Trang chủ Văn học Tùy bút Tôi đến với chùa…

Tôi đến với chùa…

87

Làng tôi có 5 thôn, còn gọi là 5 phe (là đơn vị địa lý kiểu như thôn, ấp ở miền Nam vậy): Phe Thượng, Phe Trung, Phe Đông, Phe Kiềng, Phe Chùa. Hồi nhỏ, trả lời thắc mắc của tôi về tên các phe, ba tôi nói… sơ bộ: “Phe Thượng là ở trên cao. Phe Trung ở giữa. Phe Đông phía mặt trời mọc. Phe Kiềng có dáng tròn tròn như cái kiềng do con sông Bồ bao quanh. Còn Phe mình,  Phe Chùa là được chọn về phong thủy để làm chùa cho làng”. Người quê tôi rất tự hào vì mình có ngôi chùa.


Khi tôi lớn lên đã thấy ngôi chùa ở đó. Nghe nói ngôi chùa đã trụ vững qua không biết bao nhiêu là trận bão lụt của miền Trung và … hiên ngang đi qua hai cuộc chiến.


Không rành lắm về kiến trúc nhưng tôi thấy đẹp. Trước chùa là một cái hồ xây, hai bên chùa có tháp chuông. Đặc biệt trong khuôn viên chùa có cây vải trạng. Lại nghe đâu là giống vải tiến vua. Tiến vua nghĩa là vải đặc sản. Chắc là ngọt và dày cơm lắm. Nhưng với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy thì đợi đến khi vải chín là điều không … tưởng. Tất cả trái đều bị vặt sạch trước khi kịp ngọt.


Ban đầu, chúng tôi cũng bị các thầy trong chùa la rầy nhưng sau đó hình như thầy biết không thể la mắng được bọn “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” nên thôi luôn. Thế là cây vải trạng được chuyển … mục đích sử dụng; không phải để lấy trái mà những cành vải trạng là đà , râm mát trở thành nơi để chúng tôi ê a học bài, tránh cái nắng hè gay gắt.


Lớn lên đi học xa nhà, tôi cũng tìm đến với chùa. Sinh viên những năm 1990 còn khó khăn hơn bây giờ nhiều. Và đói là chuyện thường ngày ở xã. Thế là những ngôi chùa Từ Đàm, Linh Mụ … là nơi chúng tôi thường đến học trong các kỳ thi. Học bài nhanh thuộc trong không gian tĩnh mịch, êm đềm chỉ là một cái cớ nhỏ.


Cái cớ lớn hơn là để đến bữa, các sư cô, sư thầy gọi rất  …ý nhị: “Mấy trò vô ăn cơm chay có sức mà học tiếp”. Chỉ đợi thế thôi và chúng tôi không khách sáo.


Những bữa cơm chay với gỏi vả (giờ đã là món đặc sản mà nhiều du khách khi đến Huế muốn thưởng thức- vì cây vả – trái như trái sung nhưng lớn hơn, ít chát hơn và chỉ có ở các tỉnh miền Trung), gỏi mít khi bụng đang cồn cào quả là ngon tuyệt vời.


Giờ đây, cùng với ngôi chùa ở làng, các ngôi chùa ở thành phố Huế cũng trở thành kỷ niệm đẹp trong tâm tưởng.


Bước đường xa quê lập nghiệp, tôi lại có duyên lớn khi tiếp tục gắn bó với chùa trong một phần của công việc. Một anh đồng nghiệp trong ban phóng viên chuyển công tác sang một ban khác. Thế là sếp giao phụ trách mảng tôn giáo, dân tộc.


Tôi mừng vì từ nay sẽ được một công đôi việc. Vừa lấy tin viết bài, vừa thỏa nguyện vọng đi chùa có từ nhỏ hay cùng mẹ đi lễ Phật. Nhưng tôi lại lo không biết những người tu hành ở chùa trong Nam có thân thiện, gần gũi như các chùa ở Huế. Cái lo này cũng đúng thôi bởi với một người lần đầu tiên xa quê, điều gì cũng ngỡ ngàng.


Cho đến một hôm, có chuyện …khúc mắc trong công việc, trong đối nhân xử thế làm tôi rối bời. Thế là tôi mạnh dạn đến chùa Hội Khánh nhờ thầy trụ trì …tư vấn, gỡ rối giùm. Những lời khuyên của thầy đã làm cho tôi… sáng ra và …lấy lại tinh thần.


Điều đáng quý hơn là thầy còn dặn dò: “Con cứ làm việc, học hành hết khả năng của mình. Những lúc mệt mỏi, buồn phiền quá vì bất cứ chuyện gì thì vứt bỏ hết đi, vô chùa ngồi một lát để tịnh tâm. Đói thì ăn cơm chay. Muốn đầu óc sáng suốt để suy nghĩ thì… pha cà phê mà uống”…


Tôi rất vui bởi đã nhận ra điều này, ở nơi đất khách quê người, mình vẫn có thể an nhiên đi lễ Phật. Lại có người lắng nghe, khuyên giải những điều hay lẽ phải từ Phật pháp để mình ứng dụng trong cuộc sống này…


Và thế là tôi lại đến với chùa. Để rồi thỉnh thoảng gặp đồng hương ở chùa hay xa hơn là… qua mạng, tôi lại tự hào mà giới thiệu mình ở Phe Chùa, làng Hương Cần với nickname: huongcan73bb…