Trang chủ Tin tức Văn phòng II GHPGVN và THPG TP.HCM tưởng niệm 701 năm Phật...

Văn phòng II GHPGVN và THPG TP.HCM tưởng niệm 701 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn

119

Đến chứng minh và tham dự có HT. Thích Đức Nghệp – Phó Thư ký HĐCM GHPGVN; HT. Thích Hiển Tu, HT. Thích Giác Thường, HT. Thích Ninh Hùng – Thành viên HĐCM; HT. Thích Từ Nhơn – Phó Chủ tịch thường trực HĐTS; HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT. Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Phật giáo quốc tế TW, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh; HT. Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Kinh tế Tài Chánh TW; Chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS trú xứ tại Tp. Hồ Chí Minh; chư Tôn giáo phẩm Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, 24 Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện; chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các Tự viện và đông đảo Tăng Ni sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, trường Trung cấp Phật học Tp. Hồ Chí Minh.

Buổi lễ hân hạnh đón tiếp ông Trần Trung Tính – Phó Chủ tịch UBMTTQ Tp. Hồ Chí Minh, Bà Lưu Thị Đính – Chủ tịch UBMTTQ quận 3; quý ông, bà đại diện cơ quan chức năng thành phố và quận 3.

Hoà thượng Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương GHPGVN, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh đọc diễn văn Đại lễ.

Mở đầu, diễn văn nêu rõ “Đức vua Trần Nhân Tông, vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần, vị vua anh minh lỗi lạc, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà tu hành chân chính, là một vì vua xuất gia, tu hành đắc đạo, người được Phật tử Việt Nam tôn vinh là Điều Ngự Giác Hoàng."

Diễn văn khẳng định "Là đại diện tiêu biểu cho tinh thần hòa hợp giữa đạo và đời, đức vua Trần Nhân Tông đã phát huy tính khế lý khế cơ của Đạo Phật để xây dựng một xã hội thái bình, thịnh trị, đồng thời luôn vun bồi, giữ gìn Phật pháp bền vững, xương minh, hướng con người đến với những giá trị chân thiện mỹ, khuyến khích những việc làm ích đời, lợi đạo. Ở trên cương vị nào, là vị vua đứng đầu đất nước hay nhà tu hành, đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đều có những đóng góp to lớn."

Hòa thượng Thích Trí Quảng nhấn mạnh "Đại lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông này, cũng là dịp để chư Tăng Ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giới Phật tử và xã hội có dịp chiêm ngưỡng và hiểu biết hơn về thời đại nhà Trần hào hùng trong lịch sử đất nước với vị Vua – Phật đại diện cho ý chí vươn lên và sự thống nhất đất nước là vua Trần Nhân Tông, cũng là một vị Tổ sư đã để lại cho đời sau sự nghiệp hành đạo sáng chói, kết hợp hài hòa giữa vai trò của một nhà vua và một nhà tu hành, Phật giáo luôn đồng hành cùng Dân tộc."

Tiếp đó, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS tuyên đọc tiểu sử Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Hoà thượng Thích Từ Nhơn – Phó Chủ tịch thường trực đọc lời tưởng niệm của Trung ương GHPGVN và Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn "Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là Giáo hội thống nhất Phật giáo cả nước, theo truyền thống Tốt đời Đẹp đạo hai ngàn năm lịch sử truyền thừa, nguyện tiếp tục sự nghiệp quang huy của Tổ, của hồn thiêng sông núi Đại Việt và tinh thần đoàn kết hòa hợp đa Tôn giáo, xây dựng một Tịnh độ tại nhân gian bằng tinh thần Phật giáo Việt Nam, con người Việt Nam và Dân tộc Việt Nam. Quả thật:

        “Vạn kiếp uy nghi ngôi Tháp Tổ

        Khói vẽ nên hình chốn nhân gian”.

Phần cuối lời tưởng niệm, Hòa thượng Thích Từ Nhơn khẳng định Tăng Ni, Phật tử GHPGVN "Một lòng thành kính cúi đầu đãnh lễ Lịch đại Tổ Sư, phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ vang danh chốn Tổ huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở.

Đồng thành kính nguyện thực hành: Giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các Tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm “Tốt Đời đẹp Đạo”, duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng nhờ ngoại lực để phát huy Đạo giáo và đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ; tạo dựng một Thiên đường, Cực lạc tại nhân gian trong lòng người, bằng triết lý Thiền là Sống, là Tâm Từ bi chan chứa mọi loài, trong kiếp hiện tại và mai sau của Trần thế. Thực hành Bồ tát đạo."

Phần cuối, chư Tôn giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử thành kính dâng hương tưởng niệm Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn lần thứ 701.