Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Vấn đạo ngài Mahasi

Vấn đạo ngài Mahasi

268
Điều đó không cần thiết, không cần phải có đức tin trọn vẹn trước khi hành thiền, bởi vậy tôi không bao giờ bắt buộc hoặc khiển trách ai vì họ thiếu đức tin trong việc hành thiền khi họ mới khởi đầu.
 
Sở dĩ họ chưa có đức tin vào việc hành thiền vì họ chưa có kinh nghiệm hoặc có rất ít kinh nghiệm về việc thực hành. 
 
Vào năm 1931. lúc bấy giờ tôi chỉ mới có tám tuổi hạ. Tôi rất tò mò và nhiều lẫn lộn, Lúc bấy giờ, ngài Minhgon Zetawin dạy tôi: Hãy ghi nhận chánh niệm khi đi, ghi nhận chánh niệm khi đứng, ghi nhận chánh niệm khi ngồi, ghi nhận chánh niệm khi nằm; hoặc là ngài dạy ghi nhận đi khi đi, ghi nhận đứng khi đứng, ghi nhận nằm khi nằm, ghi nhận co khi co, khi nhận duỗi khi duỗi. 
 
Nghe ngài dạy như thế, tôi cảm thấy bối rối và hỗn loạn, bởi tôi nghĩ rằng ngài chẳng dạy tôi quán sát chân đế, hay sự vô thường, khổ và vô ngã của thân tâm. Tôi rất thắc mắc là tại sao một thiền sư như ngài mà chỉ dạy toàn tục đế. 
 
Nhưng tôi sau đó lại nghĩ rằng: “Ngài hòa thượng rất tinh thông Tam tạng kinh điển và là một thiền sư rất nổi tiếng, ngài dạy thiền sinh bằng chính kinh nghiệm của mình, như vậy việc phán đoán của ta có quá sớm chăng ? Làm sao ta có thể biết được phương pháp này tốt hay xấu khi chính ta chưa thực hành”. Nghĩ như thế tôi cuối cùng  yên tâm thực hành dưới sự hướng dẫn của ngài. 
 
2- Bạch ngài, xin ngài giảng cho con biết nghĩa của chữ Satipatthana. 
 
Satipatthana có nghĩa là chánh niệm hay luôn luôn ghi nhớ. Thiền sinh lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng: ta phải luôn luôn ghi nhận chánh niệm mỗi hiện tượng vật chất và tâm đang xảy ra. 
 
3- Bạch ngài, con tin rằng khi hành thiền, ngài đã tiến bộ rất nhanh và ngài đạt được hết tuệ giác này đến tuệ giác khác. Có phải  vậy không? 
 
Không, trong ba, bốn tuần đầu, việc hành thiền của tôi chẳng đem lại kết quả, bởi vì tôi không có đủ tinh tấn trong khi  một vài thiền sinh ở đây, nhờ họ cố gắng phát triển định tâm và chánh niệm liên tục nên chỉ sau một một tuần lễ, họ đã khởi đầu thấy được vô thường, khổ và vô ngã. Riêng tôi, cả tháng trời chưa tiến bộ, nói chi đến việc tiến bộ sau khi chỉ hành thiền bốn năm ngày. Hơn một tháng trời, việc tiến bộ của tôi chỉ là con số không do tôi không tin vào việc hành thiền và cũng không chịu cố gắng. 
 
Do thiếu đức tin dẫn đến thiếu nổ lực tinh tấn nên tôi không tiến bộ. Thế rồi tôi đâm ra nghi ngờ, và chính sự nghi ngờ này lại khiến tôi càng thêm không tiến bộ, do đó  các tuệ giác cũng như đạo quả đã không khởi sanh. Tôi đã phí thì giờ vì nghi ngờ và phân tích. Thế nên, điều quan trọng của người hành thiền là phải loại trừ hoài nghi. 
 
Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng: “Phương pháp thực hành này chỉ chú ý đến tục đế, chỉ quan sát đối tượng như đi, ngồi, co, duỗi…điều mà ngài hòa thượng thiền sư dạy mình chỉ là căn bản bước đầu.” Vì có nghi ngờ do như thế nên tôi không phát triển được tuệ giác. Tuy nhiên sau đó tôi nghĩ rằng chắc chắn thế nào thiền sư sẽ dạy chúng tôi làm thế nào để phân biệt giữa thân và tâm điều này khiến tôi quyết định tinh tấn thực hành. 
 
Không bao lâu sau, nhờ tin tưởng và thực hành đúng những lời hướng dẫn của thiền sư nên tôi nhận ra rằng đây chẳng phải là sự thực tập căn bản bước đầu, mà là sự ghi nhận các trạng thái, các hiện tượng vật chất và tâm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi… Và đây chính là sự hướng dẫn có phương pháp giúp người thực hành thiền đi từ thấp đến cao. Tất cả những điểu mà tôi cần phải làm là quan sát và ghi nhận một cách tinh tấn theo lời chỉ dẫn của thiền sư. 
 
4- Bạch ngài, phải chăng chỉ cần quan sát sự “đi”, theo tục đế thôi là có thể kinh nghiệm được các hiện tượng của sự vật theo chân đế?
 
Bạn cần biết có ba loại tôi:
 
  1. Khi dùng chữ tôi với nghĩa: Tôi là một con người hay một tự ngã, đó là dùng chữ tôi với tà kiến. 
  1. Khi dùng chữ tôi với nghĩa: Tôi là một cái gì quan trọng, đó là dùng chữ tôi với sự ngã mạn 
  1. Và dùng chữ tôi trong ngôn ngữ thông thường để nói chuyện. 
Khi bạn ghi nhận “đi là đi”, thì chữ tôi đó nằng trong trường hợp thông thường. Ngay chính Đức Phật và chư vị A la hán, các Ngài cũng dùng chữ tôi trong khi nói chuyện với mọi người và chữ tôi của các Ngài dùng chẳng có tà kiến hay ngã mạn gì cả. 
 
Cũng vậy, tôi đã hướng dẫn thiền sinh bằng ngôn ngữ thông thường hằng ngày khi ghi nhận từng giai đoạn của mỗi bước đi. Mặc dù dùng ngôn ngữ chế định, nhưng thiền sinh phải chú tâm quán sát để kinh nghiệm các hiện tượng vật chất và tâm theo chân đế và khi tâm định đủ mạnh thì thiền sinh sẽ vượt qua ý niệm tục đế để thấy chân đế. 
 
Chẳng hạn trong khi đi, thiền sinh sẽ thấy được ý định thực hiện một bước đi, sự cứng, sự căng và sự chuyển động bao gồm trong các bước đi và cũng thấy luôn sự biến đổi của chúng. Thiền sinh sẽ không còn thấy sự đi theo một khối hình dáng mà thấy được các hiện tượng khởi sinh và hoại diệt tức thời trong việc đi. Nếu bạn không tin, cứ thử đi thì sẽ biết. Tôi bảo đảm với các bạn rằng, nếu các bạn nghe theo lời chỉ dẫn của tôi thì chắc chắn chính các bạn sẽ kinh nghiệm được điều này.
 
5- Bạch ngài, khi bắt đầu hành thiền chúng con phải ghi nhận những gì? Chúng con phải ghi nhận cả thân lẫn tâm hay sao? 
 
Yatha pakatam vipassana bhiniveso 
 
Trong phụ chú giải của Thanh tịnh đạo có viết: Minh sát là quán sát các đối tượng nổi bật nhất. Như vậy, đối với người mới đầu hành thiền thì phải gi nhận đối tượng nào nổi bật và rõ ràng nhất, vì đối tượng nổi bật nhất là đối tượng dễ ghi nhận. 
 
Đừng khởi đầu việc hành thiền bằng cách quán sát các đối tượng thật vi tế hay khó khăn vì có ý nghĩ sai lầm rằng phải quán sát các đối tượng vi tế, khó khăn mới đạt được thành quả mau chóng. 
 
Một học sinh mới bắt đầu vào học thì phải học những bài học dễ trước, thầy giáo không thể cho những bài khó trước được. Cũng vậy, khởi đầu hành thiền bạn phải quán sát những để mục dễ nhất trước. Đức Phật dạy một phương pháp thật dễ “ khi đi hãy ghi nhận đi”, “khi ngồi phải ghi nhận ngồi.” Thế thôi.
 
 
 6- Phải chăng, ngài là người đặt ra phương pháp quán sát phồng xẹp của bụng trong khi thở? 
 
Không, tôi không phải là người đặt ra phương pháp quán sát phồng xẹp. Thật ra đó là phương pháp của Đức Phật bởi vì Ngài đã dạy chúng ta quán sát yếu tố gió “vayo dhatu” trong ngũ uẩn. 
 
Sự phồng và xẹp được tạo nên bởi yếu tố gió. Thoạt đầu, nhiều người nghi ngờ và đặt vấn đề quán sát sự phồng xẹp của bụng. Tuy nhiên, nếu được bạn bè khuyến khích và họ cố gắng hành thiền thì chính họ sẽ thấy được hiệu quả  và tán thán phương pháp mà trước đây họ chỉ trích thậm tệ. Tôi đảm bảo rằng người nào cố gắng thực hành thì sẽ tán thán phương pháp này qua chính kinh nghiệm của mình, giống như chỉ có nếm vị đường thì mới biết đường là như thế nào. 
 
7- Khi thực hành một cách tích cực thì có hại cho sức khỏe không? 
 
Trong kinh Pali có ghi “Kaye ca jivite ca anepakkhatam upatthapeti.” Hãy tinh tấn hành thiền, dầu cho tánh mạng có thiệt hại hay tay chân có bị hủy hoại cũng không màng. Đây là câu khuyến khích thiền sinh nỗ lực thực hành dầu cho phải hy sinh cả tánh mạng hay tay chân. Nhiều người nghĩ rằng: “Khinh khủng thay việc hành thiền này!” Thật ra, chẳng có ai chết do nổ lực tinh tấn hành thiền và cũng chẳng có ai bị hao mòn sức khỏe vì hành thiền. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy một số người nhờ hành thiền tích cức đã tự chữa khỏi một số bệnh kinh niên. 
 
8- Bạch ngài, trong khi hành thiền Minh sát, có cần phải niệm thầm , như niệm chữ phồng…. xẹp không?
 
Tên gọi, dầu là một từ chuyên môn hay trong ngôn ngữ thông thường, cũng đều là sự chế định hay tục đế. Tên gọi chẳng có chi quan trọng cả. Trong khi hành thiền, điều quan trọng nhất là ý thức chánh niệm những hiện tượng bao gồm trong đối tượng ghi nhận: phồng và xẹp của bụng. Do vậy, trong thực hành chỉ cần chỉ cần ý thức chánh niệm sự vật, không cần niệm thầm cũng đạt được mục tiêu. 
 
Tuy nhiên, khi không niệm thầm thì thiền sinh rất khó ghi nhận một cách trọn vẹn, chính xác và rõ ràng đối tượng quán sát và do đó sẽ rất khó khăn trong việc nói lại kinh nghiệm của mình cho thiền sư hay người hướng dẫn. Đó là lý do tại sao thiền sinh được dạy rằng phải niệm thầm khi ghi nhận đề mục. Tuy vậy, thiền sinh cũng gặp phải khó khăn trong khi ghi nhận đề mục vì khó tìm ngay được từ thích hợp để niệm các hiện tượng đang xảy ra. Do vậy,  thiền sinh chỉ cần dùng ngôn ngữ bình thường để ghi nhận các đề mục khi thực hành. 
 
9- Bạch ngài, như vậy phải chăng ngài luôn khuyến khích việc niệm thầm? 
 
Không, không phải luôn như vậy. Có nhiểu lúc đối tượng xuất hiện và diễn tiến quá nhanh chóng khiến bạn không đủ thời giờ niệm thầm bằng tên từng đối tượng một. Lúc bấy giờ bạn phải bỏ qua sự niệm thầm mà chỉ đơn thuần ghi nhận mọi diễn biến qua các thời điểm. Nhiều khi bạn có thể ý thức rõ ràng chánh niệm bốn, năm hay cả mười đề mục cùng một thì làm sao bạn có thể niệm thầm bằng tên từng đối tượng một cho tất cả các đề mục trong cùng một lần? Bạn dĩ nhiên sẽ  không có đủ thời giờ để ghi nhận bằng tên nhiều đề mục như vậy trong cùng một lúc. 
 
Gặp trường hợp như thế bạn cũng đừng bối rối hoặc lo lắng. Bạn chỉ thuần ghi nhận mà không niệm thầm. Nếu bạn cố gắng ghi nhận tất cả các đề mục thì chẳng bao lâu bạn sẽ mệt mỏi. 
 
Điểm chính trong việc hành thiền là ghi nhận các hiện tượng xảy ra đúng lúc. Như vậy khi có nhiều hiện tượng xảy ra cùng một lúc, thay vì ghi nhận và niệm thầm chuyển động phồng xẹp của bụng như thường lệ, bạn chuyển sang ghi nhận các đối tượng đang xảy ra mà không niệm thầm. 
 
11- Tại sao thiền sinh được dạy là ghi nhận “phồng, xẹp” khi ngồi, trong khi ngồi thì đáng lẽ ra phải ghi nhận “ngồi, ngồi”. 
 
Dĩ nhiên, ghi nhận “ngồi, ngồi” được xem là mục đích nhưng nếu thiền sinh ngồi trong một thời gian dài và phải chú tâm mãi vào một đề mục “ngồi” thì chắc chắn thiền sinh sẽ gặp phải sự mất quân bình phát sinh do quá ít tinh tấn nhưng lại quá nhiều định tâm, điều này dẫn đến dã dượi, buồn ngủ và chánh niệm cạn cợt, yếu kém. 
 
Vả lại, nếu chỉ ghi nhận “ngồi, ngồi” không thôi cũng khó thấy được diễn biến trong khi ngồi vì thiền sinh dễ rơi vào tình trạng ghi nhận tư thế ngồi một cách tổng quát nên không thấy được các đặc tính bên trong của sự vật. Đó là lý do tại sao thiền sinh phải lấy chuyển động phồng xẹp làm đề mục chính trong khi ngồi.
 
12- Làm thế nào để thiền sinh có thể cân bằng được định và tinh tấn qua sự  ghi nhận phồng, xẹp? 
 
Khi hành thiền cần phải cân bằng định và tinh tấn. Định tâm sẽ quá nhiều khi chỉ có một đề mục để ghi nhận và tinh tấn sẽ quá nhiều khi có nhiều đề mục để ghi nhận. Khi ghi nhận phồng, xẹp thì ta ghi nhận hai đề mục, đó là phồng và xẹp, nhờ thế tinh tấn và định được quân bình. 
 
13- Bạch ngài, tại sao phải ngồi một giờ và đi một giờ? 
 
Đi nhiều thì tinh tấn nhiều, nhưng định tâm it, và đi quá nhiều cũng có khi hại cho sức khỏe, bởi vậy, thiền sinh sau khi ngồi một giờ lại phải đi một giờ. Một giờ ngồi, một giờ đi xen kẻ như vậy giúp cho định tâm và tinh tấn quân bình. 
 
14- Bạch ngài, phải chăng ghi nhận chuyển động phồng, xẹp của bụng là nhằm mục đích thấy được cái bụng phồng xẹp hay thấy thêm gì nữa? 
 
Thoạt đầu mới hành thiền, thiền sinh chỉ đơn thuần chú tâm vào bụng, điều đó không trở ngại gì cả. Lúc mới đầu hành thiền đừng kỳ vọng phải thấy đạo quả, ngay cả tuệ giác đầu tiên là tuệ giác “phân biệt vật chất và tâm” cũng đừng mong ngóng. 
 
Đối với người mới hành thiền, việc cần phải làm là chú tâm chánh niệm để ngăn ngừa các chướng ngại, nhất là tâm lang bạt đây đó. Chỉ khi nào các chướng ngại: Tham, sân, bất an, giao động, dã dượi, buồn ngủ, nghi ngờ đã tạm thời chế ngự trong một thời gian, tâm tạm thời an định không bị quấy nhiễu thì thiền sinh mới bắt đầu thấy được thực tướng của sự vật bao gồm trong sự phồng xẹp như: căng, cứng, rung động… mà không bị dính mắc vào hình dáng hay tư thế của bụng. 
 
15- Bạch ngài, khi hành thiền phải ngồi như thế nào?
 
Có nhiều cách ngồi: 
 
         Ngồi kiết già: Hai chân xếp chéo, bàn chân này để trên bắp vế của bàn chân kia, hai gan bàn chân ngữa lên trời.
         Ngồi bán già, chân này đặt trên chân kia.
         Ngồi theo kiểu Miến Điện hay ngồi thỏai mái, hai chân không đặt lên nhau mà để rời ra , chân này đặt trước chân kia.
         Hoặc ngồi xếp cả hai chân về một bên như kiểu đàn bà ngồi. 
 
Đối với phụ nữ có thể ngồi theo cách nào thích hợp với mình cũng được, trừ khi ngồi nơi công cộng thì phải theo khuôn mẫu của số đông. Ngồi sao cũng được, điều quan trọng là chọn cách ngồi thế nào để có thể ngồi lâu hơn, giúp định tâm có cơ hội phát triển tốt đẹp, đạt được tuệ giác minh sát.
 
Người dịch: Hòa thượng Kim Triệu
Hiệu đính: Tỳ khưu Khánh Hỷ Aggasami Trần Minh Tài
(Còn tiếp)