Trước pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng, từ cán bộ đảng viên, chức sắc tôn giáo hay công dân. Quá trình điều tra, vi phạm tới đâu thì xử lý trách nhiệm tới đó, chứ không có chuyện phân biệt tôn giáo hay ngăn cản tự do tín ngưỡng, không “gây khó” cho các tổ chức tôn giáo.
Ngày 29/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp (TPHCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan đến ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ chiều 31/5, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, cho biết: Việc khởi tố vụ án này là hoàn toàn đúng pháp luật, vì một số cá nhân liên quan đã không thực hiện phòng ngừa dịch bệnh theo đúng quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền địa phương như không đảm bảo giãn cách, không thực hiện 5K đầy đủ, không hợp tác khai báo để truy vết, không tự giác trong việc đi xét nghiệm…
Những việc này đã gây hậu quả rất nghiêm trọng cho cộng đồng, cụ thể, liên quan đến ổ dịch này đã có hơn 100 người là F0 và hơn 2.500 người là F1, hơn 60.000 người là F2 tại hơn 10 địa phương, trong đó có TPHCM. Cả hệ thống chính trị đã phải vào cuộc, các lực lượng chuyên trách đang căng mình ra rà soát, truy vết để khống chế dịch, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Ông Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh, việc khởi tố này không cản trở hay làm khó hoạt động của tổ chức tôn giáo. Trước pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng, từ cán bộ đảng viên, chức sắc tôn giáo hay công dân. Quá trình điều tra, vi phạm tới đâu thì xử lý trách nhiệm tới đó, chứ không có chuyện phân biệt tôn giáo hay ngăn cản tự do tín ngưỡng. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo quy định phòng chống dịch vẫn hoạt động bình thường theo quy định của Nhà nước bởi suy cho cùng, các tôn giáo hoạt động cũng vì cộng đồng, vì nhân dân.
Vừa qua, chúng ta đã xử lý kỷ luật, cách chức nhiều cán bộ đảng viên vi phạm công tác phòng chống dịch bệnh. Điều này thể hiện sự nghiêm minh, bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người.
“Những người là ca bệnh hoặc F1 hay F2 đều được đưa đi chữa bệnh, cách ly, theo dõi y tế dù đó là cán bộ, công chức hay người dân bình thường. Khu vực nào, kể cả trụ sở cơ quan nhà nước, nếu có ca bệnh đều phải phong tỏa, cách ly để bảo đảm an toàn cho nhân dân. Các tôn giáo khác vẫn chấp hành rất nghiêm quy định về chống dịch trong các lễ trọng, như Đại lễ Phật đản, lễ hội La Vang vẫn thực hiện trực tuyến. Nhiều tôn giáo còn tham gia đóng góp nhân lực, vật lực cho cộng đồng để chống đại dịch, được nhân dân và cộng đồng ghi nhận”, ông Vũ Chiến Thắng nói.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, lãnh đạo 43 tổ chức tôn giáo đã cam kết với Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ chấp hành tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch và thông điệp 5K của Bộ Y tế; nhiều tổ chức giáo hội đã hướng dẫn tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, tín đồ hạn chế các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo có đông tín đồ tham dự; tạm dừng hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ; tăng cường các hình thức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến; thực hiện giãn cách, khẩu trang, khử khuẩn tại cơ sở thờ tự tôn giáo…
Hội thánh Tin Lành Truyền giáo Phục Hưng là một điểm nhóm Tin Lành tư gia, hoạt động tôn giáo độc lập với các tổ chức Tin Lành khác. Phạm vi và địa bàn hoạt động tôn giáo của Hội thánh này chỉ diễn ra tại địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung đã đăng ký (số 205/2, đường số 1, Phường 3, quận Gò Vấp nay là số 415/8/4 Nguyễn Văn Công, Phường 3, quận Gò Vấp) với 29 thành viên tham gia thường xuyên. |
Lê Sơn/chinhphu.vn