Trang chủ Bài nổi bật Khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ...

Khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027

343

Hôm nay, 28-11, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 với hơn 1.091 đại biểu đã trọng thể khai mạc tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội).
Đại hội đặt dưới sự chứng minh tối cao của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Quyền Pháp chủ; chư tôn giáo phẩm Phó Pháp chủ và Ban Thường trực HĐCM.

HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS cùng chư tôn giáo phẩm Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Phó Chủ tịch HĐTS đã chủ tọa phiên khai mạc với sự tham dự của 1.091 đại biểu là chư tôn đức Tăng Ni, quý cư sĩ Ủy viên HĐTS; đại diện các ban, ngành TƯGH; Ban Trị sự GHPGVN 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Ngài Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước, các ủy ban của Quốc hội, UBTƯ MTTQVN, các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, lãnh đạo Phật giáo các nước thân hữu với Việt Nam và các Phật tử Việt Nam ở hải ngoại đã đến dự, chúc mừng.

Trước giờ khai mạc Đại hội, trước tại chánh điện chùa Quán Sứ – Trụ sở GHPGVN, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự đã cử hành khóa lễ Tam bảo. Sau khóa lễ cầu nguyện, đoàn cung nghinh đã thành kính cung thỉnh chư vị Trưởng lão, chư tôn giáo phẩm lãnh đạo kinh hành từ chùa Quán Sứ đến Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, nơi diễn ra phiên khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027.

Phát biểu khai mạc Đại hội, HT.Thích Thiện Nhơn thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội và HĐTS nhiệt liệt chào mừng Chư tôn thiền đức giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Ban, Viện Trung ương, và 1.091 đại biểu Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử ưu tú đại diện cho các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cả nước, các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu cho trí tuệ, sự thống nhất ý chí và hành động, sức mạnh đoàn kết và hòa hợp của Phật giáo Việt Nam đã về dự Đại hội IX.

Đại hội vinh dự được chào đón Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Quý vị khách quý Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, MTTQVN, các Ban, Bộ ngành Trung ương; Quý vị lãnh đạo Thành phố Hà Nội; Chức sắc tôn giáo bạn đã đến dự và chúc mừng Đại hội.

Sự hiện diện của Chư tôn thiền đức, Quý vị khách quý về dự Đại hội hôm nay là niềm vinh hạnh, và là sự động viên, cổ vũ to lớn đối với Tăng Ni, đồng bào Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tôi xin được gửi tới Chư tôn thiền đức, Quý vị khách quý, Quý vị đại biểu, và toàn thể Đại hội lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, lời chúc mừng đại đoàn kết, và lời chào trân trọng nhất. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Báo cáo các văn kiện trình Đại hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự khẳng định chặng đường 5 năm qua, cùng với sự đổi mới, phát triển đi lên của đất nước, Tăng Ni, Phật tử GHPGVN đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả mọi mặt hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời.

Theo đó, trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết, phụng đạo yêu nước, kế thừa truyền thống 2000 năm Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng nhân dân cả nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, từng bước phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội và ngoại giao. Đặc biệt, trong 5 năm qua, đất nước đã diễn ra nhiều sự kiện lớn như Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam; Đại hội toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX; Bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 thành công tốt đẹp. Nhiều vị giáo phẩm tiêu biểu của Giáo hội đã được bầu vào Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Trên cơ sở chương trình hoạt động nhiệm kỳ VIII, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kiện toàn hệ thống tổ chức, gồm 03 cấp hành chính Giáo hội, với 63 đơn vị Phật giáo cấp tỉnh, thành; hàng trăm đơn vị Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh; 13 Ban, Viện Trung ương; 96 thành viên Hội đồng Chứng minh, 224 Ủy viên Hội đồng Trị sự chính thức và 45 Ủy viên dự khuyết. Nhiều Phật sự quan trọng đã được triển khai và đạt kết quả tốt đẹp, như tổ chức Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm, Lễ hội Văn hóa Phật giáo, công tác ngoại giao mang tầm vóc quốc gia, quốc tế và khu vực… cho đến các hoạt động chuyên ngành như Tăng sự, Giáo dục, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Nghi lễ, Văn hóa, Kinh tế tài chính, Từ thiện xã hội, Phật giáo quốc tế, Nghiên cứu Phật học, Thông tin truyền thông. Giáo hội đã công nhận 09 Hội Phật tử Việt Nam tại các nước, gồm Cộng hòa Liên Bang Nga, Đức, Séc, Hungary, Ba Lan, Ucraina, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào.

Về mặt tổ chức, thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII GHPGVN, các kỳ Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Nghị quyết Hội nghị Thường niên, Trung ương Giáo hội đã ban hành nhiều Thông tư, Thông bạch và các văn kiện như tổ chức Đại lễ Phật đản, An cư Kết hạ, Lễ hội Phật giáo, Hội thảo chuyên ngành của các Ban, Viện Trung ương Giáo hội; Thông tư hướng dẫn tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026, Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp Tỉnh, Thành nhiệm kỳ 2022 – 2027, v.v..

Về công tác Tăng sự, theo báo cáo của 63 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố, Ban Tăng sự Trung ương đã thống kê số lượng Tăng Ni, Tự viện tương đối cụ thể như sau: Tăng Ni: 54.973 Tăng Ni, gồm: 40.807 Bắc tông; 7.028 Nam tông Khmer, 1.754 Nam tông kinh (1.100 chư Tăng, 654 Tu nữ); 5.384 Khất sĩ. Tự viện: 18.544 Tự viện (15.871 Tự viện Bắc Tông; 462 chùa Nam Tông Khmer, 45 Salate; 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh Thất, 998 Niệm Phật đường, 54 Tự viện Phật giáo Người Hoa). Tín đồ: Khoảng 60% /99.000.000 dân số.

Về công tác Hoằng pháp, để đào tạo nhân sự cho ngành Hoằng pháp, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức các khóa đào tạo Cao cấp và Trung cấp giảng sư, điểm học tại chùa Hòa Khánh, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh và chùa Vạn Phúc, huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội kết quả như sau: 264 Tốt nghiệp Cao, Trung cấp Giảng sư; Đang đào tạo 214 Tăng Ni giảng sinh Cao – Trung cấp Giảng sư.

Về công tác Từ thiện xã hội, đây là những hoạt động Phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội. Tổng cộng công tác cứu trợ trong nhiệm kỳ VIII là 7.133.000.281.000đ (Bảy ngàn một trăm ba mươi ba tỷ hai trăm tám mươi mốt ngàn đồng). Khi đất nước trải qua các đợt bùng phát dịch Covid-19 khác nhau tại nhiều địa phương, Tăng Ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đã rất tích cực làm nhiều việc Phật sự hướng về vùng tâm dịch, chia sẻ yêu thương, đóng góp nguồn lực cho các Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm vật tư, thiết bị y tế ủng hộ các bệnh viện, xung phong vào tuyến đầu chống dịch phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện thu dung.

Trong nhiệm kỳ tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tin tưởng rằng, với sức mạnh đồng tâm hợp lực phục vụ Đạo pháp và Dân tộc của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như các cơ quan, Ban ngành hữu trách các cấp và nhân dân cả nước, nhất định sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, phụng sự Tổ quốc và nhân loại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, đạt những thành quả to lớn, sâu sắc, bền vững và tốt đẹp hơn nữa.

Với tinh thần đó, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hãy quán triệt tinh thần, nội dung chương trình hoạt động 9 điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ IX, ứng dụng hài hoà với tình hình xã hội, đất nước và thế giới có nhiều cơ duyên thuận lợi đồng thời đòi hỏi phải khắc phục không ít khó khăn trên đường đi tới, để công đức tu học, phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của mỗi thành viên Giáo hội không ngừng tinh tiến, các mặt hoạt động Phật sự của Giáo hội đều hoàn thành viên mãn, tiếp tục làm trang nghiêm vững mạnh ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng Dân tộc, cùng cả nước vững bước tiến lên theo sự phát triển của xã hội và thế giới trong thời kỳ hội nhập, trong một thế giới hòa bình và thịnh vượng của thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo.

Thay mặt Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Ngài Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng trước đại hội, khẳng định Đại hội là sự kiện quan trọng trong đời sống tôn giáo của đồng bào theo đạo Phật không chỉ ở Việt Nam mà còn thu hút sự quan tâm của đông đảo kiều bào ta theo Phật giáo ở nước ngoài. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được biết trong nhiệm kỳ vừa qua, phát huy truyền thống vẻ vang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các tăng ni đã tích cực hưởng ứng, vận động phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể phát động như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa mới, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh… với nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu.

Phát huy tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha trong nhà Phật, Giáo hội các cấp và tăng ni, phật tử tích cực tham gia công tác xã hội hoá các hoạt động y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp xã hội, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo… với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: đã tham gia ủng hộ trên 7 nghìn tỷ đồng cho người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh.

Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động và sinh hoạt tôn giáo; hàng nghìn tăng, ni, phật tử đã tình nguyện xung phong vào tuyến đầu phòng, chống dịch; ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho Quỹ vaccine, hỗ trợ mua trang thiết bị y tế, trao tặng hàng chục triệu phần quà và suất ăn miễn phí…

“Những hành động cao đẹp, đầy tình nhân ái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tăng ni, phật tử thực sự đã làm lay động trái tim hàng triệu đồng bào cả nước, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và toàn dân phòng, chống dịch bệnh”, Chủ tịch nước nói.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tốt đẹp, những đóng góp quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ 2017 – 2022 vào thành tựu chung của đất nước.

Nghi thức trao tặng các huân chương, bằng khen diễn ra trang trọng và hoan hỷ và phiên khai mạc đại hội đã kết thúc sau đó.

Xin trân trọng gửi tới quý độc giả một số hình ảnh đã ghi nhận được:

Hoàng Tuấn – Cẩm Vân – Văn Minh