Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Tứ niệm xứ cho người mới bắt đầu: Số tức quan

Tứ niệm xứ cho người mới bắt đầu: Số tức quan

165













 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bước 1: Điều thân
 
Hành giả ngồi kiết già, bán già hoặc xếp bằng, toàn thân buông lỏng: Thả lỏng đầu, hai vai, hai tay, mình và hai chân (có nghĩa là không kềm cứng đầu, hai vai, hai tay, mình và hai chân). Nếu ngồi khom lưng, ngồi lâu hành giả sẽ bị đau lưng. Nếu ngồi cúi đầu quá,  ngồi lâu hành giả sẽ bị mỏi cổ và buồn ngủ. Nếu ngồi ưỡn ngực thì ngồi lâu sẽ bị tức ngực.
 
 
 
Hành giả ngồi làm sao để thân thư giãn, thoải mái. Kiểm tra xem phần trán ngang qua chỗ hai hàng lông mày có thư giãn hay không, tương tự như vậy kiểm tra hai vai xem có gồng cứng hay không?
 
Hành giả để tâm quân bình, không ức chế tâm.
 
Bước 2:

Hành giả kiểm tra xem mình có thái độ chân thật với chính mình trước khi hành thiền hay không? Hành giả không nên kỳ vọng, mong cầu  bất cứ một điều gì sẽ xảy ra với mình trong thời thiền mà hãy sống trong giây phút hiện tại.

 
 
Bước 3:
 
– Xưng tán Đức Phật: Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa (3 lần)
 
Con đem hết lòng thành kính đánh lễ Đức Thế Tôn, Ngài là bậc A la hán cao thượng đã chứng quả Chánh biến tri do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy ( 3 lần)
(Lạy)
 
– Phát nguyện:
 
Xin nguyện cho tôi đừng oan trái với chính tôi
 
Xin nguyện cho tôi đừng oan trái với kẻ khác
 
Trong vòng sinh tử luân hồi vì vô minh nên chúng con lỡ xúc phạm đến các bậc thánh nhân, lỡ xúc phạm đến các bậc thánh tăng, lỡ xúc phạm đến các bậc cao tăng. Hôm nay chúng con xin sám hối.
 
 
Con nguyện cúng dường cái thân này cho thầy, tổ và pháp bảo. Một là cái thân này chết, hai là là phiền não được diệt tận.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần) (Lạy – khi lạy chắp hai tay lại niệm chắp tay, chắp tay, cúi đầu niệm  cúi đầu,  cúi đầu tương tự lạy niệm  lạy, ngẩng đầu niệm ngẩng đầu lên )
 
Bước bốn: Hành thiền
 
Hành giả hãy để cho hơi thở ra vào một cách tự nhiên và theo dõi để đếm hơi thở. Không đếm ít hơn năm vì tâm sẽ lúng túng, cũng không đếm ít hơn mười vì tâm sẽ phóng.
 

 
Có hai cách đếm:
 
Cách 1: Đếm số chẵn:
 
Bắt đầu thở vào đếm một, thở ra đếm một
Thở vào đếm hai, thở ra đếm hai
Thở vào đếm ba, thở ra đếm ba
….
 
Làm tuần tự như vậy đếm cho đến mười thì bắt đầu đếm ngược lại:
 
Thở vào đến mười thở ra đếm mười
Thở vào đếm chín, thở ra đếm chín
Thở vào đếm tám, thở ra đếm tám
….
 
Đếm ngược như vậy cho đến một thì lại bắt đầu đếm lên trở lại từ một cho đến mười.
 
 Cách 2 : Đếm số lẻ
 
Hành giả thở vào đếm một, thở ra đếm hai
Thở vào đếm hai, thở ra đếm ba
Thở vào đếm ba, thở ra đếm bốn
 Làm tuần tự như vậy cho đến thở cho đến thở vào đếm chín, thở ra đếm mười
thì hành giả lại  đếm ngược
Thở vào đếm chín, thở ra đếm tám
Thở vào đếm tám, thở ra đếm bảy
Thở vào đếm bảy, thở ra đếm sáu
 
Tiếp tục đếm ngược như vậy cho đến thở vào đếm hai thở ra đếm một thì hành giả lại đến lên thở vào đếm hai, thở ra đếm ba…
 
 
 
Hành giả cứ tiếp tục đếm xuôi đếm ngược như vậy trong suốt thời thiền, đếm số lẽ hoặc số chẵn là tùy theo ý thích của mỗi người. Mục đích của số tức quan là giúp cho hành giả có trí nhớ để trụ tâm lại. Với phương thức tu tập này, khi tâm không còn phóng nữa thì hành giả đã đạt tới cận định. Tại đây hành giả bắt đầu buông số tức quan ra để phát triển qua thiền quán.
 
 
Bước 5: Đổi oai nghi
 
Từ từ mở mắt ra và niệm  mở mắt, mở mắt;  tháo hai tay niệm  tháo tay, tháo tay,  mở hai chân ra niệm  mở chân, chân.   
 
Muốn lạy Phật,  chắp hai tay lại niệm chắp tay, chắp tay, cúi đầu niệm  cúi đầu,  cúi đầu tương tự lạy niệm  lạy, ngẩng đầu niệm ngẩng đầu lên.
 
Bước 6: Hồi hướng
 
 Dưới bóng mát trong thiền viện
 
Nguyện cho tất cả chúng sanh đừng có oan trái lẫn nhau, hãy cho được sự an vui, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau, đừng hẹp lượng, hãy cho được sống lâu, đừng có bệnh hoạn, hãy cho được thành tựu đầy đủ. Tất cả chúng sanh đến khổ rồi xin đừng cho có khổ, đến sự kinh sợ rồi xin đừng cho kinh sợ, đến sự thương tiếc rồi xin đừng cho thương tiếc.
 
Phần phước báu mà chúng con làm được ngày hôm nay, xin hồi hướng đến các bậc thầy tổ, cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ,   thân bằng quyến thuộc nội ngoại hai bên, các bậc hữu ân của chúng con và tất cả chúng sanh trong ba giới bốn loài. Xin chia đều và cùng hưởng quả của những phước báu này, xin cho được sự an vui.
 
Hoặc:
 
Phần phước báu mà chúng con làm được ngày hôm nay, xin hồi hướng đến các bậc thầy tổ và tất cả chúng sanh trong ba giới bốn loài. Xin chia đều và cùng hưởng quả của những phước báu này, xin cho được sự an vui.
 
 Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật ( 3 lần )
Lạy Phật niệm lạy, lạy , đứng lên và niệm  đứng lên, đứng lên.
 
Supanna: Thưa sư, một số hành giả quá tán tâm không thể đếm số được, có cách nào đơn giản hơn để giúp cho hành giả trụ tâm dễ dàng hơn?
 
Có một cách đơn giản hơn là hành giả theo dõi hơi thở vào ra. Khi thở vào niệm thầm vào, vào. Khi thở ra niệm thầm ra, ra.
 
Hoặc hành giả để tâm nơi bụng để theo dõi chuyển động phồng xẹp ở bụng. Khi thở vào bụng phồng lên thì niệm thầm phồng à, khi thở ra bụng xẹp xuống thì niệm thầm xẹp à.
 
Supanna: Tại sao hành giả phải luôn niệm thầm vào, vào hoặc ra, ra khi theo dõi hơi thở vào ra hoặc phồng à , xẹp à khi theo dõi bụng phồng lên hoặc xẹp xuống?
 
Vì hành giả sơ cơ, tâm chưa định được nên  chưa thể theo dõi được cảm giác của hơi thở ra vào chạm nhẹ vào chóp lổ mũi từ đầu cho đến cuối hoặc quan sát được chuyển động phồng xẹp của bụng từ đầu cho đến cuối nên phải mượn tiếng niệm thầm (gọi tên hay tục đế hay chế định) để cột cái tâm lại. Khi hành giả có được định rồi, với tâm tĩnh lặng hành giả sẽ dễ dàng quan được cảm giác hơi thở ra vào chạm nhẹ vào chóp lổ mũi từ đầu cho đến cuối hoặc quan sát được chuyển động phồng xẹp của bụng từ đầu cho đến cuối, đến giai đoạn này hành giả sẽ tự động buông niệm thầm để chỉ còn theo dõi cảm giác hơi thở vào ra hoặc là quan sát chuyển động phồng xẹp của bụng (chơn đế) mà thôi.
 
Các thiền sư nói rằng bước đầu hành giả mượn chỉ (tục đế), nhưng khi chơn đế (quán ) mạnh thì tục đế tự động rớt (mất) đi.
 
 
 
Đối với các hành giả sơ cơ hoặc các hành giả đã tu chỉ mà chưa hề thực hành quán, thật khó cho họ hình dung được sự khác biệt giữa chỉ và quán nhất là khi chúng ta thực hành chỉ và quán trên  cùng một đề mục, ví dụ như hơi thở chẳng hạn.   Xin sư vui lòng giải thích và cho đọc giả PTVN và cho một số ví dụ để minh họa rõ ràng và cụ thể hơn về sự khác biệt giữa định và quán.
 
 
Sư Phước Nhân:
 
– Thấy được sinh hoạt, thay đổi hay sanh diệt của một đối tượng là quán (chơn đế)
 
– Thấy và đặt tên để gọi đối tượng ( tục đế ( chế định))  là chỉ.
 
Với đề mục hơi thở, bước đầu hành giả theo dõi hơi thở vào xúc chạm vào đầu lổ mũi và niệm (đặt tên) vào, vào hoặc ra, ra để trụ tâm  đó là chỉ. Với tuệ quán hành giả cũng niệm vào, vào hoặc ra ra nhưng không phải để đặt tên mà để nhận biết đối tượng trong chánh niệm và sau đó quan sát cảm giác hơi thở vào  ra  chạm vào đầu lổ mũi  và thấy sự biến đổi của hơi thở: khi dài, khi ngắn, khi thô, khi tế, khi còn, khi mất… trong sự tỉnh giác.  Quan sát sự thay đổi để thấy sự sanh diệt qua hơi thở gọi là quán.
 
 
 
Một thí dụ khác lấy ra từ bài này, trong bước đổi oai nghi, khi tháo tay, hành giả niệm thầm tháo tay, tháo tay  đó là chỉ nhưng ghi nhận việc tháo tay trong chánh niệm và đồng thời theo  dõi sự chuyển động của hai tay trong sự tỉnh giác đó  là tuệ quán, khi mở chân, hành giả niệm mở chân, mở chân đó là chỉ nhưng  ghi nhận việc mở chân trong chánh niệm và theo dõi sự chuyển động của hai chân cũng như quan sát cảm giác tê mõi của hai  chân đó là quán. Tương tự như vậy,  khi đứng lên, hành giả niệm đứng lên, đứng lên đó là chỉ, nhưng ghi nhận đứng lên trong chánh niệm và theo  những chuyển động của cơ thể cũng như cảm giác trì trì, nặng nặng trong thân khi đứng lên đó là quán. 
 
Thưa sư, một số hành giả khi hành thiền hay bị hôn trầm, những hành giả này phải làm sao?
 
Sư Phước Nhân: Hôn trầm nhiều khi làm cho hành giả không thể hành thiền được.
 
 
Nếu hôn trầm do ăn quá no thì phải đứng dậy rửa mặt hoặc đi thiền hành, nếu do thiếu ngủ thì đi ngủ một chút, nếu do bị đau bệnh thì kiếm thuốc uống. Trong trường hợp hôn trầm do định sâu thì phải nâng tinh tấn lên.
 
Một câu hỏi cuối không nằm trong chủ đề của bài, thưa sư tại sao Đức Phật nguyện Chánh Đẳng, Chánh Giác nên Ngài phải tu định rốt ráo rồi xả định để chuyển sang quán?
 
Sư Phước Nhân: Đức Phật là bậc Toàn Giác, là Thầy của Trời và Người nên Ngài phải tu cả định lẫn quán để có cả thần thông  qua định  và sự Giác Ngộ viên mãn qua quán.
 
 
Đức Phật có thần thông để bay lên các cõi  trời thuyết pháp cho chư thiên nghe, có thiên nhãn thông để thấy chư thiên và thấy luôn chúng sanh ở bốn cảnh khổ, có thiên nhĩ thông để nghe chư thiên nói và nghe chúng sanh ở bốn cõi khổ rên la, kêu khóc để nói lại cho chúng ta nghe để sách tấn chúng ta tu tập, có tha tâm thông để thấy tâm chúng sanh thuận đề mục nào nhất trong bốn đề mục của Tứ niệm xứ để cho ngay đề mục đó cho chúng sanh tu tập để dễ đạt được Giác Ngộ hơn, có túc mạng thông để thấy rõ những kiếp quá khứ chúng sanh ở đâu, dòng dõi như thế nào, tên tuổi ra sao, làm nghề nghiệp gì , gieo nhân gì nên giờ phút này trổ ra quả gì để giảng cho chúng ta nghe, nhờ đó mà chúng ta có đức tin để tinh tấn tu tập.
 
 Sau cùng qua thiền quán, Đức Phật có được Lậu tận thông để thấy được sự sanh diệt của thân, tâm (danh, sắc) và ngũ uẩn để đạt được Giác Ngộ viên mãn. 
 
 
Supanna: Con xin cảm ơn sư.