Trang chủ Bài nổi bật Về chùa nghe nhạc, sống an yên

Về chùa nghe nhạc, sống an yên

Đêm nhạc Phật giáo 'An Symphony' được Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM chỉ đạo nghệ thuật diễn ra trước thềm Xuân Giáp Thìn tại tu viện Khánh An được xem là buổi diễn giúp chữa lành tâm hồn.

53

Hàng trăm Phật tử, người yêu mến âm nhạc Phật giáo đã về tu viện Khánh An (quận 12), theo đăng ký trước đó. “Âm nhạc Phật giáo có độ sâu lắng, tiếng chuông hòa quyện giai điệu khuyến hóa con người sống thiện lành, buông bỏ phiền não giúp người nghe được chữa lành”, chị Lê Thị Thanh Xuân (quận Bình Thạnh) có mặt từ sớm chia sẻ.

Còn anh Trần Tuấn Vỹ ở quận 12 cho biết, khi con người tiếp xúc với âm thanh mang tần số phù hợp sẽ giúp tinh thần lắng dịu, khơi dậy suy nghĩ tích cực. Ngược lại, khi nghe nhạc với giai điệu và ca từ não nuột sẽ buồn bã thêm.

Nói về chương trình âm nhạc Phật giáo An Symphony, Thượng tọa Thích Trí Chơn, Trưởng ban, Viện chủ tu viện Khánh An cho biết: “Chưa bao giờ chữ An lại trở nên có giá trị cao cả, thiêng liêng trong trái tim mỗi con người như hôm nay”.

Lý giải về nhận định trên, Thượng tọa bày tỏ, mọi người đang sống trong một thế giới đầy biến động, bất toàn và bất trắc. Nhân loại đã chứng kiến một đại dịch lịch sử, Covid vừa lắng dịu đâu đó trên đất mẹ thân yêu, chiến tranh lại bùng lên.

“Hai chữ hòa bình đang đứng trước thách thức, đe dọa của tiếng đạn bom. Quê hương Việt Nam, đất nước Việt Nam sống trong thời bình, nhưng đứng trước sự tương tác trong hội nhập toàn cầu nên không tránh khỏi những lo toan. Đó là chưa nói mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tương giao xã hội, chỉ cần thiếu một chút đồng thuận thì bất an có thể xảy ra”, Thượng tọa Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM nói.

Chính vì vậy, kiến tạo năng lượng bình an là một việc làm cho mình mà cũng là cách đóng góp bình an cho thế giới.

Theo Thượng tọa, những khúc hát lời ca sâu lắng như là những giọt mưa xuân, dòng suối làm sạch, trôi đi những vất vả, lo toan với biết bao não phiền một năm qua. “An lành và hòa bình là lý tưởng, là ước vọng nhưng cũng là điều khả thi nếu mỗi con người thấy được giá trị của cuộc đời và thấy được mối quan hệ xung quanh của chúng ta là ta”, vị lãnh đạo ngành Văn hóa Phật giáo TP.HCM chia sẻ.

Thầy nói, không ai có thể sống độc lập, không ai có thể đứng một mình mà tồn tại, tất cả đều có sự tương tác lẫn nhau. “Mình an sẽ giúp cho người an, mình bình sẽ giúp người bình”.

Qua đó, Thượng tọa nhấn mạnh “muốn an thì phải lành, muốn bình thì phải hòa”.

Đêm nhạc lắng đọng với nhiều khúc Phật giáo, hòa tấu như Tịnh liên đài, Vạn cư vân, Đường chân đất, Kinh hoa cúc, Ta sẽ đi xa, Những giọt không và Tâm nguyệt, Padmapani (thơ thiền sư Thích Nhất Hạnh), Việt Nam huyền thoại (sáng tác mới của nhạc sĩ Sơn Mạch), Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh, Chú Đại bi.

Khán giả Nguyễn Vũ Hoàng Yên bày tỏ – đêm nhạc đã chạm vào trái tim bạn – đặc biệt là những chia sẻ của Thượng tọa Thích Trí Chơn là một lời nhắc ý nghĩa về “hòa-bình” gắn liền với chữ “An” mà mỗi người thực tập miên mật hằng ngày.

Lưu Đình Long