Trang chủ Tin tức Hương hồn 55 công nhân đã được siêu sinh

Hương hồn 55 công nhân đã được siêu sinh

72

Có lẽ đây là lần đầu tiên đại lễ cầu siêu được dành riêng cho CNLĐ với sự góp sức trú nguyện của hơn 300 tăng ni cùng với trên 300 phật tử bốn phương, do Cty TNHH Tuấn Tài chuyên kinh doanh vàng bạc đá quý ở Q.5, TPHCM tài trợ.

Tục cúng cô hồn
 
Tôi có mặt tại hiện trường đại lễ từ 7 giờ sáng ở cái nơi cách nay 2 năm từng diễn ra vụ tai nạn thương tâm đã được chính quyền, MTTQ và Tỉnh hội Phật giáo cho dựng rạp, bày đạo tràng chẩn tế. Phía trước là hương án có tượng Phật A Di Đà và Phật Thích Ca. Đối diện phía sau là tượng Tiêu diện Đại sĩ (tục truyền cai quản vong linh người chết) cùng với 55 bài vị của số CNLĐ tử nạn.

Thượng toạ Thích Phước Hạnh – trụ trì chùa Giác Hoà, Phó ban trị sự kiêm Trưởng ban Kinh tế Tài chính Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long, là Trưởng ban tổ chức đại lễ – giải thích: "Tục thờ cúng ông bà tổ tiên xuất phát từ quan niệm những người quá cố không mất, mà linh hồn vẫn tồn tại. Theo đó, người xưa đã hình dung ra hai cõi âm và dương, người sống ở cõi dương và người chết ở cõi âm. Vì vậy, truyền thống dân tộc ta không chỉ kính trọng ông bà, cha mẹ hiện hữu, mà kính trọng cả ông bà, cha mẹ đã mất. Nhờ tinh thần hiếu đễ này, khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, dân ta đã tiếp thu nhanh chóng và đặc biệt cảm nhận sâu sắc kinh Vu Lan bởi câu chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ".

Ngừng một lúc, thượng toạ Thích Phước Hạnh giải thích tiếp: "Trong kinh Vu Lan, đức Phật dạy rằng muốn cứu cha mẹ thoát tội đày địa ngục, phải nhờ thần lực mười phương chư tăng thanh tịnh đúng vào mùa "an cư kiết hạ" (tức mùa Vu Lan), vì mùa này chư tăng tập trung tu hành nên định lực rất mạnh, mới tác động được tới cõi âm.

Và, ngài Mục Kiền Liên đã cúng dường "…những người thọ hạ kinh hành, chẳng ham quyền quý ẩn danh lâm tòng, hoặc người đặng lục thông tấn phát, và những hàng Duyên giác, Thanh văn, hoặc chư Bồ tát mười phương, hiện hình làm sãi ở gần chúng sinh, đều trì giới rất thanh rất tịnh, đạo đức dày chính định chân tâm…" – đó chính là những hành giả tu chứng trong mùa an cư.
 
Ngoài ra, người theo đạo Phật còn trang trải tình thương tới những người không may mắn phải chết vì chiến tranh, thiên tai, tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Từ đó mà có thêm việc cúng chẩn tế cô hồn diễn ra từ ngày 15 đến 30.7 âm lịch.

Ngày 30.7 âm lịch cũng là ngày vía đức Địa Tạng – vị Bồ tát có nguyện lớn thường vào địa ngục cứu chúng sinh ra khỏi cảnh giới khổ đau cùng cực. Thấm nhuần tinh thần từ bi của Phật giáo, dân ta thường tổ chức đàn chẩn tế cô hồn vì tin rằng trong ngày lễ này, nương nhờ thần lực gia trì của chư tăng thanh tịnh, linh hồn những người chết vất vưởng ngoài đường, những oan hồn bất hạnh, hay linh hồn từ địa ngục mới thoát ra (tục gọi "cô hồn khắc đản") đang phải gánh chịu nhiều nỗi cơ cực, đắng cay…, đều được hết khổ, được no đủ, được an vui".

Vơi bớt khổ đau

Đúng 8 giờ sáng cùng ngày (giữa giờ thìn), đại diện lãnh đạo UBND, MTTQ, Ban Tôn giáo tỉnh Vĩnh Long, lãnh đạo huyện Bình Minh và xã Mỹ Hoà, cùng với hơn 300 tăng ni Bắc truyền và Nam tông thuộc Tỉnh hội Phật giáo các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp và trên 300 phật tử cùng thân quyến của những người bị nạn đã an vị.

Tại đây, tôi chứng kiến có sự tham dự của khoảng 10 chuyên gia Nhật Bản thuộc nhà thầu TKN với trang phục trang nghiêm và thành kính, trong đó có ngài cố vấn trưởng Enomoto. Đại đức Thích Phước Cường – Phó trụ trì chùa Bửu Sơn (ở Q.5, TPHCM) làm chủ tế, đã cùng các chư tăng Ban kinh sư làm lễ dâng hương bạch Phật, khai chung cổ và khai kinh tại hương án có bài vị của 55 CNLĐ tử nạn.

Giải thích về nghi thức này, thượng toạ Thích Thông Đức (chuyên dịch kinh Mật giáo) cho biết: "Theo phép tắc nhà Phật, việc lập đàn có hai loại, gồm đàn mật giáo và đàn hiển giáo. Đàn mật giáo lại chia làm hai loại, đó là đàn thai tạng giới (chủ về lý) và đàn kim cang giới (chủ về trí). Còn đàn hiển giáo thì chỉ có một loại và y theo kinh Đại bát Niết bàn, khi thực hành thì tụng kinh A Di Đà và trì trú vãng sinh. Việc cầu siêu cho vong linh của 55 CNLĐ ở đây được thực hiện bằng đàn hiển giáo xen lẫn những nghi thức đặc trưng của Phật giáo Nam Bộ"…

Đối với đại lễ trai đàn phổ tế cầu siêu này – Đại đức Thích Phước Cường giải thích: "Các nghi lễ đầu chỉ là chuẩn bị cho việc triệu thỉnh các vong linh về, nhưng quan trọng nhất là lễ cúng dường trai tăng bởi các vong linh có ra khỏi địa ngục được hay không không chỉ phụ thuộc cái tâm cung kính của người cúng dường và định lực của các vị tăng ni, mà còn cho chính các CNLĐ bị tử nạn phải cảm nhận được sự từ bi hỉ xả".

Nhắm mắt tưởng niệm hương hồn 55 CNLĐ tử nạn trong sự đồng âm của những lời trú vãng sinh từ hơn 600 tăng ni phật tử, tôi vẫn không bỏ sót tiếng văng vẳng khóc thương của thân quyến những người quá cố và đã hình dung được rằng, với định lực của các vị tu hành và tấm lòng thành kính yêu thương của những người đang sống, chắc chắn 55 CNLĐ tử nạn sẽ vơi bớt nhiều khổ đau.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Sang – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh xúc động nói: "Chúng tôi xin cảm ơn các chư tăng ni phật tử, cảm ơn nhà hảo tâm đã mang tấm lòng vàng đến đây, tổ chức lễ trai đàn để cầu siêu cho 55 CNLĐ – những người đã hiến thân mình khi xây dựng nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Sau này, bất cứ ai khi đi qua cầu Cần Thơ đều luôn nhớ đến 55 CNLĐ này và chúng tôi tin rằng với buổi lễ trang nghiêm đầy từ bi bác ái, 55 CNLĐ sẽ sớm được siêu sinh nơi an lạc".

Trang trải tình thương

Tại đây, tôi gặp bà Cao Thị Thẳng (62 tuổi), pháp danh Chơn Hiếu Nhã, là Tổng Giám đốc Cty TNHH Tuấn Tài, với dáng người đậm đà và nụ cười nhân hậu, bà kể: "Trước, nhà tôi nghèo lắm chú ạ. Cả hai vợ chồng cùng làm CN xưởng may của Hội Phụ nữ TPHCM. Mặc dù chồng tôi là giám đốc xưởng, nhưng lương chúng tôi chẳng đủ ăn, nên năm 1985, tôi phải bỏ ra ngoài buôn bán để phụ chồng nuôi con. Tôi buôn đủ các mặt hàng, từ đồ cũ đến vải vóc, rồi buôn bán nữ trang…

Cũng từ môi trường này, tôi tập theo chị em tiểu thương đi làm công đức. Ban đầu, mình không có tiền thì phụ mang vác, rồi sau đó đóng góp ít nhiều. Chồng tôi vẫn động viên: "Nhà mình nhiều đời theo Phật, điều tối kỵ là keo kiệt bủn xỉn". Nghe vậy, mặc dù phải tằn tiện nuôi 5 con ăn học, nhưng hễ có chút tiền là tôi dành một phần để làm chùa, tô tượng, đúc chuông. Đến khi trời thương cho lộc, cả 5 đứa con cùng có sự nghiệp, tôi tập trung làm từ thiện cho người nghèo".

Qua câu chuyện của cô Trần Thị Liễu – giáo viên Q.4, TPHCM từng nhiều năm bị trù dập vì tố cáo tiêu cực, sau được Báo Lao Động đấu tranh minh oan – tôi được biết gần đây năm nào bà Thẳng cũng tổ chức các đoàn bác sĩ về vùng sâu, vùng xa khám – chữa bệnh và phát quà cho người nghèo.

Bà Thẳng chép miệng kể: "Sau khi ông nhà tôi mất, chẳng mang theo được cái gì, tôi càng thấu hiểu lời Phật dạy: Một mai vô thường đến, mới biết mình trong mộng, tất cả đều bỏ lại, chỉ có nghiệp theo thân. Từ đó, tôi khuyên các con tôi phải chăm làm từ thiện".

Tại đây, tôi gặp các con, cháu bà Thẳng và toàn bộ hơn 50 nhân viên Cty TNHH Tuấn Tài tất bật lo đại lễ. Anh Trần Thanh Tuấn – con trai cả của bà Thẳng – giải thích cho tôi về việc gia đình anh phát tâm tài trợ toàn bộ đại lễ trai đàn phổ tế cầu siêu này như sau: "Theo quan niệm luân hồi sinh – tử và nhân – quả của đạo Phật, chết chỉ là giao thời giữa hai cuộc sống, mà cuộc sống tiếp theo sẽ tuỳ thuộc vào những nghiệp cảm mình đã gây tạo trước đó để tái sinh về một cảnh giới khác, hoặc an vui hoặc khổ đau. Đối với 55 CNLĐ tử nạn này, họ chịu khổ đau nhiều quá. Nay mình cúng dường các vị chư tăng để cộng hưởng lòng từ bi trú nguyện cho 55 CNLĐ tử nạn bớt khổ, có thể siêu sinh về một cảnh giới an vui hơn".

Anh Tuấn cười, giải thích thêm: "Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước cùng Giáo hội Phật giáo vẫn phối hợp tổ chức các đại lễ cầu siêu cho vong linh những người đã mất, như cầu siêu cho các liệt sĩ nhân ngày 27.7, cho lực lượng thanh niên xung phong, những tử tù Côn Đảo, hay cầu siêu cho 2 triệu người chết đói năm 1945… Nay, gia đình tôi tài trợ cho Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long tổ chức cầu siêu cho số CNLĐ bị tử nạn này cũng là vì muốn trang trải tình thương đến với những đồng bào nghèo nhất".

Sau lễ cúng dường trai tăng là khoa nghinh tuần chủ đón rước vong linh, rồi đến việc đăng đàn chẩn tế để các vong linh được thọ dụng hương, đăng, trà, quả, thực và nhận phẩm vật từ những người thân.
 
Tại đây, bà Cao Thị Thẳng cùng các nhân viên Cty TNHH Tuấn Tài chia nhau phát quà cho 55 gia đình CNLĐ tử nạn, mỗi phần quà gồm tiền và hiện vật trị giá 500.000 đồng và 10kg gạo, đồng thời trao quà cho 200 hộ nghèo ở huyện Bình Minh, mỗi hộ gồm tiền và hiện vật trị giá 300.000 đồng và 10kg gạo.