Trang chủ Nghiên cứu Sự ảo hóa

Sự ảo hóa

63

Câu chuyện: Sự chinh phục một con ma.

Một cô vợ trẻ bị bịnh và sắp chết. Nàng nói với chồng:

“Em yêu anh lắm. Em không muốn xa anh. Anh đừng bỏ em để đi đến với một người đàn bà nào khác. Nếu anh bỏ em, em sẽ làm một con ma trở về làm khổ anh luôn.”

Cô vợ sớm qua đời. Người chồng kính trọng ý muốn cuối cùng của vợ trong ba tháng đầu, nhưng rồi anh ta gặp một người đàn bà khác và yêu nàng. Họ đính hôn với nhau.

Ngay sau cuộc đính hôn, đêm đêm một con ma xuất hiện trước mặt người đàn ông và trách mắng anh ta không chung thuỷ. Con ma rất thông minh. Nó nói rất đúng những gì đã xảy ra giữa người chồng và cô tình nhân mới của chồng. Bất cứ khi nào người chồng tặng quà cho vị hôn thê của mình, con ma cũng diễn tả lại đúng từng chi tiết. Nó còn lập lại được cả cuộc nói chuyện của hai người, và như thế nó làm người đàn ông không ngủ được.Vài người khuyên anh ta đem việc này đến một vị Thiền sư ở gần làng. Sau cùng, người chồng khốn khổ đến nhờ vị Thiền sư giúp đỡ.

Thiền sư bình luận:

“Người vợ trước của anh đã trở thành một con ma. Và nó biết tất cả bất cứ việc gì anh làm hay bất cứ vật gì anh tặng vị hôn thê của anh, nó phải là một con ma rất thông minh. Thật sự, anh phải kính trọng một con ma như thế. Lần tới, khi con ma xuất hiện, anh hãy đánh cuộc với nó. Hãy bảo với nó rằng nó biết quá nhiều, anh không thể nói điều gì được, và nếu nó trả lời anh được một câu hỏi, anh hứa với nó là anh bỏ cuộc đính hôn và ở một mình trọn đời.”

Người đàn ông hỏi: “Tôi phải hỏi nàng câu gì?” Thiền sư đáp:

“Hãy hốt đầy một nắm đậu tương và bảo nó nói đúng bao nhiêu hạt đậu trong tay anh. Nếu nó nói không được, anh sẽ biết nó chỉ là một ảo ảnh của trí tưởng tượng anh, và nó sẽ không phiền anh nữa.”

Đêm đến, khi con ma xuất hiện, người đàn ông mơn trớn nó và bảo rằng nó đã biết hết mọi việc.
Con ma đáp: “Đúng, và tôi còn biết hôm nay anh đã viếng một Thiền sư.”
Người đàn ông yêu cầu: “Và vì em biết quá nhiều, như thế hãy nói cho anh biết trong tay anh đây có bao nhiêu hạt đậu?”

Không còn ma nào nữa để trả lời câu hỏi.

Các khoa học gia về não đã thí nghiệm thành công việc lừa một người khiến y tưởng rằng mình đang ở trong cơ thể một người khác hoặc trong một người nộm bằng nhựa.

Kinh nghiệm ngoài cơ thể – dễ thuyết phục đáng ngạc nhiên – sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu cách thức bộ não tạo ra cảm giác về cái ‘tôi’ thể xác. Sự nghiên cứu này có lẽ cũng dẫn đến những ứng dụng thực tế như những bộ điều khiển từ xa trực giác hơn đối với những robot, những điều trị về đau tay chân ảo giác ở các bệnh nhân bị cưa tay chân và có khả năng chữa trị chứng biếng ăn.

Cuộc nghiên cứu này tiếp theo một nghiên cứu liên hệ vào năm ngoái trên cùng một nhóm người thí nghiệm trong đó các nhà khoa học đã thuyết phục các tình nguyện viên rằng họ đang kinh qua cảm giác vận động ngoài cơ thể. Đó là lần đầu tiên được thực hiện trong phòng thí nghiệm và chứng tỏ rằng chẳng hạn những kinh nghiệm tinh thần mãnh liệt mà những bệnh nhân thỉnh thoảng có được trong khi đang ở trên bàn mổ nay đã có câu giải thích một cách khoa học.

Tiến sĩ Henrik Ehrsson, thuộc Viện Karolinska ở Thuỵ Điển nói: “Chúng tôi rất muốn biết cách thức hoạt động thường tình của nhận thức, làm sao chúng ta nhận thức được về cơ thể của mình. Và chúng tôi làm việc đó bằng cách nghiên cứu các ảo tưởng về nhận thức này. Cốt yếu là tuỳ thuộc vào cảm thức thị giác và cái gọi là sự tích hợp đa giác quan hay sự phối hợp giữa những tín hiệu thị giác và xúc giác.”

Trong một nghiên cứu mới, Ehrsson và đồng nghiệp của ông, Valeria Petkova, gắn hai camera vào đầu một người nộm. Chúng được kết nối vào hai màn hình nhỏ được đặt trước mắt những người thí nghiệm. Điều này cho một ảo giác rằng chính người thí nghiệm đang nhìn vào mắt của người nộm. Ví dụ, khi nhìn xuống họ chỉ thấy cơ thể của người nộm chớ không thấy cơ thể của chính họ. Kỹ thuật này giống như “ảo giác bàn tay cao su”, trong đó người thí nghiệm có thể tin rằng bàn tay cao su đó chính là bàn tay của mình, nhưng đấy là lần đầu tiên ảo giác ấy dàn rộng trên toàn cơ thể.

Ảo giác này thuyết phục đến nổi khi các nhà nghiên cứu dùng dao doạ người nộm thì thấy phản ứng đáp trả gia tăng trên da người thí nghiệm – được đo bằng đèn báo hiệu sự căng thẳng của máy phát giác sự nói dối. Ehrsson nói: “Điều này cho thấy rất dễ làm thay đổi nhận thức của bộ não về cơ thể. Bằng cách thay đổi những ấn tượng cảm giác, người ta có thể lừa ‘cái tôi’ không những ra ngoài cơ thể của nó mà còn vào các cơ thể khác nữa.”
 

Mọi việc thậm chí còn kỳ lạ hơn khi các nhà nghiên cứu bỏ người nộm đi và đặt những camera lên đầu của một người khác. Sau khi đánh vào cả hai người thí nghiệm thì họ tin rằng họ đang có cảm giác như chính họ đang là người kia. Ảo giác thậm chí vẫn như vậy khi người kia tiến tới và bắt tay người thí nghiệm, tạo ra ở người thí nghiệm cảm giác như thể họ đang tự bắt tay nhau.

Các nhà nghiên cứu định dùng ảo giác ngoài cơ thể để thử chữa cho những bệnh nhân cụt tay chân hay có cảm giác đau nơi tay hay chân họ bị cụt. Ehrsson nói: “Chúng tôi bắt đầu nhận thấy có thể có sự liên hệ giữa cảm giác đau và cảm giác sở hữu cơ thể.”

Một góc độ tiềm năng khác cho nghiên cứu là hình ảnh cơ thể ở những bệnh nhân mắc  chứng biếng ăn. Những người này bị ám ảnh nhiều quá với việc giảm cân đến nỗi họ gầy đi một cách nguy hiểm. Ông nói: “Có khả năng giải pháp này được sử dụng làm công cụ chẩn đoán mới và có thể các công cụ chữa trị sẽ ra đời và giúp người ta nhận ra rõ ràng hơn kích thước thật sự của họ.”

Một ứng dụng khác là dùng vào những robot điều khiển từ xa, chẳng hạn ở các nhà máy nguyên tử hoặc trong phẩu thuật. Ehrsson nói: “Hy vọng là tạo được trong bạn ảo giác hoàn toàn rằng mình là một robot.”

Phân tích:

Tâm thức (Citta) có thể phân biệt thành tám loại: Nhãn thức (1), nhĩ thức (2), tỉ thức (3), thiệt thức (4), thân thức (5), ý thức (6), mạt na thức (7) và A lại da thức (8).

Tâm thức, chủ thể của hành động, là một dạng năng lượng đặc biệt của vũ trụ. Khi hiện hữu trong con người nó cho chúng ta nhận thức, cảm giác về thế giới. Tuy nhiên, sự hoạt động của nó thật biến ảo khôn lường, hư hư thực thực và khiến cho ta khi tỉnh khi say.

Chính tâm thức (khi này dưới dạng Gandhabba hay hương ấm) kết hợp với hai yếu tố, tinh cha và huyết mẹ, để tạo ra một sự sống mới dưới dạng phôi thai. Rồi từ đây phát triển thành bào thai, khởi đầu cho một đời sống sinh vật. Rồi sinh vật này sẽ trải qua một quá trình sinh-trụ-dị-diệt. Sau khi chết, cơ thể tan rã và tâm thức này tiếp tục cuộc hành trình “kết hợp” mới và cứ như thế mãi. Giống như định luật bảo toàn năng lượng:

“Năng lượng không thể tự nhiên sinh ra hoặc mất đi. Trong toàn vũ trụ, tổng năng lượng không đổi, nó chỉ có thể chuyển từ hệ này sang hệ khác. Người ta không thể ‘tạo ra’ năng lượng, người ta chỉ “chuyển dạng” năng lượng mà thôi.”

A lại da thức (Ālayavijñāna) hay thức thứ tám được xem như một kho chứa, lưu giữ dữ liệu hay thông tin. Nó là nguồn gốc của thức từ đó tất cả các sự vật và hiện tượng của thế giới được chiếu rọi và biểu hiện do ảo giác chủ quan tạo ra bởi vô minh. Những thông tin riêng lẻ từ năm giác quan – mắt, tai, mũi, miệng, thân – được ý thức thứ sáu tổng hợp, nhào nặn để cho ra một cái biết biểu kiến toàn thể về sự vật, hiện tượng. Con mắt chỉ thấy được hình ảnh nhưng không thể nghe được âm thanh; tương tự như thế cho tai, mũi, lưởi, thân. Và ý thức biết được hết thảy các đối tượng của năm giác quan đầu. Như vậy, cái biết này không phải trực tiếp mà là gián tiếp hay biểu kiến về thế giới (Pravṛtti-vijñāna) và cái biết này mang tính chủ quan vì do thức thứ bảy (Klisto-manovijñāna).

Thức thứ bảy này xem A lại da thức như một con người siêu hình, nhầm tưởng rằng tâm, thân là “cái tôi” chủ thể nhận thức (darśana-bhāga) và sự vật, hiện tượng hay thế giới là khách thể được nhận thức (nimitta-bhāga). Chính bản chất phân biệt chủ thể – khách thể này đã tạo ra sự mâu thuẫn nội tại, tạo ra một chuỗi hệ quả tâm lý so sánh hơn – thua, đẹp – xấu…; rồi từ đó tạo ra sự ham thích, thù hận, tuyệt vọng… Thức thứ bảy tự làm rối mình trong sự vô minh và nhầm lẫn, xem những tạo tác hư ảo riêng của nó là những sự vật có thật. Người ta phần đông sống với và bị chi phối bởi cái thế giới hư ảo này.

Thức nói chung có tính tương tác, duyên sinh hay phân biệt (paratantra). Chẳng hạn, khi mắt duyên với cảnh tạo ra nhãn thức. Rồi thức này tạo ra (tiếp) xúc, xúc tạo ra cảm giác, cảm giác tạo ra tưởng, tưởng tạo ra suy tư, suy tư tạo ra hý luận-vọng tưởng như sau:

Thức tạo ra tưởng hay tri giác. Có hai loại tri giác: a) Hư hay Ảo giác (parikalpita) và b) Thật hay Chơn như (pariniṣpanna). Chính thức thứ bảy phân biệt, cho rằng có “cái tôi” mà sinh ra cái tưởng “ảo giác”. Nếu ngược lại, không chấp vào “cái tôi” thì sẽ không còn ảo giác và tri giác khi ấy là chơn thật.

Bình luận:
A lại da thức, có người so sánh là tiềm thức,  là nơi phát sinh tất cả các loại thức và nó hoạt động như một dòng suối tuôn chảy không dừng nghỉ (paratantra); người ta thường nói: tâm như vượn, ý như ngựa. Dưới tác động của vô minh nó sẽ tạo ra những tâm lý tiêu cực. Nhưng với sự tỉnh giác / tỉnh thức thì dòng chảy đó dừng lại tức thì.
Giải pháp: Thiền định.
Hoạt động của con người thường bị chi phối bởi cảm xúc của con tim và lý trí của cái đầu. Cảm xúc của con người thường đau buồn. Còn những xung đột thường xảy ra từ cái đầu; chỉ có tìm ra logic hợp lý mới chữa trị được cái đầu của mình. Nhưng phải biết kết hợp giữa cái đầu và con tim để kiểm soát tâm trí. Muốn vậy phải có phương pháp luyện tâm hồn. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu cho thấy 70% bệnh của con người là từ tâm bệnh mà ra, 30% còn lại mới do di truyền, thể xác, môi trường… Có một phương pháp luyện tâm hồn đặc biệt, đó là thiền định.
Cơ sở lý luận của Thiền là: Sự tập trung tư tưởng. Khi bộ óc được tập trung vào một đối tượng thì tạo ra một sức mạnh nội tâm như một ngọn đèn pha chiếu sáng, khiến thấy rõ mọi sự vật (tỉnh giác); trong khi đó nó làm ức chế và khiến những phần còn lại của vỏ não được nghỉ ngơi, thanh thản. Tâm trí người thường tán loạn, vọng tưởng, chạy theo những tham muốn bất thiện và gây ra những hậu quả đáng tiếc về mặt đạo đức, luật pháp… Phương pháp thực hành Thiền có nhiều cách, nhưng có một cách đơn giản mà hiệu nghiệm, đó là: Quán tưởng hơi thở. Vị ấy ngồi yên lặng, lưng thẳng, mắt khép lại và để ý hơi thở vô, ra.
 
Hơi thở này đang đi vào, vị ấy rõ biết như vậy; hơi thở này đang đi ra, vị ấy rõ biết như vậy. Trong khi đang theo dõi hơi thở như vậy, nếu có những hình ảnh, kỷ niệm, suy nghĩ, cảm xúc dù chúng có đẹp hay xấu, vui hay buồn thì vị ấy không để ý hay bận tâm, phê phán. Sau một thời gian lâu hay mau, tuỳ theo sự nỗ lực của từng người mà sẽ có hiệu quả sớm hay muộn. Thước đo kết quả của sự luyện tâm là vị ấy cảm thấy sức khoẻ thân tâm của mình ngày càng được tốt hơn: ngủ ngon giấc không chiêm bao mộng mị, bớt lo lắng phiền não, vui vẻ, tập trung vào công việc đang làm một cách tự nhiên. Một sự luyện tâm như vậy sẽ dần tạo ra một phản xạ tâm lý có điều kiện mới thay thế dần những thói quen xấu cũ.
Thiền có hai phần: Chỉ và Quán. Ta có thể áp dụng xen kẻ Chỉ và Quán trong khi ngồi thiền. Nếu chỉ áp dụng Chỉ thì tâm dễ bị hôn trầm và nếu chỉ áp dụng Quán thì tâm dễ bị tán loạn.
Chỉ là dừng tâm lại hay dùng tâm rõ biết hơi thở này vô, hơi thở này ra. Có hai cách an trú tâm vào hơi thở: a) Tâm rõ biết hơi thở trên một đường thẳng từ mũi đến bụng dưới, hoặc b) Tâm rõ biết một điểm ở giữa hai ống mũi mà hơi thở đi qua. Thời gian đầu, người ta thường đếm hơi thở từ 01 đến 10 rồi tiếp tục đếm lại từ 01 đến 10.
 
Việc đếm hơi thở này giúp hành giả dễ tập trung tư tưởng và tránh được hai chướng ngại là hôn trầm và tán loạn.Trong khi an trú tâm như vậy, nếu có bất kỳ hiện tượng nào như hình bóng, cảm xúc, kỷ niệm, lo âu… hiện ra trong đầu thì cứ để chúng xuất hiện tự nhiên, không đè nén chúng, không có khen, chê hay phê phán chúng và hãy quay về an trú và việc đếm hơi thở. Sự huấn luyện tâm hay thiền chỉ này sẽ đưa đến định lực hay tâm giải thoát (khỏi tâm lý tiêu cực).
Quán là phân tích, xem xét, hay nhập vai ý nghĩa của 16 đề tài: 4 đề tài về thân, 4 đề tài về cảm thọ, 4 đề tài về tâm và 4 đề tài về pháp. Phép thiền quán như vậy sẽ giúp hành giả thấy được bản chất vô thường, sinh diệt, mỏng manh của mọi thứ như trong tay cầm một cục nước đá đang tan chảy. Do vậy tâm trí rời bỏ, không tham đắm hay bám víu chúng và thành tựu tuệ giải thoát (khỏi tâm lý tiêu cực).

Kết luận:
Hãy chánh niệm – tỉnh giác với thế giới ảo, nhiếp phục tham – ưu ở đời và hãy thiền định.
 

(Tham luận tại Hội nghị Khoa học Tâm lý – Giáo dục VN, Hà Nội ngày 17/12/2010)
Tiến sĩ Thích Tâm Đức – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam