Trang chủ Tin tức Sóc Trăng: Đồng bào Khmer đón mừng tết Chôl-Chnăm-Thmây

Sóc Trăng: Đồng bào Khmer đón mừng tết Chôl-Chnăm-Thmây

76

Đây là Tết chào đón năm mới với nhiều nghi lễ trang trọng mang đậm nét đặc trưng văn minh nông nghiệp lúa nước và mầu sắc của đạo Phật.

 
Vào những ngày này, chúng tôi có dịp đi thăm một số vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống ở Sóc Trăng. Dạo quanh các chùa, phum, sóc, đâu đâu cũng thấy không khí nhộn nhịp, vui tươi, sức sống mới đang về với đồng bào Khmer.
 
Tết cổ truyền Chôl-Chnăm-Thmây năm nay ( diễn ra từ ngà‎y 14 đến 16-4 ), đồng bào Khmer Sóc Trăng vui hơn so với những năm trước do có cuộc sống khấm khá hơn, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào Khmer  được nâng cấp, làm mới thuận tiện giao lưu hàng hóa, đi lại.

Tại các chùa Prê-On-Đớt ( Thạnh Phú ), Bâng-Kók ( Phú Mỹ ), Prey-Chóp ( Lai Hòa ), Kom-Pong-Pro-Tel ( Lịch Hội Thượng )…đèn hoa đủ mầu kết dài từ cổng vào tới chánh điện, tiếng nhạc ngũ âm réo rắt, sôi nổi, từng tốp thanh niên, nam, nữ từ các phum, sóc đổ dồn về các sân khấu ngoài trời xem hát Dù-Kê, diễn tuồng Rô-Băm…

Các chùa Khmer Sóc Trăng đón Tết cổ truyền.

Nhà cửa của đồng bào sửa sang gọn gàng hơn, chánh điện chùa được trang hoàng khá lộng lẫy làm nổi rõ những đường nét hoa văn các công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo của đồng bào Khmer. Kết qủa của vụ tôm, vụ lúa đông xuân bội thu và  hàng nông sản có giá vừa qua làm cho sinh khí đón mừng năm mới của đồng bào Khmer phấn khích hơn, vui tươi hơn và hứa hẹn nhiều điều tốt lành.

Màu sắc lễ nghi nông nghiệp hòa với tín ngưỡng Phật giáo khá đậm nét trong lễ hội của đồng bào Khmer. Các núi cát hoặc núi lúa được đắp lên trước tiền sảnh chùa. Theo anh Thạch Suôl ở xã Lai Hòa ( Vĩnh Châu ) thì tập tục đắp núi cát mang ‎‎ý nghĩa ngăn lại các đám mây, cầu cho mùa mưa mau đến, nếu núi cát được thay bằng núi lúa tức là cầu mong cho được mùa.
 
Trong Tết Chôl-Chnăm-Thmây, bà con Khmer mong muốn mùa khô qua mau để sớm bước vào mùa vụ mới. Bởi hầu hết đồng bào Khmer sinh sống bằng nghề trồng lúa nước nên đủ hiểu mùa mưa và nước ngọt thiết yếu ra sao.

Các vị sư sãi chuẩn bị cúng chùa nhân dịp Tết truyền của đồng bào dân tộc Khmer.

Đồng bào Khmer Sóc Trăng có gần 400 nghìn người, chiếm 29,82% số dân trong toàn tỉnh, đây cũng là tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer đông nhất khu vực Nam Bộ. Bà con sống tập trung tại các phum sóc, tín ngưỡng theo Phật giáo tiểu thừa. Bởi vậy chùa là nơi thờ tự, nơi học đạo lý trước khi bước vào đời và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Khmer.

Trong những ngày này, tỉnh tổ chức 10 đoàn đi chúc Tết và tặng qùa các chùa, gia đình chính sách tiêu biểu là người dân tộc Khmer trên địa bàn. Với phương châm " Để mọi người, mọi nhà trong đồng bào Khmer đều có Tết vui vẻ ", các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương rà soát, lập danh sách những hộ Khmer nghèo để có chính sách hỗ trợ kịp thời.
 
Đời sống của đồng bào Khmer tuy đã được cải thiện nâng lên nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn, bởi vậy việc tổ chức Tết Chôl-Chnăm-Thmây thật đoàn kết, vui tươi, an toàn và tiết kiệm không để ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của bà con trong và sau Tết hiện là điều quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương.

Điệu múa Áp-Sa-Ra của cô gái Khmer trong dịp đón Tết cổ truyền.

… Đã 9 giờ tối, ở các điểm chùa mà chúng tôi đến thăm có rất đông bà con Khmer tụ hội trong khuôn viên chùa chuẩn bị cho đêm xem diễn Dù-Kê. Trúng vụ tôm, vụ lúa đông xuân, được vụ hành tím, củ cải… khiến nhiều hộ Khmer từ miệt biển Vĩnh Châu, Long Phú hân hoan ra vui đón Tết ở chùa Khleang, Som-Rông, Peam-Buôl-Thmây, Chrôy-Tưm-Chắs…( thành phố Sóc Trăng ).

Bà con khá nhạy cảm với âm thanh và nhịp điệu, giao lưu với khách qua điệu múa Lâm-Thôn. Trong tiếng nhạc ngũ âm, ai cũng biết múa, bất kể già, trẻ, trai, gái. Động tác khá đơn giản mà cuốn hút, theo nhịp nhạc, chân bước thường, trong khi hai bàn tay lượn đuổi nhau, người nữ lượn hai tay đuổi nhau và che lấy ngực, còn người nam thì lượn hai tay rộng hơn để bao lấy nữ. Khách chỉ cần đứng nhìn một lúc là có thể tham gia cuộc vui ngay. Yêu lao động, ham mê ca múa là máu thịt của người dân Khmer.

Giai điệu nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer đón mừng năm mới.

Có thể nói, lượng khách tham quan và bà con Khmer từ các nơi đổ dồn về các chùa mỗi lúc một đông, dọc các hành lang và ban công chùa là nơi bà con giao hảo trong những ngày Tết. Đến thăm chùa Dơi ( Ma Ha Túp ) chúng tôi có dịp chứng kiến hàng chục núi cát, núi lúa của từng nhóm gia đình họp lại, ước vọng cho một năm mùa màng được suôn sẻ, bội thu. Dọc hai bên hàng cây dẫn vào chùa Dơi, các hộ dân xung quanh mở nhiều quán cà phê, quán cơm, đặc sản bánh pía, củ cải muối, hàng lưu niệm phục vụ bà con đến vui đón Tết. Ngoài khuôn viên chùa , các chủ quán chào hàng những món ẩm thực cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer như bún nước lèo, bánh xèo, bánh khọt…thu hút rất đông khách đến thưởng thức.

Vào dịp Tết này, những người con dù ở xa xôi đến mấy cũng về đoàn tụ với gia đình để cúng lễ cầu siêu, cầu phước cho người thân, cầu nguyện cho vụ mùa sắp tới được bội thu. Vì thế, năm nào cũng vậy, chị Thạch Thị Sà Lal cùng nhiều chị em người Khmer làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh cũng tranh thủ về quê để viếng chùa, cúng ông bà và cầu an cho sự bình yên của dân làng ; cho vụ mùa bội thu với tất cả lòng tri ân, niềm hy vọng ở tương lai.

Tâm sự với chúng tôi, chị Lal rất mừng là năm nay bà con Khmer huyện Vĩnh Châu đón mừng năm mới trong sự thay đổi của bao làng quê. Nhiều công trình điện, cầu, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sạch được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư phát triển, phục vụ thiết thực đời sống dân sinh vùng đồng bào dân tộc Khmer. Chị cho biết : “ Năm nay, bà con Khmer mình đón mừng Tết  cổ truyền vui lắm. Vì ai cũng có cuộc sống no đủ hơn, đường giao thông, phương tiện đi lại, việc học hành, vui chơi giải trí được thuận lợi hơn trước rất nhiều”.

Bác Triệu Phôl ở ấp Gìông Giữa, xã Lịch Hội Thượng ( Trần Đề ) phấn khởi, nói : “ Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương mà hoạt động lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được phát triển, như việc trang bị cho các chùa dàn nhạc ngũ âm, sắm ghe ngo, rồi việc hỗ trợ cho các đoàn nghệ thuật Khmer đi lưu diễn ở các phum, sóc. Mừng nhất là được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, từ cách trồng cỏ, nuôi bò ở An Giang, đến nghề nắn nồi đất ở Hòn Đất, rồi những ngành nghề truyền thống, trò chơi dân gian mà nơi này, địa phương kia còn lưu giữ. Bởi vậy, hễ nói tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là bà con chịu liền. Nhất là những năm gần đây, nhờ có đồng vốn của Nhà nước giúp đỡ nên có rất nhiều hộ Khmer vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Nhờ có của ăn, của để nên Tết năm nay ai cũng vui vẻ.”

Một nét mới, dịp Tết Chôl-Chnăm-Thmây năm nay là báo, đài liên tục biểu dương những tấm gương điển hình sản xuất giỏi của bà con Khmer. Việc hàng trăm hộ Khmer ở phường 10, thành phố Sóc Trăng thoát nghèo từ sự giúp vốn ban đầu của Nhà nước đã trả lại sổ hộ nghèo để chính quyền lo liệu cho những hộ còn khó khăn đáng là điều học tập. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua đồng bào, các vị sư sãi, cán bộ, chiến sĩ Khmer Sóc Trăng đã không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống mới ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trong những cung bậc ngũ âm, giọng hát Dù-Kê, điệu múa Lâm-Thôn trong dịp Tết cổ truyền Chôl-Chnăm-Thmây của đồng bào dân tộc Khmer, tôi cảm nhận được những âm thanh và sắc mầu của sự no ấm từ các phum sóc tụ hội về đây để giao lưu, để báo ơn trong những ngày lễ vào năm mới. Chắc chắn là niềm tin của bà con Khmer vào những khởi sự tốt lành trong năm mới 2010 sẽ lan tỏa khắp các phum sóc của Sóc Trăng.