Trang chủ Bài nổi bật Quảng Ninh: Đại lễ Phật đản Chùa Ba Vàng và khánh thành...

Quảng Ninh: Đại lễ Phật đản Chùa Ba Vàng và khánh thành tòa Đại giảng đường trên núi lớn nhất thế giới

373

Sáng ngày 21/5/20239 (tức ngày 3 – 4 – năm Quý Mão), tại khuôn viên chùa Ba Vàng trên núi Thành Đẳng (Tp. Uông Bí, Quảng Ninh), đã diễn ra Đại lễ Phật đản Chùa Ba Vàng dl. 2023 pl. 2567 và khánh thành tòa Đại giảng đường trên núi lớn nhất thế giới.

Quang lâm chứng minh buổi lễ, có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dục – Phó Pháp Chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Hòa thượng Thích Thiện Pháp – đồng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; chư Tôn đức Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Văn phòng 1 và 2 Trung ương GHPG Việt Nam; Ban Trị sự Phật giáo các địa phương trong cả nước…

Tham dự Đại lễ, còn có các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhiều cơ quan ban, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và Tp. Uông Bí; Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Chư tôn đức Tăng Ni các hệ phái đến từ nhiều quốc gia như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Bangladesh, Bhutan, Sri Lanka…; cùng trên 6 vạn Phật tử, Nhân dân đến từ các địa phương trong nước và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại Đại lễ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương đã tuyên đọc Thông điệp Phật đản của Đức Pháp chủ GHPG Việt Nam.

 

Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương đã tuyên đọc Diễn văn Đại lễ Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam.

Phát biểu chào mừng chư Tôn đức Trung ương Giáo hội, lãnh đạo Phật giáo các nước và toàn thể đại biểu gần xa về tham dự, Trụ trì Chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh đã giới thiệu về lịch sử hình thành và quá trình xây dựng, cũng như hoạt động sinh hoạt tu học của Chư Tăng, Phật tử Chùa Ba Vàng luôn lấy phương châm “Huân tu giới đức, tinh tấn tu hành và phát huy tinh thần dấn thân phụng sự để biến cảnh trần gian thành Tịnh độ”.
Trụ trì Chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh cho biết: Chùa Ba Vàng có tên chữ là Bảo Quang tự, được xây năm Ất Dậu, triều Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh nguyên niên 1706. Trải qua bao thăng trầm biến thiên của thời gian và lịch sử, đã làm cho cảnh cũ chùa xưa không còn. Năm 1993 chùa được Nhân dân dựng tạm trên nền cũ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của Nhân dân địa phương. Năm 2007, chùa được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa danh thắng cấp tỉnh và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã bổ nhiệm sư Thích Trúc Thái Minh làm Trụ trì.
Ngày 30/10/2009, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo Chùa Ba Vàng. Ngày 1/1/2011, Chùa Ba Vàng chính thức đặt đá xây dựng giai đoạn 1. Trải qua hơn 3 năm thi công, ngày 9/3/2014 khánh thành Đại Hùng Bảo Điện Chùa Ba Vàng và đón nhận kỷ lục Ngôi Chánh Điện trên núi lớn nhất Đông Dương, góp phần tô đậm cảnh sắc Phật đài nơi miền Kinh đô Phật giáo một thời vang danh.
Để đáp ứng nhu cầu tu học của đại chúng và phục vụ Nhân dân; chư Tăng bổn tự đã chỉ đạo cho Ban Quản lý dự án tiếp tục lên kế hoạch xây dựng giai đoạn 2, gồm các hạng mục tòa Đại giảng đường với tổng kinh phí xây dựng gần 300 tỷ đồng, cùng các công trình khác như: Đại Trai đường 70 tỷ đồng, nhà bếp 80 tỷ đồng, khu nhà Phật tử, Cầu Vàng, tượng đài Phật dân sinh…
Riêng tòa Đại giảng Đường được khởi công xây dựng từ năm 2016, được thiết kế 2 tầng với diện tích mặt sàn là 11.904 m2, chiều cao 31,88 m, chiều dài 90,73 m và chiều rộng là 71,85 m, có sức chứa khoảng 12.000 – 13.000 người; thiết kế 2 tầng mái: Mái hạ với 4 mái đao truyền thống, mái thượng được thiết kế theo kiến trúc mái vòm; đỉnh là biểu tượng hoa sen như bảo tòa thuyết pháp của chư Phật. Tất cả kiến trúc đó đã tạo nên nét tổng thể đặc biệt cho tòa Đại giảng đường.Với công trình tâm linh Phật giáo quy mô và đồ sộ này, Chùa Ba Vàng đã đón nhận kỷ lục ngôi Đại giảng đường Phật giáo trên núi lớn nhất thế giới, do Liên minh kỷ lục Thế giới Worldings và Hiệp hội kỷ lục Thế giới WRA xác lập.

Sau lễ hành chánh, Hòa thượng Chủ tịch và nhị vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam đã đối trước Tôn tượng Phật Đản Sanh dâng hương cúng dường và chủ trì khóa lễ tụng kinh Khánh đản để cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

Trụ trì Chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh nhận Bằng Kỷ lục thế giới Chùa Ba Vàng đạt tiêu chí Ngôi chùa sở hữu tòa Đại giảng đường Phật giáo trên núi lớn nhất thế giới, do Liên minh Kỷ lục Thế giới – WorldKings trao tặng

Theo truyền thống kính mừng Đại lễ Phật đản, chư Tôn đức và đại biểu tham dự cùng thực hiện nghi thức Mộc Dục – cúng dường nước thơm lên kim thân của Đức Phật, người con Phật trên khắp thế giới hân hoan đón mừng Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh thị hiện, mở ra con đường Giác ngộ cho chúng sinh.
Chư Tăng Ni Chùa Ba Vàng, đại biểu Phật giáo thế giới và hàng ngàn Phật tử, Nhân dân nhiều địa phương về dự Đại lễ.

Ngau sau nghi thức, Chư Tôn đức lãnh đạo GHPG Việt Nam, đại biểu Phật giáo thế giới và các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp đã cùng tiến về Tòa giảng đường trên núi lớn nhất thế giới để thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành và tham quan 2 tầng của giảng đường trong niềm tôn kính và chào mừng nồng nhiệt của hơn 60.000 Phật tử, Nhân dân tham dự.

Xin giới thiệu một số hình ảnh của buổi lễ.

Phúc Thịnh