Trang chủ Tin tức Tưởng niệm Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN lần thứ 21

Tưởng niệm Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN lần thứ 21

88

Quang lâm chứng minh có sự hiện diện của chư Tôn giáo phẩm: HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Hiển Tu, Phó Thư  ký HĐCM; HT.Thích Viên Giác, UVTT HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Q.Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Tâm, HT.Thích Giác Toàn, đồng Phó Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư; HT.Thích Huệ Trí, Trưởng ban Pháp chế T.Ư; HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa T.Ư; chư tôn đức các ban, viện TƯ, BTS GHPGVN các tỉnh, thành, BTS GHPGVN TP.HCM và BTS GHPGVN 24 quận, huyện đồng tham dự lễ tưởng niệm.

Về phía quan khách có sự hiện diện của ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Ngọc Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM; ông Lê Hoàng Vân, Phó trưởng ban Ban Tôn giáo TP.HCM….

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ tưởng niệm, HT. Thích Thiện Nhơn, Quyền Chủ tịch HĐTS GHPGVN cung tuyên tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ

Ngài sơ tâm cầu pháp với Sư Tổ Thích Thanh Nghĩa (thuộc dòng Tào Động, chùa Quảng Bá – Hà Nội), trụ trì chùa Đồng Đắc, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.Năm 20 tuổi (1917), ngài được Tôn Sư cho thụ giới Cụ túc tại chùa Phúc Nhạc (Già Lê tự) tỉnh Ninh Bình. 

Năm 1940, ngài thành lập 2 trường Phật học, một ở chùa Đồng Đắc (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), và một ở chùa Kỳ Lân (thôn Đại Hữu, xã Văn Bồng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

Năm 1955, ngài được cố Hòa thượng Tuệ Tạng, Thượng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc, Hòa thượng Mật Ứng – Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Bắc Việt, cùng các ông Nhất Kinh Phương, Trần Quang Trung đại diện Mặt trận thủ đô Hà Nội mời về thủ đô Hà Nội để chung lo Phật sự.

Năm 1956, ngài được bầu làm Trị sự phó Giáo hội Tăng già Bắc Việt, kiêm đại diện Phật giáo thủ đô.

Năm 1957, ngài là một trong những thành viên trong Đoàn đại diện đại biểu Phật giáo Việt Nam đến hội kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Phủ Chủ tịch.

Tháng 3 năm 1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thành lập do Sư cụ Trí Độ làm Hội trưởng, ngài được Đại hội suy cử làm Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam.

Năm 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo ra đời, do cố Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban, ngài được cung thỉnh vào hàng Chứng minh của Ban Vận động Thống nhất Phật giáo cả nước.

Tháng 11-1981, Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), cung thỉnh ngài đảm nhận ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt

Nam, cũng tại Đại hội ngài đã đề nghị ba điểm: 1. Được mở Trường Cao cấp Phật học tại ba miền Nam, Trung, Bắc và các Trường Cơ bản Phật học tại các tỉnh, thành; 2. Tăng, Ni được phép xuất gia tu học; 3. Được hoạt động tự do tín ngưỡng tại các cơ sở tự viện trong cả nước. Tại đại hội, đề nghị trên của ngài đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng chấp nhận và hứa sẽ thực hiện.

Từ Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo (1981) cho đến Đại hội Phật giáo kỳ 3 (1992) ngài luôn được Tăng, Ni, Phật tử cả nước tín nhiệm và tiếp tục suy tôn đảm nhiệm ngôi vị Pháp chủ cho đến ngày thị tịch.
Hòa thượng đã an nhiên thu thần nhập diệt vào lúc 05giờ 05 phút sáng ngày 11 tháng 11 âm lịch (Quý Dậu), nhằm ngày 23-12-1993, trụ thế 97 năm, hạ lạp trải qua 77 mùa an cư kiết hạ.

Hòa thượng đã thay mặt HĐCM, HĐTS GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM , Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước đọc lời tưởng niệm, trong đó có đoạn: “Trên ngôi vị Pháp chủ tối cao, cố Đại lão Hòa thượng đã tỏa sáng gương lành, ân đức bao trùm Tăng Ni, Phật tử cả nước, làm hải đăng định hướng cho GHPGVN. Qua những lời khuyến hóa thâm nghiêm, nhân hậu, hàm tàng bao ý nghĩa xây dựng và phát triển ngôi nhà GHPGVN, ngày càng phát triển, trang nghiêm, hưng thịnh trong lòng dân tộc trên các lĩnh vực. Và, thực tế, hơn 30 năm qua, GHPGVN cùng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước đã phụng hành giáo chỉ của cố Đại lão Hòa thượng thực hiện thành công tốt đẹp và có hiệu quả các công tác Phật sự của Giáo hội, làm tốt đạo đẹp đời trong hiện tại cũng như tương lai…”