Trang chủ Tuổi trẻ Tạo môi trường học tập và sinh hoạt cho Thanh niên Phật...

Tạo môi trường học tập và sinh hoạt cho Thanh niên Phật tử – vấn đề cần suy nghĩ

62

Điều này phần nào thấy được vai trò của chúng ta những thanh niên, học sinh, sinh viên, những người chủ tương lai của đất nước – một nguồn lực rất đáng quý để góp phần vào quá trình phát huy và đưa Phật Pháp gần gũi hơn với cuộc đời. Nhưng làm thế nào để có một môi trường thích hợp cho giới trẻ đến chùa học tập, sinh hoạt phụng sự Phật Pháp!? Đòi hỏi Phật Giáo phải có những bước tiến đột phá đi sâu vào giới trẻ, giới trí thức. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ nêu ra 2 vấn đề: Thực tế sinh hoạt của Phật Tử hiện nay và làm sao giới thiệu Phật Pháp đến với giới trẻ?


 


1. Thực tế sinh họat của Phật tử hiện nay


 


Có thể nói, chúng ta thấy nhiều người theo Phật, đi chùa, giáo pháp được tuyên giảng nhiều nơi, song dường như giới trẻ vẫn chưa mặn mà với môi trường sinh hoạt và học tập Phật Pháp…các đạo tràng toàn là người lớn tuổi. Có thể nói, hàng phật tử lớn tuổi chiếm số đông. Theo như Nguyệt san Giác Ngộ 10/2006 thì đa số họ là những người có tuổi trung bình từ 50 – 70 tuổi, tuy thường xuyên đi chùa, đóng góp tài vật, tụng kinh, tụng chú….nhưng không biết mấy về Tam bảo, Ngũ giới, lịch sử Đức Phật…. Nghe qua mâu thuẫn nhưng đó là sự thật. Đơn cử như tác giả Nguyễn Kha với bài viết “Phật Tử – Con Số Và Con Người” (tham gia hội thảo quốc tế “Phật Giáo Trong Thời Đại Mới: Cơ Hội Và Thách Thức” ) hay tác giả Quảng Pháp với bài “Tiêu chuẩn cho người Phật Tử Việt Nam” trên Nguyệt San Giác Ngộ 10/2006 gần đây cũng trăn trở suy tư với vấn đề này. Quay lại giới trẻ chúng ta, giới trẻ ở đây ta cần hiểu từ các bạn học sinh, sinh viên còn trên ghế nhà trường, giới trí thức và hơn cả là những bạn trẻ đang làm việc có độ tuổi từ 25 – 40. Đây là giới có năng lực, nhiệt huyết sống trong công cuộc hoằng dương và hộ trì Phật Pháp, nhưng trái lại họ lại là lớp người ít đến với Đạo Phật, có chăng là tham gia các lễ hội truyền thống của văn hóa Phật giáo. Theo chúng tôi thì có những nguyên nhân cơ bản sau :


 


          Mô hình sinh hoạt học tập tại các chùa vẫn chưa thu hút được giới trẻ về hình thức lẫn nội dung sinh hoạt.


          Do công việc cũng như hoàn cảnh cá nhân, cộng với các mối quan hệ xã hội, giới trẻ không có quỹ thời gian để đến chùa thường xuyên.


          Vai trò hướng đạo của Chư Tôn Đức Tăng Ni vẫn chưa quan tâm đúng mức và tạo cơ hội cho lớp người trẻ cống hiến và phục vụ.


 


Với những vấn đề vừa nêu trên bình diện tổng hợp thông tin và phân tích những khía cạnh thực tế, chúng tôi thiết nghĩ Phật Giáo nên có chiều hướng phát triển và hội nhập với thời đại bằng con đường ứng dụng Phật Pháp vào cuộc sống dựa trên tâm thế, lứa tuổi và giới để truyền tải đạo Phật. Vì Đạo Phật hướng đến đối tượng là con người, làm sao con người tiếp xúc với cuộc sống bằng thái độ sống tích cực của tha nhân với tinh thần TỪ BI và TRÍ TUỆ bao la rộng lớn. Theo chúng tôi thì làm sao để giới thiệu Phật Pháp đến giới trẻ là một trong những yếu tố quan trong mà chúng ta hướng đến.


 


2. Làm sao giới thiệu Phật Pháp đến với giới trẻ?


 


Xã hội ngày càng phát triển cùng với sự đi lên của các ngành khoa học, con người đã sáng tỏ được nhiều điều, nhưng vẫn còn đắm chìm trong sự thù hận và chiếm đoạt, các nơi vẫn tràn ngập chiến tranh. Một thực tế trong cuộc sống, đạo Phật khẳng định được vị thế của một Tôn Giáo Hòa Bình hướng đến lợi ích số đông. Cũng chính bởi lẽ đó mà tới ngày nay sau rất nhiều thăng trầm và biến cố của lịch sử. UNESCO, một tổ chức uy tín của thế giới, đã công nhận ngày Đức Phật Thích Ca đản sinh là ngày đại lễ trên toàn thế giới, là ngày hoà bình của thế giới. Điếu đó như một minh chứng khẳng định vai trò và tầm ảnh hưởng của Đạo Phật đối với nhân loại. Vì một Đạo Phật hoà bình nhân ái, vì một thế giới tốt đẹp hơn. Để phát huy tinh thần truyền thừa đó trong sự nghiệp Hoằng hóa chúng sinh trên mọi quốc độ, đặc biệt là giới trẻ hiện nay hiểu vể đạo Phật, chúng tôi có một số ý kiến :


 


          Trước tiên là nơi quý Thầy:  Theo chúng con, Chư Tôn Đức Tăng Ni hôm nay cần tích cực, khẳng định lý tưởng giải thoát, làm sáng ngời lý tưởng độ sinh bằng hành động cụ thể đưa đạo Phật đi và cuộc đời. Do vậy quý thầy cần phải bắt đầu từ nơi chính bản thân, việc tu dưỡng đạo đức đến đức hạnh để cảm hoá mọi người, nhất là lớp trẻ chúng con. Theo chúng con thiết nghĩ, quý thầy có đủ đạo hạnh sẽ dễ dàng thức tỉnh nhiều người, giúp người ta tu học và đến với đạo tu tập một cách chân chính.


Theo chúng con thiết nghĩ, đôi khi chưa cần hiểu hay biết tới Đạo Phật song chỉ cần oai nghi và tâm từ của những người đệ tử Phật chân chính cũng có thể cảm hoá những người trẻ chưa biết đạo, khiến họ không chỉ ngồi cảm nhận mà phải bước vào đời bằng những việc làm thiết thực. Bởi vậy việc quý thầy luôn giữ gìn và phát huy oai nghi đạo hạnh để các tầng lớp trong xã hội cũng như giới phật tử nương theo là điều rất cần thiết và là một mong đợi của giới trẻ chúng con khi đến với đạo Phật.


 


          Giới Phật tử lớn tuổi: Mặc dù đây là hàng Phật tử chiếm số đông trong xã hội, thường xuyên đi chùa, đóng góp tài vật, tụng kinh, tụng chú, nhưng lại rất ít hướng dẫn, lôi cuốn con cháu mình đi theo đạo Phật mà chủ yếu tu cho mình, tu theo kiểu “trẻ vui nhà, già vui chùa”. Vì vậy, các Phật tử lớn tuổi cần có sự thay đổi, hướng dẫn con cháu mình theo đạo, tạo thuận duyên để con cháu mình đến với chùa, gần quý Thầy để nghe pháp, học đạo.


 


          Thanh Niên Phật tử: Mỗi chúng ta cần có bổn phận và trách nhiệm học tập, thực hành, hoằng dương và trên hết là hộ trì chánh pháp của Đức Như Lai. Vì lý tưởng cao đẹp đó, trên hết mỗi thanh niên Phật tử chúng ta cần phải có những đóng góp thiết thực, chúng ta phải là những ngọn đuốc mang ánh sáng và sự ấm áp an lành của giáo lý Như Lai tới ngay những người thân yêu và những người quanh ta. Việc tác động vào giới này để họ trở thành những người nhiệt thành hộ đạo là điều vô cùng cần thiết. Cái quan trọng của Thanh niên Phật tử chúng ta phải dám khẳng định mình là PHẬT TỬ – DÁM NGHĨA DÁM LÀM bằng chính hành động và trái tim của bản thân. Đem kinh nghiệm sống chia sẻ với những bạn trẻ cùng tuổi để họ có thể hiểu và cùng tham gia học tập. và theo chúng tôi nhận biết: Câu lạc bộ thanh niên Phật tử VN cũng là một trong những tâm huyết muốn giới thiệu Phật giáo đến các ban trẻ từ mọi miền đất nước.


          Nội dung và hình thức sinh hoạt cho giới trẻ:  Nội dung và hình thức sinh hoạt cho giới trẻ hiện nay trong môi trường sinh hoạt và học tập cần phải phổ cập, nhất là về mặt ngôn ngữ Hán Việt, làm sao cho nhẹ nhàng và chuyển tải được tinh thần Phật dạy đến với người trẻ.


 


Giới thiệu, phát tặng kinh sách, báo chí, băng đĩa thuyết pháp của quý thầy tới giới trẻ, trí thức, nhất là những ấn phẩm phù hợp với căn cơ của mọi người và dễ đọc dễ hiểu như: Nói với tuổi 20, Tuổi Trẻ Tình Yêu và Lý Tưởng,… của Thiền Sư – Nhất Hạnh; Phật Pháp Tại Thế Gian, Tu Là Chuyển Nghiệp,… HT – Thích Thanh Từ; Tâm Lý Đạo Đức, Nghiệp và Kết Quả,…TT – Thích Chân Quang. Nên tổ chức một hệ thống có quy củ các Nhà Sách Phật Học tại mỗi tỉnh thành, và xa hơn là tại mỗi huyện, thị, thôn xóm,… Đó sẽ là nơi tìm hiểu và trao đổi giáo lý bổ ích của tất cả mọi người (như Thư Viện Chùa Quán Sứ chẳng hạn). Tất nhiên những nơi này phải nằm trong sự kiểm soát của Giáo Hội để luôn luôn được quan tâm một mức cần thiết.


Ứng dụng công nghệ thông tin vào môi trường nhà chùa, vì giới trẻ có thể cập nhật thông tin Phật Giáo mọi lúc mọi nơi trên hệ thống xa lộ thông tin – đó cũng là một phương pháp giới thiệu phật giáo với giới trẻ.


 


Tạo môi trường sinh hoạt bằng chính người trẻ, và người hướng đạo là người năng nổ trong các công tác hoạt động bằng những hình thức: Tổ chức các chương trình thiện nguyện, đố vui Phật Pháp, giáo dục quan niệm tình yêu hôn nhân gia đình thao quan điểm Phật giáo…v.v..


 


Nội dung học tập Phật Pháp phù hợp với tâm thế của giới trẻ, vừa giáo dục đạo đức nhưng cũng phải vừa làm sao cho các bạn thanh niên yêu cuộc đời và phụng sự xã hôi một cách tốt hơn. Đồng thời, nội dung học tập Phật pháp cũng phải giúp giới trẻ đối trị với những vấn đề thiết thực trong đời sống hàng ngày, ví dụ như lựa chọn một thái độ sống tích cực, sự bình yên và an lạc trong tâm, có khả năng kiểm soát những khó khăn, chướng ngại…


 


Tóm lại, để tạo môi trường học tập và sinh hoạt Phật Pháp cho giới trẻ không những quý thầy phải có trách nhiệm, mà những người Thanh niên phật tử trẻ chúng ta cũng cần có những nhận định rõ lại vai trò và trách nhiệm của mình. Hãy nói về chính mình như chính những gì mình đang sống và hành động. Bắt nguồn từ sự năng động và trẻ trung đó, Giới trẻ sẽ hiểu Phật giáo nhiều hơn, Phật giáo là chất liệu sống để cho moi người trẻ cùng làm cho cuộc đời thêm nhiều lợi lạc. Cho nên có một câu nói rất bất hủ của cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu : “Những gì tôi làm cho Đạo pháp tức là tôi làm cho Dân Tộc”. Và những gì thanh Niên trẻ chúng ta đóng góp và phụng sự cho Phật giáo hôm nay cũng không ngoài mong muốn đó.


Kính chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp.


 


Nam mô A Di Đà Phật