Trang chủ Tin tức Thái Nguyên: Nói chuyện Tâm Linh của Dân Tộc

Thái Nguyên: Nói chuyện Tâm Linh của Dân Tộc

82

Thượng tọa đã trao đổi một số vấn đề về CỘI NGUỒN TÂM LINH CỦA DÂN TỘC, với sự tham dự của gần 500 phật tử từ các nơi đến thính Pháp.

Được biết, ngày 27/7/1947 hơn 300 cán bộ, bộ đội, đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt  tại Khu Di Tích Lịch Sử này nghe công bố bức thư Bác Hồ ghi nhận sự ra đời Ngày Thương Binh Liệt Sĩ ở nước ta. Trong khung cảnh thiên nhiên cổ kính, nơi đây có ngôi đền thờ Bác Hồ, nhưng khác với các ngôi đền thờ Bác ở những nơi khác là khi đến đây lòng người mở ra với bao nhiêu anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ trên cả nước. Ta biết ơn các anh đã nằm xuống cho quê hương ngày hôm nay. 

Một điều khác nữa là bên cạnh đền thờ Bác có một ngôi chùa nhỏ gọi là chùa Bàn Cờ (Chùa đã có từ lâu lắm rồi, không ai còn nhớ rõ). Sự liên kết này được Thượng tọa đã giải mã ẩn ý sâu xa của Bác Hồ khi chọn nơi đây để tuyên bố Ngày Thương Binh Liệt Sĩ, đó là hãy đưa các anh hùng liệt sĩ vào Chùa để các anh được ấm lòng, được nương tựa vào tâm linh của đạo Phật. Với ý nghĩa trên, chúng ta hãy mạnh dạn đề nghị với Nhà Nước rằng: Nơi nào có nghĩa trang liệt sĩ thì nên xây một nhà thờ Phật để liệt sĩ được nương tựa vào tâm linh Phật Pháp. Đây chính là chỉ đạo thiêng liêng, không thể hiện bằng lời mà Bác đã âm thầm gửi gắm cho hậu thế.
 
Thượng tọa cho rằng “Vùng đất này từ rất lâu vắng bóng Chùa, vắng bóng Sư nên chúng sinh hơi bị thiệt thòi”. Trong thời đại ngày nay, Giáo lý có thể đến bằng nhiều ngõ, mọi người cố gắng tiếp nhận Chánh Pháp của Phật để tu học, cho cuộc đời mình được tăng trưởng cả về công đức và phúc đức. Con người hơn nhau chỉ một chữ PHÚC mà thôi. Người khôn ngoan không phải là đi tìm thủ đoạn tranh hơn thua mà chính là người biết đi tìm cái phúc. Tu làm sao để được nhiều phúc, hành làm sao để có được nhiều công đức.
 
Chính nhờ có PHÚC ĐỨC như thế, đời mình sẽ hạnh phúc ở kiếp này và nhiều kiếp về sau, gia đình mình, con cháu mình lại phát đạt lâu dài.
 
Tuy nhiên con người ta không đủ trí tuệ để biết hết bí ẩn của trời đất, ta thường hay lễ kính Thần Thánh để cầu sự độ trì nên nhiều khi phạm sai lầm. Dân ta có 2 nguồn tâm linh để nương tựa, thờ kính đó là:
 
           Đền, phủ thờ Thánh
          Chùa thờ Phật
 
Nguồn tâm linh thờ Thần, Thánh gắn với lịch sử của dân tộc ta từ nghìn xưa, nên những vị Thần Thánh đó tượng trưng cho tâm linh của riêng dân tộc, của riêng địa phương ta. Còn Phật là một đạo lý trùm hết cả vũ trụ chẳng riêng của trái đất này.
 
Người Việt Nam rất khôn ngoan khi ta thờ kính cả 2 nguồn tâm linh này. Khi thờ Phật là ta chuẩn bị cho mình một sự giác ngộ cao siêu không cùng tận. Khi thờ Thần, Thánh ta được sự độ trì gần gũi trong cuộc sống, giữ gìn lòng yêu nước của ta. Chúng ta có hai nguồn tâm linh như con chim có đủ đôi cánh, thiếu một bên cánh nào ta cũng đều không bay được. Làng nào ở Việt Nam cũng nên có 2 nơi thờ tự là Đình và Chùa.
 
Thượng tọa nhấn mạnh, đôi khi do không biết rõ nên ta bắt đầu thờ kính sai lệch dẫn đến mê tín. Khi đã thành mê tín rồi ta thờ cúng một cách sai lầm, ta ứng xử một cách sai lầm, ta sống một cách sai lầm, vì vậy không đem lại phúc đức cho ta, ngược lại hao tiền, tốn của và bị lợi dụng. Điều này đem phiền phức cho xã hội, khiến Nhà Nước rất lo lắng và phải đi chống mê tín dị đoan.
 
Khi thờ MẪU ta phải hiểu Mẫu chính là Mẹ Âu Cơ của ta (Mẹ của Quốc tổ ta). Thờ Mẫu là thờ người khai sinh ra dân tộc ta, đó chính là ta tôn vinh lòng yêu nước. Khi ta quỳ lạy Mẫu, trước hết ta đừng nghĩ đến cái gì cao siêu mà trở thành mê tín. Ta lạy Mẹ là lạy hồn thiêng sông núi, lạy cả chiều dài của một dân tộc suốt 4 ngàn năm, biết bao anh hùng đã đứng lên xây dựng giang san này. Biết bao người đã ngã xuống, đổ xương, đổ máu xuống đất nước này để ngày nay cây cỏ xanh tươi.
 
Để ngày nay con cháu có thể sánh vai cùng năm châu, bè bạn. Thờ Mẫu là nói đến TÌNH YÊU TỔ QUỐC. Khi hiểu được Mẫu như vậy sẽ không có mê tín. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, còn nhiều phụ nữ Việt Nam khác đã oanh liệt góp công bảo vệ đất nước này như Bà Trưng, Bà Triệu, các mẹ Việt Nam anh hùng. Xét trên ý
nghĩa lớn “Mẫu” chính là tất cả những người phụ nữ Việt Nam đã anh dũng hy sinh, xây dựng đất nước này. Những tấm gương hy sinh không bao giờ nói hết đó, đã tạo thành hồn thiêng của dân tộc.
 
Ta phải hiểu Mẫu linh thiêng chính là khí phách của con người khi còn sống, đã sống một cách oai hùng vẻ vang thì chết mới làm Thần, làm Thánh. Khi hiểu vậy, kính lễ Mẫu ta không rơi vào mê tín.Nếu không, mỗi lạy của ta là một lần mê tín chồng chất thêm. 
 
Thánh cũng vậy, một người sống vĩ đại thì khi chết mới làm Thần, làm Thánh. Nếu ai đưa ta đi lễ bái Thần Thánh mà không biết vị Thần Thánh đó là ai, tức là họ đã dắt ta đi theo con đường mê tín. 
 
Tín ngưỡng thờ THẦN THÁNH của ta đều xuất phát từ lòng yêu nước. Ta dắt con cháu ta đến các ngôi đền thờ Thần, thờ Thánh để nói với con rằng những vị được thờ đó là những vị anh hùng của dân tộc. Khi đến lễ bái những vị này con hãy biết yêu non sông đất nước này. Không dẫn con đến lễ lạy Thần Thánh một cách mê muội để lớn lên chúng trở thành mê tín. 
 
Tiếp theo, Thượng tọa phân tích tâm lý của con người đối với việc nhập đồng, nhập cốt và giải thích « Việc cầu xin Thần Thánh phù hộ để được hạnh phúc thì ta không vi phạm luật pháp, đạo đức nhưng về trí tuệ ta không sáng suốt. Đó chỉ là sự vay mượn của Thần Thánh. Khi được rồi thì ta trả nợ bằng cách giết heo, gà mang cúng thần là ăn gian. Ta phải trả nợ bằng cách làm nhiều việc phúc đức trong đời, sống đời thiện lành, hay cứu giúp người hoạn nạn ».
 
Người theo đạo Phật thì tin nhân quả, muốn tìm sự sung sướng thì đi làm Phúc (Làm phúc, gieo nhân lành cả đời). Khi phúc báu đủ đầy thì ta được tất cả. Cách này rất chậm. Nhiều khi làm phúc kiếp này mà kiếp sau mới được hưởng. Đờì bố làm phúc mà đến đời con, đời cháu mới phát lên được. Cách làm phúc gieo nhân theo nhân quả rất là chậm nhưng rất bền, rất chân chính. Để thoát khổ cần phải làm 2 điều, đó là siêng năng làm phúc và cần kiệm làm ăn. 
 
Gần đây, có một đạo nổi lên là Ngọc Phật Hồ Chí Minh, cũng có soạn kinh, soạn kệ đầy đủ. Lúc sinh thời Bác Hồ là anh hùng dân tộc, là Chủ tịch nước.Thế giới phong tặng người là danh nhân văn hóa, chiến sĩ giải phóng dân tộc. Người là lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, khi Bác mất ta gán cho Bác là Phật thì oan cho Bác, không có cơ sở. Các văn kiện, bút tích Bác để lại không có nhiều văn kiện liên quan đến tôn giáo. Bác không xưng là Phật. Việc xưng Bác Hồ là Phật là việc của người sau gán vào, không có thật. Bác là người trí tuệ nhưng không có nghĩa Bác là Phật. Chừng nào Bác hoạt động tôn giáo, đi giảng đạo thì ta nói Bác là Bồ Tát. Nhưng ở đây, cả đời Bác chỉ chiến đấu chống ngoại xâm, giữ nước.
 
Một điều nguy hiểm, người ta kêu gọi khi theo Ngọc Phật HCM phải dẹp bàn thờ ông bà tổ tiên đi. Tổ tiên tức là Tổ Quốc. Dẹp bàn thờ ông bà, tổ tiên là quên Tổ Quốc. Đây là thủ đoạn họ muốn xóa lòng yêu nước trước khi xâm lăng ta. Ta hiểu điều này mà dứt khoát không theo lối tuyên truyền có hại đó.
 
Để kết thúc bài Pháp thoại, Thượng tọa nhắc nhở Phật tử phải hết sức sáng suốt chọn con đường tâm linh cho đúng mà đi theo. Mê tín làm phiền toái đất nước và có thể làm hủy diệt cả một dân tộc. Để chọn con đường Chánh Pháp ta dựa trên 4 điều:
 
           Lòng yêu nước.
          Yêu thương nhân loại.
          Niềm tin vào luật nhân quả nghiệp báo.
          Hướng về lý tưởng giải thoát giác ngộ của Phật.
 
Đó chính là con đường tâm linh chân chính của ta. Mong mọi người có chính kiến để tu tập.