Trang chủ Bài nổi bật Từ thiện và câu chuyện “cách cho”: Đừng ép người nghèo trả...

Từ thiện và câu chuyện “cách cho”: Đừng ép người nghèo trả “nghĩa tình” bằng nhân phẩm

306
Chương trình "Bánh Mi thơm ngon" do Quỹ Đến Từ Trái tim thực hiện giúp đỡ bà con tại khu cách ly Q.Bình Tân (Ảnh: Anh Quốc)

Giữa vô vàn câu chuyện từ thiện khiến người đọc nghẹn lòng, vẫn có không ít điều xót xa, ngẫm ra vẫn thấy lấn cấn và tự hỏi: Chúng ta có thực tâm nghĩ cho những người được nhận những món quà từ thiện?


Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Có một điều cần khẳng định trước, tôi rất trân trọng những anh, chị, bạn bè, những người xa lạ đang ngày đêm nỗ lực để đem từng suất ăn, gom góp từng đồng tiền để hỗ trợ Sài Gòn và những vùng đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Dù có những người chỉ trích một số đối tượng làm từ thiện, tôi hy vọng rằng điều đó không làm chùn lòng những anh chị vẫn đang đem đến cho đời những điều tốt đẹp. Chỉ là đâu đó, có những điều về từ thiện khiến người ta đắn đo xoay quanh câu chuyện “của cho không bằng cách cho.”

Tôi từng nghe một nhà báo nói về “chủ nghĩa gia trưởng” trong làm từ thiện. Hiểu nôm na, đó là khi chúng ta trao cho đối tượng hưởng lợi những điều chúng ta nghĩ rằng họ cần, nhưng không biết rằng họ có thực sự cần không. “Chủ nghĩa gia trưởng” – như nhà báo đó đùa vui, như cách những người làm từ thiện “giống bố nhà người ta”, cho gì thì nhận lấy. Câu chuyện này tốn giấy mực của báo giấy mỗi mùa lũ về với miền Trung, khi mạng xã hội lại sục sôi với câu hỏi, người nghèo có thực sự cần mì tôm và ăn được nhiều mì tôm đến như vậy không?

Với đại dịch lần này, có lẽ không mấy người phàn nàn về “của cho”. Những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch cần thức ăn – cần có thứ bỏ vào bụng mỗi ngày khi không có việc hay giá cả thực phẩm leo thang. Họ cần tiền mặt – không có việc nhưng tiền nhà trọ vẫn phải đóng, con họ vẫn cần đến trường.

Tặng bánh mì tại khu cách ly P.Hiệp Tân, Tân Phú

Có; nó không nằm ở vật chất, nó nằm ở cách nhiều người làm từ thiện đang trao đi những món quà. Để ý tới việc họ cần gì thực sự quan trọng nhưng để ý tới việc họ nghĩ gì, cảm nhận gì thực sự cũng cần thiết. Vì đó là nhân phẩm của người nhận, của người nghèo trong đại dịch.

Ở Malaysia, chiến dịch “cờ trắng” đang thu hút sự chú ý của truyền thông đất nước này. Không có nước nào thoát được bóng đêm càn quét của đại dịch và Malaysia cũng không phải ngoại lệ. Treo cờ trắng trước nhà thể hiện bạn đang cần sự trợ giúp. Khi thấy một nhà treo cờ trắng bên ngoài cửa, sẽ có những người hàng xóm, chính quyền tới giúp. Thậm chí, nhiều nơi còn có đội tuần tra để xem có những nhà nào treo cờ trắng trước nhà, đúng nghĩa không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trên mạng xã hội, người ta dặn dò nhau rằng, nếu thấy một nhà treo cờ trắng bên ngoài, hãy cố gắng đừng chụp ảnh căn nhà, đừng quay phim khi tới trao quà, thậm chí nếu không cần gặp cũng được. Chỉ để quà ở trước cửa nhà họ rồi có thể rời đi.

Chiến dịch “cờ trắng” nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân tại Malaysia cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Người ta không trao đi những thứ gì quá khác lạ, vẫn là trứng, nước sạch, mì tôm, thức ăn, khẩu trang, tiền mặt… nhưng những người giúp đỡ đã cố gắng làm một điều: giữ danh dự và nhân phẩm cho người cần trợ giúp.

Không dễ để một người lên tiếng nói rằng “mình cần giúp đỡ”. Không nhiều người muốn phơi bày sự khó khăn của mình cho người khác, đặc biệt ở trên không gian mạng, nơi họ không thể điều tiết các cuộc thảo luận hay câu chuyện có thể đẩy đi xa tới nhường nào. Nếu điều gì cần được giữ lại sau tất cả những khốn khó của đại dịch, nhân phẩm vẫn là điều nhiều người không bao giờ đánh đổi.

Ảnh: Diệu Hiếu

Đừng hỏi họ vì sao béo thế vẫn đi nhận đồ hỗ trợ, vì họ không có những thức ăn đủ dinh dưỡng, đủ “healthy” nhưng đầy đắt đỏ vẫn được xã hội “tôn thờ”.

Đừng hỏi vì sao họ sơn móng tay móng chân; khi cuộc sống vật chất thiếu thốn, ai cũng cần mưu cầu một đời sống tinh thần đủ đầy. Và đó là điều làm cho người ta thấy vui, vậy thôi.

Đừng hỏi vì sao người ta lái xe máy xịn đi nhận đồ cứu trợ. Chiếc xe máy của họ có thể đã bán rồi, và đó là chiếc xe máy của người hàng xóm hào hiệp. Bạn muốn họ đi bộ tới, giữa ngày Sài Gòn oi ả rồi lại chợt xối xả một cơn mưa?

Đừng bắt những người nhận hỗ trợ đứng dàn một hàng dài, người trao quà đứng ở giữa cười tươi vui vẻ. Họ có vui không? Có thể là có, nhưng chắc chắn không bằng người trao đang rạng rỡ cười vì hình ảnh này sẽ giúp họ có thêm vài trăm like trên mạng xã hội.

Đừng livestream, đừng biến nỗi buồn hay hoàn cảnh người khác thành “tài sản” của mình. Có những người lao động ở xa, ngày dịch không trở về quê được, gọi về nhà vẫn nói rằng “con ổn”, “anh ổn, em và con ở nhà đừng quá lo”. Mỗi cái “ổn” đó bỗng thêm chua xót hơn nếu người nhà họ thấy người thân mình đang đứng mòn mỏi chờ một hộp quà từ thiện.
Và đừng chê người ta sao trông bẩn thế. Bàn tay lao động có thể lấm lem nhưng nó đỡ cả gia đình trên vai.

Không có gì quá khó để những người làm từ thiện biết được “cách cho” như thế nào là đúng. Chú bán rau ở Sài Gòn cũng biết điều đó. Chú vẫn tặng cho người này bó rau, người kia quả xoài, dịch hay không dịch vẫn xởi lởi, niềm nở. Không cần quay phim chụp ảnh, không cần bắt người ta khoanh tay cảm ơn, ai thấy thiếu thì lấy, chỉ dặn đừng lấy nhiều để biết cùng san sẻ cho nhau. Giữa mùa dịch này, miếng ăn bớt đi một xíu, lời lãi giảm đi một chút nhưng tuyệt đối không được ép người ta trả “nghĩa tình” bằng danh dự và nhân phẩm.

Những anh chị, cô chú làm từ thiện chẳng kể mùa dịch, mùa khó khăn biết điều đó. Cũng là ngần đấy suất cơm nhưng đi kèm với những câu hỏi “dạo này chú Tư khỏe không?”, “dịch này ráng ăn nhiều lên cho khỏe nha”, “cả năm mần rồi, thôi coi như đợt này tự dưng được nghỉ, cho khỏe”. Trao hết đồ thì cười trừ xin lỗi, “mấy cô chú thông cảm cho con, nay bọn con hết sớm, mai bọn con tính kỹ hơn”. Hộp cơm từ thiện, suất quà từ thiện chẳng bán được, không người no bụng nào đến lấy rồi bán kiếm lời. Đừng thắc mắc, đừng cò kè, đừng nhíu mày để rồi lòng tốt của mình hóa ra thành sự nhỏ mọn.

Ảnh: Anh Quốc

Suy cho cùng, tất cả những điều góp ý, chia sẻ của mọi người không phải để chì chiết, hạ bệ nhau. Sống qua những ngày dịch, không ai vui bởi những tiếng thở dài, trách móc, chỉ mong mỗi người có thể cùng thay đổi dù chỉ một chút để xung quanh bớt đi những muộn phiền. Cho nhau được điều gì cũng là đáng quý giữa thời điểm khó khăn như hiện tại nhưng cũng xin giữ lại cho nhau chút danh dự. Cuộc sống đã đủ nhọc nhằn, đừng để những người nghèo ôm hộp cơm trong tiếng thở dài và tự hoài nghi chính mình.

“Đôi tay này có quá bẩn để nhận lấy hộp cơm từ thiện?”


MINH NGUYỄN/ DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ