Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử Ông “tiến sĩ bão lụt” và tấm lòng vì quê hương

Ông “tiến sĩ bão lụt” và tấm lòng vì quê hương

140

Người tiên phong về dự báo thời tiết trên máy tính


Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh chào đời tại Huế vào năm 1952. Sau khi đỗ tú tài 2 tại Sài Gòn năm 1970, Trần Tiễn Khanh sang Mỹ du học ngành cơ khí. Năm 1974, ông tốt nghiệp và nhận bằng Thạc sĩ cơ khí. Do yêu thích ngành khí tượng và môi trường, Trần Tiễn Khanh đã theo học ngành này và đến năm 1978 ông lấy được bằng Tiến sĩ khí tượng và môi trường tại Đại học California (UCLA).


Vào những năm 80 thế kỷ trước, Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh là một trong những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khí tượng và môi trường. Năm 1982, ông là người tiên phong áp dụng mô hình dự báo thời tiết MM5/72 trên máy tính cho không quân Mỹ.


Đây là mô hình khí tượng tối tân, chính xác nhất hiện nay và đang được nhiều cơ quan chính phủ (như Nha Khí tượng Mỹ và NASA) cũng như nhiều đại học danh tiếng ở Mỹ và các quốc gia khác sử dụng.


Trang web dự báo thời tiết cho người Việt Nam


Kể từ sau trận lũ lịch sử năm 1999 ở miền Trung Việt Nam, Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh đã nhiều lần về nước để cùng những nhà khoa học trong lĩnh vực khí tượng và môi trường tìm cách hạn chế những nguy cơ do thiên tai gây ra.


Động lực mong muốn góp phần bảo vệ sự an toàn của đồng bào ở quê nhà đã thôi thúc ông cùng công ty AMI Environmental (AMI) của ông xây dựng nên trang web www.vnbaolut.com, hoạt động từ tháng 7/2001, cung cấp miễn phí thông tin dự báo thời tiết cho mọi địa phương ở Việt Nam, từ Lạng Sơn đến Cà Mau.


Với trang web này, bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể nhận thông tin dự báo thời tiết dưới dạng bản tin RSS (Really Simple Syndication – cung cấp thông tin giản tiện) qua điện thoại di động được kết nối Internet. Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh đã xây dựng một phần mềm tự động dịch các bản tin của Trung tâm cảnh báo bão Hải quân Mỹ (JTWC) ra tiếng Việt để những bà con ở Việt Nam có thể vào http://www.vnbaolut.com/rss.htm đăng ký khai thác thông tin dự báo thời tiết dễ dàng.


Trăn trở với nỗi đau thiên tai của quê nhà


Trong những lần về thăm quê, ông đã lưu lại khá lâu ở mỗi địa phương để khảo sát thực tế nhằm thực hiện những đề tài liên quan mật thiết đến đời sống của hàng chục ngàn ngư dân từng chịu tổn thất nặng nề trong mùa bão 2006.


Ông đã lần lượt tiếp xúc lãnh đạo các tỉnh thành Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận để thu thập thống kê về số tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Ông nghĩ tới đề án điện thoại vệ tinh toàn cầu giá rẻ, người ở đất liền và người trên biển sẽ trò chuyện, nhắn tin SMS bất cứ lúc nào.


Ông đã giới thiệu những mẫu nhà sống chung với bão, với nắng nóng nhiệt đới mà ông đã sưu tầm, nghiên cứu suốt nhiều năm qua. Ông hy vọng với loại vật liệu mới do mình phát kiến, đang chờ đăng ký bản quyền tại Mỹ và Việt Nam, đồng bào vùng bão sẽ có thể xây lại nhà rẻ hơn, chắc hơn và nhanh hơn với thời gian kỷ lục, một vài ngày xong một căn.


Tác giả phần mềm dịch Hán – Việt siêu tốc


Ngoài những đóng góp cho quê hương trong lĩnh vực khí tượng và môi trường, năm 2006, “tiến sĩ bão bụt” Trần Tiễn Khanh đã công bố với giới nghiên cứu chữ Hán, nghiên cứu Phật học cũng như công nghệ thông tin trong nước phần mềm dịch Hán – Việt nhanh nhất hiện nay.


Ở Việt Nam, kinh sách của Phật giáo thường được trích ra từ Hán Tạng và chưa có một bộ Đại Tạng Kinh được dịch ra tiếng Việt đầy đủ. Bộ Kinh đồ sộ này nếu được dịch theo kiểu thông thường chắc phải trải qua mấy thế hệ cũng chưa chắc đã xong.


Trước thực tiễn ấy, ông bắt tay vào nghiên cứu và lập trình với máy vi tính suốt gần 3 năm ròng để cho ra đời phần mềm dịch Hán – Việt trên. Đây được coi là chương trình dịch từ chữ Hán ra tiếng Việt nhanh kỷ lục: Chỉ trong 28 giờ phần mềm này đã phiên âm và dịch 2.372 bộ Kinh Phật, trên 70 triệu chữ! Việt Tạng, gồm khoảng 300 tập, mỗi tập chừng 1.000 trang.


Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, cho biết: “Công trình khoa học này hết sức quý báu. Hội đồng Biên tập Đại Tạng Kinh đã được thành lập do Thượng tọa Thích Minh Châu chủ trì, sẽ quy tụ tất cả các bản dịch khác để so sánh với bản dịch của máy tính và nhanh chóng thẩm định, hiệu đính để hoàn thành và ấn hành Đại Tạng Kinh tiếng Việt”.


Theo nhận xét của Giáo sư Tiến sĩ Mai Quốc Liên – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc học, phần mềm dịch Hán – Việt này sẽ mở ra triển vọng to lớn cho giới dịch thuật chữ Hán ở Việt Nam. Hiện tại công tác dịch thuật các tác phẩm Hán – Nôm sang tiếng Việt đang diễn ra rất chậm. Số chuyên gia ngành này cũng rất hiếm, đa số cao tuổi và dịch theo cảm quan của dịch giả mà chưa thể có một bản chuẩn (bản dịch thô về nghĩa đen) cụ thể.


Trong kho lưu trữ còn có hơn 1 vạn cuốn Hán – Nôm mà nếu như chỉ dịch theo cách thông thường thì không biết đến bao giờ mới khám phá hết. Phần mềm dịch Hán – Việt của Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh sẽ đẩy tốc độ dịch thuật tiến triển nhanh chóng, hiệu quả cao và rút ngắn khoảng cách khám phá kho tàng văn hóa cổ Việt Nam.


Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh cho biết: “Tôi hy vọng với phần mềm dịch Hán -Việt này, các tác phẩm lớn của chúng ta về lĩnh vực văn học cổ, sử học sẽ nhanh chóng được giải mã. Thế hệ hôm nay sẽ khám phá và tường tận những gì cha ông để lại dễ dàng hơn”.