Trang chủ Tin tức Trường TCPH Khánh Hòa: Chúng tôi muốn được tuyển sinh trên cả...

Trường TCPH Khánh Hòa: Chúng tôi muốn được tuyển sinh trên cả nước

84

Trường TCPH đã trải qua 4 khóa đào tạo. Tuy nói là “trường” nhưng thực tế chỉ đào tạo mang tính “khoa học”, bởi đào tạo xong khóa này mới xin phép mở khóa mới. Điều này làm lúng túng cho BGH trong tổ chức dạy và học. Tăng Ni sinh học yếu kém chúng tôi không thể đánh rớt hoặc cho lưu ban; phải đợi 4 năm nữa, tuổi đời đã lớn, họ rất khó có điều kiện theo học. Vì “tuyển sinh theo khóa học” nên số lượng sẽ dồn lại và các lớp học có quá nhiều Tăng Ni. Điều này đối với giáo dục không phù hợp. Giáo thọ không có thời gian chỉ dạy cũng như quản lý Tăng Ni trong lớp; nhất là đối với Phật giáo, cần có những hướng dẫn xác thực để tránh khỏi những kiến chấp sai lầm. Vấn đề này chúng tôi đã trình bày tại Hội thảo Ban GDTNTƯ vào ngày 14 và 15-4-2004 và đã được sự đồng thuận của rất nhiều chư tôn đức. Chúng tôi kiến nghị được thực hiện việc tuyển sinh này như các trường: Đồng Nai, Bình Định… đã làm. Trước mắt, sẽ tuyển sinh 2 năm một khóa với số lượng khoảng 80 Tăng Ni sinh, chia làm hai lớp. Khi đã có đủ quy mô về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo thọ, chúng tôi sẽ tuyển sinh hàng năm.


 


Với kinh nghiệm hơn 10 năm qua, chúng tôi nhận thấy việc tuyển sinh và đào tạo Tăng Ni chưa tốt nghiệp PTTH là một sai lầm lớn. Bởi Tăng Ni chưa tốt nghiệp PTTH không kham nổi cùng lúc hai chương trình Phật học và thế học, dẫn đến tình trạng yếu kém, học mang tính đối phó. Chúng tôi đề nghị từ khóa sau chỉ tuyển sinh Tăng Ni đã tốt nghiệp PTTH; Tăng Ni chưa tốt nghiệp chỉ học các lớp Sơ cấp với chương trình Phật học cơ bản, tập trung học thế học.


 


Trong xu hướng đào tạo vùng miền mà chư tôn đức lãnh đạo Ban GDTNTƯ đề ra, việc thành lập các trường Phật học liên kết vùng miền sẽ được thực hiện trong tương lai không xa. Nhiều Tăng Ni sinh từ các địa phương khác muốn học tại trường, nhưng do quan niệm “Trường TCPH Khánh Hòa là chỉ đào tạo cho Tăng Ni Khánh Hòa” nên chúng tôi cũng khó khăn trong việc tiếp nhận Tăng Ni sinh theo học. Điều này gây ra sự thiệt thòi cho Tăng Ni không có cơ hội học hỏi, hòa đồng, tạo sự cảm thông, tránh tư tưởng địa phương, cục bộ. Chúng tôi mong muốn được tuyển sinh trong cả nước. Chúng tôi “tuyển sinh” chứ không phải “chiêu sinh”. Thiết nghĩ, “đất lành chim đậu”, trường chúng tôi đào tạo có hiệu quả, Tăng Ni sinh mới tìm đến học tập; nếu không họ đã không đến với trường.


 

Trường Phật học khác hơn trường thế học ở một điểm là ngoài việc học còn có việc tu. Chính vì thế, chúng tôi cố gắng tổ chức nội trú cho Tăng Ni. Riêng về Tăng sinh, phần lớn chúng tôi đã tổ chức nội trú. Còn về Ni sinh, Ni trường Diệu Quang có phải là cơ sở đào tạo của GH không? Hay chỉ là một ngôi chùa như bao ngôi chùa tư khác? Ban GDTN gặp rất nhiều trở ngại ở cơ sở này. Trong tương lai, nhà trường rất mong muốn được tổ chức hoàn toàn nội trú cho Tăng Ni theo học tại trường. Việc tổ chức nội trú được các nhà lãnh đạo giáo dục của Giáo hội rất đồng tình và hầu như các trường Phật học đều muốn tực hiện. Để tổ cức dạy và học tốt, phòng học, thư viện, phòng vi tính, khu Tăng xá, Ni xá, khu thể thao… phải có cơ sở rộng. Chúng tôi rất mong muốn Khánh Hòa sẽ trở thành Trường Cao đẳng, Trường chuyên về Luật và Trường TCPH khu vực cho các tỉnh Nam Trung Bộ và cao nguyên.