Trang chủ Tuổi trẻ Một cái nhìn sơ bộ về thanh niên Phật tử Việt Nam...

Một cái nhìn sơ bộ về thanh niên Phật tử Việt Nam ngày nay

81

THANH NIÊN PHẬT TỬ LÀ AI?


 


Tạm thời coi thanh niên Phật tử là những người có độ tuổi từ 16 đến 35, có hiểu biết và hành trì Phật pháp ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, cũng như việc thống kê số lượng Phật tử Việt Nam, không có con số chính xác lượng thanh niên Phật tử tại Việt Nam là bao nhiêu, nhưng xin tạm phân chia ra thành hai nhóm:


          Thanh niên Phật tử thực tế: là những thanh niên quy y Tam bảo (chính thức hoặc phi chính thức). Đây thường là những thanh niên sinh ra trong gia đình có theo đạo Phật một cách rõ ràng, như trong nhà có bàn thờ Phật, cha mẹ có quy y, định kỳ đi chùa lễ Phật và cúng dàng Tam bảo. Số thanh niên Phật tử thực tế không nhiều, thường là đoàn sinh Gia đình Phật tử hoặc những thanh niên mới quy y tam bảo trong thời gian gần đây.


          Thanh niên Phật tử tiềm năng. Một số thống kê nói rằng hơn 70% dân số Việt Nam theo đạo Phật hoặc chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Những người chịu ảnh hưởng bởi đạo Phật thường là những người có thờ cúng tổ tiên, thường xuyên đi chùa lễ Phật vào ngày rằm, mùng một nhưng chưa hiểu đạo. Một số khác, đặc biệt là thanh niên mặc dù không đi chùa nhưng lại có nhiều cơ hội tiếp cận với đạo Phật qua sách, báo, băng đĩa, đặc biệt là thông tin Phật giáo trên internet. Họ học đạo theo cách của tuổi trẻ: ham hiểu biết, tò mò, muốn so sánh, đối chiếu các tư tưởng, học thuyết, tôn giáo. Số lượng thanh niên Phật tử tiềm năng rất nhiều, và là đối tượng mà Giáo hội cần chú trọng hoằng pháp.


 


Như vậy, nói đến thanh niên Phật tử là nói đến cả số thanh niên Phật tử thực tế và số thanh niên Phật tử tiềm năng, và phần tiếp theo của bài viết sẽ dùng phương pháp SWOT (Strengths, Weaknesses, Oppotunities và Threats) để phân tích giới thanh niên Phật tử này.


 


ĐIỂM MẠNH


 


Nhìn chung, thanh niên Phật tử ngày nay có trình độ, có học thức, ham hiểu biết, lại được sống trong môi trường hòa bình, ổn định nên phát triển khá toàn diện. Thanh niên Phật tử ở nông thôn đa số học hết cấp II, cấp III, trừ những vùng khó khăn. Còn ở thành phố, thị xã, điều kiện vật chất tốt hơn nên có thể học thêm ngoại ngữ, tin học, tiếp cận với thông tin dễ dàng.


 


 


Thanh niên Phật tử ngày nay có đời sống tinh thần khá độc lập, họ kính ngưỡng và nương theo Tam bảo, hành trì Phật pháp nhưng không quá lệ thuộc vào một chùa hay một quý Thầy nào. Với sự mở rộng thông tin, họ có điều kiện nhìn nhận cuộc sống đa chiều, đa diện, bằng cái nhìn trí tuệ và từ bi.


 


Mặc dù nhiều người cho rằng thanh niên hiện nay thiếu lý tưởng sống nhưng Thanh niên Phật tử lại có lý tưởng sống khá rõ ràng, ít nhất là sống, học tập và lao động có đạo đức, có tâm, có mong muốn làm việc thiện.


 


Một điểm mạnh nữa là Thanh niên Phật tử ít hoặc không vướng bận quá khứ, không có những thành kiến liên quan đến thời cuộc. Đối tới thanh niên Phật tử, quá khứ đã qua, nhìn về quá khứ để học hỏi, để rút kinh nghiệm chứ không phải nhìn vào để ôm hay níu giữ quá khứ. Thanh niên Phật tử nhìn về tương lai, dám sống, dám làm, dám chịu trách nhiệm với bản thân.


 


 


ĐIỂM YẾU


 


Điểm yếu lớn nhất hiện nay của thanh niên Phật tử là hầu như tu cho bản thân, chưa chia sẻ những điều mình thấy, mình hiểu và mình trải nghiệm trong quá trình tu tập với người khác. Trong khi nhiều người cho rằng đạo Phật là đạo của người già, người yếm thế thì bản thân giới trẻ cũng chưa tích cực làm thay đổi hình ảnh này, chưa truyền thông được những giá trị mang tính nhân bản và thời đại của Phật giáo đến mọi người, nhất là những người đồng trang lứa với mình.


 


Một điểm yếu khác là thanh niên Phật tử chưa có sự kết nối, hợp tác, chưa có hoạt động nào mang tính cộng đồng và tính quảng bá để tập hợp và liên kết mọi người. Vẫn biết rằng đạo Phật nhấn mạnh đến yếu tố tự giác và tự tại nhưng nếu không gieo duyên lành thì làm sao giúp được người khác giác ngộ và giải thoát.


 


Thanh niên Phật tử ngày nay cũng có tâm làm từ thiện, nhưng còn nhỏ lẻ, nhưng tích cực tham gia các hoạt động xã hội thì chưa. Họ chưa tích cực dấn thân như lớp thanh niên Phật tử những năm 1960 tại Miền Nam. Trước đây, thanh niên Phật tử Miền Nam dưới thời Mỹ Diệm tích cực dấn thân vì pháp nạn nhưng ngày nay đất nước hòa bình, thống nhất, tôn giáo bình đẳng, tự do thì còn dấn thân làm gì? Nếu nhìn kỹ thì không thiếu lý do và lĩnh vực để thanh niên Phật tử phải dấn thân, ví như phải dấn thân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ cộng đồng không phải chỉ bằng manh quần, tấm áo hay miếng cơm, mà bằng trí tuệ và trao cho họ những chiếc cần câu và dạy cách câu. Thanh niên Phật tử cũng tích cực dấn thân chống lại những bất công, tệ nạn xã hội bằng trí tuệ, từ bi, bằng sự hiểu và thương của bản thân, bằng bi, trí, dũng của người Phật tử. Đối với đạo Pháp, thanh niên Phật tử phải tích cực dấn thân vào công cuộc hoằng pháp và hộ trì Tam bảo.


 


CƠ HỘI


 


Có nhiều cơ hội đang đón chờ người thanh niên Phật tử. Đầu tiên là xu hướng tìm về cội nguồn, tìm về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Khi đất nước gia nhập WTO, tích cực hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, văn hóa nói chung và Phật giáo dân tộc nói riêng chính là bản sắc, là nét riêng để khẳng định giá trị quốc gia, dân tộc.


 


Ngày nay, khi đời sống được nâng cao thì sự suy giảm đạo đức, sự ngả nghiêng của các giá trị sống cũng nảy sinh. Nhiều người cảm thấy cô đơn, bất hạnh trên đống của mà mình sở hữu. Có nhiều người đang đi tìm một triết lý sống thích hợp, và Phật giáo là một lựa chọn của thời đại.


 


Công nghệ thông tin phát triển cũng tạo thuận lợi cho quá trình tìm kiếm thông tin, tu học của thanh niên Phật tử. Họ dễ dàng tìm những điều mình cần chỉ bằng cái click chuột. Nhiều phương tiện tu học khác như băng đĩa ngày càng phổ biến, kinh sách được ấn tống ngày một nhiều.


 


Kinh tế phát triển cũng là một cơ hội khác để thanh niên Phật tử có khả năng về tài chính cho các Phật sự quan trọng.


 


THÁCH THỨC


 


Thách thức đối với thanh niên Phật tử ngày nay cũng không ít, và xin được liệt kê một số mối đe dọa điển hình:


         Nhiều thanh niên Phật tử còn phải bận bịu với mưu sinh, lập thân, lập nghiệp, làm giàu, không có nhiều thời gian cho học đạo, tu tập


         Có quá nhiều giá trị sống ngoài xã hội cũng khiến một số thanh niên Phật tử chao đảo, nhất là khi quý Thầy chưa có sự hướng dẫn hoặc chưa thể hiện được sự oai nghi của Tăng tướng, đạo hạnh


         Hiểu biết lệch lạc về những giá trị của Phật giáo ngoài xã hội còn khá phổ biến


         Bộ ba tai họa đối với tôn giáo mà Mark J. Kinley đã nói: Thế tục hóa tôn giáo, Mê tín hóa tôn giáo, Kinh tế hóa tôn giáo cũng không chừa đạo Phật ra.


 


Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, tôi chỉ xin nêu ra vấn đề để quý vị chia sẻ, trao đổi, ngõ hầu có một cách nhìn toàn diện hơn về thanh niên Phật tử. Có như vậy chúng ta mới biết mình đang ở đâu, cần đi đến đâu, và đến đó như thế nào.


 


Kính chúc buổi tọa đàm thành công!