Trang chủ Blog chùa Phan Thiết: TT. Chân Quang giảng pháp tại chùa Liên Trì

Phan Thiết: TT. Chân Quang giảng pháp tại chùa Liên Trì

85

Bài Pháp thoại đã chỉ ra những điểm khác biệt giữa bậc Thánh và một người phàm phu, giúp các phật tử có thể nhận biết được các vị Thánh để đặt niềm tin kính cho đúng chỗ. Đồng thời, cảnh tỉnh để một người bước vào Phật pháp tu hành, phải nhớ đường đi còn rất xa, và mình chỉ mới bắt đầu bước vào cuộc hành trình xa xôi, vời vợi này. Mỗi người cần phải rất tinh tấn tu hành, chứng được vô ngã, mới thực sự giải thoát, trở thành bậc Thánh giữa cuộc đời. Đây là mục tiêu tu hành của chúng ta.

Nói về lịch sử ra đời và phát triển của chùa Liên Trì, Thượng tọa Trụ trì – Thích Quảng Tiến cho biết: Chùa ra đời từ những ngày đầu lập quốc. Khi những người ở phương Nam tràn về vùng này, các vị tiền bối đã nhanh chóng lập ra một ngôi chùa nhỏ để có chỗ cho Tăng Ni tu học, phật tử tới lui, tụng kinh cầu nguyện, v.v… Trải qua mấy trăm năm như vậy, Phật giáo của Phan Thiết ngày càng phát triển. Đến nay, cả thành phố đã có 45 ngôi chùa. Với số lượng chùa như vậy, các phật tử có nhiều chỗ để đến tu tập, học giáo lí. Tuy nhiên, Thượng tọa băn khoăn không biết các phật tử có chăm chỉ học Phật và chiêm nghiệm về đời sống thực tế tu hành, trong khi rất nhiều vị Tổ tiền bối Phật Giáo đã mở đạo hoằng dương chánh pháp làm chỗ nương tựa tinh thần cho quần chúng phật tử. Nhân đây, Thượng tọa tản mạn về những thăng trầm của Phật giáo.

Theo quan điểm của Thượng tọa, có những lúc, tại nhiều nơi Phật pháp đã suy tàn hay hưng thịnh đều phụ thuộc vào việc Phật giáo có những bậc chân tu hay không. Người nhấn mạnh bậc chân tu chưa phải là bậc Thánh. Để phân biệt bậc chân tu với bậc Thánh, Thượng tọa phân tích bậc chân tu là tấm gương sáng cho mình học tập, giúp mình có niềm tin vào đạo lý, lẽ phải. Còn bậc Thánh là người có thể chuyển hóa tâm hồn mình rất mạnh, gieo vào lòng mình lý tưởng tu hành rất mãnh liệt, tha thiết. Nên cái sức mạnh của một bậc Thánh giữa cuộc đời khủng khiếp lắm.

Hiện nay, sự xuất hiện của bậc Thánh giữa đời rất hiếm hoi và quý giá. Nơi nào có bậc Thánh xuất hiện, nơi đó chúng sinh được nhiều lợi ích. Cuộc đời mà thiếu bóng những bậc Thánh thì vắng lặng, xấu xa, con người ta bắt đầu hơn thua, giành giật, tội lỗi cũng từ đó mà xuất hiện. Nên ta cứ mong có nhiều bậc Thánh đến với trần gian này, vì cuộc sống của các Ngài, từ ánh mắt đến nụ cười, từ lời nói đến hành động đều là tấm gương, lời dạy quý giá cho mọi người noi theo.

Tuy nhiên, dù bậc Thánh có xuất hiện giữa cuộc đời thì chúng ta cũng không nhận biết được, vì hầu hết chúng ta chưa phải là Thánh nên chúng ta không biết ai là Thánh trên cuộc đời này. Do vậy, nếu một bậc Thánh mà ta tưởng là phàm thì ta mang tội. Một người phàm tự xưng là Thánh, ta tin và đi theo thì ta mất một đời. Làm sao để phân biệt được ai là Thánh, ai làm phàm là một điều rất khó. Khi biết được ai là bậc Thánh, ta biết đặt niềm tin cho đúng chỗ và không bị mang tội. Người đi theo một vị Thánh chân chính là người gieo nhân lành cho muôn đời sau. Người lỡ gieo nhân sai với người giả mạo thì đời đời, nhiều kiếp khó mà lấy lại phước.

Chúng ta biết rằng từ phàm phu bước lên Thánh vị là khoảng cách rất xa, rất vất vả, nên chúng ta phải kiên trì từng giờ từng phút, mỗi lời nói, hành động đều phải cực kỳ chuẩn xác. Nếu làm được những điều đó, trong “Thiên thu” (vài nghìn năm) mới mong làm Thánh. Nên đừng bao giờ nghe ai nói rằng “Tu theo ta là mau đắc mau chứng”. Đây là điểm cần phải nhận định kỹ, không để bị lầm lẫn, bị gạt khiến rơi vào đường tà. Còn người nào mà nói tu là lâu, bền, kiên trì thì đó đúng là những lời dạy chân chính, chúng ta  nên có lòng tin đi theo.

 Để phân biệt người phàm và bậc Thánh, Thượng tọa chỉ ra năm điều khác biệt sau:

Thứ nhất, bậc Thánh sống vị tha vô ngã; còn người phàm sống vị kỷ. Bậc Thánh sống vị tha, làm gì cũng nghĩ đến lợi ích của người khác. Còn người phàm thì chỉ nghĩ đến lợi ích, sự hưởng thụ của mình. Người vị kỷ vì họ chấp ngã nặng nề, coi cái tôi của mình là quan trọng nên chỉ lo cho mình, thỏa mãn cái tôi cá nhân. Bậc Thánh thì không còn có cái tôi, nên không lo cho mình nữa, mà sống để lo cho mọi người. Đó là cái cơ bản đầu tiên giữa phàm và Thánh.

Để diệt được cái tôi, cái chấp ngã thì chúng ta phải tu tập rất vất vả và lâu dài, vì tu là quá trình chiến đấu với chính bản thân mình, tự nhìn ra cái xấu, cái lỗi của mình để sửa đổi. Giá trị của người tu là thấy mình có lỗi và hạnh phúc khi nhận ra cái lỗi đó. Tu mà nhận ra nhiều khuyết điểm của mình là tu đúng, giúp mình có niềm tin vững chắc rằng đây là con đường chân tu. Đây cũng là tiêu chuẩn để đánh giá mình tu tiến hay không. Tuy nhiên, tu tiến cũng phụ thuộc vào việc ta chọn thầy. Người thầy mà hay khen ta thì sẽ hại ta; ngược lại người thầy hay chê, hay chỉ ra lỗi của ta là người thầy ta nên theo. Nếu gặp một thầy có trí tuệ, ta phải vâng lời, đừng chấp ý thì ta sẽ được nhiều lợi ích. Tuy nhiên, đa phần chúng sinh đều chấp ý và bướng bỉnh nên nhiều khi thầy rất đức độ, trí tuệ nhưng mình tu không tiến bộ là vì thế.

Thứ hai, Thánh là phẩm chất của tâm hồn, nó không thuộc về tiếng tăm, về sự học hay quyền chức. Theo kinh Phật, người nhập được thiền định chưa chắc là Thánh. vì trong kinh Phật nói rõ rằng người chứng Thiền chưa chắc đã chứng Thánh. Trong đạo Phật chỉ rõ có 4 bậc Thánh. Bậc thấp nhất là Tu Đà Hoàn, bậc thứ hai là Tư Đà Hàm, bậc thứ 3 là A Na Hàm, bậc thứ tư là A La Hán. Ta xét ai là Thánh thì phải xét theo tiêu chuẩn 4 bậc trên. Cho nên, người đệ tử Phật, dù là người xuất gia hay tại gia, đều phải hiểu rõ thuộc tính của bốn bậc Thánh này.

A La Hán là bậc Thánh cao nhất, có tam minh lục thông, tức là thần thông siêu việt tự tại. Thời Đức Phật những vị như vậy rất nhiều, sau này vắng dần. Bậc A Na Hàm thấp hơn nhưng thần thông cũng rất là khủng khiếp, có thể dời núi đi được. Bậc Tư Đà Hàm có thể biết được quá khứ vị lai hay cái tâm người khác. Bậc Tu Đà Hoàn hầu như ít có thần thông nhưng là người bắt đầu làm một vị Thánh. Ít người có thể nhận ra Tu Đà Hoàn giữa cuộc đời này, vì bên ngoài họ giống hệt ta. Họ sống có lý tưởng, vị tha, nhân ái, quyết tâm kiên trì tu tập, khi chết họ chứng Thánh.

Bậc Tu Đà Hoàn ta khó nhìn biết, chỉ có một điều là họ kiên định với lý tưởng tu hành trong Phật pháp, không bao giờ đánh mất lý tưởng kiên định của mình. Cuộc sống của một bậc Tu Đà Hoàn đôi khi rất khốn khó, lận đận dù họ sống rất tốt, kiên định, quảng đại, đạo đức, do họ phải trả những nghiệp xưa. Nếu một bậc Tu Đà Hoàn đi tu thì sẽ trở thành một bậc chân tu. Nếu họ sống với hình thức một người cư sĩ thì là người rất độ lượng, một đời hộ đạo, chân chính, mẫu mực, đàng hoàng, có trí tuệ. Do không thể nhận biết bậc Tu Đà Hoàn nên khi tiếp xúc với họ ta dễ có những hành động sai lầm, không đúng mực. Để tránh trường hợp đó, ta rút kinh nghiệm là không coi thường ai, vì phàm – Thánh khó phân biệt.

Thứ ba, để đạt được mục đích công việc của mình, Thánh hay dùng đạo lý, còn phàm hay dùng thủ đoạn, mánh khóe. Bậc Thánh dùng đạo lý, nghĩa là ai giỏi thì nâng lên, ai sai thì góp ý để họ sửa, từ đó hoàn thiện bản thân, phát huy năng lực, cái tài, cái đức của mình để cùng nhau xây dựng xã hội. Bậc Thánh luôn muốn mọi người giỏi hơn mình và để những người giỏi đứng trên mình. Người phàm hay hơn thua, sợ người khác giỏi hơn mình nên dùng thủ đoạn để trù dập người khác, khiến xã hội không thể tiến bộ được.

Trong công việc, trong đối nhân xử thế, Thánh hay dẫn chứng những câu đạo lý của thánh hiền để khuyên dạy mọi người; còn người phàm hay dẫn chứng những câu truyền khẩu có vẻ khôn ngoan để biện minh cho việc làm của mình. Ngoài ra, bậc thánh ứng dụng được đạo lý vào từng suy nghĩ thầm kín, nên họ luôn nghĩ đúng, không cho phép mình nghĩ sai. Ta không thể nhìn thấy được suy nghĩ của họ nhưng nhìn cách họ làm, ta không bao giờ thấy nó sai với đạo lý, đạo đức. Còn người phàm, điều suy nghĩ bí mật ở trong đầu là những cái tự cao, tham lam, đố kỵ, ích kỷ. Tuy nhiên, ta không thể nhận biết được vì bên ngoài ai cũng nói cười như nhau.

Thứ tư, bậc Thánh có thể nhìn thấy nhiều kiếp, lúc nào cũng nghĩ đến cái nhân quả lâu dài nên rất cẩn thận trong việc làm, tránh gây nghiệp về sau. Khi thấy một người có hành động sai trái, họ it dùng biện pháp cứng rắn mà thường kiên nhẫn cảm hóa là chủ yếu, kể cả với kẻ thù của mình. Người phàm không có khả năng nhìn thấy nhiều kiếp nên không biết tội phước, nghiệp báo của mình. Vì vậy, nhiều khi họ hành động cẩu thả, nóng nảy, thiếu suy nghĩ.

Thứ năm, bậc Thánh chỉ quan tâm đến lẽ phải, không quan tâm đến phước báu. Bậc Thánh trong đạo Phật là dựa vào việc đoạn trừ các kiết sử, chính là diệt trừ những bản năng xấu, bí mật và mãnh liệt của con người. Những bản năng xấu đó bao gồm cái tham, cái sân, cái ác, cái ích kỷ.  Người phàm chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân nên tham, sân si. Họ làm mọi việc, giở mọi thủ đoạn để đạt được điều mình muốn.

Mỗi bậc Thánh có một cách xuất hiện khác nhau giữa đời thường. Có những bậc Thánh xuất hiện lừng lẫy, nổi bật. Có những bậc Thánh xuất hiện nhưng sống ẩn dật nên ít ai biết, chỉ khi vô tình tiếp xúc, ta mới biết đó là một bậc Thánh siêu phàm dù họ không nổi tiếng. Vì vậy, có những bậc Thánh hiện ra với uy đức rực rỡ, cũng có những bậc Thánh thầm lặng mình không thấy. Do không phân biệt được Thánh với phàm nên chúng ta phải cẩn thận khi tiếp xúc với người khác, vì có thể họ là một bậc Thánh thầm lặng.

Thượng tọa răn nhắc những người mới phát tâm học Phật rằng: Với những người tự cho mình là bậc Thánh để thu hút, lôi kéo quần chúng làm những việc xấu, chúng ta phải đề phòng. Những người này họ làm vì mục đích chính trị phía sau. Nếu mình thiếu phước mà tin theo những điều đó thì sẽ gây ra nhiều lỗi lầm, khó tránh được cái nghiệp. Trong Chánh pháp, một bậc thầy không tự quảng cáo mà hữu xạ tự nhiên hương, chính đạo lý, chính lẽ phải là cơ sở để mọi người tự đánh giá.

Đời này, bậc Thánh ít xuất hiện nhưng ta không vì thế mà đánh mất lý tưởng, niềm tin tu hành nơi chính mình, phải phấn đấu trở thành những bậc Thánh giữa cuộc đời. Việc trở thành Thánh trong cuộc đời không phải là cái gì cao sang, mà đó là một bổn phận bắt buộc. Ai cũng phải có cái bổn phận là tu tập để trở thành Thánh. Ta không được phép duy trì tình trạng phàm phu, ngu si, mê muội, thấp hèn mãi mãi. Tất cả chúng ta đều phải có bổn phận tu, trước hết để cứu độ cho chính mình, sau là đóng góp vào việc xây dựng sự thánh thiện cho thế giới. Cái hoài bảo tu tập chân chính mà Thượng tọa mong muốn các phật tử đạt được, đó là:

Con không nguyện về nơi sung sướng

Mà chỉ mong đúng hướng chân tu

Dẫu qua nghìn vạn xuân thu

Quyết lòng mong thoát ngục tù vô minh…

Tóm lại, với ý nghĩa của bài Pháp thoại, Thượng tọa đã chỉ ra những điểm khác nhau cơ bản để các phật tử thấy rằng: Có những bậc Thánh ta không hiểu được nhưng vẫn là Thánh, và có những người tưởng rằng là Thánh nhưng sự thật không phải Thánh. Và chúng ta hiểu một điều, thời nay cách Phật đã xa và các bậc Thánh vắng dần, nên ta cẩn thận, đừng dễ tin. Đồng thời, mỗi người chúng ta, ai cũng phải quyết lòng kiên trì tu tập để chính mình phải trở thành một bậc Thánh, mà đóng góp cái chuỗi thánh thiện vào cho thế giới, cho hành tinh này.

Tiếp theo chương trình, sau thời thuyết Pháp, Ban Tổ Chức Trai đàn chùa Liên Trì đã long trọng cung đón Chư tôn đức Tăng, Ni quan lâm chứng minh khai lễ Trai đàn, cầu siêu công đức Tiên linh, Giải oan Bạt độ âm linh và nguyện cầu cho quốc thái dân an theo nghi lễ truyền thống của đạo Phật. Đó là góp phần xây dựng thêm cho cái tâm linh cõi đất này được an lành, được thánh thiện. Buổi lễ Trai đàn diễn ra trong không khí thanh tịnh, trang nghiêm và hoàn mãn tốt đẹp./.