Trang chủ Tin tức Khai mạc Tuần văn hoá Phật giáo tại Huế: Cảm nhận và...

Khai mạc Tuần văn hoá Phật giáo tại Huế: Cảm nhận và chia sẻ

50

Đây là lần đầu tiên tại Huế, một sinh hoạt trao đổi, cảm nhận và chia sẻ tri thức được tổ chức liên tục trong một tuần (từ 1 – 7.3) với nhiều hoạt động phong phú…


Mở đầu cho Tuần văn hoá Phật giáo là khai mạc triển lãm ảnh “Tây – Đông, tuyết và hoa” của đại đức Thích Minh Hiền – trụ trì chùa Hương. 108 bức ảnh, 108 khoảnh khắc… được chọn lọc từ gần 5.000 tấm phim mà đại đức đã “chộp” được trên những chuyến hành hương về cao nguyên Tây Tạng và Nhật Bản, là những “tâm ảnh”.

Đây là triển lãm lần đầu tiên tại Huế, nhưng đã là lần thứ sáu về chủ đề trên của đại đức Thích Minh Hiền. Tiếp nối, hoà thượng Thích Chơn Thiện thuyết trình tổng quan về “Văn hoá Phật giáo VN”.

Sáng 2.3, cũng tại Tổ đình Từ Đàm, GS Cao Huy Thuần – về từ Pháp, một trong những cây bút quen thuộc của Tạp chí Văn hoá Phật giáo – đã có buổi thuyết trình rất hay, thu hút sự quan tâm của đông đảo tăng ni phật tử, công chúng Huế về một chủ đề rất nóng ở VN và trên thế giới là “Xung đột văn minh”. Buổi chiều, một phật tử – doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo, đến từ TP.Hồ Chí Minh – đã có buổi nói chuyện bắt đầu bằng một câu hỏi rất thời sự: “Bạn có muốn làm doanh nhân không?”.

Hôm nay (3.3), Tuần lễ văn hoá Phật giáo tiếp tục với các buổi nói chuyện hứa hẹn hấp dẫn của BS Đỗ Hồng Ngọc – nguyên GĐ Trung tâm truyền thông – sức khoẻ TP.Hồ Chí Minh – thuyết trình về chủ đề “Thiền với sức khoẻ”. GS triết học Thái Thị Kim Lan (Việt kiều Đức) thuyết trình về chủ đề “Phật giáo trong bối cảnh văn hoá đa cực”. Những ngày tiếp theo, các nhà văn Nguyên Ngọc, Hồ Anh Thái sẽ chia sẻ với tăng ni và công chúng Huế về triết lý giáo dục của VN, về văn hoá tính cách của người Âận Độ. GS – nhà văn, nhà nghiên cứu Bửu Ý, nguyên GS Đại học Vạn Hạnh – chia sẻ về “Tính cách Huế trong dòng văn hoá Việt”.

Chương trình được chờ đợi nhất trong ngày 6.3 là buổi chiếu phim “Hương vị hồng đào” (giải “Cành cọ vàng” tại LHP Cannes 1997) của đạo diễn Abbas Kiarostami (Iran). Đêm bế mạc (7.3) sẽ là buổi hoà nhạc thính phòng được chọn lọc từ những sáng tác kinh điển của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy và những tác phẩm trứ danh trong kho tàng âm nhạc cổ điển phương Tây. Đêm nhạc coi như một lời kết với triết lý “bất ly thế gian” của nhà Phật. Đạo Phật luôn gần gũi và đời thường, luôn biết tôn trọng những giá trị nhân văn của dân tộc và nhân loại…

Ông Dương Viết Hồng – Trưởng ban Tôn giáo tỉnh TT-Huế – nói: “Việc tổ chức Tuần văn hoá Phật giáo tại Huế là một ý tưởng rất hay, vì Phật giáo từ lâu đã ăn sâu vào đời sống của người dân cố đô Huế, và đó cũng là một phần làm nên văn hoá Huế…”. Hoà thượng Thích Giác Quang – Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh TT-Huế – cho biết: “Đây là hoạt động tiếp nối truyền thống vốn có của Huế, đồng thời hướng về Đại lễ Phật đản quốc tế lần đầu tiên được Chính phủ VN đăng cai tổ chức sắp tới”.

Theo đại đức Thích Tâm Hải (Đức Sơn) – Thư ký toà soạn Tạp chí Văn hoá Phật giáo, thành viên BTC Tuần lễ văn hoá Phật giáo – thì: “Chia sẻ tri thức và kinh nghiệm sống của phật tử và những người trong giới nghiên cứu Phật giáo với mọi người trong thời điểm hiện nay, là thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tải”.