Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Mười một trạng thái của người có nết hạnh khiêm nhường

Mười một trạng thái của người có nết hạnh khiêm nhường

1185

Theo Suttantapitaka – Tạng kinh. Bậc Đạo Sư đã trình bày về 11 trạng thái của người có nết hạnh khiêm nhường như sau:

1. Nīcamantā: Có tâm lễ phép.

2. Nihatamāno: Không ngã mạn.

3. Nihatadappo: Dứt bỏ ba điều kiêu căng, ương ngạnh, cứng đầu – gốc của ngã mạn: Ta là dòng cao thượng, ta là dòng quý phái, ta là hạng giàu sang.

4. Pādapuñchana coḷakasadiso: Ví như miếng vải lau chân. Ý nói miếng vải lau chân là vật không có giá trị gì hết, ta đây cũng như miếng vải lau chân ấy vậy. Địa vị và danh vọng chỉ là miếng mồi câu, ma vương nhử ta mê theo, đặng mau đi tới nơi tai hại. Khi người nghĩ thế thì có thể diệt được lòng tự cao, tự đại.

5. Chinnavisāṇasabhāsamo: Ví như bò bị gẫy sừng. Khi bò bị gẫy sừng không khi nào dám gây hấn với mọi người, không dám báng húc, chống đối ai. Nhờ vậy mà lòng ngã ái bị diệt lần, thành ra người có khiêm nhường.

6. Uddhathadāsasappāsaṃ: Ví như loài rắn độc bị nhổ nọc. Ý nói người ta sợ rắn, là sợ rắn có nọc độc, khi rắn bị nhổ nọc độc rồi thì có ai sợ. Ta nghĩ rằng ta là người không có uy quyền thế lực gì hết, thì lòng ta lại không chấp ta, đó là nhân đi tới khiêm nhường.

7. Saṇho: Nhã nhặn, lịch thiệp.

8. Sakhino: Không tỏ vẻ cương ngạnh.

9. Sammodano: Vui vẻ.

10. Muduko: Mềm mại, dịu dàng.

11. Sukhasambhāso: Nói lời dịu ngọt. Nói lời dịu ngọt đem đến cho ta ba điều lợi ích.

a. Đem sự vui vẻ cho mình và người.

b. Không có tội lỗi.

c. Làm cho lỗ tai mình và người được êm ái, mát mẻ.

Tóm lại: Khiêm nhượng là tự mình làm cho tâm mình có lễ phép với mọi người. Người khiêm nhượng là người hằng suy nghĩ thấy cái hại của sự chấp ta, ngã ái và ngã mạn.
________________

Người hành theo pháp khiêm nhường có được những hạnh phúc sau:

1. Làm cho người đoàn kết.

2. Làm cho người được an vui.

3. Đi chung hay ở với hạng người ưa mến kính yêu.

4. Người khiêm nhượng đi tới đâu cũng có người tôn trọng yêu mến.

5. Ai ai cũng thích giao tiếp với người khiêm nhượng.

6. Người khiêm nhượng là người có nhiều bạn lành.

7. Người khiêm nhượng là người có nơi nương nhờ chắc chắn cho mình trong kiếp nầy và kiếp sau.

8. Sẽ được sanh về cõi trời và Niết-bàn.

9. Là người không phóng dật, dễ duôi.

10. Là người đi theo đường bát chánh đạo với giới, định, tuệ.

11. Là người làm cho mình trở nên cao quí hơn tất cả mọi người trong mọi trường hợp.


N.A| Tham khảo trong Suttantapitaka – Tạng kinh và Chú giải |