Trang chủ Blog chùa Pháp hội niệm Phật cầu Quốc thái dân an tại chùa Vĩnh...

Pháp hội niệm Phật cầu Quốc thái dân an tại chùa Vĩnh Nghiêm

76

Qua đó, nhằm chia sẻ kinh nghiệm cũng như tạo duyên lành cho quý Phật tử giao lưu tu tập chuyển hóa thân tâm và có cái nhìn chánh kiến về Pháp môn Tịnh Độ cũng như phương pháp trợ niệm như lý như pháp đúng theo lời dạy của lịch đại Tổ sư. 

Chứng minh và tham dự Pháp hội có: HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm; HT Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, kiêm Phó Chủ tịch HĐTS,

Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN, Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN  TP. HCM; TT Thích Thanh Phong, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự T.Ư GHPGVN, Trưởng ban Kinh tế, tài chính TƯ GHPGVN, Trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm, Trưởng ban tổ chức Pháp hội niệm Phật cầu quốc thái dân an, TT Thích Chiếu Tạng, Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó trưởng BTS GHPGVN TP. Hà Nội, TT Thích Nguyên Thành. Ủy viên HĐTS T.Ư GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thái Nguyên.

Về phía Chính quyền có: Quý vị đại biểu, lãnh đạo các cấp, Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Bộ trưởng Bộ Công An C52; Đại tá Nguyễn Trạch Dũng, Cục phó C52 Bộ Công An; ông Trần Văn Cách, Cán bộ Bộ Ngoại Giao, Phó chánh văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva (Liên bang Nga); ông Dương Chí Kiên – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga ; phật tử cư sĩ Diệu Âm Minh Trì, Phó ban tổ chức Pháp hội niệm Phật cầu quốc thái dân an; và cư sĩ Đào Quang Vinh. 

Ngoài ra, còn có sự hiện diện của đông đảo cộng đồng phật tử các đạo tràng trực thuộc các chùa trong và ngoài TP.HCM đồng tham dự.

Tại buổi Lễ, TT Thích Thanh Phong đã phát biểu khai mạc Pháp hội, trong đó nhấn mạnh: Nhân ngày Khánh đản của Đức Phật A Di Đà, không gì hơn chúng ta vâng lời chư Tổ thắp sáng thánh hiệu A Di Đà và hướng dẫn phật tử hữu duyên tu học theo giáo nguyện Tịnh Độ, nương theo đại nguyện của Đức Phật A Di Đà mà viên thành đời đạo, đoạn trừ khổ đau và đạt được giác ngộ tối thượng. Trong kinh Niệm Phật Ba La Mật có dạy: Hành giả niệm sáu chữ hồng danh, phải phát khởi cái tâm tin sâu nhân quả, phụng trì Tam bảo, Phật hóa gia đình mình theo Phật pháp, đoàn kết, hòa hợp, xây dựng đất nước và ngôi nhà chung Phật pháp ngày càng hưng thịnh. Trong Pháp hội này, chúng ta cùng nhau nhất tâm niệm Phật, nguyện cầu quốc thái dân an, biến cõi ta bà thành cảnh Tịnh độ tại nhân gian.

Dịp này, phật tử Diệu Âm  đã chia sẻ những kinh nghiệm tu tập đến Pháp hội. nhằm giúp cho Hội chúng hiểu rõ để hành trì tốt hơn. Ông mong muốn pháp môn Tịnh độ được đúc kết lại theo phương pháp gọi là hộ niệm vãng sinh. Phương pháp này được cụ thể hóa một cách rõ ràng minh bạch, từng Ban hộ niệm, phải nắm vững các nguyên tắc đó để thực hành đúng như lý như pháp theo sự hướng dẫn của GHPGVN và quy luật của nhà nước để cùng nhau làm đúng theo chánh pháp. 

Kế đến, trong lời đạo từ, HT Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ HĐCM, kiêm Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư GHPGVN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng BTS GHPGVN  TP. HCM đã chia sẻ một số điểm quan trọng khi chúng ta tu theo pháp môn Tịnh độ đến với Pháp hội. 

– Thứ nhất, Hòa Thượng chia sẻ quan điểm về Tịnh độ và thế giới cực lạc của chúng ta. Quan điểm về Tịnh độ thì ở trong tất cả các Kinh Phật dạy từ Nguyên thủy cho tới Đại thừa đều nói đến “Duy tâm tịnh độ”, tức tâm thanh tịnh thì quốc độ thanh tịnh. Điều này thể hiện qua cuộc sống của các vị Thiền sư ngộ đạo, tuy các Ngài không làm, nhưng mọi việc đều tốt đẹp. Điển hình như Trí Giả đại sư ngồi thiền ở dòng suối, Ngài ngộ được Như Lai tạng tâm và dùng Như Lai tạng tâm quán chiếu hình ảnh Đức Phật; đến khi xả định, vùng đầm sình lầy trước mặt Ngài trở thành ngôi chùa tráng lệ. Tâm tịnh thì độ tịnh là như vậy. Nếu tâm nhiễm ô, nhiều ham muốn, nhiều phiền não, luôn đòi hỏi, bực bội, thì trên đời này không có gì thỏa mãn được; nhưng tâm tốt thì mọi việc tốt lành tự có. 

Từ đây chúng ta mới xây dựng cái thứ hai là nhân gian tịnh độ theo mô hình của Đức Phật A Di Đà. Đức Phật A Di Đà theo kinh Vô Lượng Thọ thì Ngài được gặp một Đức Phật ra đời hiệu là Thế Tự Tại Vương. Vị Phật này mới dạy Đức Phật A Di Đà đi tham quan hết các thế giới tịnh độ của chư Phật trong mười phương. Và Hòa thượng đã nhấn mạnh điểm quan trọng trên bước đường tu là chổ này. Nghĩa là chúng ta không cố chấp ở pháp môn cố định nào, mà chúng ta cần phải học, học nhiều, học hết tất cả các kinh nghiệm của người đi trước. 

Khi Đức Phật A Di Đà học xong hết cách thức xây dựng tịnh độ của chư Phật, lúc bấy giờ ở trong tâm của Ngài đã gạn lọc được tất cả những gì tốt của chư Phật mà xây dựng cho riêng mình một thế giới cực lạc (hay gọi là tịnh độ) dựa trên 48 lời nguyện. Từ đó pháp môn tịnh độ hình thành và ra đời. 

Vì xây dựng trên 48 lời nguyện đó nên không có ba đường ác và không có tên ba đường ác, nghĩa là không có địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, cũng không có cái tên địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Đây là điều căn bản nhất để xây dựng thế giới tịnh độ và đi về thế giới tịnh độ cõi Phật A Di Đà.

Từ đó, chúng ta mới nhìn thêm một chút nữa, đó là kinh Hoa Nghiêm. Nói về tư tưởng kinh Hoa Nghiêm thì có một vị cố Hòa thượng đã chia sẻ với tôi kinh nghiệm về pháp môn Tịnh độ này như sau: Ngài nói “Trước đây tôi tu pháp môn Tịnh độ thì lấy ba kinh, đó là: Kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, và kinh A Di Đà, nhưng khi niệm Phật thì tôi thêm một bộ kinh nữa là kinh Hoa Nghiêm. Đây là điều quan trọng nhất mà vị ấy đã nói với tôi. Cho nên, nếu chúng ta theo Kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, và kinh A Di Đà mà không nghiên cứu về tư tưởng kinh Hoa Nghiêm thì còn nhiều thiếu sót. 

Nếu đi theo tư tưởng kinh Hoa Nghiêm thì lúc bấy giờ chúng ta xây dựng tịnh độ tự tâm, và xây dựng tịnh độ nhân gian, tức là xây dựng xã hội là chính. Cho nên, tâm không tịnh thì độ không tịnh. Vì vậy, Đức Phật A Di Đà đầu tiên Ngài xây dựng tâm Ngài hoàn toàn thanh tịnh, do đó thế giới thanh tịnh hiện ra. Đó là thế giới cực lạc của tâm. Nhưng muốn xây dựng cái tự tâm thanh tịnh này, điều quan trọng nhất là tất cả các phật tử chúng ta phải tu “Thập thiện nghiệp”.  Đây là điều Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dạy chúng ta hơn 700 năm về trước. 

Xây dựng tịnh độ nhân gian là phải xây dựng đến cái nền tảng của “Thập thiện nghiệp đạo”. Khi tâm chúng ta không còn ham muốn, không còn buồn phiền và trí tuệ được phát sinh giống như Đức Phật A Di Đà gọi là vô lượng quang thì lúc bấy giờ tịnh độ hiện ra. Thế mới biết, có người tu Tịnh độ nhưng tịnh độ không hiện ra, có người niệm Phật A Di Đà nhưng khi lâm chung không thấy Phật A Di Đà hiện thân đến tiếp dẫn, vì tâm chúng ta không thanh tịnh. Tâm chúng ta chưa sáng lên được, nên chúng ta không thấy được Phật A Di Đà. Đây là mấu chốt quan trọng nhất của người niệm Phật. Như vậy, người nào niệm Phật mà tâm sáng lên được thì ta gọi đó là Phật A Di Đà hiện thân. Khi niệm Phật A Di Đà mà tâm chúng ta sáng lên thì lúc bấy giờ Phật Di Đà là tâm chúng ta, hay nói cách khác chúng ta là hóa thân của Đức Phật A Di Đà. 

Hôm nay chúng ta tổ chức ngày vía Phật A Di Đà (ngày 17/11AL). Chúng ta có nghỉ, theo lời dạy của Phật Thích Ca, Đức Phật A Di Đà đã thành Phật cách đây mười ức kiếp, nhưng vẫn chưa nhập diệt. Như vậy, ngày 17/11 này chúng ta căn cứ vào đâu để tổ chức ngày vía Đức Phật A Di Đà, vía ngày Phật đản sanh hay ngày vía thành Phật. Từ đây, chúng ta phát hiện ra một vấn đề khác nữa, tức Thiền sư Vĩnh Minh – Ngài là vị Tổ đời thứ VI của 13 vị Tổ tông Tịnh Độ Phật giáo Trung Quốc. 

Ngày 17/11 là ngày sinh của Vĩnh Minh Thiền Sư –  Thiền Sư Vĩnh Minh là một Thiền sư, nhưng Ngài niệm Phật chứng được Niệm Phật Tam muội (chánh định). Cho nên lúc ấy mọi người coi Ngài là hóa thân của Đức Phật A Di Đà. Vì vậy, pháp môn Tịnh độ ở Trung Hoa được phát triển là từ Ngài Vĩnh Minh.  

Chúng ta tu theo pháp môn Tịnh độ, chúng ta niệm Phật để tâm ta sáng lên và ta trở thành hoá thân của Đức Phật A Di Đà. Lúc bấy giờ mọi người nhìn ta, họ nghĩ về Đức Phật A Di Đà. Nếu tất cả mọi người trong xã hội này, trong đất nước này và thành phố đây nhìn ta mà tâm hồn họ được thanh tịnh thì đây ta tạo thành nhân gian tịnh độ đúng với ý nghĩa niệm Phật để cầu quốc thái dân an. 

Tôi mong trong Pháp hội này, quý vị cố gắng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, tức đạt đến chổ tâm hoàn toàn thanh tịnh, loại trừ tất cả những phiền não nhiễm ô ra khỏi tâm mình, để rồi mỗi người chúng ta đều trở hành hoá thân của Đức Phật A Di Đà, xây dựng một xã hội an lành ở tại thế giới này và tại thành phố này mà ta gọi là nhân gian tịnh độ. 

Tóm lại, qua lời huấn thị của HT Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ HĐCM, kiêm Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN chắc chắn chúng ta sẽ ghi nhớ, và có cái nhìn chánh kiến về Pháp môn Tịnh độ. Chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết, thống nhất để xây dựng một nhân gian tốt đẹp.

Sau cùng, cư sĩ Đào Quang Vinh – đại diện cho Ban tổ chức nói lời cảm tạ./.