Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay 10 điều ấn tượng mùa Phật đản PL2555

10 điều ấn tượng mùa Phật đản PL2555

216

Việc tổng kết này chỉ dựa trên những bản tin đăng trên các trang mạng Phật giáo, vì vậy có thể bỏ sót các sự kiện ấn tượng nhưng không được đưa tin.

1. Cuộc rước Phật và diễu hành bằng xe đạp dài nhất

Bằng sức trẻ và lòng thành, gần 300 bạn trẻ thanh niên, sinh viên tình nguyện và thanh niên Phật tử chùa Bằng (Hà Nội) đã tạo ra một kỷ lục tâm linh, một sự kiện chưa từng có trong mùa Phật đản bằng việc đạp xe diễu hành rước Phật với quãng đường 35 km mỗi chiều, tổng cộng hơn 70 km từ chùa Bằng đến chùa Kim Long và ngược lại.

Việc không chỉ Phật tử mà cả các bạn thanh niên, sinh viên tham gia đạp xe rước Phật như vậy cho thấy tín tâm và sức sống của Phật giáo Việt Nam vẫn tiềm ẩn mạnh mẽ trong lòng dân tộc, chỉ chờ được khơi dậy và phát huy.

Nếu chúng ta bàng quan, thụ động trong việc hoằng dương Phật pháp đến với mọi người, mọi nhà, nhất là trong những dịp Đại lễ của Phật giáo, đó sẽ là sự thiếu sót rất lớn với lịch sử và tương lai của Phật giáo, của dân tộc Việt Nam.

Cũng trong mùa Phật đản năm nay, hoạt động rước Phật – một hoạt động mừng Phật đản sinh động, tạo điều kiện cho tất cả Phật tử được tham gia và trải nghiệm không khí Phật đản, lại có tính quảng bá và đưa Phật đản trở thành lễ hội quần chúng, đã được nhiều nơi, nhiều chùa tổ chức, để lại dấu ấn đầy hân hoan như chùa Viên Giác và một số chùa trên địa bàn quận Tân Bình, quận 10, chùa Kim Cương, đạp xe rước Phật của tuổi trẻ chùa Giác Tâm, Phước Hải (TP.HCM), chùa Bằng, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), chùa Kẻ Sặt (Hải Dương), từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm (TT. Huế)…


Phật tử chùa Giác Tâm, Phước Hải đạp xe diễu hành mừng Phật đản


Rước Phật của chùa Trấn Quốc trên đường Thanh Niên bên Hồ Tây

Năm tới, Trung ương GHPGVN cần đưa hoạt động rước Phật vào Thông bạch hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản, và Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN nên tổ chức một buổi hội thảo chuyên đề về tổ chức rước Phật trong mùa Phật đản.

2. Đại lễ Phật đản đông nhất

Thành phố Hải Phòng vốn là nơi có tín tâm với Phật rất lớn, lại là địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi cho việc phát triển Phật giáo. Trong một vài năm gần đây, Phật giáo Hải Phòng đã tổ chức một số hội thảo về hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử khu vực, toàn quốc, tạo đà cho phong trào tu học trên địa bàn. Và đến Đại lễ Phật đản năm nay, số lượng quần chúng nhân dân tham gia Đại lễ Phật đản đã lên đến con số trăm ngàn. Điều đặc biệt là với đặc thù của một thành phố đô thị tập trung, Phật giáo Hải Phòng tổ chức Đại lễ Phật đản vào buổi tối, tại hai nơi để có một cuộc rước trên đường phố (mang tính truyền thông thu hút người dân biết và đến), và có một đêm hội Phật đản thật sự (văn nghệ và thả hoa đăng).


Đường phố không còn chỗ chen chân

Đây mà một ví dụ để các tỉnh thành phố đô thị đông dân, kể cả Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhất là nơi Phật giáo mới hồi sinh trở lại tại miền Bắc cần học hỏi trong việc thu hút đông quần chúng đến với các sự kiện Phật giáo, gieo duyên lành để mọi người trở về với tôn giáo truyền thống.

3. Thành phố có các hoạt động Phật đản bền vững nhất

Huế – kinh đô một thời của Phật giáo Việt Nam vẫn chảy tràn sức sống mùa Phật đản trong lòng quần chúng nhân dân hàng trăm năm qua, dù thế cuộc có suy hay thịnh. Cứ nhìn lồng đèn được người dân sản xuất và bán trên đường phố là đủ hiểu sự gắn kết sâu rễ bên gốc của Phật giáo ở đây. Năm nay, Phật giáo Huế vẫn duy trì các hoạt động kính mừng Phật đản mang tính truyền thống như Rước Phật tử chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm, Diễu hành xe hoa, Thắp sáng 7 đóa hoa sen trên sông Hương, Văn nghệ của Gia đình Phật tử, dựng lễ đài tại tư gia…


Rước Phật qua cầu Trường Tiền


Mua bán lồng đèn – Một biểu hiện Phật đản về với mọi nhà

Đại lễ Phật đản như ở Huế có lẽ chính là mục tiêu mà khắp nơi trên cả nước đều hướng tới: có lễ, có hội, lan tỏa sâu rộng trong quần chúng, không trồi sụt năm này năm kia.

4. Ngôi chùa có nhiều hoạt động kính mừng Phật đản tiêu biểu nhất

Thật khó để kể ra một ngôi chùa có nhiều hoạt động kính mừng Phật đản nhất, vì mỗi ngôi chùa đều có những hoạt động tiêu biểu khác nhau, và rất nhiều chùa đã tích cực dấn thân để mang đến cho Phật tử một mùa Phật đản tràn ngập an vui, hân hoan và pháp lạc như chùa Thành (Lạng Sơn), chùa Phật Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang), chùa Từ Tân, chùa Trung Nghĩa (TP.HCM), Thiền viện Vạn Hạnh (Lâm Đồng), chùa Bằng, chùa Quan Âm (Hà Nội)…

Nhưng chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất chùa Viên Giác (quận Tân Bình, TP.HCM) là ngôi chùa có nhiều hoạt động kính mừng Phật đản tiêu biểu nhất. Nhiều là vì trong suốt 1 tuần lễ, chùa đã tổ chức các hoạt động như  các khóa lễ hàng ngày, rước Phật, văn nghệ, tắm Phật, chiếu phim, quy y, thuyết pháp, chiêm bái xá lợi Phật. Tiêu biểu vì giữa khu vực xóm đạo, nhà chùa đã tích cực dấn thân, huy động đông đảo Phật tử tham dự, tổ chức chu đáo, bài bản, không khí trang nghiêm, thành kính và hoan hỉ.


Chiếu phim về Đức Phật trong mùa Phật đản tại chùa Viên Giác

Tất nhiên, không phải chùa nào cũng đủ nguồn lực để thực hiện các hoạt động Phật đản như vậy, thế nhưng tinh thần dấn thân phụng sự Phật pháp, báo đáp tứ ân, sự huy động và tập hợp quần chúng Phật tử là điều mà các chùa không thể không học hỏi.

5. Tiệc chay mừng Phật đản có đông người tham dự nhất

Mùa Phật đản năm nay, chùa Thành (Lạng Sơn) đã tổ chức một buổi đại tiệc chay kính mừng Phật đản với con số khó tin: khoảng 9000 người tham dự. Đây là hoạt động mang tính quần chúng rất cao, thường được tổ chức trong các ngày kị, giỗ, hội chùa, nay được tổ chức trong ngày Phật đản đã góp phần giúp Phật tử và nhân dân gắn bó với các Phật sự trong mùa Phật đản, đồng thời truyền bá tinh thần từ bi, bảo vệ chúng sinh và môi trường của Phật giáo.

Nhiều chùa khác cũng tổ chức tiệc chay trong mùa Phật đản như Phật Quang (Kiên Giang), Giác Hải (Lâm Đồng)…


Tiệc chay chùa Phật Quang (Kiên Giang)

6. Chương trình Văn nghệ Phật giáo chuyên nghiệp và có có chất lượng nghệ thuật cao nhất

Trong những năm gần đây, không có nhiều chương trình văn nghệ Phật giáo mang tính chuyên nghiệp, và điều ngạc nhiên là nếu có thì các chương trình này được tổ chức tại miền Bắc, chứ không phải ở miền Trung và miền Nam, nơi vốn có truyền thống tổ chức các chương trình văn nghệ Phật giáo hoành tráng, chuyên nghiệp.

Mùa Phật đản năm nay, kế thừa những thành tựu từ chương trình văn nghệ mừng Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2008, Hương Sen Màu nhiệm 1 trong dịp Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, THPG Hà Nội và TT. Thích Minh Hiền đã tiếp tục thực hiện chương trình Hương Sen Màu nhiệm 2.

Mặc dù không có nhiều tiết mục mới so với lần trước, song đêm diễn vẫn mang đến cho khán giả những sự rung động thiêng liêng trong tâm khảm và trái tim bằng sự thành tâm và tài năng của các ca sĩ như Tân Nhàn, Lan Anh, Tùng Dương, Khánh Linh, Đức Tuấn, Tuấn Anh…, bằng sự huyền ảo trong ánh sáng và âm thanh, bằng sự sáng tạo đầy tâm huyết của ban tổ chức, nhất là của đạo diễn Việt Tú, nhạc sĩ Anh Quân, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Cù Lệ Duyên, biên đạo múa Hồng Phong, Kiều Lê, thiết kế mỹ thuật Đinh Công Đạt…

7. Khu phố rợp cờ Phật nhất

Điều không thể thiếu để mang lại không khí hân hoan kính mừng Phật đản chính là cờ hoa. Trong khi đây đó, nơi này nơi kia gặp khó khăn trong việc treo cờ thì chùa Hòe Nhai (quận Ba Đình, Hà Nội) đã cùng với chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện việc treo cờ Phật giáo một cách trân trọng trên các con phố quanh chùa như Hòe Nhai, Hàng Than, Nguyễn Trung Trực.

Kinh nghiệm ở đây cho thấy muốn thực hiện tốt việc treo cờ, nhà chùa phải tích cực giáo hóa quần chúng Phật tử, giải thích mục đích, ý nghĩa của lá cờ Phật và việc treo cờ, đồng thời có quan hệ tốt với chính quyền địa phương, giáo hóa và giúp họ hiểu việc treo cờ trong mùa Phật đản sẽ mang lại lợi ích gì trong việc vận động quần chúng và lòng dân của Chính quyền.

Năm nay, THPG Hà Nội cũng treo rất nhiều dây cờ Phật trên tuyến phố Quán Sứ, Trần Hưng Đạo, tạo ra một bầu trời rợp cờ Phật, mang lại không khí Phật đản tràn đầy sắc màu hân hoan. Nhiều nơi khác ở TP.HCM, Huế, Đà Nẵng…, cờ Phật cũng được treo dày đặc để kính mừng Phật đản.


Phố Quán Sứ

8. Đón mừng Phật đản tại tư gia xúc động nhất

Không nhiều địa phương có truyền thống đón Phật đản và treo cờ Phật tại tư gia mùa Phật đản, trừ Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Lâm Đồng…, trong khi đây chính là gốc rễ của việc kính mừng Phật đản.

Một gia đình không rõ tên, địa chỉ ở Quảng Trị đã tổ chức tại tư gia một mùa Phật đản thật giản dị, ý nghĩa và đầy xúc động, từ việc dọn dẹp, trang trí bàn thờ Phật đản sinh, liên hoan, văn nghệ. Điều thực sự gây xúc động chính là hình ảnh các em nhỏ, thế hệ tương lai của Phật giáo là nhân vật trung tâm, được hưởng nhiều niềm vui nhất trong mùa Phật đản.


Bé cùng gia đình chuẩn bị đón ngày đản sinh



Bữa cơm liên hoan gia đình mừng Phật đản – Có mấy gia đình làm được điều này?

Đây là một bài thuyết pháp tuyệt vời về tấm lòng của người con Phật dâng Phật đản sinh, đồng thời là sự nhắc nhở sâu sắc với nhiều cụ ông, cụ bà, các bậc cha mẹ đi chùa nhưng thiếu khuyến tấn, truyền trao Phật pháp cho con cháu, và cũng là một ví dụ điển hình để quý thầy nhắc nhở Phật tử đón mừng Phật đản tại gia như thế nào.

9. Phật tử Việt Nam tiếp nối truyền thống dân tộc mùa Phật đản trên xứ người

Năm nay, kiều bào Việt Nam ở xa tổ quốc tiếp tục duy trì truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc bằng việc tổ chức những lễ Phật đản trang trọng nơi xứ người như Lễ hội Phật đản tại Nam California, San Jose (Hoa Kỳ), chùa Trúc Lâm Kharkov (Ukraina)…


Phật đản tại chùa Trúc Lâm Kharkov (Ucraina)


Lễ Phật đản tại San Jose (Hoa Kỳ)

Những lời ca, điệu múa, nghi thức, rồi khăn xếp, áo dài… đều mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện sự duy trì và tiếp nối truyền thống nơi đất khách, mang đến cho Phật tử trong nước một sự khích lệ và đồng cảm sâu sắc của những người con Hồng cháu Lạc trong mùa Phật đản.

Điều đó cho thấy, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người con Phật Việt Nam đều có chung một tấm lòng hướng Phật trong mùa Phật đản.

10. Mùa Phật đản bận rộn nhất trên Phattuvietnam.net

Mùa Phật đản năm nay, Trang tin Phattuvietnam.net đã đưa 389 tin, bài về hoạt động kính mừng Phật đản, các ý kiến về việc tổ chức Phật đản, chưa kể các bài viết có chủ đề Phật đản thuộc thể loại khác như nghiên cứu, Phật học, văn học…

Trong suốt 10 ngày trước và sau tuần lễ Phật đản, từ sáng sớm đến đêm khua, tin tức về Phật đản khắp nơi bay về hòm thư Trang tin. BTV trang Tin đã cố gắng cập nhật nhanh nhất tin bài nhằm đáp lại sự tin tưởng của cộng tác viên, sự trông đợi của độc giả.

Điều đặc biệt là trong mùa Phật đản năm nay, Phattuvietnam.net không chỉ đơn thuần đưa tin về các hoạt động đã diễn ra, mà đã tích cực truyền thông về các hoạt động sẽ diễn ra, đồng thời còn truyền tải ý kiến, nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử về công tác chuẩn bị, tổ chức Đại lễ Phật đản, qua đó thúc đẩy việc tổ chức Phật đản xứng tầm để đáp ứng nguyện vọng tha thiết của quần chúng.

Trang tin Phattuvietnam.net thành kính tri ân quý cộng tác viên đã không quản ngại vất vả đưa tin, viết bài, kính tri ân quý độc giả đã đọc, viết phản hồi và hưởng ứng các chủ đề mà Phattuvietnam.net nêu ra.

Tất cả người con Phật Việt Nam trong và ngoài nước, trong đó có những người con Phật từ Phattuvietnam.net đã cùng được hưởng niềm vui, niềm hân hoan, xúc động trong mùa Phật đản PL2555, DL2011, để từ đó có thêm ý chí, động lực để tự lợi, lợi tha, hoằng dương và hộ trì Phật pháp, đem đạo vào đời, để cho Phật pháp mãi trường tồn trong lòng dân tộc Việt Nam, để cho ai ai cũng được tưới tẩm Pháp màu của Đức Phật, xây dựng một cuộc sống an lạc và hạnh phúc.