Trang chủ Diễn đàn TT. Nhật Từ không xứng đáng giữ vị trí Phó Viện trưởng...

TT. Nhật Từ không xứng đáng giữ vị trí Phó Viện trưởng TT Học viện PGVN tại TP.HCM

10300

Sự việc “tu sĩ” Thích Phước Nguyên, người chưa từng qua trường lớp Phật học, chưa thọ bất kỳ giới nào, gian dối, lừa đảo, đạo văn, xuất bản nhiều sách Phật học và kinh điển, trong đó có sách đứng tên cơ quan xuất bản là Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN); tham gia giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (HVPGVNHCM) có vài trò, sự tiếp tay không nhỏ của TT. Thích Nhật Từ – Phó Viện trưởng Thường trực của Học viện này.

Chỉ riêng sự việc này đã chứng tỏ TT. Thích Nhật Từ hoàn toàn không xứng đáng với vị trí Phó Viện trưởng Thường trực. Tại sao nói như vậy?

Thứ nhất, nhận thức về việc nghiên cứu Phật học, dịch Kinh – Luật – Luận hời hợt.

Trong một video clip đăng trên youtube.com, TT. Thích Nhật Từ ca ngợi Phước Nguyên, xin trích: “Trong giới Tăng, Ni trẻ hiện nay, tôi rất là thán phục, phải dùng từ thán phục Đại đức Phước Nguyên, năm nay, nếu tôi không nhầm là 23 tuổi, mà đã viết các bài nghiên cứu Phật học đẳng cấp thế giới cách đây ba năm [tức khi 20 tuổi – phụ chú của Phattuvietnam.net]… Đại đức chưa từng qua trường lớp Phật học, chỉ mới tốt nghiệp lớp 12 thôi. Cho nên tài nó không có đợi tuổi. Cái đó nó đòi hỏi khả năng tự nghiên cứu tại nhà

Là một người hoạt động trong lĩnh vực sư phạm, tôi hiểu những điều TT. Thích Nhật Từ nói trên có thể đúng trong thế học, nhưng với cương vị một Phật tử, tôi thấy thật không dễ đúng trong nghiên cứu Phật học chút nào.

Người nghiên cứu Phật học, ngoài học ra, còn phải ít, nhiều có tu để chiêm nghiệm, cao hơn nữa là để tự chứng thực phần nào những điều mình nghiên cứu, nhất là khi người nghiên cứu là tu sĩ.

Nếu chỉ học không thôi sẽ là đẫy sách, mà tuổi đời còn non trẻ, chưa qua trường lớp Phật học nào thì khả năng cái đẫy sách đó sai là rất cao. Nếu mà đẫy sách đó đúng, thì phải đặt câu hỏi người đó có đáng tin cậy không, có đạo văn ai không?

Trong nghiên cứu và tu học Phật pháp, có một truyền thống rất hay, đó là “vấn”, hay hỏi – đáp với chính mình, giữa Trò – Thầy, Trò – Trò. Người tự nghiên cứu ở nhà, lại còn quá trẻ, thì chủ yếu là tự vấn, ít có cơ hội vấn đáp với những vị thầy lớn, những nhà nghiên cứu Phật học tên tuổi, có thâm niên, có bề dày nghiên cứu.

Khi đụng đến những đề tài, kinh điển khó, trừu tượng mà ít cơ hội vấn với những cây cao bóng cả trong làng nghiên cứu Phật học thì viết, dịch nhăng cuội là rất cao, mà nếu thấy đúng thì phải đặt câu hỏi người đó có đáng tin cậy không, có đạo văn ai không?

Nếu TT. Thích Nhật Từ cho rằng khi nghe Phước Nguyên nói đi tu từ nhỏ, là đệ tử của Hòa thượng Tuệ Sỹ, thầy đã tự ngộ nhận Phước Nguyên với một chú điệu nhỏ chừng 5-6 tuổi mà mình đã thấy khi đến thăm Hòa thượng mười mấy năm trước, có nghĩa là tin tưởng Phước Nguyên đã vấn với HT. Tuệ Sỹ về những tác phẩm nghiên cứu, dịch thuật của anh ta, thì cũng cần kiểm tra, tham vấn với HT. Tuệ Sỹ xem có đúng là Phước Nguyên có tài không đợi tuổi thật không, rồi nghe nhận xét về năng lực nghiên cứu Phật học của Phước Nguyên thế nào.

Những phân tích nói trên cho thấy nhận thức và quan niệm về nghiên cứu Phật học và dịch thuật tam tạng của TT. Thích Nhật Từ còn hời hợt, mang tính thế gian nhiều hơn nhà Phật.

Điều đó cũng một phần lý giải cho số tác phẩm đồ sộ mà TT. Thích Nhật Từ viết ra trong thời gian không dài, lại lên tiếng phủ định kinh này, hệ phái nọ, giáo lý kia…

Thường những người thực tu ít khi phủ định, phủ nhận kinh điển, hệ phái, giáo lý.

Một người có nhận thức hời hợt về nghiên cứu Phật học và dịch thuật tam tạng có xứng đáng làm Phó Viện trưởng Thường trực HVPGVNHCM, nơi đào tạo Phật học cho nhà sư?

Lý do thứ hai để khẳng định TT. Thích Nhật Từ không xứng đáng giữ vị trí Phó Viện trưởng TT Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh là tùy tiện trong việc bố trí giảng viên giảng dạy thay mình, được viết rõ trong bài:

Không thể tùy tiện trong lựa chọn và sử dụng giảng viên tại các học viện Phật giáo

Cách hành xử của TT. Thích Nhật Từ khi dư luận lên tiếng cũng cho thấy vị này không có phẩm chất của một người tu chân chính (tu là sửa mình, nhìn vào lỗi của mình), được thể hiện qua bài viết:

Thầy Nhật Từ không nên chối quanh mà phải có can đảm nhận lỗi, nên từ chức

Nếu biết sám hối và còn chút tự trọng, TT. Thích Nhật Từ cần chủ động nộp đơn từ chức Phó Viện trưởng Thường trực. Và/ hoặc; để duy trì sự tôn nghiêm, mẫu mực, uy tín và trung thực của môi trường sư phạm Phật giáo, nơi đào tạo ra các trưởng tử Như Lai, GHPGVN cần cách ngay chức vụ này đối với TT. Thích Nhật Từ.

Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả, không phản ánh quan điểm của Ban Biên tập Phattuvietnam.net