứ không chỉ tin Phật. Khó khăn đè nặng lên tâm nguyện của Sư cô Thích Nữ Chúc Phương, và một trong những điều tâm niệm lại như hiện rõ “xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường”.
 
Năm 2006, gần 9 năm sau ngày về “quản tự”, cũng chừng ấy thời gian để sự tàn phá của thời tiết lưu lại trên ngôi chùa. Không những khu tăng phòng, nhà bếp…. mà cả chánh điện được sửa chửa nhẹ năm 1997 cũng phai tàn, xuống cấp.

Kế hoạch đại trùng tu ngôi cổ tự được vạch ra khi có sự chấp thuận chính thức của những nơi có trách nhiệm. Một dự án kéo dài suốt 8 năm khi kinh phí trong chùa chỉ đủ cho hương đèn hàng ngày. Tuy nhiên với tâm niệm của vị Trú trì Thích Nữ Chúc Phương, sự đồng lòng của quý bác trong Ban Hộ tự và nhất là sự cảm thông của thập phương – bá tánh, từng bước, từng bước một ngôi Cổ tự đã hình thành với diện mạo ngày hôm nay.

Đẹp hơn, hoàng tráng hơn nhưng cái được lớn nhất không phải ở chùa to, tượng đẹp mà cái được của Hưng Hoà Cổ Tự là sự thấu hiểu về Phật Pháp – sự hiệp thông trong từng tâm tưởng của người dân nơi đây. Trong ngần ấy năm, từ năm 1997 ngoài các thời công phu, tu học Sư cô trú trì còn hướng dẫn cho bà con Phật tử trong huyện qua các khoá tu vào ngày thứ 7 hàng tuần.

Mỗi khoá tu là 1 đề tài Phật Pháp được giảng giải, được phân tích, được tranh luận, được chất vấn đến chân tướng của sự vật – của hiện tượng. Khó khăn hơn khi Đất Đỏ có 1 trung tâm của Hội người mù và Hưng Hoà Cổ Tự lại tiếp tục mở ra thêm 1 khoá tu đặc biệt vào thứ 4 dành riêng cho người mù. Mỗi đối tượng có tính chất đặc thù riêng. Sự khéo léo, uyển chuyển khi áp dụng các phương pháp khác nhau cho những đối tượng khác nhau được vận dụng sáng tạo và có thể nói là đã thành công dù chưa thật sự trọn vẹn khi mà những phương tiện phục vụ cho người mù còn thiếu quá nhiều.
 
Tâm bệnh từng bước được cải tạo, nhưng di chứng của một thời khắc nghiệt, của sự vô độ còn đó. Không thể có 1 tinh thần minh mẫn trong một thân thể bệnh tật, năm 1999 phòng thuốc nam từ thiện được hình thành trong một căn chái nho nhỏ giờ là một căn phòng khá khang trang bên cạnh chánh điện. Từ đó, mãi cho đến hôm nay có những lượt người đến rồi đi để được xem mạch, bốc thuốc, châm cứu ….hoàn toàn miễn phí.
 
Những đạo hữu ngày nào của Hưng Hoà Cổ Tự ngày càng gần đất – xa trời, lớp hậu bối nơi đây theo quỹ đạo chung bị cuốn hút vào những ảo tưởng, những hào nhoáng trong dòng xoáy của cuộc sống mà quên đi trong tay áo của mình có hạt minh châu. Thức tỉnh, dẫn đường cho lớp trẻ trở về với chân như bằng lớp giáo lý sơ cấp vào tối thứ 7 hàng tuần là một gánh nặng đè lên một xác thân nhỏ bé nhưng luôn nở nụ cười hiền hậu và cảm thông của sư cô trú trì là hình ảnh mà tôi bắt gặp trong 1 đêm ngang qua ngôi chùa cổ.
 
Cuối tháng 7/2013 trong Hội thảo Chuyên ngành về Gia Đình Phật Tử của Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu một nổi buồn thoáng hiện trong mắt vị trú trì chùa Hưng Hoà đồng thời là Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử huyện Đất Đỏ, khi màu Lam chưa hề có mặt nơi đây. Vì lẽ đó ngày 16/08/2013 khi chúng tôi tháp tùng cùng anh Thiện Bình – Nguyễn Hồng Trân – Phó Trưởng Ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh tác bạch thỉnh ý Sư cô cho phép mở Trại Hạnh tại nơi đây, vẽ hoan hỹ hiện lên trên khuôn mặt và lời giao ước:

Sau trại anh em cung cấp cho cô 1 đến 2 Huynh trưởng để cho một đoá sen Lam nở trên Trung tâm huyện này.

Rời Hưng Hoà, anh em chúng tôi mừng thì ít mà lo thì nhiều: Làm sao cho đoá Sen Trắng hình thành trên vùng Đất Đỏ….

 

Cổng Hưng Hoà Cổ Tự

Nụ cười luôn nở trên khuôn mặt vị Trú trì dù gian khó vẫn hằng ngày bủa vây

Anh Thiện Bình – Nguyễn Hồng Trân Phó trưởng ban Ban Hướng Dẫn GĐPT Tỉnh thỉnh ý Sư Cô

Văn phòng ban Trị sự Phật giáo huyện trong khuôn viên của Hưng Hoà Cổ Tự

Tài sản quý nhất của chùa: Khu thờ các bảo tháp chứa Xá Lợi

Các bảo tháp thờ Xá Lợi

Qua khỏi cổng bên phải là khu tượng Thập bát La Hán

Bên trái là đường lên gác chuông và khu chánh điện trực diện

Mô phỏng thế giới Tây Phương Cực Lạc

Đoàn tiền trạm giữa Thập mục ngưu đồ

Sư cô Thích Nữ Chúc Phương cung tặng Xá Lợi cho Hoà Thượng Phó Ban Trị SựTỉnh