Trang chủ Blog chùa Lễ Húy Kỵ lần thứ 18 HT. Thích Minh Giác, nguyên Trụ...

Lễ Húy Kỵ lần thứ 18 HT. Thích Minh Giác, nguyên Trụ trì chùa Hòa Khánh

310

Đến tham dự chứng minh buổi lễ có Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS TW GHPGVN; HT. Thích Thiện Pháp – Phó Chủ Tịch thường trực kiêm trưởng ban Tăng sự TW GHPGVN; HT. Thích Thiện Tánh Phó Chủ Tịch kiêm trưởng ban Kiểm Soát TW GHPGVN – Phó Trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN TP.HCM cùng Chư Tôn Đức HĐTS TW GHPGVN – BTS GHPGVN TP.HCM – BTS GHPGVN quận Bình Thạnh các tự viện trong Tp.HCM cùng quý quan khách đại diện các cấp chính quyền Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục An ninh xã hội Bộ Công an, Ban Tôn giáo TP.HCM, MTTQVN TP.HCM, Ban Dân vận Thảnh ủy TP.HCM và đông đảo quý Phật tử tham dự.

TIỂU SỬ

CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH MINH GIÁC

I. Thế Thân:

Hòa thượng Thích Minh Giác thế danh là Lê Văn Tốt sinh năm 1920 tại xã Phước Vĩnh Tây, quận Cần Guộc, tỉnh Chợ Lớn, Sài Gòn (nay là TP. HCM). Thân phụ là cụ ông Lê Văn Hải, thân mẫu là cụ bà Đặng Thị Giá. Cố Hòa thượng là người con thứ 4 trong gia đình có 4 anh chị em, 2 trai, 2 gái. Người anh cả và chị cả của Hòa thượng cũng xuất gia tu học nay đã quá vãng.

HT. Thích Tấn Đạt, ủy viên thường trực HĐTS, Phó văn phòng 2 TƯGH, Trụ trì chùa Hòa Khánh dâng lời tác bạch cung nghinh chư tôn giáo phẩm quang lâm lễ tưởng niệm

II. Thời Kỳ Xuất Gia và Hành Đạo:

Nhờ có túc duyên nhiều đời nên cố Hòa thượng được sinh trưởng trong một gia đình thuần túy Phật giáo. Ngài theo mẹ đến chùa lúc tuổi đời còn rất nhỏ vì thế Hòa thượng sớm nhận thức được cuộc đời là giả tạm vô thường, nên vào năm 16 tuổi (1936) Cố Hòa thượng đến chùa Long Vân cầu Ngài Giới Minh Thiền Sư làm thầy thế phát xuất gia, từ đây Cố Hòa thượng chính thức bước vào hàng đệ tử Đức Phật. Hòa thượng thuộc hàng Sư đệ của Hòa thượng Minh Thành, nhưng đồng thời theo thế pháp thì Ngài còn là cháu gọi HT. Minh thành bằng chú và hàng sư thúc của Hòa thượng Minh Nhuận. Do đó, Ngài là một trong những bậc được chư Tôn túc trong môn phong Tổ đình Long Vân luôn tôn kính và là hàng giáo phẩm lãnh đạo tông phong. 

Tuy sống trong cảnh nước mất nhà tan, nhưng Ngài đã sớm ý thức được ngày nào đất nước chưa yên bình thì ngày đó không thể yên ổn tu học. Từ đó cố Hòa thượng tìm mọi cách tham gia vào các tổ chức cứu quốc thời bấy giờ. Năm 1937 Ngài tham gia đấu tranh biểu tình, bị thực dân Pháp bắt giam trên 3 tháng sau khi được thả ra tiếp tục tham gia các cuộc biểu tình ở nội thành cho đến khi Cách Mạng tháng 8 năm 1945 thành công. Lúc đó, cố Hòa thượng đã tích cực tham gia mọi hoạt động biểu tình, đấu tranh giành chính quyền. Đến năm 1946 Hội Phật giáo cứu nước tỉnh Gia Định được thành lập cố Hòa thượng làm Phó Thư ký Hội Phật giáo cứu quốc và đồng thời cũng là ủy viên kháng chiến vận động tài chánh mua thuốc men, những đồ cần thiết cho cách mạng. Đến năm 1949 Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định được gia nhập qua tổ chức mới là Mặt Trận Liên Việt Tỉnh Gia Định, cố Hòa thượng được mời giữ chức Phó Thư ký Mặt Trận Liên Việt Tỉnh Gia Định. Mãi lo phục vụ đất nước trong thời loạn lạc không nghĩ đến thân mình cho đến năm 1953 khi cơ duyên đã đến cố Hòa thượng mới chịu nghe lời Bổn sư thọ Cụ túc giới tại Giới Đàn chùa Long Vân. Sau khi được thọ đại giới, Cố Hòa thượng cùng với HT. Thích Minh Thành, HT. Thích Minh Nhuận cùng chung lo Phật sự tại chùa Long Vân, chùa Long Tuyền – Đồng Nai và chùa Hùng Long – huyện đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang. Trong thời gian này Cố HT. đã nổ lực tinh tấn tu tập, củng cố tông phong và hoằng dương chánh pháp, nhưng vẫn không quên tâm nguyện phục vụ Tổ Quốc và dân tộc. 


Đến khi thực dân Pháp rút khỏi nước ta, nước nhà tạm thời bình yên nhưng chẳng bao lâu thì một phần đất nước ta lại thuộc Mỹ, dựng lên chế độ độc tài nhà họ Ngô, Cố Hòa thượng lại tiếp tục tham gia vào công cuộc chống Mỹ Diệm. Năm 1960 cơ sở bị lộ Cố Hòa thượng bị bắt với nhiều người khác và bị kết án 5 năm tù tại Khám Chí Hòa cho đến năm 1963 chế độ gia đình họ Ngô sụp đổ, Cố Hòa thượng mới được trả tự do. Sau khi ra tù cố Hòa thượng vẫn tiếp tục tu học và tham gia các phong trào yêu nước vận động tiền bạc thuốc men đưa ra chiến khu chuyển tiếp tài liệu đưa đón cán bộ .vv… vào ra nội thành hoạt động.

Cho đến năm 1974 theo yêu cầu Phật sự tại Bổn Tự và vâng lời dạy của Bổn Sư Cố Hòa thượng đứng ra đảm trách chức Trụ trì chùa Hưng Long ở Xã Dương Đông, Huyện Đảo Phú Quốc tỉnh Long Châu Hà, nay là tỉnh Kiên Giang. Đến năm 1977 cố Hòa thượng trở về Sài Gòn và được chư Tôn Đức lãnh đạo trong Ban Liên Lạc Phật giáo Yêu Nước TP. Hồ Chí Minh mời làm Thư ký Ban Liên Lạc Phật giáo Huyện Hóc Môn và sau đó là Trưởng Ban Liên Lạc Phật giáo Yêu Nước Huyện Hóc Môn. Đến năm 1981, Hội nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, Cố Hòa thượng được cử làm đại biểu chính thức trong đoàn Ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP. Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị. Năm 1982, Đại hội Đại biểu thành lập Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. HCM Cố Hòa thượng được Ban Trị sự bổ nhiệm làm Chánh Đại diện Phật giáo quận Bình Thạnh và sau đó được UBMTTQVN quận Bình Thạnh mời tham gia UBMTTQ quận Bình Thạnh. Cũng trong thời gian này Cố Đại lão Hòa thượng đã được bổ nhiệm về Trụ trì chùa Hòa Khánh ở số 215 Phan Văn Trị, Quận Bình Thạnh TPHCM. 

Chư tôn giáo phẩm cùng quý quan khách chính quyền dâng hương tưởng niệm

Với công đức sâu dày sau bao nhiệm kỳ phục vụ cho Giáo hội và dân tộc, đến nhiệm kỳ IV, Cố Hòa thượng đã an nghỉ và được cung thỉnh vào hàng Giáo phẩm Chứng minh Ban Đại Diện Phật giáo quận Bình Thạnh TP. HCM cho đến ngày viên tịch. 

Đến năm 1992 nhận thấy tuổi đã cao muốn an tâm tịnh dưỡng nên Cố Hòa thượng đã giao trọng trách Trụ trì chùa Hòa Khánh lại cho Giáo hội và Tỳ kheo Thích Tấn Đạt. 

Kính bạch chư tôn đức,

Kính thưa quý liệt vị,

Với công hạnh suốt đời phục phụ Đạo Pháp và Dân Tộc nên tại Đại hội Đại biểu Phật giáo nhiệm kỳ IV tại thủ đô Hà Nội, năm 1998, Cố Hòa thượng đã được Đại hội tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng. Kể từ đó Cố Hòa thượng an tâm trên bước đường chuyển hóa Tâm thức, an nhiên tịnh dưỡng, làm bóng cây che mát cho Tăng ni và Phật tử hữu duyên tu học.

III. THỜI KỲ VIÊN TỊCH

Dù đã bước qua trên 80 tuổi nhưng Cố Hòa thượng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn sáng suốt, xứng bậc thạch trụ tòng lâm, mãi mãi bền vững, nào ngờ chỉ một phút vô thường duyên trần dứt bặt, Cố Hòa thượng xã báo an tường thâu thần thị tịch vào lúc 22giờ 50 phút ngày 16 – 7 – 2002 nhằm ngày 07 tháng 06 năm Nhâm Ngọ trụ thế 83 năm 49 hạ lạp.

Cuộc đời của Cố Đại lão Hòa thượng thể hiện trọn vẹn tinh thần nhập thế của người con Phật, với đức độ và công hạnh của một người xuất gia con nhà Thích tử Hòa thượng luôn sống khiêm nhường không phô trương tài đức, chỉ sống đời đạm bạc, bình lặng, thâm trầm giản dị, khiêm cung và từ ái với mọi người. Với công lao và công hạnh như thế, Đại lão Hòa thượng đã được Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tặng thưởng: 

Huy chương kháng chiến chóng Mỹ Hạng ba

Huy chương kháng chiến chóng Pháp hạng hai

Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Huy hiệu Hồ Chí Minh 

Và nhiều bằng khen giấy khen khác. Cũng như nhiều bằng tuyên dương công đức của Giáo hội Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ trao tặng, tuyên dương.

Lãnh đạo các ngành dâng hương tưởng niệm

Giờ đây Giác linh cố Đại lão Hòa thượng đã về cõi chơn thường bất diệt nhưng công đức và đạo hạnh của Ngài vẫn còn trong tâm tư và ký ức của hàng Tăng Ni Phật tử hữu duyên với người. Cuộc đời Ngài là tấm gương sáng, là đức hy sinh cao cả, là một bậc Thạch Trụ Tòng Lâm, đã thể hiện được tinh thần nhập thế đạo đời viên dung, để hàng Tăng Ni trẻ ngày nay học tập cũng như môn đồ tứ chúng đệ tử noi theo. Thật là công đức và đạo hạnh của ngài sẽ còn lưu mãi trong tâm trí người con Phật trong thời đại ngày nay:

Dép cỏ lối về còn hiển hiện 

Hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương.

Nam mô Hòa Khánh Đường Thượng Từ Lâm Tế Gia Phổ Tứ Thập Thế Húy Hồng Thanh Hiệu Minh Giác Lê Công Hòa Thượng Giác Linh liên đài chứng giám.