Phát biểu khai mạc buổi lễ, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng đã cho biết mục tiêu chính của Hội thảo lần này chính là xác định rõ diện mạo Phật giáo vùng Nam Bộ với tư cách là hệ hình văn hóa – tôn giáo vùng. Nhằm khắc hoạ rõ nét hệ giá trị, bản sắc văn hóa của Phật giáo vùng Nam Bộ. Nêu bật tâm thức chung rằng: “Phật giáo vùng Nam Bộ hiện diện trong trái tim và có tiềm năng vượt trội” của con người Nam bộ. Phật giáo vùng Nam bộ có vai trò quan trọng, là nhân tố cấu thành nền tảng văn hóa Phật giáo Việt Nam, đồng thời tạo nên hệ giá trị và bản sắc văn hóa riêng của vùng đất và con người nơi đây.
PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG-HCM phát biểu chào mừng hội thảo đã nhận định: “Trải qua hơn 300 năm phát triển và hòa mình vào dòng chảy lịch sử, Phật giáo vùng Nam Bộ đã trải qua nhiều biến động tự thân, đồng thời cũng trải qua nhiều thăng trầm lịch sử với những sự kiện đáng nhớ như phong trào Chấn hưng Phật giáo những năm đầu thế kỷ XX, phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 v.v… Phật giáo vùng Nam Bộ luôn cho thấy vai trò tiên phong và luôn đồng hành cùng quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Bà Hiệu trưởng cũng cho biết: “So với các hội thảo liên quan đến chủ đề Phật giáo đã được tổ chức trước đây, có thể nói Hội thảo “Phật giáo vùng Nam Bộ: sự hình thành và phát triển” lần này không chỉ được xem là một cột mốc quan trọng trong việc định hình nghiên cứu Phật giáo vùng Nam Bộ với tư cách là một hệ thống có cấu trúc chặt chẽ, mà còn mở ra hướng nghiên cứu về sự độc đáo, đa dạng của trong bản sắc văn hóa vùng Nam Bộ, thông qua việc nghiên cứu sự hình thành và phát triển của Phật giáo vùng Nam Bộ”.
Ông Prasanna Gamage – Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam, đã đặt ra một số vấn đề về sự phát triển Phật giáo vùng Nam Bộ trong mối tương quan, so sánh giữa Phật giáo Nam tông và Phật giáo bắc tông.
“Vùng Nam Bộ ngày nay từng là nơi sinh sống của người Champa và người Khơ-me, họ đã theo và ủng hộ cho hai truyền thống Phật giáo đó là Phật giáo Đại chúng bộ và Phật giáo Thượng tọa bộ. Vương quốc Chăm-pa có thể đã có sự hiện diện của Phật giáo Thượng tọa bộ từ những năm đầu thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, tuy nhiên đất nước Campuchia đón nhận sự du nhập của truyền thống Phật giáo này vào cuối thế kỷ XII sau Công nguyên. Sự thay đổi của Việt Nam từ thế kỷ 15 với sự xâm lăng của phương Bắc, từ thế kỷ XVIII trở đi, truyền thống Phật giáo Đại chúng bộ đã lan tỏa rộng rãi trên mọi miền đất nước. Cùng thời điểm đó, những người dân tộc Khơ-me vẫn tiếp tục ủng hộ và hành trì truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ. Điều đáng được quan tâm ở đây là hai truyền thống Phật giáo này tồn tại trong sự hòa hợp ở Việt Nam và vẫn được phát huy cho đến ngày nay.” – Ông Đại sứ nhấn mạnh.
Phát biểu tham luận, ThS. Nguyễn Phúc Nguyên – Vụ trưởng vụ Phật giáo, nhận định: “Nam Bộ là vùng đất tiếp xúc với nhiều tôn giáo, các nền văn hóa khác nhau, trong số đó, không thể nhắc đến Phật giáo. Trải qua quá trình phát triển và tiếp biến, Phật giáo đã đi vào đời sống tâm linh của người dân khu vực. Những quan niệm về từ, bi, hỷ, xả dần hài hòa với tính cách bao dung, hiền hòa của người Nam Bộ… Để rồi, Hội thảo hôm nay sẽ trở thành thông điệp truyền gửi những quá trình, vai trò mà Phật giáo đã du nhập và phát triển ở vùng Nam Bộ cũng như nêu ra những giải pháp, sáng kiến để phát triển Phật giáo vùng miền, Phật giáo nước nhà”.
Tiếp theo, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS. Trần Đức Cường phát biểu tham luận “Vai trò Phật giáo trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam”. Theo đó, giáo lý của đức Phật tạo ra sự ổn định trong mỗi gia đình và theo cấp số nhân, sự ổn định đã được nâng lên ở cấp quốc gia. Qua các triều đại phong kiến, nhiều vị vua theo đạo Phật đã đưa đất nước phát triển đến một tầm cao mới, ổn định an sinh xã hội, nổi bật là Lý – Trần. Vai trò to lớn đó còn được thể hiện trong di sản Phật giáo Việt Nam, những công trình kiến trúc,…
TT.TS. Thích Nhật Từ – Trưởng BTC Hội thảo, báo cáo tình hình tiếp nhận và chọn lọc các bài tham luận cũng như phân bổ nó thành 5 nhóm nội dung. Thượng tọa cho rằng: “Tồn tại, phát triển suốt 322 năm, Phật giáo vùng Nam Bộ đã tạo ra một hệ hình tôn giáo với nhiều trường phái, hệ phái Phật giáo và diện mạo đa dạng về sắc thái, phong phú về hình thức, song lại thống nhất bởi các giá trị cốt lõi của Phật giáo và có tinh thần tiếp biến văn hóa, hợp tác, đoàn kết tôn giáo. Tiếp cận từ góc độ lịch sử, tôn giáo, khảo cổ học, văn hoá học, dân tộc học, Hội thảo này nhằm làm rõ các giai đoạn lịch sử của quá trình truyền bá, lan tỏa và phát triển của Phật giáo ở vùng Nam bộ cũng như ảnh hưởng và vai trò của Phật giáo trong đời sống văn hóa, tinh thần và xã hội trong các cộng đồng dân tộc ở vùng Nam bộ từ khi du nhập, phát triển cho đến hiện nay.”
Được biết, có 118 bài tham luận được chọn từ 149 bài gửi về Ban Tổ chức. Những bài được chọn sắp xếp trong 5 nhóm nội dung, cụ thể: Phật giáo vùng Nam Bộ – Sự hình thành và phát triển (23 bài), Phật giáo vùng Nam Bộ thế kỷ XX (24 bài), Các hệ phái Phật giáo và tôn giáo mới tại vùng Nam Bộ (24 bài), Phật giáo Nam tông tại vùng Nam Bộ (23 bài), Phật giáo các tỉnh và thành phố tại vùng Nam Bộ (24 bài).
Chỉ đạo tại hội thảo, HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã nêu ra 6 luận điểm chính nhằm định hướng Hội thảo kỳ này, bao gồm: phương pháp nghiên cứu, trường phái Phật giáo, giáo phái Phật giáo, phong trào Phật giáo dấn thân, các đặc điểm của Phật giáo vùng Nam Bộ (tính tự do tư tưởng, tính thiết thực hiện tại, tính dung hợp và tích hợp, tính dân tộc, tính quần chúng, tính hội nhập, các thách thức cần vượt qua, tính thế tục hóa, tính toàn cầu hóa).
Về phong trào Phật giáo dấn thân, Hoà thượng cho biết: “Sự nhập thế của GHPGVN được thể hiện rõ ở chính sách “hộ quốc an dân”, các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bài trừ mê tín, bảo vệ môi trường, xây dựng hòa bình, song song với việc đa dạng hóa cách phụng sự nhân sinh qua các chiều kích giáo dục, hoằng pháp, văn hóa và quan hệ quốc tế. Đây là các cánh cửa giới thiệu, dẫn dắt các thành phần xã hội gồm giới chính trị, giới doanh nhân, giới trí thức, giới trẻ và giới bình dân… đến với Phật giáo, trải nghiệm triết lý Phật, đạo đức Phật, nhằm khép lại khổ đau, mở ra hạnh phúc”.
Nhằm phối hợp để triển khai các hoạt động chung về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, chương trình được tiếp tục với phần ký kết hợp tác (MOU) giữa HVPGVN tại TP.HCM và Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG-HCM, đại diện đôi bên là Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng – Viện trưởng và PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng.
Với bài tham luận “Phật giáo du nhập & phát triển tại Nam bộ” của HT. Thích Giác Toàn đã mở đầu cho hàng loạt bài tham luận tiếp đó trong Hội thảo khoa học “Phật giáo vùng Nam Bộ: Sự hình thành và phát triển”. Trong buổi làm việc sáng nay, các đề tài mang tính trọng điểm của hội thảo gồm “Sự du nhập và phát triển Phật giáo tại Nam bộ” – HT. Thích Huệ Thông, “Phật giáo vùng Nam bộ: Định danh, tính chất và đặc điểm” – PGS.TS. Trương Văn Chung & TT.TS. Thích Nhật Từ, “Vai trò Phật giáo Nam tông Khmer ở Tây Nam Bộ” – TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, “Phật giáo Nam bộ từ năm 1919 đến năm 1945” – TS. Nguyễn Văn Tuân cũng được báo cáo.
Sau cùng, đại diện Giáo hội, HT. Thích Huệ Thông, TT. Thích Phước Nguyên lần lượt trao tặng bằng khen cho PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan và TS. Lê Hoàng Dũng. Đồng thời, TT. Thích Nhật Từ, TT. Thích Tâm Đức, HT. Thích Bửu Chánh cũng thay mặt Hòa thượng Viện trưởng, Ban Tổ chức, trao giấy chứng nhận thuyết trình cho quý đại biểu, báo cáo viên.
Vào lúc 13g00 cùng ngày, Hội thảo khoa học sẽ tiếp tục với phần trình bày tham luận của 5 tiểu ban, mỗi tiểu ban gồm 2 phiên.
Một số hình ảnh tại buổi khai mạc:
Anh Quốc